Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 nhóm bảo vật quốc gia, 1 di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, 5 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia và 365 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng gồm: 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 81 di tích cấp quốc gia, 282 di tích cấp tỉnh. Xác định vai trò quan trọng của công tác giáo dục truyền thống lịch sử, ý thức bảo vệ di sản văn hóa cho thế hệ trẻ, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở VH, TT và DL, Sở GD và ĐT xây dựng kế hoạch để các đơn vị trực thuộc phối hợp tổ chức các hoạt động tham quan, học tập cho học sinh tại Bảo tàng tỉnh, nhà truyền thống và các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu trên địa bàn.
Học sinh Trường THCS Giao Tiến nghe giáo dục truyền thống tại Di tích lịch sử - văn hoá đền, chùa thôn Thượng, xã Giao Tiến (Giao Thủy). |
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Bảo tàng tỉnh đã đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nhằm tạo dấu ấn và thu hút khách tham quan như: thành lập tổ giáo dục, đầu tư phương tiện, trang thiết bị, mi-crô, loa, màn chiếu, phương tiện phục vụ các đoàn học sinh các trường học trên địa bàn thành phố đến tham quan, tìm hiểu các giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống, cách mạng của quê hương. Nhiều trường ở các cấp học đăng ký các chương trình hoạt động ngoại khóa cho học sinh tại Bảo tàng tỉnh như hướng dẫn học sinh tham quan, học tập các nội dung trưng bày về lịch sử xã hội của tỉnh, tìm hiểu chuyên đề: Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - bản sắc và giá trị… Ngoài các hoạt động tại chỗ, Bảo tàng tỉnh còn phối hợp với các cơ sở giáo dục tổ chức cho học sinh đến tham quan các nhà truyền thống, nhà lưu niệm, khu di tích lịch sử - văn hóa trong tỉnh, giúp học sinh có cái nhìn tổng thể, sâu sắc hơn về những giá trị lịch sử - văn hóa của quê hương. Nhiều trường của Thành phố Nam Định đã chú trọng các hoạt động ứng dụng, trải nghiệm, sáng tạo cho học sinh, trong đó tổ chức cho các em tham quan các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh như: Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy (Vụ Bản), Khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp (TP Nam Định)... tạo sự hứng khởi cho học sinh tiếp cận với các kiến thức lịch sử và hiểu về giá trị các di sản. Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Nam Định) là một trong những đơn vị thường xuyên làm tốt công tác tổ chức trải nghiệm thực tế, giáo dục kiến thức về di sản văn hóa cho học sinh các khối lớp. Các chuyến đi tham quan, dâng hương tại các di tích lịch sử - văn hóa và tìm hiểu Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được trường tổ chức thường xuyên. Thầy giáo Nguyễn Duy Đức, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Việc tham quan thực tế, trải nghiệm tại các di tích lịch sử - văn hóa đã giúp học sinh có những nhận thức sâu sắc hơn về giá trị các di sản. Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP Nam Định) từ nhiều năm nay đã lồng ghép việc tìm hiểu các nhân vật, sự kiện lịch sử cho học sinh bằng hình thức sân khấu hóa với không gian biểu diễn ngay tại các di tích lịch sử - văn hóa đến tham quan. Vừa qua, nhà trường tổ chức hành trình trải nghiệm học tập cho các học sinh khối lớp 3 tại quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy (Vụ Bản). Học sinh được tìm hiểu về kiến trúc đặc sắc của các di tích, được giới thiệu Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”. Sau khi tham quan, học sinh viết bài thu hoạch tổng kết cảm nhận và những kiến thức thu được trong chuyến đi.
Đến nay các trường học trong tỉnh đã nhận chăm sóc gần 500 di tích lịch sử - văn hóa và khoảng 300 nghĩa trang liệt sĩ, đền thờ, đài tưởng niệm. Việc giáo dục truyền thống qua các di tích lịch sử - văn hóa được thực hiện có hiệu quả ở các trường học trên địa bàn Thành phố Nam Định và các huyện: Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, Nam Trực, Vụ Bản, Ý Yên. Ở huyện Giao Thủy, công tác giáo dục truyền thống lịch sử, ý thức bảo vệ di sản cho thế hệ trẻ được triển khai sâu rộng trong các trường THCS: Ngô Đồng, Giao Tiến; các trường tiểu học: Giao Phong, Giao Tiến A, Quất Lâm, Giao Thịnh A... Nhiều năm qua trong lễ hội Đền Hoành Đông, Trường THCS Thị trấn Ngô Đồng đều tổ chức cho học sinh tham gia lễ rước và dâng hương tưởng nhớ công lao các vị tiền nhân có công với quê hương, đất nước. Hằng năm, nhà trường tổ chức cho học sinh tìm hiểu di tích, thân thế sự nghiệp nhân vật được phụng thờ ở Đền Hoành Đông, sau đó các em viết thu hoạch. Xã Giao Tiến có 3 trường tiểu học và 1 trường THCS. Đã thành lệ, chiều mồng 4 hằng tháng giáo viên và hơn 200 học sinh các khối lớp 3, 4, 5 Trường Tiểu học Giao Tiến A lại tham gia quét dọn vệ sinh trong khuôn viên, khu vực nội tự di tích lịch sử - văn hoá Đền, Chùa An Hưng, sau đó các em tập trung tại khu vực nội tự, nghe giáo viên phân tích giá trị lịch sử, nghệ thuật của di tích, các nhân vật được thờ tại đền, chùa… Tại Nghĩa Hưng, Phòng GD và ĐT, Phòng VH-TT huyện đã ký chương trình phối hợp đảm nhận việc chăm sóc và giáo dục truyền thống cho học sinh qua các di tích lịch sử - văn hóa tại địa phương. Tại Trường THCS Nghĩa Phú, mỗi tháng học sinh đều thực hiện tổng vệ sinh trong khuôn viên di tích lịch sử - văn hóa Đền Bình Hải. Bên cạnh đó, nhà trường phân công giáo viên giới thiệu cho học sinh hiểu về giá trị lịch sử - văn hóa của di tích. Tại khu di tích lịch sử - văn hóa Đền, Chùa Hưng Thịnh, xã Hoàng Nam, hằng năm, trường THCS xã đều tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu về thân thế sự nghiệp của Tiến sĩ Phạm Nguyên Bảo và Phạm Đạo Phú; tổ chức dâng hương cùng địa phương nhân ngày mở hội; phân công cho từng khối lớp làm cỏ trong vườn, tưới nước, chăm sóc cây xanh, quét dọn vệ sinh trong khu nội tự… Ở huyện Ý Yên, cả 42 trường tiểu học, 33 trường THCS, 7 trường THPT đều tổ chức các hoạt động ngoại khóa góp phần nâng cao ý thức bảo tồn di sản văn hóa và giáo dục lý tưởng cách mạng cho học sinh. Hằng năm, vào dịp lễ hội, các trường tiểu học: Yên Đồng A, Yên Đồng B, THCS Yên Đồng… tổ chức cho học sinh tham quan di tích, tìm hiểu về Thánh Mẫu Liễu Hạnh, tín ngưỡng thờ Mẫu. Tại từ đường Khiếu Năng Tĩnh, xã Yên Cường hằng năm diễn ra lễ kỵ vào ngày mùng 6 tháng tư âm lịch; con cháu sau khi dâng hương tại di tích ai có thành tích học tập xuất sắc sẽ được vinh danh... Ở huyện Nam Trực, các trường tiểu học và THCS tổ chức cho học sinh dọn vệ sinh, trồng hoa, cây xanh tại các điểm di tích; tìm hiểu ý nghĩa của lễ hội gắn với các di tích ở địa phương. Tại Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền, thôn Dương A, xã Nam Thắng vào ngày diễn ra lễ hội truyền thống và các dịp khai giảng, tổng kết năm học, các trường học trên địa bàn đều tổ chức dâng hương, ôn lại thân thế sự nghiệp của Trạng nguyên Nguyễn Hiền và vinh danh những học sinh có thành tích học tập xuất sắc.
Thực tế việc giáo dục di sản đã nâng cao vốn hiểu biết của học sinh về lịch sử - văn hóa, bồi đắp thêm lòng yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào về truyền thống dân tộc, qua đó huy động lực lượng đông đảo trong xã hội cùng tham gia vào công tác bảo vệ và phát huy giá trị các di sản. Thời gian tới, ngành VH, TT và DL cùng ngành GD và ĐT tiếp tục phối hợp có hiệu quả chương trình giáo dục cho học sinh tại Bảo tàng tỉnh. Đẩy mạnh việc lồng ghép giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa vào các hoạt động cho học sinh tham quan, tìm hiểu các di tích, tham gia các trò chơi dân gian trong lễ hội truyền thống, từ đó nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ trong việc gìn giữ và phát huy giá trị các di sản văn hóa của quê hương./.
Bài và ảnh: Viết Dư