Các di tích thờ danh nhân văn hoá ở Trực Ninh

04:11, 23/11/2018

Huyện Trực Ninh có 35 di tích lịch sử - văn hóa đã được Nhà nước xếp hạng bảo vệ, tôn tạo; trong đó có nhiều di tích thờ danh nhân văn hóa, tiêu biểu như: Đền thờ - Lăng mộ Trạng nguyên Đào Sư Tích, Đền - Chùa Miễu thờ Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, Thị trấn Cổ Lễ; Đền Tuân Lục thờ quan Huấn đạo Đỗ Công Hạo, xã Liêm Hải; Đền Quỹ Đê thờ Phạm Quận công, xã Trực Hưng…

Đền thờ Trạng nguyên Đào Sư Tích là di tích lịch sử - văn hoá được Bộ VH, TT và DL xếp hạng cấp quốc gia. Theo cuốn Ngọc phả ghi chép bằng chữ Hán Nôm hiện còn lưu giữ tại đền thì Đào Sư Tích (1350-1396) là con thứ của Tiến sĩ Đào Toàn Bân. Ông quê làng Cổ Lễ, huyện Tây Chân, phủ Thiên Trường xưa. Là người có tư chất thông minh, ham học và được cha dạy bảo nên từ nhỏ Đào Sư Tích đã có tài làm thơ phú. Tại khoa thi Đại Tỵ, niên hiệu Long Khánh 2, triều Vua Trần Duệ Tông (1374), Đào Sư Tích đỗ Trạng nguyên và được vua bổ chức Thượng thư trông coi việc văn hoá, giáo dục của triều đình. Năm Tân Dậu (1381), ông được phong chức Nhập nội Hành khiển kiêm Hữu ty Lang trung. Đây là chức quan cao cấp trong triều đình nắm giữ cơ mật của đất nước, chỉ đứng sau Tể tướng. Trạng nguyên Đào Sư Tích phụng sự dưới 3 đời vua nhà Trần là Trần Duệ Tông, Trấn Phế Đế và Trần Thuận Tông. Năm Bính Tý (1396) Đào Sư Tích qua đời đột ngột trong thời gian đi sứ. Thi hài ông được đưa về mai táng tại quê nhà. Tưởng nhớ công lao của ông, các quan Thái thú, Tổng lý, Hương hào vùng Cổ Lễ đã tôn ông làm Phúc thần và lập đền thờ thờ ông cùng với người cha Đào Toàn Bân. Hiện tại khuôn viên Chùa Cổ Lễ cũng có ngôi đền thờ Đào Sư Tích (Đền quan Trạng) với tấm bia đá “Nhị Đào công từ bi” (bia về đền thờ hai cha con ông họ Đào). Sinh thời, Đào Sư Tích nổi tiếng về sự nghiệp văn chương. Đến nay, các sáng tác của ông hầu như đã bị thất lạc. Ông có nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Sách lược phục hưng Đại Việt cuối thời Trần, Văn sách thi Đình, Mộng ký, Cảnh tinh phú…

Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia Đền thờ Trạng nguyên Đào Sư Tích, Thị trấn Cổ Lễ.
Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia Đền thờ Trạng nguyên Đào Sư Tích, Thị trấn Cổ Lễ.

Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia Đền Tuân Lục thờ quan Huấn đạo Đỗ Công Hạo. Ông là người có học vấn uyên thâm. Năm 18 tuổi, ông đỗ tứ trường đạt học vị Hương cống tại khoa thi Quý Dậu dưới triều Vua Lê Nhân Tông, niên hiệu Thái Hoà 10 (1453). Ông được bổ chức quan Huấn đạo trông coi việc học hành của huyện Đường Hào, xứ Hải Dương. Đỗ Công Hạo là người đầu tiên mở mang nền học vấn cho dân làng Tuân Lục khi mở trường dạy học tại quê hương. Đến đời Vua Lê Thánh Tông, ông có công lớn phò giúp triều đình nhà Lê sơ đánh thắng giặc Chiêm Thành, bảo vệ, xây dựng đất nước. Để ghi nhận công đức của quan Huấn đạo với quê hương, dân làng tôn ông làm Thành hoàng. Tại đền Tuân Lục hiện còn lưu giữ nhiều đạo sắc phong và hệ thống các hiện vật có giá trị cao về nghệ thuật tạo hình thời Hậu Lê (thế kỷ XVII-XVIII) như: tượng thờ, ngai, bài vị, chuông đồng, sấu gỗ… Ngày nay, Đền Tuân Lục còn phối thờ các vị Thánh: Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Triệu Việt Vương và các vị thần làng trong truyền thuyết. Di tích Đền Tuân Lục được xây dựng từ thế kỷ XV bao gồm trên 20 hạng mục: nghi môn, sân, vườn, giải vũ, công trình kiến trúc chính (tiền đường và cung cấm), lăng mộ, miếu thờ...

Đền - Chùa Miễu, Thị trấn Cổ Lễ thờ Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật (1255-1330). Ông là con trai thứ 6 của Vua Trần Thái Tông. Trải qua trên 50 năm làm trọng thần dưới 5 triều đại Hoàng đế liên tiếp, Trần Nhật Duật được nhiều người biết đến là một nhà chính trị, quân sự Đại Việt tài ba thời Trần. Không chỉ là một vị tướng đầy bản lĩnh với tài trị quốc và đánh giặc, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật còn là người khoan dung độ lượng, tôn sùng Đạo giáo, thâm sâu kinh điển Đạo gia. Ngoài ra, ông có nhiều công trạng trong gây dựng, phát triển các sắc màu văn hóa Đại Việt trên các lĩnh vực: văn học, âm nhạc, ngôn ngữ. Chùa Miễu được thiết kế mang đậm nét văn hóa Phật giáo dân tộc theo lối “Tiền Phật, hậu Thánh”, “Nội công ngoại quốc”. Trước chùa là ao tròn tượng trưng cho nhật, nguyệt, giữa là con đường dẫn vào chùa. Cách Đền chừng 1km là Đền Miễu. Từ ngoài nhìn vào, ngôi đền được thiết kế theo kiến trúc trải rộng, cao dần, đồ sộ theo một trục chính khiến tổng thể công trình có thế vươn lên. Hiện di tích còn giữ được khá đầy đủ nguyên trạng ban đầu. Điều đặc biệt nhất ở Đền Miễu là công trình bảo tồn nhiều cấu kiện gỗ, nhất là những mảng chạm khắc tinh xảo, thể hiện sự phong phú về ngôn ngữ, tư tưởng và ước mơ về một cuộc sống thanh bình, hạnh phúc.

Trải qua thăng trầm của lịch sử, các di tích thờ danh nhân văn hoá ở Trực Ninh không chỉ bảo tồn nguyên trạng nghệ thuật kiến trúc công trình mà còn lưu giữ đầy đủ những giá trị truyền thống qua các lễ hội với những phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian đặc sắc. Hằng năm, cứ vào dịp mùa xuân và mùa thu, khắp làng trên xóm dưới, các hội làng diễn ra tưng bừng, náo nhiệt với nhiều trò chơi dân gian độc đáo. Tại Đền Tuân Lục, lễ hội làng truyền thống vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu diễn ra từ ngày mồng 5 đến ngày mồng 7 tháng Giêng hằng năm là dịp kỷ niệm ngày sinh của Thành hoàng Đỗ Công Hạo với nhiều nghi thức như: dâng hương, tế lễ... Tại Đền thờ Trạng nguyên Đào Sư Tích, từ ngày 12 đến 16-9 âm lịch hằng năm, nhân dân địa phương tưng bừng mở hội. Ngoài ra vào ngày kỵ Trạng nguyên Đào Sư Tích (4-9 âm lịch) và ngày kỵ Tiến sĩ Đào Toàn Bân (10-10 âm lịch), các con cháu trong các dòng họ: Dương, Nguyễn, Lê, Phan, Đào, Phạm tề tựu tại đền tổ chức tế lễ với các nghi thức trang trọng như: tế nam quan, tế nữ quan, dâng hương, dâng lễ vật. Tại Đền - Chùa Miễu, trong các ngày lễ của đạo Phật như: Lễ Phật đản, Lễ Vu lan, người dân được tham gia vào các hoạt động nấu cỗ, tế lễ và thưởng thức các món ăn chay truyền thống. Vào các dịp kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, tại di tích diễn ra các hoạt động tế lễ trang nghiêm mang đậm dấu ấn lịch sử thời Trần như: Lễ yên vị, lễ Chiếu văn, lễ rước Thánh, lễ dâng hương...

Để phát huy giá trị các di tích thờ danh nhân văn hoá, nhiều năm qua, huyện Trực Ninh đã tiến hành kiểm kê toàn bộ các di tích đã được Nhà nước xếp hạng; khảo sát, lập quy hoạch, đề nghị công nhận di tích lịch sử - văn hóa và chống xuống cấp di tích. Tăng cường quản lý và tổ chức lễ hội, góp phần gìn giữ và tôn vinh giá trị các di sản văn hoá, truyền thống khoa bảng của quê hương./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com