Thời gian qua, phong trào văn nghệ quần chúng ở huyện Xuân Trường phát triển mạnh, góp phần thiết thực vào công tác xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương. Để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của người dân, Trung tâm VH-TT-DL huyện thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật cho cán bộ văn hóa các xã, thị trấn và hạt nhân văn nghệ ở các tổ, đội, CLB. Các xã, thị trấn quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động văn hoá, văn nghệ.
Tiết mục biểu diễn ca múa nhạc của đội văn nghệ Trường THPT Xuân Trường A tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng huyện Xuân Trường năm 2018. |
Toàn huyện hiện có trên 20 CLB, đội văn nghệ cấp xã và hơn 100 CLB, đội, tổ văn nghệ ở các thôn, xóm, TDP. Các CLB, đội, tốp văn nghệ hoạt động đa dạng ở nhiều loại hình như: thơ, hát chèo, hát văn, múa, ca khúc cách mạng... Xã Xuân Kiên có CLB văn hoá nghệ thuật Kiên Lao, CLB thơ ca NCT, 13 đội văn nghệ ở các xóm và 3 đội văn nghệ trường học. Làng Kiên Lao là địa danh cổ gắn với nhiều di tích lịch sử - văn hoá. Từ nhu cầu phục vụ văn hoá tâm linh của dân làng, CLB văn hoá nghệ thuật làng Kiên Lao được thành lập, thường xuyên biểu diễn trong dịp lễ hội truyền thống hằng năm tại di tích lịch sử - văn hoá Đền - Chùa Kiên Lao (mồng 5, 6 tháng Giêng; 12, 13 tháng 8 âm lịch). Ông Nguyễn Văn Ái, Chủ nhiệm CLB, Trưởng Ban quản lý di tích - lịch sử văn hoá Đền - Chùa Kiên Lao cho biết: Thành lập từ năm 2015, đến nay, CLB có 12 thành viên nòng cốt. Ngoài dàn dựng các trích đoạn chèo cổ: “Tấm Cám”, “Lưu Bình - Dương Lễ’, “Đôi Ngọc lưu ly”, CLB đã sáng tác gần 20 bài hát chèo và nhiều bài hát văn có nội dung ca ngợi quê hương, đất nước. Hầu hết các thành viên trong CLB đều trực tiếp sản xuất nông nghiệp nên CLB thường bố trí lịch sinh hoạt, tập luyện vào thời điểm nông nhàn và hầu như tháng nào cũng nhận từ 2-3 “hợp đồng” biểu diễn. Những buổi biểu diễn của CLB chủ yếu là những đám mừng thọ, đám cưới, hội nghị, hội diễn hoặc hát chèo, hát văn, quan họ tại các di tích như: Miếu Đông Đình (xã Xuân Tiến), Từ đường Phạm Gốc Mạc (xã Xuân Kiên), Đền - Chùa Xuân Bảng, Đền - Chùa Bắc Câu (Thị trấn Xuân Trường)... Ở xã Xuân Hồng, nghệ thuật hát chèo được người dân gìn giữ và phát triển ở các làng: Tiên Dũng, Phú Thuỷ, Hồng Thiện, Lục Thuỷ, Phú Yên. Hằng năm, âm vang của nghệ thuật chèo vẫn vang lên trong các ngày diễn ra lễ hội tại các di tích lịch sử - văn hoá như: Đền Ngọc Tiên, Đền - Chùa Xuân Thiện, Đình Lục Thuỷ, Đình Hạ Thiện… Những buổi diễn của các đội, CLB văn nghệ với các vở diễn, hoạt cảnh chèo phản ánh những vấn đề hiện thực trong đời sống, tập trung vào các đề tài: Thương binh, liệt sĩ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phong trào xây dựng nếp sống văn hoá, công tác dân số - KHHGĐ… Cùng với nghệ thuật chèo, CLB hát văn Hành Thiện được thành lập năm 2011, có từ 10-15 thành viên, hoạt động trên cơ sở tự nguyện. Ông Nguyễn Trường Lý, Chủ nhiệm CLB cho biết: Hầu hết các bài hát văn được các thành viên trong CLB soạn lời mới có giai điệu vui tươi, trong sáng, mang âm hưởng trữ tình, sâu lắng, có nội dung ca ngợi quê hương, đất nước. Tiêu biểu là các bài hát văn lời cổ như: “Hội làng”; các giá chầu “Quan đệ tam”, “Cô bé thượng ngàn”, Văn “Công đồng”, “Tam toà Thánh Mẫu”, “Chầu đệ nhị”, “Chúa thác Bờ”…; và một số bài hát văn lời mới như: “Bài ca đất nước dâng Người”, “Nợ quê”, “Bức tranh quê xưa”, “Đảng là đỉnh sáng quang vinh”, “Nam Định quê tôi”… Ngoài việc biểu diễn phục vụ nhân dân địa phương vào dịp lễ hội Chùa Keo Hành Thiện (từ mùng 10 đến 15-9 âm lịch), CLB hát văn Hành Thiện còn diễn xướng cùng với các giá hầu đồng tại các đền, phủ, miếu linh thiêng ở các huyện: Hải Hậu, Giao Thuỷ, Trực Ninh, Nam Trực, Vụ Bản... Ở xã Thọ Nghiệp, các hoạt động văn hóa, văn nghệ phát triển sâu rộng đã tạo sự gắn kết cộng đồng, động viên nhân dân hăng say lao động, sản xuất. Đội văn nghệ xã có từ 20-30 người là các hạt nhân văn nghệ tiêu biểu được tuyển chọn ở 23 xóm. Thành viên của đội chủ yếu là hội viên Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, giáo viên và học sinh các trường tiểu học, THCS xã. Với thế mạnh có nhiều thành viên biết hát, múa dân gian, đương đại, đội đã dàn dựng được nhiều tiết mục biểu diễn đa dạng. Tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng huyện tổ chức nhân dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Quốc khánh 2-9 vừa qua, đội văn nghệ xã Thọ Nghiệp xuất sắc giành giải Nhất toàn đoàn. Ở các xã: Xuân Ninh, Xuân Tân, Xuân Tiến, Xuân Phú, Xuân Trung…, nghệ thuật chèo, ca trù, chầu văn cũng đã thấm sâu vào đời sống sinh hoạt của người dân. Mỗi CLB chèo có từ 10-20 thành viên, tự đảm nhận các công việc từ hoà âm, phối khí, sáng tác, đạo diễn, diễn viên... Ở mỗi CLB, các thành viên đều tự quyên góp kinh phí mua sắm trang phục, nhạc cụ, đạo cụ và tự viết kịch bản dàn dựng biểu diễn phục vụ nhân dân địa phương vào các ngày kỷ niệm lớn của Đảng, của đất nước như: Chiến thắng (30-4), Quốc khánh (2-9), Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18-11)… Để duy trì và phát triển, các đội, CLB văn nghệ còn lồng ghép vào nội dung sinh hoạt của các CLB như: CLB không sinh con thứ 3; CLB gia đình hạnh phúc; CLB tiền hôn nhân...
Huyện Xuân Trường tuy không phải là “cái nôi” của nghệ thuật hát chèo, chầu văn nhưng giá trị văn hoá truyền thống của địa phương vẫn được các đội, CLB văn hoá, văn nghệ bảo tồn và phát huy. Trong các kỳ hội diễn văn nghệ, các địa phương đặc biệt khuyến khích các tiết mục dân ca, nhạc cổ truyền mang đặc trưng văn hoá vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trong các đội văn nghệ làng xã, nhiều thành viên cao tuổi tham gia sáng tạo, gìn giữ và truyền dạy văn nghệ dân gian, nhạc cụ dân tộc, tiêu biểu như các ông, bà: Phạm Bá Nhẫn, Vũ Văn Chiến, Mai Thị Xuân (xã Xuân Ninh); Nguyễn Trường Lý (xã Xuân Hồng); Nguyễn Văn Ái, Mai Hiên (xã Xuân Kiên)… Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động văn nghệ những năm gần đây cũng được các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm đầu tư với hệ thống nhà văn hóa phát triển mạnh từ xã đến các thôn xóm, là cơ sở để đẩy mạnh các sinh hoạt văn hóa văn nghệ cộng đồng. Ngoài ra, toàn huyện còn có hàng trăm CLB với nhiều loại hình phong phú, trong đó chủ yếu là các CLB thơ sinh hoạt định kỳ thu hút hàng chục nghìn hội viên tham gia. Các loại hình hoạt động văn hóa nghệ thuật đều được xây dựng theo phương thức xã hội hóa.
Đồng chí Phạm Văn Thành, Giám đốc Trung tâm VH-TT-DL huyện Xuân Trường cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn về kinh phí nhưng hoạt động của các CLB, đội văn nghệ quần chúng trên địa bàn huyện vẫn phát triển cả về số lượng và chất lượng. Các tổ, đội văn nghệ tham gia tích cực trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, ở hầu khắp các xã, thị trấn trong huyện đều tổ chức giao lưu văn nghệ giữa các thôn, xóm, tổ dân phố. Trên cơ sở đó tuyển chọn lực lượng nòng cốt để thành lập các đoàn nghệ thuật tham gia hội diễn nghệ thuật quần chúng của huyện.
Phong trào văn nghệ quần chúng ở huyện Xuân Trường phát triển, đã góp phần khích lệ, động viên nhân dân thêm tin yêu Đảng, tự hào về đất nước, đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng