Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Vụ Bản luôn quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện để phong trào văn nghệ quần chúng phát triển sâu rộng, góp phần tu dưỡng tinh thần, tạo động lực cho nhân dân hăng say lao động sản xuất, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Hằng năm Trung tâm VH, TT và DL huyện đều tổ chức các lớp bồi dưỡng nghệ thuật cho cán bộ văn hóa xã, thị trấn và hạt nhân văn nghệ ở các tổ, đội, CLB. Các xã, thị trấn đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động văn hóa văn nghệ, tổ chức hội diễn văn nghệ; khuyến khích những người am hiểu văn nghệ tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy các giá trị văn hoá, văn nghệ truyền thống của địa phương... Hội diễn văn nghệ quần chúng huyện Vụ Bản tổ chức vào dịp kỷ niệm 73 năm Quốc khánh 2-9 vừa qua đã thu hút các đoàn nghệ thuật ở cả 18 xã, thị trấn trong huyện với hàng trăm diễn viên, nhạc công không chuyên biểu diễn 35 tiết mục ca - múa - nhạc. Theo đánh giá chuyên môn, các tiết mục ở các thể loại tham gia hội diễn đều có cấu trúc hợp lý; tiêu biểu như các tiết mục múa hầu đồng: “Cô đôi Thượng Ngàn”, “Cô bé Đông Cuông”, hát văn “Quê hương Vụ Bản”, múa “Nông thôn ngày mới”… Hội diễn như buổi tổng duyệt đánh giá chất lượng phong trào văn nghệ quần chúng ở các địa phương trong huyện. Nhiều xã có phong trào văn nghệ quần chúng mạnh như: Trung Thành, Kim Thái, Quang Trung, Hiển Khánh, Thành Lợi, Hợp Hưng vẫn đứng tốp đầu về chất lượng nghệ thuật. Xã Đại Thắng hiện có 22 tổ, đội văn nghệ quần chúng ở 17 thôn và các trường học. Chị Ngô Thị Lan đội trưởng đội văn nghệ thôn Đông Linh cho biết: Đội văn nghệ thôn được thành lập năm 2016, với 10 thành viên, có khả năng biểu diễn đa dạng các loại hình: hát chèo, ca khúc cách mạng và dàn dựng các tiểu phẩm. Để có các tiết mục đặc sắc, chị Lan đã sưu tầm các đĩa nhạc dạy làn điệu dân ca để các thành viên tập luyện. Trong các tiết mục biểu diễn, đội văn nghệ Đông Linh đều lồng ghép, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, xây dựng NTM, KHHGĐ. Hiện nay, đội đang dàn dựng tiểu phẩm “Gia đình bác Huếnh” phục vụ tuyên truyền về dân số - KHHGĐ. Ở xã Cộng Hòa vài năm trở lại đây các xóm đều có đội văn nghệ, trong đó đội văn nghệ thôn Thiện Vịnh hoạt động hiệu quả với nhiều hạt nhân được chọn vào đội văn nghệ của xã. Chúng tôi chứng kiến các thành viên đội văn nghệ thôn Thiện Vịnh đang luyện tập các tiết mục chuẩn bị cho Tết Trung thu ở NVH thôn. Chị Hoàng Ánh Tuyết đang dàn dựng các tiết mục của đội cho biết: Do tập hợp được những người có năng khiếu về văn nghệ ở nhiều lứa tuổi tham gia, nên đội có thể biểu diễn đa dạng các thể loại từ chèo, nhạc trẻ, nhạc cách mạng đến các vũ điệu... Chị Tuyết là giáo viên dạy nhạc ở Trường THCS Cộng Hòa đã tổ chức các buổi bồi dưỡng kiến thức về nhạc lý cho các thành viên trong đội. Bên cạnh đó NVH thôn Thiện Vịnh vừa được xây mới theo chuẩn NTM với đầy đủ trang thiết bị, sân khấu là cơ sở cho đội văn nghệ thôn duy trì luyện tập. Xã Quang Trung là địa phương có nền kinh tế phát triển nên các đội văn nghệ có điều kiện kinh phí duy trì hoạt động từ nguồn xã hội hóa. Hiện nay cả 14 thôn, xóm của xã đều có đội văn nghệ.
Tiết mục múa “Người về thăm quê” của đội văn nghệ xã Tân Khánh biểu diễn tại Hội diễn văn nghệ quần chúng huyện Vụ Bản năm 2018. |
Ở Vụ Bản, vào các dịp lễ hội đều có tiết mục văn nghệ dân gian của các đội văn nghệ quần chúng biểu diễn. Trong phần hội, nhiều đội văn nghệ đã dàn dựng được hoạt cảnh, giá đồng với các làn điệu chèo cổ, hát xẩm, hát văn. Trong lễ hội làng Quả Linh, xã Thành Lợi bên cạnh các trò chơi truyền thống, các chương trình văn nghệ tại sân khấu nổi ở ao làng do các thành viên CLB văn nghệ người cao tuổi và thanh niên làng Quả Linh biểu diễn như thi thơ, hát trống quân, thi hát văn… kéo dài trong những ngày hội. Trong đó, tiêu biểu là nghệ thuật hát trống quân do thành viên CLB người cao tuổi các miền Lê Lợi, Mỹ Trung, Cốc Thành thể hiện. Hiện nay, hát trống quân ở xã Thành Lợi không chỉ diễn ra vào dịp lễ hội tháng 3 mà còn vào dịp Tết Trung thu hằng năm. Ở xã Kim Thái, hằng năm vào ngày mùng 4-3 âm lịch, hội thi hát chầu văn trong lễ hội Phủ Dầy được tổ chức tại Phủ Tiên Hương và Phủ Vân Cát. Ban tổ chức lễ hội đã xây dựng quy chế thi chặt chẽ, các cung văn dự thi hát các bài hát văn cổ, trang phục phù hợp… Không gian văn hóa tâm linh đã góp phần đưa vẻ đẹp của hát văn và nghi lễ hầu đồng có dịp lan tỏa tới du khách thập phương và đến gần hơn với cộng đồng.
Phong trào văn nghệ ở Vụ Bản phát triển mạnh bởi các địa phương gắn văn nghệ quần chúng với hoạt động của các đoàn thể nên đã một phần tháo gỡ khó khăn về kinh phí cho các CLB văn nghệ tập luyện, biểu diễn. Bên cạnh đó, phong trào văn nghệ ở Vụ Bản phát triển bền vững còn xuất phát từ những hạt nhân đam mê gìn giữ nghệ thuật truyền thống. Ông Trần Viết Trường, xã Kim Thái là một trong số các nghệ nhân nặng lòng với hát văn truyền thống. Nhiều năm qua, ông tham gia dạy các lớp hát văn ngay tại Phủ Tiên Hương và đến nay đã đào tạo được hơn 20 nghệ nhân hát văn trẻ. Chị Nguyễn Thị Thủy (40 tuổi) xóm Quang Tiến, xã Quang Trung từ nhiều năm qua ngoài hát tại các đền phủ trong và ngoài huyện còn tổ chức các lớp dạy hát văn cho nhiều người. Bà Nguyễn Thị Nhinh (71 tuổi), chủ nhiệm CLB văn nghệ thôn Tiên, xã Đại Thắng từng là diễn viên của Đoàn chèo Lúa Mới (tỉnh Hà Đông cũ), năm 1973 sau khi lập gia đình bà đã thành lập đội văn nghệ HTX Đại Đồng. Là chủ nhiệm đội văn nghệ thôn, với vốn kiến thức phong phú về hát chèo, hát văn, bà Nhinh vẫn miệt mài truyền dạy cho các thành viên.
Với việc quan tâm chỉ đạo định hướng, khuyến khích người dân tham gia sáng tạo, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống, đồng thời có cơ chế hỗ trợ các CLB văn nghệ quần chúng hoạt động, huyện Vụ Bản đã tạo nền tảng bền vững để phong trào văn nghệ quần chúng phát triển./.
Bài và ảnh: Viết Dư