Những năm qua, phong trào văn nghệ quần chúng ở tỉnh ta phát triển sâu rộng với nhiều loại hình nghệ thuật dân gian trong đó các hạt nhân văn nghệ hầu hết đều là người cao tuổi. Đây là nguồn lực, nhân tố quan trọng để phát triển phong trào văn nghệ quần chúng.
Bà Nguyễn Thị Hiên (bên trái) xóm Đề Thám, xã Trực Cường, huyện Trực Ninh đang hướng dẫn các thành viên trong đội văn nghệ hát chèo. |
Ở xóm Đề Thám, xã Trực Cường (Trực Ninh), bà Nguyễn Thị Hiên (67 tuổi) là người có nhiều năm biểu diễn, truyền dạy nghệ thuật hát chèo, hát văn ở các địa phương trong và ngoài huyện. Sinh ra ở xã Hải Hà, ngay từ nhỏ bà Hiên đã theo gánh hát chèo địa phương đi phục vụ khắp nơi trong vùng. Năm 1974, bà lập gia đình và được ông nội của chồng khi đó là NSƯT Nguyễn Thanh Kỳ truyền dạy kỹ năng biểu diễn hát chèo. Từ năm 1976, bà Hiên cùng chồng dàn dựng nhiều ca cảnh chèo, sáng tác các bài hát văn và truyền dạy kỹ năng biểu diễn cho những người đam mê. Năm 2012, sau khi chồng qua đời, bà Hiên tiếp tục công việc gây dựng các đội chèo ở địa phương. Hiện nay, bà đang là Chủ nhiệm CLB Văn hóa - nghệ thuật Hội Phụ nữ xã Trực Cường với gần 30 hội viên. Để tập hợp những người đam mê hát chèo, bà đã đến từng gia đình vận động các thành viên tham gia. Tranh thủ dịp nông nhàn, mỗi buổi sinh hoạt của CLB, bà đều tận tình hướng dẫn các thành viên trong CLB luyện tập cách lấy hơi, luyến láy, bắt nhịp phách, biểu đạt cảm xúc khi biểu diễn… Với khả năng sáng tác các hoạt cảnh chèo ca ngợi quê hương, đất nước, xây dựng NTM, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nêu gương điển hình tiên tiến của địa phương, bà Hiên đã giúp CLB có dàn kịch mục phong phú để biểu diễn. Để CLB hoạt động hiệu quả, bà Hiên đã hiện thực hóa ý tưởng thành lập 14 tổ văn nghệ ở các xóm do chi hội trưởng hoặc chi hội phó Hội Phụ nữ làm tổ trưởng. Ngoài thành lập CLB văn nghệ ở Trực Cường, bà Hiên còn gây dựng phong trào văn nghệ ở các xã Hải Đông, Hải An, Hải Toàn ở huyện Hải Hậu.
Ở huyện Nghĩa Hưng, bà Trần Thị Hồng Thân (62 tuổi) là một trong những người có công phát triển phong trào văn hóa - nghệ thuật ở địa phương. Hiện nay, bà nắm giữ nhiều kỹ năng của các loại hình nghệ thuật truyền thống như: Hát chèo, hát văn, múa rối nước. Năm 1969, bà bắt đầu tham gia hát văn tại đội văn nghệ xã Nghĩa Trung và trở thành nhân tố chính của đội. Năm 1972, sau khi hoàn thành khóa học hát chèo từ các nghệ sĩ của Đoàn Chèo Nam Hà, bà cùng đội văn nghệ tham gia các hội diễn hát chèo trên cả nước và đạt được nhiều thành tích cao. Đến nay, bà Thân đã thành lập 9 CLB hát văn, hát chèo tại các xã: Nam Điền, Nghĩa Trung, Nghĩa Hải, Nghĩa Hùng, Nghĩa Thái, Hoàng Nam, Nghĩa Lâm, Nghĩa Châu, Thị trấn Rạng Đông. Để các CLB hoạt động hiệu quả, bà đã truyền dạy các kỹ năng hát văn, hát chèo cho các thành viên trong 9 CLB, trực tiếp dàn dựng chương trình, các vở diễn, tổ chức hội thi giữa các CLB để khích lệ, động viên các thành viên. Năm 1998, bà bắt đầu bén duyên với nghệ thuật múa rối nước. Sau 2 tháng học múa rối nước, bà trở về quê hương thành lập phường múa rối nước Nghĩa Trung. Là trưởng phường múa rối, bà là người trực tiếp truyền dạy các kỹ năng hát, múa rối nước cho các thành viên. Phường múa rối nước Nghĩa Trung khi mới thành lập chỉ có 6 thành viên từ đội văn nghệ của xã chuyển sang, cơ sở vật chất còn nghèo nàn. Đến nay, phường múa rối nước đã có 22 người, thường xuyên được đi biểu diễn khắp các địa phương trên cả nước.
Ở xã Hải Châu (Hải Hậu), ông Đinh Thạch Biên có gần 40 năm làm đội trưởng đội chèo. Hiện nay, ông Biên là người biểu diễn được nhiều điệu chèo cổ và chơi thành thạo các nhạc cụ như sáo, nhị, đàn bầu, đàn nguyệt. Những năm tháng tuổi thơ theo cha là cụ Đinh Văn Tỉnh cùng đội chèo địa phương tập luyện và biểu diễn trong các lễ hội làng đã hun đúc trong ông tình yêu đặc biệt với nghệ thuật chèo. Trong những năm chống Mỹ cứu nước, tham gia chiến đấu tại các mặt trận Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Tây Nguyên, ông Biên được coi là “cây văn nghệ” của đơn vị C3, Trung đoàn 49. Sau mỗi trận đánh ác liệt, những phút giải lao, mỗi lần tiếng sáo của ông cất lên, các chiến sĩ trong đơn vị lại được tiếp thêm niềm tin yêu, lạc quan để bền chí đánh giặc.
Năm 1976, xuất ngũ trở về địa phương, ông Biên được giao phụ trách Đài truyền thanh của xã kiêm đội trưởng đội văn nghệ. Niềm say mê với nghệ thuật chèo là động lực khiến ông tập hợp các nhạc công, tìm kiếm và truyền nghề cho diễn viên trẻ. Để đáp ứng kịp thời nhiệm vụ tuyên truyền, vừa chỉ huy dàn nhạc, ông Biên còn sáng tác gần 30 hoạt cảnh chèo với nhiều đề tài. Những vở diễn do ông sáng tác phản ánh những vấn đề hiện thực trong đời sống, trong đó xây dựng thành công những gương sáng, nhân tố mới trên các mảng đề tài: Thương binh, liệt sĩ; chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi, phong trào xây dựng nếp sống văn hoá, công tác dân số - KHHGĐ... Ông Trần Đắc Hồng (81 tuổi), xã Mỹ Hưng hiện là Chủ nhiệm CLB thơ - ca Mỹ Lộc là người dành nhiều tâm huyết với phong trào văn nghệ quần chúng. Để gây dựng phong trào thơ - ca của huyện, ông đã trực tiếp về từng xã, thị trấn động viên những người yêu thơ ca thành lập các tổ, đội, CLB thơ - ca cơ sở. Năm 2013, CLB thơ Mỹ Lộc (nay là CLB thơ - ca Mỹ Lộc) chính thức được thành lập và hoạt động hiệu quả dưới sự quản lý của Trung tâm VH-TT-TT huyện. Đến nay, ở 11 xã, thị trấn của huyện đều có các CLB thơ - ca hoạt động thường xuyên. Trong đó tiêu biểu nhất là CLB thơ - ca Mỹ Thắng do ông trực tiếp gây dựng và hướng dẫn tổ chức các chương trình giao lưu thơ - ca vào dịp sinh nhật Bác Hồ (19-5), Quốc khánh 2-9… Hiện nay, ông Hồng đang xây dựng kế hoạch phối hợp với một số trường học trên địa bàn huyện tổ chức dạy các làn điệu chèo, chầu văn cho học sinh nhằm tiếp tục phát triển phong trào văn nghệ ở các địa phương và trường học trong huyện.
Thực tế trên địa bàn tỉnh, còn nhiều hạt nhân văn nghệ có khả năng tập hợp, tổ chức, phát triển phong trào văn nghệ quần chúng, vừa sáng tác kịch bản, đạo diễn và biểu diễn; tiêu biểu như Nghệ nhân Ưu tú Quang Lộc, bà Nguyễn Thị Lý, ông Nhật Thăng (Ý Yên); cụ Đặng Mạnh Yêu (Mỹ Lộc); bà Nguyễn Thị Hồng The, ông Viết Nhương (Nam Trực); ông Hoàng Cần, Phạm Uy (Hải Hậu)… Họ là những “giọng hát hay, tay đàn giỏi” từng nhiều lần đạt giải cao tại các hội thi, hội diễn nghệ thuật cấp huyện, tỉnh và khu vực luôn giữ vai trò “cố vấn” hướng dẫn các ca sĩ, diễn viên trẻ không chuyên hoàn thiện các kỹ năng biểu diễn, góp phần duy trì, phát triển các CLB, đội văn nghệ ở các địa phương trong tỉnh./.
Bài và ảnh: Viết Dư