Vụ Bản xây dựng gia đình văn hoá

09:08, 24/08/2018

Nhận thức việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá gia đình truyền thống gắn với xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, hạnh phúc, tiến bộ” là cơ sở để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Vụ Bản đã quan tâm chỉ đạo, triển khai nhiều phong trào, hoạt động thiết thực về công tác gia đình. Phong trào xây dựng “Gia đình văn hoá” được đẩy mạnh đã làm cho mỗi người, mỗi gia đình nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc giáo dục đạo đức và nếp sống văn hoá gia đình.

Gia đình ông Nguyễn Viết Thăng, thôn Lúa xã Minh Tân là gia đình văn hoá tiêu biểu, được UBND tỉnh tặng Bằng khen.
Gia đình ông Nguyễn Viết Thăng, thôn Lúa xã Minh Tân là gia đình văn hoá tiêu biểu, được UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Với sự “vào cuộc” của các tổ chức, đoàn thể và sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, phong trào xây dựng “Gia đình văn hoá” đã thu được nhiều kết quả, đóng góp to lớn vào phong trào xây dựng đời sống văn hoá cơ sở. Việc bình xét, công nhận gia đình văn hoá công khai, dân chủ, số lượng và chất lượng gia đình đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hoá” ngày càng được nâng lên. Đến nay, toàn huyện có 92% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá”; trên 80% gia đình văn hoá 3 năm liền. Xã Liên Minh là “điểm sáng” trong phong trào xây dựng gia đình văn hoá của huyện. Điểm nổi bật trong xây dựng gia đình văn hóa ở Liên Minh là cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân luôn chú trọng đến việc xây dựng, hoàn thiện hương ước trên cơ sở bảo lưu có chọn lọc những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Ở 15 thôn, xóm, các CLB: “Không sinh con thứ 3”, “Gia đình hạnh phúc”, “Gia đình giúp đỡ nhau phát triển kinh tế”, “Tuổi trẻ tránh xa tệ nạn xã hội”… hoạt động đa dạng, phong phú. Hằng năm, tỷ lệ gia đình văn hoá của xã luôn đạt từ 85-95%. Ở các thôn: Giáp Nhì, Ngõ Trang, Trung Nghĩa, Vân Bảng, An Lễ, Hồ Sơn, Tâm, Tiền… đã xuất hiện nhiều gia đình văn hoá làm kinh tế giỏi; tiêu biểu như gia đình các ông: Vũ Tiến Soạn, Vũ Văn Đoán, Trần Văn Trạch… Bà Đinh Thị Hội là một trong số nhiều gia đình văn hoá ở thôn Trung Nghĩa luôn thực hiện tốt quy ước cộng đồng, quy chế hoạt động của khu dân cư. Là nữ bí thư chi bộ gương mẫu, bà Hội luôn đi đầu, vận động đảng viên và nhân dân trong thôn thực hiện tốt phong trào xây dựng “Gia đình văn hoá”. Trong các buổi sinh hoạt, họp dân về công tác gia đình, các điều khoản quy định về dân số - KHHGĐ, các chính sách bảo vệ quyền lợi phụ nữ, chăm sóc trẻ em luôn được bà phổ biến đến từng cá nhân, từng gia đình. Ở xã Minh Tân, phong trào xây dựng “Gia đình văn hoá” có tác động tích cực để phát triển các phong trào: Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, nuôi con tốt, dạy con ngoan; Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo; Gia đình thể thao, Gia đình sức khỏe.. Hằng năm, việc bình xét danh hiệu “Gia đình văn hoá” luôn bảo đảm khách quan, trung thực. Đến nay, xã đã có 87% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá”, trong đó nhiều thôn đạt tỷ lệ cao như: Thôn Lúa (90%), Thôn Chiều (85%), Thôn Hoàng (trên 90%). Đặc biệt, ở xã, các gia đình văn hoá từ 3-4 thế hệ luôn bảo tồn phát huy được giá trị văn hoá truyền thống với các nguyên tắc: gia đạo, gia phong, gia lễ. Gia đình ông Phạm Viết Thăng, xã Minh Tân nhiều năm liền được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Là sĩ quan quân đội nghỉ hưu, ông và các thành viên trong gia đình luôn gương mẫu thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đề cao những chuẩn mực văn hoá gia đình truyền thống. Là bí thư chi bộ thôn, ông luôn có ý thức xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… Thực hiện phong trào “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, ông cùng các thành viên trong gia đình luôn quan tâm, động viên kịp thời những hộ có hoàn cảnh khó khăn; vận động nhân dân đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Gia đình ông luôn tiên phong trong các phong trào quyên góp ủng hộ từ thiện như xây dựng các quỹ: “Xoá đói giảm nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Vì nạn nhân chất độc da cam…”.

Tại các làng nghề truyền thống ở huyện Vụ Bản như: nghề rèn ở xã Quang Trung; nghề làm mây tre đan, cót, thủ công mỹ nghệ ở các xã: Vĩnh Hào, Liên Minh, Hiển Khánh, Cộng Hoà; nghề dệt ở xã Thành Lợi; nghề may, thêu ở các xã: Thành Lợi, Minh Thuận, Đại Thắng, Tam Thanh…, tỷ lệ gia đình văn hoá luôn đạt trên 80%. Các làng nghề đã khai thác những tinh hoa văn hóa của làng nghề truyền thống, duy trì nền nếp gia phong trong mỗi gia đình, dòng họ, luôn đề cao việc hình thành nhân cách sống, nếp sống, nếp nghĩ từng thành viên trong gia đình. Đây là những yếu tố tạo ra sự gắn bó và cấu kết bền chặt của cộng đồng dân cư ở các thôn làng. Tại các vùng đất cổ như: thôn Chinh (xã Trung Thành); làng Tân Cốc (xã Tân Thành); làng Bách Cốc (xã Thành Lợi)…, những giá trị luân thường đạo lý, phẩm hạnh con người theo quan niệm đạo đức truyền thống trong gia đình và xã hội được đề cao. Những tục lệ đầu năm như: Lễ động thổ, tục lệ trong đêm Trừ tịch, lễ Khai hạ, lễ Thần nông, lễ Tịch điền, lễ Thượng Nguyên hay cúng Rằm tháng Giêng, cúng Thổ công cũng được gia đình ở các địa phương lưu giữ, bảo tồn. Những nét đẹp văn hóa trong gia đình ở các làng nghề đã kết tinh trong nếp sống văn hoá hằng ngày của nhân dân, để con em ở mỗi làng nghề đều nỗ lực bồi đắp, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong thời kỳ phát triển và hội nhập.

Để tiếp tục gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá gia đình truyền thống, Phòng VH, TT huyện Vụ Bản cần tích cực phối hợp với UBND các xã, thị trấn chỉ đạo thực hiện phong trào xây dựng “Gia đình văn hoá”; vận động các hộ dân phát huy những giá trị đạo đức của gia đình truyền thống, giữ vững gia phong, làm tốt việc giáo dục con cái. Thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết công tác gia đình văn hoá; định kỳ biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích trong xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM”./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com