PGS.TS, nhà báo Nguyễn Hồng Vinh vừa ra mắt bạn đọc cuốn “Thơ và dấu ấn cuộc đời” (Nhà xuất bản Văn học - 2018). Cuốn sách gồm 2 phần: Phần 1 tuyển 52 bài thơ của ông sáng tác từ cuối năm 2016 đến nay. Phần 2 gồm 37 bài viết của nhiều tác giả có tên tuổi trên lĩnh vực văn học, báo chí giới thiệu thơ và những hoạt động báo chí, văn hóa, văn nghệ của ông.
PGS.TS, nhà báo Nguyễn Hồng Vinh quê xã Hồng Quang (Nam Trực). Ông đã từng đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước: Ủy viên BCH Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội các khóa X, XI, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Văn học - Nghệ thuật Trung ương. Với học hàm, học vị cao và với sự năng động, sáng tạo, trên cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trên lĩnh vực báo chí, Nguyễn Hồng Vinh là nhà quản lý và là một nhà báo có “thương hiệu” lớn với các bài chính luận, bình luận, xã luận sắc sảo, mạnh mẽ, được coi là “súng đại bác” của báo chí.
Ở lĩnh vực thơ ca, tiếp theo 6 tập thơ đã được xuất bản: “Từ những nẻo đường”, “Thao thức dòng đời” (2010), “Nhịp điệu thời gian” (2012), “Miền thương nhớ” (2013), “Màu ký ức” (2015), “Lãng quên thì thầm” (2016), cũng như tên gọi, “Thơ và dấu ấn cuộc đời” là sự đánh dấu một giai đoạn sáng tác, mở ra chặng đường mới của nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh.
Đọc 52 bài thơ ở phần đầu cuốn sách, có thể thấy bao trùm trong thơ Nguyễn Hồng Vinh là thái độ tri ân của tác giả với cuộc đời, với quê hương, bè bạn, gia đình và những người thân yêu. Ở đó, là sự hoài niệm về một giai đoạn có tác động mạnh đến tư tưởng, tình cảm và cả những hoài bão trong con người Nguyễn Hồng Vinh - thời kỳ ông đi học tại Liên Xô (cũ). Ông có nhiều bài thơ viết về những kỷ niệm trong những năm tháng ấy: “Tôi không thể quên những khóe mắt rưng rưng/ Của những cựu binh Xô Viết/ Đã sang thăm Việt Nam giữa những ngày chống Mỹ gian nan/ Máu và tri thức Liên Xô đã góp vàng mùa gặt/ Đất nước tôi liền dải non sông/ “Giai điệu nước Nga” vẫn vang vang trong trái tim người Việt! (Nước Nga trong tôi). Hay “Nhớ sao đêm lửa trại/ Má em hồng cùng than/ Thịt cừu thơm tỏa khắp/ Vang lời ca tha thiết/ “Chiều Mát-xcơ-va đắm say” (Nhớ nước Nga). Những bài thơ của ông như tiếng lòng của những du học sinh Việt Nam từng một thời du học, gắn bó với đất nước của Lê-nin vĩ đại: “Ba thập niên có lẻ/ Ta tạm xa nước Nga/ Bao thăng trầm dữ dội/ Có lúc thắt tim ta” (Nhớ nước Nga).
Là người làm báo nên Nguyễn Hồng Vinh cũng có nhiều bài thơ mang tính thời sự. Trong bài thơ “Tản mạn đầu xuân”, ông viết “Cửa ra vào phòng sếp/ Dấu chân đè dấu chân/ Quà không còn chỗ đặt”… “Có người một túi sách/ Bằng mười nhà tặng Dân”. Qua những câu thơ trên, người đọc cảm nhận được những vấn đề còn tồn tại trong cuộc sống hôm nay nhưng cách nhìn của ông không cực đoan, phá phách. Trước sự xuống cấp của đạo đức xã hội do tác động bởi mặt trái nền kinh tế thị trường (hình ảnh cụ thể là có một số người tặng túi sách trị giá 500 triệu đồng, bằng 10 ngôi nhà tặng các gia đình chính sách), ông có thái độ nghiêm khắc thông qua những suy lý về cuộc đời: “Những khổ đau, oan trái/ Giữa cái thiện, lòng tham/ Danh lợi và chức quyền/ Cứ đan xen thường nhật/ Càng ngẫm lời kinh Phật/ Đời - sắc sắc không không” (Vô đề 1). Hay “Tiền tài và danh vọng/ Trộn đắng cay xé lòng/ Hòa tan bao nước mắt/ Xóa nhòa nụ cười duyên…/ “Ngẫm ra đều phù vân/ Hão huyền và ảo tưởng/ Chỉ tình người còn đẹp/ Giữa bốn bề trái ngang” (Vô đề 3).
Trong phần 1 của cuốn sách, Nguyễn Hồng Vinh có nhiều bài thơ viết về những người thân của mình. Trong bài thơ “Yêu sao cháu gái” tặng cháu gái 4 tuổi, người đọc cảm nhận được một người ông thật độ lượng, dịu dàng: “Nay đi học muộn/ Mặt cháu tỉnh khô/ Mắt không chịu mở/ Bà bỏ qua cho”. Và cuộc sống trong gia đình chính khách của ông cũng giản dị, ấm áp như bao gia đình khác: “Tối nào cũng vậy/ Mời ông ngồi xem/ Tập làm cô giáo/ Giảng toán cộng trừ…”.
Từng là một chính khách nhưng trong ông cũng có một Hồng Vinh rất đời thường, đa tình với những phút giây lãng mạn, xao lòng: “Thấm thoắt nay đã thành bà ngoại/ Tình cờ gặp lại quán ven đường/ Gió áo từng đợt, bao lá rụng/ Trời xanh ngút ngát nỗi bâng khuâng (Bâng khuâng thu). Hay “Duyên kỳ ngộ đưa em lại Sầm Sơn/ Sao chỉ một lặng thầm dạo bước?/ Hàng phi lao năm nào, đã vươn cao vút/ Cát vẫn hằn hai dấu chân xưa?” (Ký ức Sầm Sơn).
Với Nguyễn Hồng Vinh, người đọc cảm nhận trong thơ ông có chất hào sảng của chính khách, sự sắc sảo, nhanh nhạy của người làm báo và đương nhiên là chất tự sự, trữ tình mang đặc trưng cơ bản của thơ ca. Thế mạnh trong thơ ông là việc sử dụng ngôn ngữ dung dị, bật ra từ cảm xúc thực của mình đối với những hoài niệm, sự việc, cảnh vật, con người ở những nơi ông đã đi, đã gặp, đã chứng kiến. Bởi vậy thơ ông rất thật và đời, viết ra từ những ý tưởng hay với một trái tim ấm nóng.
Phần II của cuốn sách với tiêu đề “Dấu ấn cuộc đời” tập hợp 37 bài viết của các nhà văn, nhà báo, nhà phê bình có tên tuổi đối với thơ và các tác phẩm báo chí của Nguyễn Hồng Vinh. Đọc các bài viết: “Cây bút Nguyễn Hồng Vinh gắn liền với những dấu mốc lịch sử” (Mai Cường), “Một hồn thơ trẻ lại bất ngờ” (Bằng Việt), “Say thơ cũng bởi say đời” (Hữu Thỉnh), “Một người đang lắng nghe giọng nói của mình” (Nguyễn Quang Thiều), “Giữ bền ngọn lửa” (Phan Quang), “Những trải nghiệm dọc dài đất nước” (Hải Đường), “Như là nỗi nhớ thì thầm” (Nguyễn Hữu Quý)…, độc giả sẽ cảm nhận được chân dung, tâm hồn nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh đa dạng trong sự thống nhất: Đó là một chính khách trí tuệ, hào sảng, một nhà báo nhanh nhạy, sắc sảo, một giọng thơ giàu cảm xúc với những mạch nguồn tươi mới đang dạt dào tuôn chảy./.
Trần Đức Long