Trên địa bàn Thành phố Nam Định có 10 di tích cấp tỉnh, 8 di tích cấp quốc gia và 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt. Trong số các di tích được Nhà nước xếp hạng có nhiều ngôi chùa có giá trị lịch sử, văn hoá và nghệ thuật kiến trúc độc đáo. Tiêu biểu như: Chùa Phổ Minh, Chùa Vĩnh Trường (phường Lộc Vượng), Chùa Đệ Tứ (phường Lộc Hạ), Chùa Thỏ (xã Lộc Hoà). Những ngôi chùa không chỉ là nơi ghi dấu công sức, tài năng, trí tuệ của các thế hệ qua từng thời đại mà còn là bằng chứng xác thực, cụ thể về đặc điểm văn hóa vùng miền, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tâm linh của nhân dân.
Di tích lịch sử - văn hoá Chùa Phổ Minh (phường Lộc Vượng). |
Khu di tích lịch sử - văn hoá Đền Trần - Chùa Phổ Minh (phường Lộc Vượng, Thành phố Nam Định) được Bộ VH, TT và DL xếp hạng là di tích cấp quốc gia đặc biệt năm 2012. Chùa Phổ Minh được xây dựng dưới thời Lý, được triều Trần mở rộng vào năm 1262. Nằm phía tây cung điện Trùng Quang, Chùa Phổ Minh là nơi tu hành của nhiều sư tăng triều Trần, đặc biệt là Đức Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Ông là vị vua có công trong 2 lần kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII và là vị Tổ thứ đầu tiên của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Sau khi sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm, Vua Trần Nhân Tông đã sử dụng Chùa Phổ Minh làm cơ sở truyền đạo cho dân. Chùa Phổ Minh có quy mô bề thế theo hình chữ “công”, kiến trúc chính của chùa bao gồm: 9 gian tiền đường, 3 gian thiêu hương và 1 tòa thượng điện. Gian giữa tiền đường có bộ cửa 4 cánh bằng gỗ lim, chạm trổ sóng nước, hoa lá và hoa văn hình học; hai cánh giữa chạm đôi rồng chầu mặt trời. Tam quan chùa gồm 3 gian bằng gỗ, tường xây gạch, mái lợp ngói, trên cửa có bốn chữ “Đại Hùng Bảo Điện”. Phía trước là bức bình phong và sân chùa. Hai bên có hai nhà bia: bia đá bên phải đề dòng chữ “Phổ Minh Thiền Tự” khắc năm Mậu Thân (1668), bia đá bên trái ghi dòng chữ “Phổ Minh Bảo Tháp Từ Bi” khắc năm Bính Thìn (1916). Trong chùa, ngoài tượng Phật, Bồ Tát được thờ ở chính điện còn có tượng Trần Nhân Tông, Thiền sư Pháp Hoa, Thiền sư Huyền Quang thờ ở hậu điện. Sau thượng điện là tòa nhà 11 gian kéo dài theo hình chữ “nhất”, giữa là 5 gian nhà tổ, bên trái là 3 gian nhà tăng, bên phải là 3 gian điện thờ. Chùa Phổ Minh là công trình tín ngưỡng mở đầu kiến trúc Phật giáo thế kỷ XIX-XX nên các chạm khắc ở đây còn lưu giữ được dấu ấn của thời Trần, thời Mạc như: bộ cửa gỗ lim, tháp Phổ Minh, đôi sấu ở tam quan, rồng ở thành bậc tiền đường, tượng Bà chúa Mạc... Trong đó, công trình có giá trị nhất, giữ vai trò chủ đạo là tháp Phổ Minh. Tháp Phổ Minh được xây bằng chất liệu hỗn hợp giữa gạch và đá. Bệ và tầng dưới của tháp được xây bằng loại đá xanh mịn, có sức nặng, làm tăng độ bền cho móng nền. Các tầng trên đều được xây bằng gạch nung mỏng, nhẹ. Kết cấu của tháp ở các tầng đá chủ yếu dựa vào các mộng và keo vữa kết dính. Dạng kiến trúc của tháp là dạng trung gian giữa loại tháp hoa sen (phần trên) và tháp tu-di-tọa (phần đế). Không thuộc vào loại cao lớn, nhưng do bề ngang hẹp, nên tháp Phổ Minh có dáng cao, thanh mảnh, gợi cảm giác siêu thoát linh thiêng.
Chùa Đệ Tứ (phường Lộc Hạ) tọa lạc trên nền móng cũ của cung Đệ Tứ - một trong 4 cung điện của Vương triều Trần xây dựng dành cho các Vương phi, Công chúa và hoàng thân quốc thích nghỉ ngơi. Trải qua thời gian, hiện chùa vẫn còn lưu giữ những địa danh mang nhiều ý nghĩa lịch sử như: Ao Kho (kho hàng, lương nhà Trần), Thượng Viên, Viên Vĩ (khu vườn cảnh)... Cũng giống như nhiều ngôi chùa khác được xây dựng trên đất Thiên Trường xưa, Chùa Đệ Tứ ngoài thờ Phật còn thờ các danh tướng nhà Trần như: Trần Nhật Duật, Phạm Ngũ Lão. Nằm quay hướng tây, ẩn dưới những tán cây cổ thụ to lớn và quang cảnh làng mạc thanh bình, công trình kiến trúc Chùa Đệ Tứ được xây dựng trên một khu đất cao ráo, rộng khoảng 3.000m2, thiết kế theo kiểu nội công ngoại quốc gồm: tiền đường, tam bảo, thượng điện. Ngoài công trình chính, Chùa Đệ tứ còn có các hạng mục như: nhà thờ tổ, nhà khách, tăng phòng, phủ mẫu, hành lang và hệ thống tường bao quanh tạo thành một không gian linh thiêng, gần gũi và tĩnh lặng. Tiền đường gồm 5 gian 2 chái, được tu sửa vào năm Thành Thái thứ 8 mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Toàn bộ tiền đường có 6 bộ vì kết cấu chồng rường giá chiêng, bẩy tiền, bẩy hậu. Trên các xà dọc, xà nách, câu đầu được điểm xuyết nhẹ nhàng các họa tiết long chầu, tứ quý, lá lật. Gánh đỡ bộ mái tiền đường gồm 24 cây cột lim, đường kính 0,3m. Nối liền với tiền đường là tam bảo 4 gian xây dọc. Trên các câu đầu, bẩy, kẻ được bào trơn, chạy đường chỉ kép. Tại tam bảo có bài trí 15 pho tượng mang phong cách thời Nguyễn. Thượng điện gồm 3 gian xây ngang, nối với tam bảo bằng kỹ thuật giao mái bắt vần. Tại đây, các cấu kiện gỗ được trang trí nhẹ nhàng, đơn giản, tạo thành một không gian rộng rãi, thoáng đạt. Bao quanh ngôi chùa là nhà tổ 7 gian, nhà khách 7 gian, phủ mẫu 3 gian, tăng phòng 5 gian. Các hạng mục công trình này đều được làm bằng gỗ lim, mái lợp ngói nam. Trong chùa, cách bài trí các tượng Phật được sắp xếp theo phái Đại thừa gồm: 3 pho tượng Tam thế biểu tượng của 3 giai đoạn tu hành: quá khứ, hiện tại, vị lai. Kế tiếp là các tượng: Bồ tát, Ngọc hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Thổ địa, Thánh tăng...
Chùa Thỏ (Chùa Thanh Long), xã Lộc Hoà là công trình văn hoá tâm linh thờ Phật và các vị thần: Đông Hải đại vương Đoàn Thượng, Cao Mang đại vương, Trình Gia tướng quân, Nguyên Đông Hải tôn thất và thành hoàng bản thổ. Trên mặt bằng tổng thể, Chùa Thỏ bao gồm các hạng mục kiến trúc như: tam quan, vườn, sân, chùa chính, nhà tổ, nhà khách, phủ Mẫu. Tam quan chùa có 3 cửa ra vào gồm: trung quan, không quan và giả quan. Trung quan được thiết kế theo kiểu chồng diêm 3 tầng, gắn ngói nam. Tầng trên xây gạch, treo chuông đồng, 4 cửa cuốn vành mai với 4 đầu đao uốn cong mềm mại. Chùa chính gồm: bái đường 5 gian, tam bảo 4 gian. Toà bái đường có kích thước dài 15,2m, rộng 7,4m. Bộ mái lợp ngói nam, trên mái xây bờ nóc theo phong cách nghệ thuật thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Trên hiên bái đường có đắp trang trí cuốn thư nhấn nổi 3 chữ Hán “Thanh Long tự”. Hai bên cuốn thư điểm hoạ tiết lưỡng long chầu nguyệt. Tam bảo chùa có kích thước dài 8,1m, rộng 6,2m, xây nối với bái đường tạo thành bình đồ kiến trúc hình chữ “đinh”. Hệ thống chịu lực chính trong chùa là các trụ gạch đặt trên chân tảng kiểu cổ bổng. Nằm giữa các trụ gạch là 7 lớp bệ xây giật từ cao xuống thấp, bài trí 20 pho tượng bằng gỗ. Công trình nhà tổ kết cấu hình chữ “nhị” gồm 2 toà: tiền đường và hậu đường. Trong đó, tiền đường được đổ mái bằng, bộ khung thiết kế quá giang cầu kèo. Hậu đường bài trí ban thờ sư tổ Bồ đề đạt ma và các vị sư trụ trì chùa qua các giai đoan lịch sử. Với giá trị về lịch sử, văn hoá và nghệ thuật kiến trúc, Chùa Thỏ được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh năm 2009.
Là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hoá truyền thống nên các nghi thức thờ cúng ở mỗi di tích trên đều diễn ra trang nghiêm. Vào các ngày sóc, vọng hằng tháng hay các dịp đại lễ của đạo Phật hằng năm như: Nguyên đán, Thượng nguyên, Phật đản, Trung nguyên, Vu lan… đều diễn ra các khóa lễ tụng kinh, niệm Phật. Bên cạnh đó, vào các dịp lễ hội truyền thống như: Lễ hội Chùa Thỏ (mồng 4 tháng giêng, 5-5, 10-12 âm lịch); lễ hội Chùa Vĩnh Trường (4-2, 10-8 âm lịch), lễ hội Khai ấn (14 tháng giêng), lễ hội Trần (20-8) tại Khu di tích Đền Trần - Chùa Tháp đều diễn ra các nghi thức tế lễ, rước trang trọng cùng các hoạt động văn hoá dân gian: múa lân - sư - rồng, hát chèo, múa rối nước, chọi gà… thu hút đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương về dự. Những ngôi chùa cổ ở Thành phố Nam Định với phong cách nghệ thuật kiến trúc dân gian đã thể hiện óc sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân xưa. Trải qua thời gian, các di tích vẫn được chính quyền, nhân dân các địa phương quan tâm bảo tồn, gìn giữ, thể hiện lòng thành kính trước những di sản văn hóa truyền thống, tôn vinh nét tài hoa và trí tuệ của cha ông./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng