Sôi nổi phong trào văn nghệ quần chúng ở Trực Ninh

06:07, 06/07/2018

Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở ở Trực Ninh luôn quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện để phong trào văn nghệ quần chúng phát triển sâu rộng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, tạo động lực cho nhân dân hăng say lao động sản xuất, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có hàng chục tổ, tốp, CLB, đội văn nghệ ở 21 xã, thị trấn; mỗi tổ, đội có từ 15 đến 30 thành viên. Ở các CLB, đội văn nghệ, các thành viên đều tự nguyện đóng góp kinh phí xây dựng, luyện tập, tổ chức nhiều buổi biểu diễn phục vụ nhân dân. Nhiều địa phương như: Thị trấn Cổ Lễ, các xã Liêm Hải, Trực Tuấn, Trực Cường, Trực Đại, Trực Hùng… đã hình thành các đội, CLB văn nghệ hát dân ca. Xã Trực Cường tuy điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng phong trào văn nghệ luôn ở tốp đầu của huyện. Có được điều đó bởi xã đã làm tốt công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa văn nghệ. Hiện nay, xã Trực Cường có 14 tổ văn nghệ ở các xóm, 1 CLB Đàn hát dân ca người cao tuổi, 1 CLB Văn hóa - Nghệ thuật của Hội Phụ nữ xã. CLB Đàn hát dân ca người cao tuổi xã Trực Cường có 12 thành viên do ông Đặng Xuân Kiên (72 tuổi) làm chủ nhiệm. CLB đã dàn dựng nhiều ca cảnh chèo như “Tình mẹ”, “Luật đời”, “Người về nghe tiếng hát ru” thường xuyên biểu diễn ở các lễ hội trong và ngoài huyện. CLB Văn hóa - Nghệ thuật Hội Phụ nữ xã Trực Cường có gần 30 hội viên do bà Nguyễn Thị Hiên làm chủ nhiệm. CLB có 14 tổ văn nghệ ở các xóm do chi hội trưởng hoặc chi hội phó chi Hội Phụ nữ làm tổ trưởng. Để duy trì hoạt động của các CLB văn nghệ yếu tố quan trọng là các hạt nhân giữ lửa phong trào. Bà Nguyễn Thị Hiên (67 tuổi), xóm Đề Thám, nắm giữ nhiều kỹ năng biểu diễn truyền dạy nghệ thuật hát chèo, hát văn. Từ năm 1976, bà Hiên cùng chồng là hạt nhân tích cực của đội chèo xã, đã dàn dựng nhiều ca cảnh chèo, sáng tác các bài hát văn và truyền dạy kỹ năng biểu diễn cho những người đam mê. Năm 2012 sau khi chồng qua đời, bà Hiên tiếp tục công việc gây dựng thành lập các đội chèo ở địa phương. Cũng ở xóm Đề Thám, ông Phạm Ngọc Tuyền (61 tuổi) nguyên cán bộ văn hóa xã vẫn tích cực cống hiến cho phong trào văn nghệ ở địa phương. Với tài năng chơi các loại nhạc cụ dân tộc, ông thành lập ban nhạc dân tộc để vừa làm nòng cốt duy trì hoạt động của các CLB chèo, vừa phục vụ lễ hội ở các di tích.

Một buổi luyện tập của CLB Văn hóa - Nghệ thuật Hội Phụ nữ xã Trực Cường.
Một buổi luyện tập của CLB Văn hóa - Nghệ thuật Hội Phụ nữ xã Trực Cường.

Xã Liêm Hải có 8 làng, mỗi làng đều có đội văn nghệ quần chúng. Đội chèo làng Hải Lộ Cự được thành lập từ năm 2000, sau đó phát triển thành CLB chèo xã. Hiện nay, CLB có 25 thành viên, trong đó có 6 nhạc công và 19 diễn viên. Các thành viên trong CLB đảm nhận các công việc từ múa, hát, diễn xuất, sáng tác, dàn dựng chương trình kịch mục… Điều ghi nhận trong hoạt động của CLB là sự ủng hộ của nhân dân và sự hỗ trợ của chính quyền xã về kinh phí hoạt động. Đến nay, quỹ hoạt động của CLB luôn ổn định từ 40-50 triệu đồng. CLB đã trang bị được đủ hệ thống loa, đài, tăng âm, trang phục, đạo cụ biểu diễn và một số nhạc cụ dân tộc như: đàn tam, đàn nhị, sáo trúc, lưu, hồ, trống, phách... Từ ngày nâng cấp thành CLB chèo của xã, lịch biểu diễn của CLB cũng đều đặn hơn, chất lượng các chương trình nghệ thuật từng bước được nâng lên. Ngoài biểu diễn nhuần nhuyễn các vở chèo cổ, CLB còn dàn dựng các chương trình hát văn, ca khúc cách mạng với chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước... Hiện nay, ngoài phục vụ các lễ hội làng, các nhiệm vụ chính trị, sự kiện ở địa phương, CLB còn biểu diễn ở nhiều lễ hội truyền thống tại các di tích lịch sử - văn hoá của các xã trong khu vực. Ở Thị trấn Cổ Lễ, hoạt động văn nghệ diễn ra sôi nổi, tiêu biểu nhất là CLB văn nghệ liên thế hệ được thành lập từ năm 1997, đến nay có 30 hội viên, đã dàn dựng nhiều tiết mục văn nghệ và tích cực phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Vào dịp mừng Đảng - mừng xuân, CLB biểu diễn ca múa nhạc; tại một số lễ hội của địa phương, CLB tổ chức biểu diễn chương trình hát chèo, hát dân ca… Ở xã Trực Hùng từ nhiều năm nay, các thôn, xóm trong xã đã hình thành các CLB, tổ, đội văn nghệ duy trì sinh hoạt theo hình thức xã hội hóa. Trong đó, tiêu biểu là hoạt động của 6 đội nhạc kèn ở các giáo xứ Tân Lý, Tân Châu, Tân Phường, giáo họ Tân Mỹ và 2 đội kèn thuộc giáo xứ Lác Môn.

Cùng với phong trào văn nghệ, hiện nay huyện có trên 10 CLB thơ, tiêu biểu như: CLB thơ Việt Nam huyện Trực Ninh, CLB thơ Hương văn - Thị trấn Cổ Lễ, CLB thơ ca xã Trực Tuấn, CLB thơ Sông Ninh xã Phương Định, CLB thơ người cao tuổi xã Trực Đạo, CLB thơ cựu giáo chức các xã: Trực Phú, Trực Cường, Trực Khang… CLB thơ Việt Nam huyện Trực Ninh hiện có 36 hội viên thường xuyên sinh hoạt. Hội viên trong CLB đều là những người từng hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, giáo dục, quân đội, độ tuổi từ 55 đến 85 tuổi. CLB sinh hoạt định kỳ 3 tháng 1 lần với các nội dung: Giao lưu thơ sáng tác và ca hát. Trong hơn 10 năm thành lập, các hội viên CLB thơ Việt Nam huyện Trực Ninh đã sáng tác hàng nghìn bài thơ có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, các anh hùng dân tộc, ca ngợi quê hương, đất nước; nhiều tác giả có thơ đăng trên các tập thơ của Nhà xuất bản (NXB) Văn học, NXB Hội Nhà văn... Đặc biệt, CLB thơ Việt Nam huyện Trực Ninh đã thành lập tổ văn nghệ đã dàn dựng nhiều tiết mục chèo, chầu văn, ngâm thơ đặc sắc phục vụ các buổi sinh hoạt của CLB thơ Việt Nam, giao lưu ở các CLB thơ, ca trong và ngoài tỉnh.

CLB thơ Sông Ninh, xã Phương Định gồm 25 thành viên, sinh hoạt định kỳ mỗi tháng 1 lần tại NVH thôn Cổ Chất. Trong các buổi sinh hoạt, những người có các tác phẩm mới đều được các thành viên trong CLB bình luận, góp ý để rút kinh nghiệm trong quá trình sáng tác. Các tác phẩm của các thành viên CLB đều thể hiện được tâm sự, gửi gắm những giá trị đạo đức, những kinh nghiệm sống của bản thân để truyền dạy cho con cháu. Cụ Nguyễn Trọng Tiếp, thôn Cổ Chất, ở tuổi 84 vẫn miệt mài làm thơ và đã có nhiều tập thơ được xuất bản. Ông Vũ Văn Bằng, thôn Nhự Nương giỏi về chữ Hán, nhiều bài thơ chữ Hán nổi tiếng đã được ông dịch lại và phổ biến tới các hội viên. Các tác phẩm thơ của các hội viên trong CLB giản dị, mộc mạc nhưng thật sâu lắng về tình người, tình đời. Các chủ đề đa dạng, từ tình yêu quê hương, gia đình, tình yêu biển, đảo Tổ quốc đến những vấn đề thời sự như “Xây dựng NTM”, thực hiện “Nếp sống văn hóa” ở địa phương… Đặc biệt với những CCB, ký ức về một thời chiến đấu kiên cường bảo vệ Tổ quốc lại được gửi gắm vào những vần thơ đầy xúc cảm.

Phong trào văn hóa - văn nghệ ở Trực Ninh phát triển mạnh bởi các địa phương gắn văn nghệ quần chúng với hoạt động của các đoàn thể nên đã một phần tháo gỡ khó khăn về kinh phí cho các CLB văn nghệ tập luyện, biểu diễn các tiết mục mới. Huyện đã quan tâm chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh xây dựng các đội văn nghệ quần chúng và thành lập các loại hình CLB văn nghệ ở các xã, thị trấn, góp phần động viên cán bộ, nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất. Bên cạnh đó, hằng năm, ngoài việc tổ chức các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng, NVH huyện thường xuyên tổ chức hướng dẫn chuyên môn, kỹ năng biểu diễn cho các CLB văn nghệ. Thời gian tới huyện Trực Ninh tiếp tục định hướng, khuyến khích nhân dân tham gia sáng tạo, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống, đồng thời có cơ chế hỗ trợ các CLB văn nghệ quần chúng hoạt động; Trung tâm VH-TT huyện mở các lớp bồi dưỡng văn nghệ để các CLB hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com