Vào mỗi dịp hè, các thư viện, phòng đọc từ tỉnh đến cơ sở đều chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, qua đó tạo sân chơi lành mạnh và nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho các em.
Các em thiếu nhi đọc sách tại Thư viện tỉnh. |
Tại sự kiện khai mạc hè được tổ chức ở Nhà văn hóa thiếu nhi Thành phố Nam Định vừa diễn ra, xe thư viện lưu động đa phương tiện của Thư viện tỉnh đã thu hút nhiều lượt độc giả nhí đến đọc sách, tra cứu internet miễn phí... Em Trịnh Thúy Lâm (9 tuổi), đường Hoàng Diệu (TP Nam Định) cho biết, trước đây em chỉ đọc sách ở các điểm thư viện cố định như Thư viện tỉnh, Thư viện thành phố. Lần đầu tiên đọc sách ở xe thư viện lưu động, em rất ấn tượng bởi sự hướng dẫn tận tình của các cô chú cán bộ thư viện; đặc biệt trên xe có nhiều đầu sách thiếu nhi hay và có máy tính xách tay kết nối internet tốc độ cao giúp người đọc dễ dàng tìm kiếm thông tin cần thiết. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, để đáp ứng nhu cầu của độc giả, ngay khi tiếp nhận thư viện lưu động đa phương tiện (cuối tháng 4-2018) thuộc dự án “Xe thư viện đa phương tiện lưu động” của Vụ Thư viện (Bộ VH, TT và DL), Thư viện tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động cụ thể. Bước đầu, tại một số điểm xe thư viện đa phương tiện phục vụ độc giả như Trường THCS Trần Đăng Ninh (TP Nam Định), Quảng trường 3-2 (TP Nam Định), Nhà văn hóa thiếu nhi Thành phố Nam Định... đều thu hút đông đảo bạn đọc. Đồng chí Ngô Thị Thơm, Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Thư viện đa phương tiện với các thiết bị hiện đại gồm: 6 máy tính, 1 máy chủ, các phần mềm ứng dụng, máy chiếu, ti vi, máy phát điện… cùng hơn 4.500 cuốn sách, tài liệu điện tử là một trong những phương tiện để người dân tiếp cận với nguồn sách báo, công nghệ thông tin, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần trong cộng đồng. Trong dịp hè, Thư viện tỉnh bổ sung các đầu sách về thiếu nhi trên xe thư viện lưu động, đồng thời tăng cường tổ chức xe lưu động về các tuyến dân cư phục vụ nhu cầu đọc sách của trẻ em các vùng quê trên địa bàn tỉnh. Cùng với đưa xe thư viện lưu động vào sử dụng, ngay từ đầu hè, tại phòng đọc thiếu nhi Thư viện tỉnh đã thu hút hàng trăm lượt học sinh tới đọc sách, báo mỗi ngày. Để đáp ứng nhu cầu đọc sách của các em, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất bàn ghế, giá sách, Thư viện tỉnh đã bổ sung nhiều đầu sách mới phù hợp về nội dung, lôi cuốn về hình thức, đáp ứng được nhu cầu học tập cũng như giải trí của bạn đọc trong độ tuổi từ mầm non đến THCS. Hiện nay, Phòng đọc thiếu nhi có 18 nghìn bản sách được sắp xếp khoa học, theo từng môn ngành tri thức, có chỉ dẫn cụ thể, giúp các em nhanh chóng định hướng, tiếp cận được nguồn tài liệu phù hợp với nhu cầu. Bên cạnh đó, Thư viện tỉnh còn có các hoạt động sáng tạo nhằm thu hút và hướng các em đến việc đọc sách như: trao đổi với các em về những cuốn sách hay, về những bài học em học từ trang sách; khuyến khích các em vẽ tranh về những cuốn sách em thích, tặng sách cho bạn đọc tích cực của thư viện... Nhiều học sinh mỗi dịp nghỉ hè đều dành thời gian đến thư viện đọc sách, nghiên cứu tài liệu. Em Mai Ngọc Thái Linh, học sinh lớp 8A2 Trường THCS Trần Đăng Ninh (TP Nam Định) chia sẻ: Thói quen đọc sách hình thành trong em từ năm lớp 6 khi vào Thư viện tỉnh tìm tài liệu. Kho tàng sách phong phú chủng loại ở Thư viện tỉnh đã mang đến cho em sự hứng thú bởi qua đó em tích lũy thêm nhiều kiến thức. Dịp hè năm nay, tạm gác các tài liệu tham khảo các môn học ở nhà trường, Thái Linh tìm đọc bộ sách “Hạt giống tâm hồn” để có thêm kiến thức về cách đối nhân xử thế với những người xung quanh, hiểu thêm trong cuộc sống cần có sự vươn lên, vượt qua những thử thách bằng lòng quyết tâm của bản thân...
Cùng với Thư viện tỉnh, các Thư viện huyện, thành phố, tủ sách cơ sở thường xuyên mở cửa phục vụ nhu cầu đọc sách của học sinh. Trong những ngày hè nắng nóng vừa qua, thư viện trẻ em xã Xuân Hồng (Xuân Trường) đặt tại Trường Tiểu học Xuân Hồng B vẫn thu hút đông học sinh đến đọc sách, báo. Thư viện trẻ em xã Xuân Hồng được xây dựng trên diện tích 325m2, với kinh phí 2,5 tỷ đồng, trong đó 2 tỷ đồng do cụ Mi-chi-kô Tê-ra-ya-ma (người Nhật Bản) tài trợ, phần còn lại do phụ huynh học sinh và con em xa quê đóng góp. Phần lớn diện tích thư viện được bố trí làm phòng đọc, phần còn lại là phòng đa năng cùng các công trình phụ trợ. Trong phòng đọc có khoảng 5.000 cuốn sách, chủ yếu là sách văn học, ngoại ngữ, dạy kỹ năng… dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Trong dịp hè, thư viện vẫn mở cửa các ngày trong tuần và phục vụ miễn phí học sinh với khẩu hiệu “Mỗi cuốn sách là một người bạn”. Ở xã Giao Thịnh (Giao Thủy), thư viện sách nằm ở tầng 4 Bảo tàng Đồng quê là nơi lưu giữ, giới thiệu những cuốn sách, những tài liệu quý trong các lĩnh vực của đời sống để các thế hệ học sinh và nhân dân đến tìm hiểu nghiên cứu nâng cao trình độ kiến thức. Hiện nay, thư viện có hơn 2.000 đầu sách được phân theo chủ đề; mỗi chủ đề được sắp xếp trình tự theo đầu sách; mỗi cuốn sách được đánh số để quản lý. Hằng năm thư viện Bảo tàng Đồng quê thường xuyên bổ sung thêm nhiều đầu sách mới, các loại báo, tạp chí. Từ khi mở cửa đến nay, thư viện Bảo tàng Đồng quê phục vụ đọc sách miễn phí cho hàng triệu lượt bạn đọc. Dịp hè năm nay, Phòng đọc thiếu nhi huyện Hải Hậu vẫn thu hút hàng chục lượt độc giả mỗi ngày. Ông Đặng Văn Khảm, thủ thư phòng đọc chia sẻ: “Muốn “kéo” độc giả về phòng đọc trước hết phải thường xuyên đổi mới các đầu sách. Hiện nay phòng đọc có 50 nghìn bản sách, một số đầu sách sau khi phòng đọc sử dụng khoảng 2 tuần lại được bán rẻ hoặc luân chuyển xuống các cơ sở cho thuê sách, các phòng đọc khác trong huyện. Việc này tạo ra mạng lưới phục vụ bạn đọc trên địa bàn và là một biện pháp thu hồi vốn để bổ sung sách mới. Nhờ cách làm sáng tạo, mỗi tuần phòng đọc được bổ sung từ 500-800 bản sách”. Bên cạnh đó, các hoạt động như tuyên truyền, giới thiệu sách được ông Khảm soạn chi tiết. Mỗi tuần một lần, bạn đọc nhỏ tuổi lại háo hức nghe ông Khảm nói chuyện về sách; qua đó kích thích sự ham đọc sách của các em…
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong dịp hè, các thư viện, phòng đọc từ tỉnh đến cơ sở đang sẵn sàng mang đến những sản phẩm tri thức, văn hóa chất lượng cho các độc giả nhỏ tuổi, qua đó đã góp phần khơi dậy văn hóa đọc cho thế hệ trẻ, hướng các em đến những giá trị tốt đẹp của cuộc sống./.
Bài và ảnh: Viết Dư