Tỉnh ta hiện có khoảng 130 làng nghề, trong đó có trên 30 làng nghề truyền thống. Các làng nghề truyền thống tập trung ở các huyện: Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực, Trực Ninh, Hải Hậu… với gần 400 cơ sở, trên 22 nghìn hộ sản xuất, kinh doanh, thu hút khoảng 50-60 nghìn lao động. Trải qua bao thế hệ, tinh hoa văn hoá trong các làng nghề truyền thống hiện vẫn luôn được gìn giữ và phát huy cùng với sự phát triển của xã hội, đời sống cộng đồng.
Nằm ven sông Ninh Cơ, làng dệt Cổ Chất, xã Phương Định (Trực Ninh) có bề dày truyền thống vài trăm năm. Nhiều gia đình đã trải qua gần chục đời sinh sống bằng nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt sợi. Nghề dâu tằm Cổ Chất xưa còn đơn sơ, người dân lấy tơ tằm đan lưới đánh bắt cá trên sông nước. Đến đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã đầu tư xây dựng một nhà máy ươm tơ ở đầu làng. Từ đó, nghề ươm tơ làng Cổ Chất bắt đầu phát triển sang các làng Cự Trữ, Nhự Nương, Dịch Diệp… Khoảng vài thập kỷ gần đây, làng nghề Cổ Chất là nơi cung cấp tơ sợi chất lượng cho các làng dệt lụa nổi tiếng trong nước. Chị Nguyễn Thị Yến, một hộ ươm tơ làng Cổ Chất cho biết: Làng Cổ Chất có hơn 600 hộ dân. Trước đây, cả làng đều làm nghề ươm tơ, dệt lụa; nhà nào cũng có ít nhất 1 guồng tơ, có nhà có tới 3, 4 guồng. Nguồn cung cấp kén chính cho làng Cổ Chất xưa kia nằm ở làng Hợp Hòa. Diện tích đất trồng dâu của làng hiện nay không còn nhiều, nghề chăn tằm nai (tằm dệt) cực khổ hơn nhiều lần so với tằm ré (tằm ta, nuôi lấy nhộng làm thực phẩm), giá thành bán ra cũng không cao bằng, nên hầu hết hộ dân ở làng Hợp Hòa chuyển sang nuôi tằm ré. Giờ đây, làng Cổ Chất phải thu mua kén tằm ở các tỉnh: Thanh Hóa, Thái Bình, Hà Nam... Vụ ươm tơ bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 9 âm lịch hằng năm. Trước kia, người dân ươm tơ bằng tay phải mất gần 2 tiếng mới được một guồng tơ nhưng nay có máy móc hỗ trợ, một guồng tơ chỉ mất 1 tiếng ươm. Tằm sau khi trưởng thành nhả tơ tạo thành kén. Kén tằm được loại bỏ chất bẩn, chọn ra những kén đủ tiêu chuẩn cho vào nước nóng để tách. Khoảng từ 20-25 ngày, kén tằm được mang đi kéo sợi. Thời điểm cuối tháng 4 là thời điểm phơi tơ. Những cuộn tơ vàng, tơ trắng, thanh mảnh óng ánh được phơi khắp đường làng, ngõ xóm. Tơ sau khi đã phơi khô được thương lái đến thu mua tận nhà với giá từ 600-800 nghìn đồng, sau đó chuyển lên làng dệt lụa Vạn Phúc (Quận Hà Đông, TP Hà Nội) và xuất đi các nước Thái Lan, Lào, Căm-pu-chia... Ngày nay, dù nghề dệt không còn hưng thịnh như trước nhưng âm thanh dệt sợi cùng hình ảnh đôi bàn tay thoăn thoắt kéo tơ vẫn là những nét đẹp văn hoá không khó để bắt gặp mỗi khi có dịp về làng quê Cổ Chất.
Làng nghề làm hoa lụa Báo Đáp, xã Hồng Quang (Nam Trực). |
Huyện Nam Trực có 18 làng nghề (trong đó có 12 làng nghề được UBND tỉnh công nhận) tiêu biểu như: nghề rèn Vân Chàng (Thị trấn Nam Giang), nghề đúc đồng Đồng Quỹ (xã Nam Tiến), nghề làm bánh kẹo Thượng Nông (xã Bình Minh), nghề làm hoa lụa Báo Đáp (xã Hồng Quang), nghề làm nón Rục Kiều (xã Nam Hùng)… Nghề rèn Vân Chàng (Thị trấn Nam Giang) có từ thế kỷ XIII. Tương truyền cách đây hơn 700 năm, 6 vị tổ sư từ nơi khác đến truyền nghề rèn cho 15 cụ tổ các dòng họ: Đoàn, Trần, Vũ, Đỗ, Ngô… Ghi nhớ công ơn những người đã mang nghề về quê hương, người dân Vân Chàng đã lập đình thờ 6 vị tổ nghề, tôn là Lục vị Thánh tổ. Hằng năm, vào ngày 15-11 âm lịch, người dân nơi đây lại mở hội tế lễ Lục vị Thánh tổ. Hiện ở Đình thờ tổ nghề rèn làng Vân Chàng còn lưu giữ được một số cổ vật hàng trăm năm tuổi do các thợ rèn xưa của làng chế tạo. Theo sử sách, thợ rèn Vân Chàng thời nào cũng giỏi và tài hoa. Khi quốc gia hữu sự, họ đem tay nghề của mình giúp nước, cứu dân. Trong kháng chiến chống Pháp, thợ rèn làng Vân Chàng đã rèn hàng vạn gươm giáo, mã tấu, kiếm, dao găm, hàng chục tấn nhu yếu phẩm phục vụ cho quân đội. Thời xưa, làng Vân Chàng chỉ sản xuất một số mặt hàng đơn điệu mang tính thủ công như: dao, kéo, bản lề, đinh, ốc vít, kiềng, cuốc, xẻng, răng cào... phục vụ nhu cầu nông nghiệp. Từ năm 1960, làng rèn Vân Chàng từng bước phát triển. Sản phẩm một phần đã được cơ giới hóa với kỹ nghệ tinh xảo, mẫu mã đẹp đạt độ bền cao trong sử dụng, nhất là các phụ tùng xe đạp, các loại sắt thép dùng trong xây dựng. Hiện làng Vân Chàng có khoảng hơn 200 hộ thì có đến 90% số hộ theo nghề rèn, 2/3 hộ, cơ sở trang bị máy móc hiện đại, chỉ một số ít còn sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống. Nghề rèn ở Vân Chàng tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gần 1.000 lao động địa phương và các xã lân cận. Sản phẩm của làng rèn Vân Chàng có mặt khắp mọi miền đất nước, nhiều sản phẩm còn được xuất khẩu sang Lào, Căm-pu-chia.
Là vùng đất cổ, huyện Ý Yên đã gây dựng được nhiều ngành nghề truyền thống cách đây hơn 10 thế kỷ, tiêu biểu như: nghề sơn mài Cát Đằng (xã Yên Tiến), nghề chạm khắc gỗ La Xuyên, Ninh Xá (xã Yên Ninh), nghề đúc đồng Tống Xá (xã Yên Xá)… Ở các làng nghề đều có những di tích lịch sử - văn hóa thờ các vị tổ có công mang nghề về địa phương và truyền dạy cho dân làng. Các di tích lịch sử - văn hóa như: Đền thờ Đức thánh Tổ làng Tống Xá (xã Yên Xá), Đình La Xuyên, Đình Ninh Xá (xã Yên Ninh), Đình Cát Đằng (xã Yên Tiến)… không chỉ là nơi lưu giữ, thể hiện nét tài hoa của các nghệ nhân xưa mà còn là nơi gìn giữ, phát huy truyền thống văn hoá qua mỗi kỳ lễ hội. Vào dịp lễ hội, nhiều làng nghề thực hiện nghi lễ “hiến xảo”, tấu với các vị tổ nghề những sản phẩm làng nghề. Nghề chạm khắc gỗ La Xuyên (xã Yên Ninh) có tuổi đời hơn 1.000 năm với nghệ thuật chạm khắc tinh xảo đến hoàn hảo của nghệ thuật chạm khắc cung đình. Đình La Xuyên là di tích thờ ông tổ nghề mộc Ninh Hữu Hưng - người mang nghề về làng và truyền dạy cho nhân dân địa phương. Trong lễ hội dân làng thường tổ chức các cuộc thi trình diễn các sản phẩm gỗ nghệ thuật được làm từ chính những nghệ nhân làng nghề. Trên cơ sở tinh hoa của nghệ thuật chạm khắc gỗ cổ truyền, người thợ La Xuyên luôn biết cách cải tiến mẫu mã sản phẩm mang phong cách vừa cổ điển vừa hiện đại, cho phù hợp với xu hướng và thị hiếu của người tiêu dùng. Nghề mộc của làng La Xuyên không chỉ tạo việc làm cho nam giới mà cả nữ giới. Theo ước tính sơ bộ của UBND xã Yên Ninh, làng nghề La Xuyên hiện có khoảng 1.500 lao động địa phương đạt mức thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/người/tháng; thợ tay nghề cao được trả 8-10 triệu đồng/người/tháng. Ở xã Yên Xá, các nghệ nhân đúc đồng Tống Xá tài hoa đã tạo ra nhiều sản phẩm tinh xảo có mặt khắp cả nước. Thuở xưa, làng Tống Xá chỉ đúc những mặt hàng đồ thờ cúng đơn giản. Ngày nay, sản phẩm của làng nghề ngày càng đa dạng với những công trình tầm cỡ quốc gia như: Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, Tượng đài Bác Hồ tại Nhà Lưu niệm huyện Định Hóa (Thái Nguyên); Tượng Vua Lý Thái Tổ (Hà Nội); Tượng Quốc mẫu Âu Cơ tại khu di tích Đền Hùng (Phú Thọ); Tượng 14 vị vua thời Trần tại di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần (Nam Định); Tượng Tam thế Phật tổ Như Lai tại Chùa Bái Đính (Ninh Bình)... Ở làng nghề sơn mài Cát Đằng (xã Yên Tiến) hiện có trên 1.000 hộ sản xuất các sản phẩm sơn mài. Các nghệ nhân làng nghề đã để lại dấu ấn ở trong và ngoài nước với những tác phẩm nghệ thuật đạt đến trình độ tinh xảo, phản ánh đa dạng nhiều chủ đề, từ các linh vật đến hình ảnh làng quê trên nhiều loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ như: tranh sơn mài, mây, tre, nứa xuất khẩu, đồ trang trí, đồ thờ, đồ gia dụng… Tổng giá trị sản phẩm hằng năm của làng nghề Cát Đằng lên tới hàng trăm tỷ đồng, thu nhập của người lao động ngày càng được nâng cao. Đảm bảo các yếu tố: giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, giá trị sử dụng, tháng 5-2017, nghề sơn mài Cát Đằng được Bộ VH, TT và DL công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Ở huyện Hải Hậu, các ngành nghề truyền thống có từ thời mở đất. Cùng với sản xuất nông nghiệp, nghề mộc được người dân nơi đây gìn giữ và phát triển như một nghề mưu sinh, mà hơn thế, còn là nghề làm nên nét đẹp văn hóa của vùng đất mới. Từ xa xưa, người thợ mộc Quần Anh đã sáng tạo ra công cụ sản xuất cho ngành dệt như: khung dệt lụa, dệt vải, xà quay tơ, bàn ươm tơ… Cùng với đó, những người thợ mộc còn sáng tạo ra những công trình kiến trúc đẹp, bề thế là các di tích lịch sử - văn hoá như: Quần thể kiến trúc Cầu Ngói - Chùa Lương (xã Hải Anh) với ngôi chùa trăm gian cổ kính, nhiều hạng mục bằng gỗ chạm trổ tinh xảo và cây cầu gỗ cong cong có mái ngói bắc qua sông Hoành tạo nên thế uy nghiêm, hùng vĩ, trường tồn cho đến tận ngày nay. Xã Hải Minh là vùng quê nổi tiếng với các ngành nghề: may mặc, mộc, đá mỹ nghệ, trồng hoa cây cảnh... Nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ và khảm trai ở xã Hải Minh phát triển ở làng nghề Bình Minh (xóm 9, xóm 3) và 2 CCN làng nghề (CCN làng nghề 1 ở xóm 4A và CCN làng nghề 2 ở xóm 1). Các sản phẩm tiêu dùng từ gỗ mỹ nghệ ở Hải Minh được cả nước biết đến và đánh giá cao về chất liệu gỗ tự nhiên như: gỗ gụ, gỗ trắc, gỗ hương, gỗ cẩm, gỗ mun. Giáp Nam là một làng nghề giàu truyền thống thuộc xã Hải Phương. Gần 100 năm nay, đa phần cư dân các xóm 7, 8, 9 lấy nghề ve đay, dệt chiếu làm nghề mưu sinh chính. Thời điểm cực thịnh, cả miền Giáp Nam có gần 100 khung dệt chiếu, guồng ve đay, tận dụng thời gian nông nhàn, rảnh rỗi của nhân dân để sản xuất. Đã có thời các sản phẩm làm từ đay chiếu, võng, dây thừng, dây chão ở làng Giáp Nam nổi danh, khiến người dân nơi đây tự hào về cái nghề chân truyền mà ông cha tạo dựng. Các sản phẩm chiếu ở làng nghề Giáp Nam trải qua thời gian đã được kết hợp cả màu sắc truyền thống và hiện đại với những nét văn hoá độc đáo riêng của làng nghề, mộc mạc đậm chất làng quê. Ngày nay, nghề ve đay truyền thống ở Hải Phương vẫn được duy trì với trên 200 hộ làm nghề, khoảng gần 400 lao động trực tiếp làm nghề. Các làng nghề truyền thống ở huyện Hải Hậu không chỉ tạo công ăn, việc làm cho trên 10 nghìn lao động ở trong và ngoài huyện mà còn góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Hầu hết, ở các làng nghề đều có những di tích lịch sử - văn hóa thờ thuỷ tổ, thành hoàng làng... gắn với các lễ hội mang nét đặc trưng văn hoá làng truyền thống.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, các làng nghề truyền thống ở tỉnh ta vẫn luôn tồn tại và phát triển. Sản phẩm của các làng nghề truyền thống thể hiện tinh hoa của đất và người, mang ý nghĩa bản địa độc đáo, bản sắc văn hoá riêng biệt nhưng đều có một điểm chung là tinh thần đoàn kết của cộng đồng thông qua các dịp lễ hội. Việc phát triển làng nghề truyền thống ở tỉnh ta nhiều năm qua không những góp phần phát triển kinh tế ở địa phương mà còn tạo điều kiện để các giá trị văn hoá truyền thống được gìn giữ, kế thừa và phát huy trong đời sống hôm nay./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng