Xã Xuân Ninh (Xuân Trường) hiện còn bảo lưu được nhiều di sản văn hoá gồm hệ thống các di tích đình, đền, chùa, từ đường tại 4 làng cổ: Lạc Quần, Hưng Nhân, Nghĩa An, Xuân Dục. Mỗi di tích đều mang đậm giá trị văn hoá tín ngưỡng dân gian đặc sắc, tiêu biểu là 4 di tích được Nhà nước xếp hạng: Chùa Viên Quang, Đình - Chùa Lạc Quần, Đình làng Hưng Nhân và Từ đường họ Phạm.
Đình làng Hưng Nhân, xã Xuân Ninh. |
Chùa Viên Quang là di tích lịch sử - văn hoá được Bộ VH, TT và DL xếp hạng năm 1991. Ngoài thờ Phật, chùa còn thờ các vị Thánh tổ như: Giác Hải thiền sư, Không Lộ thiền sư… Chùa Viên Quang được xây theo kiểu “Nội công ngoại quốc” rộng 5.000m2, mặt quay về hướng tây. Tổng thể công trình bao gồm nhiều hạng mục quy mô bề thế, bảo lưu được nhiều nét kiến trúc thời Hậu Lê (thế kỷ XVII-XVIII). Phía trước chùa là hệ thống tam quan xây kiểu chồng diêm 3 tầng, 8 mái. Sau tam quan là tòa giải vũ xây dựng vào triều Vua Thành Thái năm thứ nhất (1889), quy mô 5 gian cao rộng. So với di tích khác, giải vũ Chùa Viên Quang còn được dân làng dùng làm nơi hội họp, nghỉ ngơi cho các tín đổ phật tử trước khi vào chùa chiêm bái, lễ Phật. Sau giải vũ là chùa chính. Công trình chùa chính được dựng kiểu chữ “công”; bái đường 7 gian, trung đường 4 gian và thượng điện 7 gian. Bài trí thờ tự trong chùa được phân bổ theo kiểu: “tiền Phật hậu Thánh”. Hiện nay, tại di tích còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị bao gồm: văn bia, nhang án, bài vị, chuông khánh, kiệu bát cống, chân tảng đá cánh sen, sập thờ, khu mộ tháp bằng đá, 4 pho tượng Thánh tổ cùng tượng Quan Công, Phổ Hiền bằng đồng…
Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh Đình làng Hưng Nhân thờ Thành hoàng duệ hiệu Đài giám Nguyên suý đại tướng quân và 10 Thuỷ tổ các dòng họ: Mai, Phạm, Đỗ, Vũ, Lê, Nguyễn, Nguỵ, Bùi, Hà, Hoàng - những người có công khai sáng ra mảnh đất Quần Mông xưa (nay là làng Lạc Quần) năm 1424. Công trình tín ngưỡng Đình làng Hưng Nhân không chỉ mang ý nghĩa thờ phụng những người có công trong sự nghiệp khẩn hoang mở rộng diện tích canh tác mà còn thờ Thành hoàng làng nhằm bảo trợ cho cuộc sống của nhân dân với mong muốn cầu xin sự bình an, thịnh vượng, mùa màng bội thu, mưa thuận gió hoà… Công trình kiến trúc Đình làng Hưng Nhân có bố cục mặt bằng “tiền chữ Nhất hậu chữ Đinh” gồm 3 toà: tiền đường, trung đường và cung cấm. Đặc biệt, gian tiền đường của đình xây dựng năm Nhâm Tý dưới triều Vua Duy Tân (1912) còn bảo lưu nguyên vẹn các hạng mục, cấu kiện bằng gỗ lim truyền thống. Tiêu biểu là 4 bộ vì, trong đó 2 bộ vì gian giữa được gia công theo kiểu “xà đinh, trốn cột, trụ non, chồng rường, bẩy tiền”. Trên các con rường cùng, các kết cấu xà thượng, xà hạ, xà đinh đều được chạm khắc hoa lá cách điệu, hoa văn chữ “thọ” mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Toà trung đường và cung cấm là hai hạng mục mặc dù đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, phục dựng nhưng vẫn giữ nguyên vẹn kiến trúc truyền thống. Bên cạnh giá trị nghệ thuật thể hiện những mảng chạm khắc trên các cấu kiện bằng gỗ thì tại di tích, các hiện vật có giá trị cũng đã ghi dấu nét tài hoa của các nghệ nhân thế kỷ XIX. Tiêu biểu là bức tượng Thành hoàng Đài giám Nguyên suý Đại tướng quân bằng gỗ và 3 văn bia bằng đá các niên hiệu: Tự Đức thứ 34 (1881), Duy Tân năm Nhâm Tý (1912), Khải Định thứ 4 (1919).
Đình - Chùa Lạc Quần là di tích lịch sử - văn hoá được UBND tỉnh xếp hạng năm 2009. Chùa thờ Phật theo tín ngưỡng truyền thống dân tộc, còn đình thờ 2 vị Thành hoàng làng thời Hùng Vương là Thuỷ thần Nam Hải đại vương và Sơn thần Quý Minh đại vương (Đệ tam Tản Viên). Tổng thể kiến trúc Đình - Chùa Lạc Quần cân đối hài hòa. Đình Lạc Quần được xây theo kiểu cuốn vòm, cổ đẳng 4 mái lợp ngói nam. Cũng giống như nhiều đình, đền khác, hai đầu hiên của đình có 2 cột đồng trụ, phía trên là ô vuông đắp tứ linh, trên riềm là hoạ tiết "lưỡng long chầu nguyệt". Bên cạnh đình là Chùa Lạc Quần. Tất cả các công trình kiến trúc: tam quan, chùa chính, nhà tổ, phủ mẫu đều có bình đồ kiến trúc kiểu chữ “đinh” mặt quay hướng nam. Di tích Đình - Chùa Lạc Quần hiện còn bảo lưu được nhiều hiện vật như: chuông đồng (cao 1,33m, đường kính 0,63m) đúc năm Mậu Tý triều Vua Minh Mệnh (1828); 2 văn bia Hậu Thần bi ký, Lạc Thiện hội, bài vị, hoành phi.
Các di tích ở xã Xuân Ninh không chỉ là những di sản văn hoá mang đậm giá trị lịch sử và nghệ thuật kiến trúc, thể hiện tài năng sáng tạo liên tục của các thế hệ cha ông mà ở mỗi di tích, yếu tố về văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng luôn được gìn giữ và phát huy qua các triều đại lịch sử dân tộc. Thông qua các di tích, người dân được hoà mình vào những sinh hoạt văn hoá tâm linh đặc sắc trong các dịp lễ hội. Hằng năm, cứ từ ngày mồng 1 đến 3-3 âm lịch tại Chùa Viên Quang và các ngày mồng 9, 10 tháng Giêng âm lịch tại Đình - Chùa Lạc Quần, chính quyền và nhân dân địa phương lại long trọng tổ chức lễ hội truyền thống, góp phần khơi gợi ý thức tự hào của nhân dân và lòng hảo tâm công đức của các tín đồ, phật tử xa gần cúng tiến tu bổ di tích. Trong lễ hội, diễn ra nhiều sinh hoạt văn hoá như: cờ tướng, cờ người, tổ tôm, chọi gà, bịt mắt bắt lợn, bắt vịt, leo cầu ngô, kéo co, hát chèo, hát văn… Tại Đình làng Hưng Nhân, lễ hội truyền thống diễn ra vào các ngày mồng 5 và 6-2 âm lịch hằng năm. Trước ngày diễn ra lễ hội, người dân làng Hưng Nhân tập trung tại đình để bao sái đồ thờ tự, trang hoàng, dọn dẹp khu vực hành lễ. Phần lễ diễn ra trang trọng với nghi lễ tế cáo, dâng hương, lễ vật và nghi thức rước kiệu từ các từ đường 10 dòng họ về đình để tế tổ. Phần hội tại di tích là các tiết mục văn nghệ đặc sắc do CLB đàn hát dân ca thôn Hưng Nhân biểu diễn với các trích đoạn chèo “Phạm Công - Cúc Hoa”, “Lưu Bình - Dương Lễ”… Sau khi các hoạt động tế lễ, trò chơi dân gian kết thúc, dân làng tổ chức thi nấu cỗ, mang nét đẹp văn hoá cộng đồng của cư dân đồng bằng Bắc Bộ.
Thời gian qua, từ sự đóng góp của nhân dân và kinh phí tiến cúng của du khách thập phương, các nhà hảo tâm, các tổ chức, đơn vị và con em quê hương, các di tích lịch sử - văn hóa ở xã Xuân Ninh được trùng tu, tôn tạo với kinh phí hàng tỷ đồng. Hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa ở xã Xuân Ninh đã góp phần giáo dục truyền thống cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Các di tích lịch sử văn hóa là những bằng chứng sinh động và là cơ sở để người dân hiểu sâu sắc hơn về cội nguồn, tri ân những người có công với làng, nước, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh của nhân dân./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng