Các di tích từ đường ở Xuân Trường

07:06, 22/06/2018

Huyện Xuân Trường có 38 di tích lịch sử - văn hoá được Nhà nước xếp hạng; trong đó có 7 di tích từ đường được xếp hạng cấp tỉnh là: Từ đường họ Ngô (xã Thọ Nghiệp), Từ đường họ Phan (xã Xuân Phương), Từ đường họ Nguyễn Đại Tông (xã Xuân Châu), Từ đường họ Phạm gốc Mạc (xã Xuân Kiên), Từ đường họ Vũ Cự tộc, Từ đường họ Đỗ (xã Xuân Vinh), Từ đường họ Phạm ngành 2 (xã Xuân Ninh). Bên cạnh giá trị lịch sử, văn hoá, cách mạng, các di tích từ đường ở Xuân Trường đều là những công trình cổ lưu giữ được khối kiến trúc độc đáo thể hiện sự tài hoa của các nghệ nhân xưa qua nhiều giai đoạn lịch sử.

Từ đường họ Vũ Cự tộc, xã Xuân Vinh.
Từ đường họ Vũ Cự tộc, xã Xuân Vinh.

Từ đường họ Phan (xã Xuân Phương) là nơi thờ thuỷ tổ Phan Chính Niệm cùng các tổ họ Trần, Bùi. Phan Chính Niệm là người có công chiêu tập nhân dân khai khẩn vùng đất Trà Lũ xưa (nay là 3 xã: Xuân Bắc, Xuân Trung, Xuân Phương) và đặt nền móng cho sự phát triển của dòng họ Phan ở quê hương vào đầu thế kỷ XV. Qua 7 lần trùng tu, tôn tạo (từ năm Cảnh Hưng 44 (1783) đến Thành Thái 14 (1902)) thì ngôi từ đường có quy mô bề thế như hiện nay. Di tích được xây dựng theo bình đồ kiến trúc “tiền chữ Nhất, hậu chữ Đinh” trên khu đất rộng 250m2, xung quanh là hệ thống tường bao tạo thành một khuôn viên độc lập, khép kín. Hiên trước gian tiền đường có 5 cổng rộng 2,4m, xây cuốn vành mai. Trên nóc tiền đường là hệ thống lan can trang trí hoạ tiết triện tàu lá lật, chính giữa gắn bức cuốn thư nhấn đại tự 3 chữ Hán “Phan tộc từ”. Tiền đường 5 gian, mái xây cuốn vòm, lợp ngói nam. Kìm nóc đắp hoạ tiết rồng chầu, bờ nóc đắp hoạ tiết hoa văn tạo cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát. Hệ thống xà, giằng được làm bằng bê tông cốt thép, sơn son thếp vàng lộng lẫy. Trung đường có mặt tiền rộng 11,6m, sâu 4,3m, chia 5 gian. Tại mỗi gian đều có hệ thống cửa bức bàn chân quay. Bộ mái trung đường kết cấu hoành rui. Gánh đỡ hoành rui là hệ thống tường hồi chịu lực cùng 4 bộ vì được làm theo kiểu mê cuốn và 8 cột vuông chất liệu vôi, mật, muối. Hậu cung 3 gian, gian giữa là nơi đặt khám thờ và bài vị thuỷ tổ Phan Chính Niệm, 2 gian bên thờ các vị tổ đầu ngành kế tiếp. Trên các bức mê cuốn, đường phào được đắp nổi hoạ tiết tứ linh, hoa lá, vân áng. Hiện tại từ đường còn lưu giữ nhiều di vật có giá trị, tiêu biểu là tấm bia đá hoạ tiết lưỡng long chầu nguyệt, hoa lá cách điệu và 4 bản phú huý bằng gỗ đặt trong khám gỗ tại trung đường cùng kiệu bát cống sơn son thếp vàng, phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX.

Từ đường dòng họ Phạm gốc Mạc (xã Xuân Kiên) thờ Thuỷ tổ của dòng họ là Phạm Đình Trú (tên thật là Mạc Đăng Thận) - cháu 3 đời của Thái tổ Mạc Đăng Dung. Sinh thời ông được giao nhiệm vụ coi giữ lăng miếu tổ tiên dòng họ Mạc ở Cổ Trai, Dương Kinh xưa (gồm các tỉnh: Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng và một phần tỉnh Thái Bình ngày nay). Phạm Đình Trú sinh trưởng trong giai đoạn đang suy vong của nhà Mạc. Ông có 3 người con trai là Phạm Công An, Phạm Công Úc, Phạm Đình Tú đều giữ chức vụ quan trọng trong triều đình. Theo văn bia Phạm tộc bi ký soạn khắc năm Thành Thái Mậu Tuất (1898) thì xưa kia ngôi từ đường được xây dựng với 3 gian nhà tranh nhỏ hẹp. Đến năm 1898, dòng họ quyên góp tiền xây dựng khu chính tẩm, lợp lại mái tiền đường thành mái ngói đồng thời cho lát toàn bộ nền từ đường bằng gạch đỏ. Năm Thành Thái thứ 11 (1899), cả dòng họ huy động công sức để trùng tu lại từ đường. Còn văn bia Phạm tộc bi ký soạn khắc năm Thành Thái Bính Ngọ (1906) ghi lại vào năm này tiền đường được hoàn thành gồm 3 gian gỗ lim, lợp ngói. Cùng với việc xây dựng lại tiền đường thì dòng họ cũng tiến hành kiến thiết lại hệ thống khuôn viên di tích khang trang hơn. Kể từ khi xây dựng đến nay, công trình luôn được các thế hệ con cháu quan tâm tôn tạo, tu bổ, bảo lưu được những phong cách kiến trúc gỗ cổ truyền của dân tộc. Các hạng mục kiến trúc vẫn giữ được độ bền vững, các di vật được bảo quản khá tốt, môi trường cảnh quan phong quang thoáng đãng.

Xã Xuân Vinh có 2 di tích từ đường được xếp hạng cấp tỉnh là Từ đường họ Vũ Cự tộc và Từ đường họ Đỗ. Toạ lạc tại thôn An Cư, Từ đường họ Vũ Cự tộc nơi thờ thuỷ tổ Vũ Phúc Diễn - người có công khai khẩn mảnh đất Bình Cư (nay là xã Xuân Ngọc). Căn cứ vào các văn bia lưu giữ tại di tích thì Từ đường họ Vũ được xây dựng năm Quý Mão (1843). Ban đầu ngôi từ đường có 5 gian nhỏ hẹp, đến năm Bính Tý dưới triều Vua Tự Đức, con cháu trong dòng họ đóng góp tiền của xây dựng thêm 3 gian trung đường. Năm Khải Định thứ 10 (1925) từ đường xây dựng thêm toà hậu cung tạo thành tổng thể công trình kiến trúc độc đáo. Từ đường có diện tích 2.423m2, mặt quay hướng nam gồm nhiều hạng mục như: nghi môn, nhà khách, lăng mộ, sân và công trình trung tâm. Nghi môn được xây dựng khang trang 3 cổng, trang trí hoạ tiết nghê chầu, nhấn nổi câu đối bằng chữ Hán có nội dung ca ngợi công lao của thuỷ tổ. Tiền đường được xây dựng với chất liệu bê tông, cốt thép 2 tầng. Cổ đẳng nối mái tầng trên với mái tầng dưới được chia thành các khoang hình chữ nhật, trong đó khoang giữa nhấn nổi 3 chữ Hán “Vũ linh từ”, hai khoang bên đắp nổi rồng, phượng chất liệu vôi vữa. Nối liền tiền đường là trung đường có đặt nhang án, ngai, bát biểu và bát hương thờ các vị công đồng. Hậu cung là nơi đặt tượng thờ thuỷ tổ cùng hệ thống ngai, khám thờ, bài vị của ông và phu nhân cùng 4 người con trai: Vũ Phúc Thiêm, Vũ Phúc Đằng, Vũ Phúc Triều, Vũ Phúc Nhân. Nằm bên trái từ đường là nhà khách 3 gian kích thước dài 13,6m, rộng 7m; đây là công trình được xây dựng năm 2012, mái cuốn vòm, lợp ngói nam, nền lát gạch men. Bên phải từ đường là lăng mộ của thuỷ tổ và phu nhân xây theo kiểu cổ đẳng 2 tầng 8 mái. Các hạng mục công trình tại từ đường dù trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo nhưng vẫn bảo lưu được nguyên vẹn kiến trúc gốc mang dáng vẻ bề thế mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn (thế kỷ XIX).

Các di tích từ đường ở huyện Xuân Trường hiện nay ngoài việc là nơi thờ tự các vị thủy tổ, còn là nơi lưu giữ và phát huy truyền thống lịch sử của dòng họ. Các di tích đều có Ban trị sự dòng họ trông coi, bảo vệ, hoạt động dưới sự giám sát của Ban quản lý di tích lịch sử - văn hóa địa phương. Hằng năm, con cháu các dòng họ có di tích từ đường thường xuyên đóng góp để trùng tu, tôn tạo di tích theo đúng quy định của Nhà nước. Cùng với việc huy động con cháu trong các dòng họ chung tay bảo tồn, tôn tạo, Ban quản lý di tích các từ đường dòng họ đã thực hiện có hiệu quả nếp sống văn minh trong dịp giỗ tổ. 

Việc duy trì sinh hoạt dòng họ đều đặn có nền nếp, kỷ luật đã nêu cao tinh thần đoàn kết cộng đồng, ý thức gìn giữ di sản văn hóa, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi và nâng cao ý thức trách nhiệm cho con cháu trong dòng họ, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống quê hương, tri ân công đức với những người có công dựng làng, giữ nước./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com