Từ xưa, các gia đình truyền thống ở tỉnh ta thường có từ 3 thế hệ trở lên cùng chung sống. Điều này tạo sự gắn bó tình cảm theo huyết thống, các thành viên trong gia đình giúp đỡ nhau về tinh thần và vật chất, cùng chăm sóc thế hệ già, giáo dưỡng thế hệ trẻ. Từ đó, các mối quan hệ trong gia đình trở thành chuẩn mực đạo đức để mỗi thành viên thực hiện như: đạo làm con, đạo vợ chồng, đạo anh em… Ngày nay, mô hình gia đình dần thu nhỏ nhưng nhiều giá trị cơ bản của văn hoá gia đình truyền thống vẫn được lưu giữ.
Chúng tôi đến thăm làng nghề La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên). Trong môi trường làng nghề, giá trị truyền thống gia đình, tính cộng đồng và tình làng nghĩa xóm vẫn được gắn kết. Ở đây, hầu hết các gia đình đều làm nghề mộc theo phương thức “cha truyền con nối” vì thế sự gắn kết về sinh hoạt, lao động sản xuất gia đình được thể hiện rõ nét. Gia đình ông Ninh Đức Long, xóm Quyết Phong, làng La Xuyên có 5 đời làm nghề mộc truyền thống. Ông có 4 người con, trong đó con trai cả và 2 con gái của ông đã lập gia đình. Ông Long luôn tâm niệm nghề truyền thống của gia đình cần được gìn giữ, nên khi các con còn nhỏ, ngoài giáo dục về gia phong, ông chú tâm truyền nghề cho các con. Gia đình ông Ninh Văn Thao (64 tuổi) ở xóm Lạc Tiến, làng La Xuyên có 3 con trai và một con gái. Hiện nay, ông Thao có xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ với 3 thợ chính là con trai. Trong sinh hoạt thường ngày, vợ chồng ông Thao ở cùng gia đình người con trai út Ninh Văn Thung (31 tuổi). Anh Thung chia sẻ: Cha mẹ anh luôn quan tâm dạy bảo con cháu. Mỗi khi làm việc gì, vợ chồng anh đều bàn bạc kỹ lưỡng, tham khảo ý kiến cha mẹ rồi mới đi đến quyết định thống nhất. Vì thế, dù sống nhiều thế hệ, nhưng gia đình anh Thung chưa bao giờ nói nặng với nhau một lời. Lấy cha mẹ làm tấm gương, vợ chồng anh Thung luôn gần gũi, lắng nghe chia sẻ với các con. Nhờ được giáo dục đúng cách, nghiêm khắc nhưng không cứng nhắc, các con của anh chị đều chăm ngoan, lễ phép với ông bà, cha mẹ.
Một buổi sinh hoạt văn nghệ của gia đình cụ Nguyễn Thị Tính thôn Bồng Quỹ, xã Yên Phong (Ý Yên). |
Đến thăm gia đình cụ Nguyễn Thị Tính ở thôn Bồng Quỹ, xã Yên Phong (Ý Yên) chúng tôi được chứng kiến cảnh con cháu cụ tập trung đông đủ để luyện tập tiết mục chuẩn bị cho đám cưới của người cháu trong họ. Trong ngôi nhà nhỏ, người đàn, người sáo, người đánh trống, người hát như một đội chèo. Tuy tuổi đã cao nhưng cụ Tính vẫn trực tiếp cầm nhịp để con cháu tập luyện các làn điệu chèo cổ. Những người con của cụ đều có “gen” hát chèo, biết chơi nhạc cụ dân tộc. Trong đó tiêu biểu như người con cả Trần Xuân Đề, các con thứ: Nghệ nhân Ưu tú Trần Quang Lộc, NSƯT Trần Đăng Khoa... Hiện nay, cụ Tính đang ở với người con cả Trần Xuân Đề. Ngoài vai trò là “điểm tựa” tinh thần cho con cháu, cụ Tính còn truyền dạy các kỹ năng biểu diễn chèo cổ cho các cháu trong gia đình. “Duyên nợ” với chèo - để rồi đại gia đình cụ Tính như một gánh chèo cổ ở làng Bồng Quỹ.
Ở xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) gia đình bà Trần Thị An (71 tuổi) duy trì nếp sinh hoạt của 3 thế hệ cùng sống chung dưới một mái nhà. Với gia đình bà, khoảng thời gian vui nhất là lúc cả nhà quây quần bên mâm cơm, mọi người cùng chuyện trò, chia sẻ sau một ngày làm việc, học tập. Đặc biệt hơn nữa, gia đình bà An có truyền thống 3 thế hệ say mê nghệ thuật, trong đó 4 người con của bà có năng khiếu về âm nhạc, 4 cháu nội, ngoại đều theo học các trường sân khấu nghệ thuật, trong đó có những cái tên nổi danh như ca sĩ Lâm Bảo Ngọc, Á quân Sao mai 2017 dòng nhạc nhẹ; Trần Minh Nguyệt, thí sinh dự thi chương trình The Voice Kids 2016. Đã thành nếp, cứ 2 tháng một lần vào ngày cuối tuần tất cả con cháu bà An lại tề tựu, sum họp. Đó cũng là lúc lời ca, tiếng đàn của các thành viên trong gia đình được cất lên cùng những tiếng cười hạnh phúc.
Nhận thức việc gìn giữ và phát huy những giá trị của gia đình truyền thống gắn với xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc, tiến bộ là cơ sở để xây dựng và phát triển xã hội, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm chỉ đạo, triển khai nhiều phong trào, hoạt động thiết thực về công tác xây dựng gia đình. Ngành VH, TT và DL tích cực tham mưu với cấp uỷ Đảng, chính quyền chỉ đạo thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hoá phù hợp với truyền thống và nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Phong trào đã khơi dậy và phát huy khả năng sáng tạo của nhân dân, làm cho mỗi người, mỗi gia đình ngày càng nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc giáo dục đạo đức và nếp sống văn hoá gia đình. Bằng sự “vào cuộc” của các tổ chức, đoàn thể, sự hưởng ứng tích cực của các gia đình, phong trào xây dựng gia đình văn hoá đã thu được nhiều kết quả, đóng góp to lớn vào phong trào xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, tạo nền tảng tốt đẹp cho sự phát triển bền vững của gia đình truyền thống. Việc bình xét, công nhận gia đình văn hoá công khai, dân chủ, đảm bảo nội dung tiêu chí đã quy định nên có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ phong trào. Số lượng và chất lượng gia đình đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hoá” ngày càng được nâng lên. Đến nay, toàn tỉnh có 484.629/587.429 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa (chiếm tỷ lệ 82,5% tổng số hộ gia đình). Các địa phương đã khai thác những nét đẹp của gia đình truyền thống, đề cao việc hình thành nhân cách sống và nếp sống văn hoá của từng thành viên trong gia đình, của gia đình với cộng đồng, tìm hiểu thực trạng mỗi gia đình để có chương trình, biện pháp thực hiện hiệu quả. Từ phong trào xây dựng gia đình văn hoá đã tác động đến nền tảng gia đình với những quy tắc ứng xử tốt đẹp, phát huy được những giá trị đạo đức truyền thống của gia đình Việt Nam như sự hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên nhường dưới... Bên cạnh đó, quyền bình đẳng giới và vai trò của người phụ nữ được đề cao, trẻ em, người cao tuổi được bảo vệ, được quan tâm chăm sóc. Đặc biệt, phong trào đã góp phần thực hiện tốt công tác khuyến học, khuyến tài, bảo tồn văn hoá truyền thống, đời sống vật chất và tinh thần của từng gia đình được nâng lên.
Để tiếp tục gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá truyền thống gia đình trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước, các địa phương trong tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền về vị trí, vai trò của công tác xây dựng gia đình văn hoá, xây dựng nếp sống văn minh và kế thừa giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình, xã hội. Xây dựng các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng gia đình văn hoá có ý nghĩa thiết thực trong đời sống. Đa dạng hoá các hình thức sinh hoạt văn hoá, tiếp thu những nét văn hóa tốt đẹp của mô hình gia đình truyền thống và hiện đại với cộng đồng. Nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, vị trí đặc biệt của gia đình đối với xã hội./.
Bài và ảnh: Viết Dư