Thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 9-6-2016 của Tỉnh ủy về “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định”; huyện ủy Giao Thủy đã xây dựng kế hoạch hành động. Trong đó đẩy mạnh xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá; bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di sản văn hoá; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về văn hoá; đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động văn hoá...
CLB Trống hội quê hương xã Giao Hải biểu diễn trong Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bốn huyện Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy đạt chuẩn NTM năm 2017. |
Để thực hiện tốt các nội dung cơ bản trong Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy, các địa phương trong huyện tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; quy định tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa - NTM”, “Xóm (TDP) văn hóa - NTM”, “Xã (thị trấn) văn hóa - NTM”. Hằng năm, việc công nhận lại danh hiệu “Gia đình văn hóa - NTM” và ghi vào sổ vàng truyền thống thay thế giấy chứng nhận như trước đây được nhân dân hưởng ứng. Đến nay, huyện có 332 khu dân cư thuộc 22 xã, thị trấn xây dựng “Sổ vàng truyền thống Gia đình văn hóa - NTM”. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay toàn huyện có 51.380/60.459 hộ dân đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hoá - NTM”, đạt tỷ lệ 85%. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực; nhiều tập quán lạc hậu, cưới hỏi, ma chay tốn kém được loại bỏ. Đến nay, cả 332 xóm (TDP) trong huyện đều xây dựng hương ước. Một số địa phương triển khai quyết liệt, có hiệu quả việc thực hiện cuộc vận động “Làm cỗ vừa đủ ăn, ăn cỗ không lấy phần” trong các đám cưới, tiêu biểu như Thị trấn Quất Lâm và các xã Giao Hải, Giao Long… Ở các xã Giao Hải, Giao Long, Giao Nhân trong những đám tang, các khu dân cư đều thành lập tổ giúp việc cộng đồng, hội hiếu để giúp đỡ các gia đình tổ chức tang lễ, qua đó thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Các lễ hội trên địa bàn huyện được tổ chức theo nghi thức truyền thống, phần hội tổ chức nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như kéo co, cờ tướng, cờ người, bơi chải, đấu vật... kết hợp với tổ chức văn nghệ quần chúng. Thông qua lễ hội, đã tạo khí thế vui tươi, phấn khởi trong nhân dân, đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy những nét đẹp văn hóa dân tộc và quê hương. Lễ mừng thọ đầu năm cho các bậc cao niên được các xã, thị trấn tổ chức trang trọng tại NVH trung tâm xã, thị trấn vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm. Việc tổ chức liên hoan mừng thọ chỉ trong phạm vi nội bộ gia đình, không còn bắc rạp, làm cỗ mời khách ăn uống linh đình như những năm trước. Toàn huyện hiện có 22 xã, thị trấn đạt chuẩn văn hóa - NTM, 88,5% khu dân cư đạt danh hiệu “Xóm (TDP) văn hóa - NTM”, 135/162 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.
Trong huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, các xã, thị trấn đều phát động phong trào thi đua giữa các thôn, xóm; phát huy vai trò lãnh đạo của chi bộ thôn, xóm, các đoàn thể, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, các chức sắc tôn giáo, dòng họ trong vận động nhân dân hiến đất, giải phóng mặt bằng, góp công sức, kinh phí xây dựng, cải tạo NVH, xây dựng thôn xóm sạch đẹp, văn minh… Nhiều xã như Giao Long, Hồng Thuận, Giao Lạc, Giao Châu, Giao An, Giao Hải, Giao Thanh, Giao Xuân, Giao Thiện đã ban hành cơ chế khuyến khích xây dựng NVH xóm với mức hỗ trợ từ 50 đến 150 triệu đồng/1 NVH. Hiện nay, cả 22 NVH xã, thị trấn, 332 xóm (TDP) của 22 xã, thị trấn có NVH; 175 sân bóng chuyền, 192 sân bóng đá mini, 218 sân cầu lông, 1 bể bơi, 2 sân tennis, 22 sân vận động... Với hệ thống NVH đồng bộ cùng với đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, phong trào văn nghệ, TDTT trên địa bàn huyện phát triển mạnh.
Toàn huyện có 157 tổ, đội văn nghệ quần chúng, 5 câu lạc bộ văn học - nghệ thuật, 289 câu lạc bộ TDTT. Các tổ, đội, câu lạc bộ văn hoá, văn nghệ đều xây dựng quy chế, nguồn quỹ hoạt động từ sự đóng góp của các thành viên và thu nhập từ những buổi biểu diễn để mua sắm trang phục, các thiết bị phục vụ hoạt động. Nhiều địa phương có phong trào văn nghệ phát triển mạnh như các xã: Giao Hà, Giao Thanh, Giao Thiện, Bình Hoà, Giao Hải, Giao Châu, Thị trấn Ngô Đồng…
Trên địa bàn huyện hiện có 33 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng; trong đó có 3 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia gồm Đền Diêm Điền, xã Bình Hòa; Đền Chùa làng Hòe Nha, xã Giao Tiến; Đình Chùa Hà Cát, xã Hồng Thuận. Để bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, hằng năm UBND huyện tổ chức tập huấn, quán triệt nội dung Luật Di sản văn hóa và các văn bản quy định của Nhà nước về trùng tu, tôn tạo di tích, tổ chức và quản lý lễ hội cho cán bộ văn hóa các xã, thị trấn; các thủ từ, trụ trì các đền, chùa. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích, bảo quản di vật, cổ vật và tài sản thuộc di tích được tăng cường, nhiều di tích được trùng tu tôn tạo từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Hằng năm, các trường học đều tổ chức cho học sinh tham quan khu di tích trong các giờ học ngoại khóa, đồng thời xây dựng kế hoạch cho học sinh tham gia các hoạt động chăm sóc cảnh quan di tích… Việc quan tâm khai thác, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hoá đã góp phần khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa của quê hương.
Để tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh theo tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy, thời gian tới các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Giao Thủy tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về vai trò của văn hoá. Trong đó xây dựng, phát triển con người có nhân cách, đạo đức, có lối sống tốt đẹp làm trọng tâm; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh làm cốt lõi. Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hoá tương xứng với phát triển kinh tế. Củng cố tổ chức bộ máy ngành văn hoá theo hướng tinh giản, gọn nhẹ; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn. Nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hoá - NTM, xóm (TDP) văn hoá - NTM, xã (thị trấn) đạt chuẩn văn hóa - NTM…
Bài và ảnh: Viết Dư