Bảo tồn, phát triển nghệ thuật hát văn

08:05, 11/05/2018

Về thôn Khả Lang, xã Yên Dương (Ý Yên), trong tiếng nhạc réo rắt, tiếng trống rộn ràng, chúng tôi chứng kiến ông Lê Phụng (74 tuổi) đang truyền dạy cho học viên các bài hát văn cổ. Lật giở những hình ảnh còn lưu lại về cụ thân sinh, ông Lê Phụng cho biết, gia đình ông có truyền thống nhiều đời làm cung văn. Ngay từ nhỏ, ông đã thường xuyên chứng kiến cha truyền dạy cho những người yêu hát văn, rồi theo cha hát văn ở khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh. Tình yêu với hát văn ngấm vào ông từ lúc nào không rõ. Chỉ biết rằng cứ nghe tiếng đàn của cha là ông hát đúng theo nhịp như một phản xạ. Năm 1960, Lê Phụng là một trong những hạt nhân tiêu biểu của xã Yên Dương với “biệt tài” hát chầu văn, hát chèo. Năm 1981, ông là một trong những cung văn có tiếng ở các đền, phủ bởi nắm giữ nhiều làn điệu chầu văn cổ. Hơn 60 năm gắn bó với nghệ thuật hát văn, ông đã dạy hàng chục học trò trong và ngoài tỉnh trở thành các cung văn. Riêng gia đình ông Lê Phụng hiện có 15 thành viên là con, cháu nội ngoại là các cung văn tham gia thực hành hát chầu văn ở các di tích lịch sử - văn hóa thờ Mẫu trong và ngoài tỉnh.

Hát văn tại Phủ Tiên Hương, xã Kim Thái (Vụ Bản).
Hát văn tại Phủ Tiên Hương, xã Kim Thái (Vụ Bản).

Bà Trần Thị Thân, ở Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) hiện nắm giữ nhiều kỹ năng về nghệ thuật trình diễn dân gian như hát văn, hát chèo, múa rối nước. Từ nhỏ, bà đã học hát văn từ cung văn Trần Văn Thước, xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng). Năm 1969, bà bắt đầu tham gia hát văn tại đội văn nghệ xã Nghĩa Trung và trở thành nhân tố chính của đội. Bà thường xuyên tham gia hát văn tại các đền, phủ Mẫu. Năm 2012, bà đã thành lập và truyền dạy kỹ năng hát văn cho các thành viên ở 9 CLB chuyên hát văn, hát chèo tại các xã: Nam Điền, Nghĩa Trung, Nghĩa Hải, Nghĩa Hùng, Nghĩa Thái, Hoàng Nam, Nghĩa Lâm, Nghĩa Châu và Thị trấn Rạng Đông. Khi hát văn, bà nắm vững các kỹ thuật hát, luyến láy tinh tế, xử lý giọng hát một cách bài bản. Đặc biệt, bà đã dàn dựng các tiết mục múa rối hát văn biểu diễn định kỳ tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam như “Quê em đẹp lắm mình ơi!”, “Tình mẹ”, “Nghĩa Hưng mảnh đất anh hùng”…; qua đó quảng bá nghệ thuật hát chầu văn và nghệ thuật múa rối nước truyền thống với du khách trong và ngoài nước.

Ở xã Kim Thái (Vụ Bản) có cả một phả hệ cung văn gồm các ông:  Trần Văn Quý, Trần Văn Hỳ, Trần Văn Khắc, Trần Văn Sinh, Trần Văn Tiến, Trần Thị Thái… Nghệ nhân Trần Viết Trường, phủ Tiên Hương được mọi người trong giới hát văn biết đến bởi ông là một trong số các nghệ nhân nặng lòng với hát văn truyền thống. Nhiều năm qua, ông tham gia dạy các lớp hát văn ngay tại Phủ Tiên Hương và đến nay đã đào tạo được hơn 20 nghệ nhân hát văn trẻ. Cũng tại Phủ Dầy, nhiều người được nghe kể về cố nghệ nhân Trần Quang Tiêm, người được giới hát văn kính trọng không chỉ bởi tay đàn, giọng hát, mà còn bởi sự nặng lòng với bộ môn nghệ thuật truyền thống của quê hương. Trước đây, trong các hội thi hát chầu văn ở lễ hội Phủ Dầy, cụ đều tham gia ban giám khảo. Nối nghiệp cha, hiện tại hai người con gái cụ là Trần Thị Việt và Trần Thị Dân đều là những nghệ nhân hát văn có tiếng trong vùng, thường xuyên tham gia hát văn tại đền Mẫu Thượng.

Theo Sở VH, TT và DL, hiện nay tỉnh ta có khoảng 500 người trực tiếp tham gia thực hành “Nghi lễ chầu văn” gồm các thanh đồng, cung văn, nhạc công có tính “chuyên nghiệp”. Toàn tỉnh có 12 hội, bản hội; mỗi hội, bản hội có 100-200 “con nhang đệ tử”. Trong đó huyện Mỹ Lộc có hội phủ Tâm Linh; huyện Nam Trực có bản hội Chân Hương; huyện Trực Ninh có các bản hội: Đông Quang phủ, Ninh Quang phủ, Thanh Hoa điện, Đông Cuông, Thiêm Lộc phủ, Đông A phủ (xã Trung Đông), Đông Minh (Thị trấn Cổ Lễ); huyện Ý Yên có bản hội Phủ Quảng Cung; huyện Xuân Trường có bản hội Cửu Long. Bên cạnh các hội, bản hội, tỉnh ta có nhiều CLB hát văn góp phần bảo lưu, phát triển bộ môn nghệ thuật hát chầu văn, tiêu biểu như: CLB Bảo tồn nghệ thuật Chầu văn Nam Định (trực thuộc CLB Bảo tồn nghệ thuật Chầu văn Việt Nam), CLB Hát văn Hành Thiện (Xuân Trường), CLB Thơ ca Mỹ Trung (Mỹ Lộc), Đoàn nghệ thuật dân ca Hương Quê (Thị trấn Mỹ Lộc), CLB Thông tin huyện Ý Yên, CLB Thơ ca huyện Hải Hậu... CLB Bảo tồn nghệ thuật Chầu văn Nam Định được thành lập năm 2012, đến nay có 60 hội viên là các nghệ nhân, các nghệ sĩ hát văn, chơi đàn và những người yêu thích nghệ thuật chầu văn. Sau 6 năm hoạt động, các hội viên CLB đã có nhiều đóng góp trong công tác đào tạo và truyền dạy các bản hát văn cổ; quảng bá và giới thiệu nghệ thuật chầu văn tới công chúng trong và ngoài nước; tổ chức thực hành nghề và nâng cao năng lực cho hội viên. Định kỳ hằng tháng, các hội viên CLB sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm biểu diễn và trao truyền, tìm hiểu các thể văn cổ; nhiều hội viên thành công trong biểu diễn, mang nghệ thuật chầu văn Nam Định giới thiệu với khán giả như các cung văn: Trần Đức Văn, Lưu Đức Hào, Lê Thanh Hiền, Phạm Văn Lợi...

Trong cơ chế kinh tế thị trường, những đặc trưng giá trị của nghệ thuật hát văn đang đứng trước nguy cơ mai một và biến tướng. Bằng các giải pháp đồng bộ, quyết liệt của các ngành chức năng và sự chung tay của cộng đồng, tỉnh ta vẫn duy trì nhiều CLB, tổ, đội hát văn ở các địa phương. Ngoài ra Nhà hát Chèo Nam Định, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, dàn dựng các giá đồng biểu diễn phục vụ khán giả. Đặc biệt, với việc UNESCO công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, nghệ thuật hầu đồng - hát văn sẽ có sức sống mãnh liệt trong đời sống tinh thần của nhân dân./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com