Ở Thành phố Nam Định đến nay đã có nhiều CLB, hội hoa lan được hình thành. Các CLB, hội hoa lan trở thành “sân chơi” tao nhã cho người yêu hoa được học hỏi, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong việc sưu tầm, chăm sóc, bảo tồn hoa lan.
Các hội viên CLB Hoa lan Nam Định trao đổi cách chăm sóc hoa lan. |
Đã thành lệ, cứ vào chủ nhật đầu tiên của tháng mới, các hội viên của Hội Hoa lan Nam Định lại tập trung đông đủ để cùng nhau giao lưu, trao đổi kinh nghiệm chăm hoa lan. Có mặt ở một buổi sinh hoạt thường kỳ của Hội, chúng tôi bất ngờ trước sự chuẩn bị kỹ càng của từng hội viên. Người chuẩn bị tài liệu để bàn về kỹ thuật mới chăm sóc hoa lan; người mang giống lan mới phát hiện để giao lưu cùng các hội viên... Bà Mai Thị Nhẫn (TP Nam Định), Chủ nhiệm Hội Hoa lan Nam Định cho biết: Hội Hoa lan Nam Định được thành lập năm 2015 đến nay, có 20 hội viên với độ tuổi trung bình từ 40-60 tuổi, công tác ở nhiều ngành nghề khác nhau. Từ khi đi vào hoạt động, Hội Hoa lan Nam Định có nhiều hoạt động giao lưu trao đổi kinh nghiệm về những giống lan quý, giúp đỡ về kỹ thuật cho các hội viên phát triển nhà vườn. Nhiều người trước đây đam mê trồng lan nhưng chưa hiểu hết đặc tính và cách chăm hoa, khi vào Hội đã được bồi dưỡng kiến thức, kỹ thuật chăm sóc lan đạt hiệu quả cao nhất. Từ năm 2015 đến nay, các hội viên của hội đã tham gia nhiều triển lãm, các cuộc thi lan ở nhiều cấp độ. Tiêu biểu như hội viên Thanh Hoàng đạt giải nhất với tác phẩm lan Hải Yến tại triển lãm hoa lan tổ chức ở quận Hà Đông (Hà Nội); hội viên Trần Văn Quân tham gia triển lãm hoa lan Việt Nam tại Thủ đô Hà Nội đạt giải khuyến khích với tác phẩm lan Cattleya… Đặc biệt đầu năm 2018, tham gia hội thi lan Mộc Châu (Sơn La) bà Mai Thị Nhẫn, Chủ nhiệm Hội Hoa lan Nam Định đạt giải nhì với tác phẩm lan “Tuyết hoa”. Năm 2016, Hội Hoa lan Nam Định đã tổ chức giao lưu, triển lãm hoa lan Nam Định mở rộng lần thứ I thu hút hàng chục CLB, hội hoa lan trên khắp cả nước về dự. Trong Hội, có nhiều hội viên có nhiều kinh nghiệm chơi lan như chị Nguyễn Thị Lan, các ông: Trần Quang Minh, Vũ Đình Hưng, Trần Văn Quân, Hoàng Văn Thanh... Ông Trần Quang Minh, chủ trung tâm hoa lan Minh Tùng (TP Nam Định) là hội viên tích cực của Hội Hoa lan Nam Định. Từng là lính vận tải nên ông Minh có điều kiện đi nhiều đến các tỉnh rừng núi. Mỗi chuyến đi sau khi hoàn thành nhiệm vụ ông Minh lại gặp những người dân bản địa để tìm hiểu về đặc tính các dòng hoa lan rừng. Từ năm 1995 đến nay, ông Minh đã sở hữu 2 vườn lan lớn ở xã Lộc An, xã Nam Phong và một vườn ở gần NVH thiếu nhi Thành phố Nam Định với hàng trăm giống lan. Trong bộ sưu tập của ông Minh có đủ các loại địa lan và phong lan, trong đó có những dòng địa lan quý như: Hoàng Vũ, Hoàng Thanh Ngọc, Cẩm Tố, Lan Mạc được mệnh danh là “tứ đại mỹ nhân” trong các loại hoa lan. Ông Vũ Đình Hưng (TP Nam Định) có biệt danh là Hưng Cát bởi chuyên chơi dòng hoa Cattleya đồng thời cũng là người đang lưu giữ nhiều giống Cattleya độc đáo, quý hiếm. Hiện nay ông có trên 100 giỏ hoa lan Cattleya có giá trị kinh tế cao. Ông Trần Văn Quân có 21 năm gắn bó với niềm đam mê yêu hoa lan. Bộ sưu tập của ông hiện có trên 150 tác phẩm, trong đó chủ yếu là các giống của dòng địa lan như: Hoàng Phi, Thanh Ngọc, Chiều Châu, Tô Hà... Từ ngày tham gia Hội Hoa lan Nam Định, ông đã bổ sung được kiến thức và hiểu biết về nhiều loại hoa lan, từ đó tự đúc kết kinh nghiệm cho bản thân. Anh Trần Xuân Hòa, phường Bà Triệu (TP Nam Định) là người nổi tiếng trong giới chơi lan cả nước với mô hình trồng phong lan đai châu nghinh xuân. Từ năm 2005, thú chơi lan đã đến với anh Hòa như một cái duyên, trải qua nhiều dòng hoa, anh Hòa đã chuyên tâm nghiên cứu phát triển dòng lan đai châu bởi độ quý hiếm. Đến nay, vườn lan đai châu của anh có 400 giỏ, trong đó có nhiều cây quý hiếm với độ to của lá, màu sắc đẹp, phom hoa chuẩn.
CLB Hoa lan Nam Định cũng là nơi tập hợp được nhiều hội viên có kinh nghiệm về chơi hoa lan. Bà Đinh Thị Thu Hương, Chủ nhiệm CLB cho biết: CLB được thành lập năm 2015, đến nay vẫn duy trì số lượng 16 hội viên. Hằng tháng CLB đều tổ chức gặp mặt để các hội viên trao đổi kinh nghiệm chăm sóc lan. Mỗi buổi họp, CLB sinh hoạt theo một chủ đề khác nhau về các dòng lan. Đây là khoảng thời gian các hội viên giao lưu, cùng ngắm hoa, trao đổi những kinh nghiệm chăm sóc, nhân giống và tôn tạo các loại hoa lan. CLB đã được mời tham gia các triển lãm hoa lan ở Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương... Sắp tới vào đầu tháng 6 năm nay, CLB sẽ tổ chức giao lưu triển lãm Hoa lan tỉnh Nam Định năm 2018 với sự tham gia của hơn 50 CLB hoa lan trên cả nước. Để người tham gia vào CLB hoa lan không bị giới hạn về không gian và thời gian, CLB đã thành lập Fanpage “CLB Hoa lan Nam Định” với hơn 2.100 hội viên. Đây là diễn đàn cho những người yêu lan trao đổi kinh nghiệm và đặc biệt là “khoe” những hoa lan độc, đẹp, lạ cho mọi người chiêm ngưỡng. Các hội viên trong CLB Hoa lan Nam Định là những người có tiếng trong cộng đồng chơi lan, tiêu biểu như ông Trần Phi Công, các anh: Dương Tuấn Phương, Bùi Vũ Đông, Trần Quang Long... Ông Trần Phi Công, ở Khu đô thị Hòa Vượng (TP Nam Định) nổi tiếng trong giới chơi lan bởi ông cùng với người anh vợ Nguyễn Văn Thành là đồng sở hữu “Vườn địa lan Hoàng vũ tư nhân lớn nhất đất nước” được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận. Ông Trần Phi Công cho biết: “Nhiều năm lăn lộn trên thương trường, tôi biết rằng giá trị thương hiệu nhiều khi lớn hơn nhiều so với giá trị vật chất. Do vậy, ngay từ đầu chúng tôi xác định, phải xây dựng vườn địa lan có thương hiệu để kinh doanh hiệu quả”. Không đầu tư dàn trải, hai ông chọn trồng cây địa lan Hoàng vũ. Giống cây này được người yêu hoa đánh giá là “Nữ hoàng địa lan”, bởi đẹp tổng thể từ thân, lá, độ cao của hoa, màu sắc, hương thơm. Lá của cây địa lan Hoàng vũ mềm, mướt, cong đều, tỏa ra ôm trọn lấy chậu rất đẹp. Hoa màu vàng, to nhất trong các loại địa lan, các cánh hoa lúc nào cũng hướng về ánh sáng, mềm mại như đang múa. Thân cây cứng cáp, hương thơm man mác. Không chỉ đẹp, địa lan Hoàng vũ còn có giá trị kinh tế cao; trung bình mỗi chậu 7-9 ngồng hoa có giá trên 10 triệu đồng. Hiện nay, vườn lan của ông Phi và ông Thành có khoảng 2.300 chậu với tổng giá trị khoảng 20 tỷ đồng. Tham gia CLB Hoa lan Nam Định, ông Trần Phi Công ngoài giúp các hội viên trong CLB về kỹ thuật chăm sóc địa lan Hoàng vũ, còn là người chuyên sưu tầm những bài viết hay, quảng bá về lịch sử, văn hóa của hoa lan. Anh Dương Tuấn Phương, đường Trường Chinh (TP Nam Định) chơi hoa lan từ năm 2010. Hiện nay anh Phương đang sở hữu 2 vườn lan, một vườn trên sân thượng gia đình với diện tích 100m2 và một vườn ở xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) với diện tích 300m2. Trong bộ sưu tập địa lan và phong lan của anh có nhiều giống quý, tiêu biểu như dòng lan phi điệp, các dòng địa lan như: Thiên Ngọc, Đại Thanh, Thanh Yên Tử, Cách Nhật... Dòng lan phi điệp “Mắt ngọc Thiên Trường” của anh Phương với đặc tính đột biến nên nhìn đẹp, lạ mắt. Nếu là dòng phi điệp bình thường có 5 cánh màu tím nhạt, lưỡi tím đậm nhưng dòng phi điệp của anh Phương là loại 5 cánh hoa màu trắng, mũi trắng... Vì độ độc đáo nên chậu lan phi điệp “Mắt ngọc Thiên Trường” được định giá lên đến 100 triệu đồng. Thời gian tới, anh sẽ nhân giống một số dòng địa lan quý để giao lưu với các hội viên trong CLB. Anh Bùi Vũ Đông (TP Nam Định) là người sở hữu nhiều giống lan quý hiếm, trong đó phải kể đến dòng phong lan Hạc vĩ trắng. Với công việc là bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh nên việc chơi hoa lan và tham gia CLB Hoa lan Nam Định giúp anh giải tỏa áp lực công việc. Anh Đông cho biết: “Cuộc sống có nhiều thú chơi tao nhã, bổ ích, chơi lan là một trong những cách tĩnh tâm giúp thần trí luôn đạt độ ổn định, giúp cho việc giải quyết công việc, các vấn đề trong cuộc sống, tư tưởng cá nhân và gia đình luôn được tốt đẹp, hài hòa”. Với kinh nghiệm chơi hoa lan, anh Đông đã chia sẻ nhiều cách chăm sóc hoa lan, đặc biệt các dòng lan đột biến cho những người đam mê.
Các CLB hoa lan ở Thành phố Nam Định đã góp phần tạo sân chơi lành mạnh cho những người có cùng đam mê. Hoạt động của các CLB hoa lan là duy trì thú chơi tao nhã từ nghìn xưa của các bậc tiền nhân, bảo tồn và phát triển các giống lan quý hiếm của dân tộc./.
Bài và ảnh: Viết Dư