Mỗi pho tượng đều chứa đựng yếu tố lịch sử, nghệ thuật được thể hiện trên nhiều chất liệu như gỗ, đá, đồng... Bằng sự tỉ mỉ, tài hoa những nghệ nhân ở làng nghề La Xuyên, xã Yên Ninh và Tống Xá, xã Yên Xá (Ý Yên) đã chế tác những pho tượng đặc sắc.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Đức (bên trái), làng La Xuyên, xã Yên Ninh hướng dẫn thợ trẻ cách chế tác tượng. |
Theo các tài liệu cổ, nghệ thuật chạm khắc gỗ ở làng nghề mộc La Xuyên, xã Yên Ninh đã có khoảng 1.000 năm. Trong số các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ đặc sắc ở La Xuyên phải kể đến các pho tượng gỗ. Hiện nay, làng La Xuyên có 5 cơ sở chuyên chế tác tượng gỗ với quy mô vừa và nhỏ, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Chúng tôi đến thăm cơ sở chế tác tượng gỗ của nghệ nhân Nguyễn Văn Đức, làng La Xuyên và bất ngờ trước các pho tượng gỗ đủ kích thước được kê ngay ngắn ở trong nhà. Sinh năm 1955, nghệ nhân Nguyễn Văn Đức đã có kinh nghiệm 42 năm làm nghề điêu khắc gỗ. Trò chuyện với chúng tôi, ông Đức cho biết, sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề mộc mỹ nghệ nên từ nhỏ ông đã say mê học cách cầm chàng, cầm đục chế tác các sản phẩm gỗ đơn giản. Năm 1976, ông được những bậc cao niên có tay nghề truyền dạy tại lớp học điêu khắc gỗ mỹ nghệ HTX mộc Đồng Tâm. Kết thúc khóa học, các sản phẩm của ông đã được ban chủ nhiệm HTX đưa vào làm mẫu chào hàng xuất khẩu và làm mẫu cho các lớp sau làm thực hành. Để tiếp tục ước mơ theo đuổi đam mê, năm 1984, ông đã thi đỗ vào khoa Điêu khắc, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Từ những năm 1990, ông mở xưởng sản xuất tại nhà kết hợp với tham gia giảng dạy tại các trường nghề, các trung tâm dạy nghề ở nhiều tỉnh, thành phố. Ông tâm sự: Nghề tạc tượng đòi hỏi nhiều kỹ năng nên kén người học và làm. Muốn tạc được bức tượng đẹp, đầu tiên người thợ phải biết vẽ, phải hiểu được chủ thể được tạc, đồng thời phải chú ý đến các tiểu tiết trên khuôn mặt tượng như nhân chung, sơn căn, địa các, lưỡng quyền… Bên cạnh đó người thợ còn phải vận dụng thuật lý tướng số để chạm các đường nét để nhấn mạnh tính cách bức tượng. Tượng có các dòng gồm tượng tạc các danh nhân trưng bày ở nơi công cộng, nhà lưu niệm, trường học; tượng thờ ở các đình, đền, chùa, phủ như: Phật tổ, Ngọc Hoàng, Hộ pháp... và tượng mỹ nghệ có tính chất thể hiện sinh hoạt của con người như ông lão câu cá, bát tiên, em bé chăn trâu... Nhiều tác phẩm tượng gỗ nổi tiếng của ông như tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Trạng nguyên Lương Thế Vinh với kích thước từ 0,6m-2m đã thể hiện rõ thần thái của chủ thể. Đặc biệt, năm 2016, ông được Ban quản lý di tích Đình phủ làng La Xuyên giao tạc tượng ông tổ nghề gỗ mỹ nghệ của làng. Bức tượng hoàn thành đã đáp ứng được sự mong mỏi của người dân, là nguồn động lực cho những người thợ trong làng phát huy tay nghề và phát triển sản xuất. Với những đóng góp cho làng nghề và nghệ thuật điêu khắc truyền thống, năm 2009, ông được Hiệp hội làng nghề Việt Nam công nhận danh hiệu nghệ nhân. Đến nay, đã ngoài 60 tuổi nhưng với lòng đam mê nghề nghiệp, ông vẫn tận tụy làm nghề và truyền nghề miễn phí cho lớp thợ trẻ. Trong số hơn 180 học trò được ông Đức đào tạo, nhiều người đã thành danh với nghề, tiêu biểu như anh Nguyễn Hữu Thạo được Nhà nước phong tặng “Nghệ nhân Ưu tú” năm 2015; các anh Nguyễn Văn Luyện, Trương Công Định, Ninh Đức Huy đã mở xưởng chế tác tượng tại làng. Chúng tôi đến cơ sở chế tác tượng gỗ của anh Trương Công Định (35 tuổi). Là cháu ruột của nghệ nhân Nguyễn Văn Đức, từ nhỏ đã được tiếp xúc với nghề chạm khắc và đục tượng từ bác và ông ngoại nên quy trình chế tác tượng gỗ truyền thống được anh Định thuộc nằm lòng. Hiện nay, anh Định chế tác được cả tượng danh nhân, tượng Phật, tượng nghệ thuật. Quy trình chế tác bắt đầu từ việc chọn gỗ. Thông thường các bức tượng thờ chủ yếu làm bằng gỗ mít, các bức tượng nghệ thuật được đục từ những loại gỗ quý như gụ, trắc... Từ mẫu, người đục đo thể tích để cắt phần gỗ: chiều cao, chiều ngang và bề dày, sau đó vẽ phác thảo cắt hình mẫu. Sau khi đục phá đến khâu chi tiết người thợ tiếp tục vẽ phác thảo rồi đục, tỉa theo đường vẽ. Theo anh Định, hiện nay ở một số khâu xử lý phần thô đã có máy móc hỗ trợ giúp tiết kiệm 70% sức lao động nhưng từng chi tiết chạm đục để hoàn thiện sản phẩm quan trọng nhất vẫn là bàn tay và cảm xúc của người thợ. Anh Định luôn tâm niệm, nghề đục tượng đến với anh như cái duyên, ngoài ổn định thu nhập, quan trọng hơn là được sống với nghề, gìn giữ tinh hoa truyền thống của gia đình, của làng nghề.
Ở làng nghề Tống Xá, xã Yên Xá hiện có 5 cơ sở chuyên chế tác tượng đồng và đồ thờ. Anh Nguyễn Văn Hà, Giám đốc Cty TNHH Cơ khí đúc mỹ nghệ Phương Dung là người có 22 năm kinh nghiệm về đúc tượng cho biết: Những người thợ đúc đồng ở làng trước khi vào nghề đều được tiền nhân nhắc nhở câu “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Việc chế tác đồ thờ và tượng thờ phải am hiểu các nguyên tắc tín ngưỡng, tôn giáo liên quan, để khi tạc bức tượng có hồn, thể hiện được sắc thái riêng của người được thờ phụng. Vì thế, ngoài đôi bàn tay tài hoa, người thợ làm đồ thờ tự cũng phải gửi gắm tâm đức, tâm hồn và tâm linh của mình trong khi chế tác. Để tạo ra những bức tượng Phật, tượng Thánh... người thợ làng nghề phải hiểu cội nguồn sâu xa của từng sản phẩm, phẩm chất tâm hồn của vị Phật, vị Thánh được dân tôn thờ. Tiếp đến công đoạn đúc khuôn tạo hình, rót đồng vào khuôn… là những thời khắc quan trọng nhất quyết định chất lượng sản phẩm. Với những bức tượng đồng là danh nhân như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn..., người thợ phải tìm đọc nhiều tài liệu về cuộc đời của các nhân vật được tạc tượng để có thêm cảm xúc thể hiện tác phẩm. Những năm qua Cty đã đảm nhận nhiều công trình tượng đồng lớn trên cả nước, tiêu biểu như: Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh nặng 40 tấn đặt ở Binh đoàn 15 tại Gia Lai; tượng các vị Vua Trần đặt ở Đền Trần, huyện Hưng Hà (Thái Bình), tượng Bác Hồ đặt ở quần đảo Trường Sa, đặt ở ATK Định Hóa (Thái Nguyên)... Hiện nay, Cty TNHH Cơ khí đúc mỹ nghệ Phương Dung đang đảm nhận công trình đúc tượng Phật bằng đồng 30 tấn ở Bỉm Sơn (Thanh Hóa)…
Anh Trần Văn Toàn (36 tuổi) xóm 1, làng Tống Xá, gia đình có 3 đời làm nghề đúc đồng. Đến nay, anh đã có kinh nghiệm trên 20 năm làm nghề đúc đồng truyền thống. Với các pho tượng, anh luôn chú trọng các quy trình chuẩn mực từ cách chọn đất xây lò, nhóm lửa, chọn đồng đến làm khuôn, nấu chảy các mẻ đồng… Tất cả phải được thực hiện thận trọng, chuẩn xác để đảm bảo cho sản phẩm không bị vênh và co ngót. Anh Toàn cho biết: Kỹ thuật đúc đồng truyền thống của Tống Xá đòi hỏi sự tỉ mỉ, chăm chút từng công đoạn. Sản phẩm tượng đúc sau khi được hoàn thiện không chỉ đảm bảo tính thẩm mỹ mà đặc biệt là thể hiện đúng thần thái của nhân vật. Các khâu làm nhẵn, bóng bề mặt và làm màu cho sản phẩm để bảo đảm độ bền chất lượng sản phẩm dựa trên những bí quyết, kinh nghiệm truyền thống. Người thợ làm nghề vừa phải nắm chắc kỹ thuật, không ngừng tìm hiểu, bổ sung kiến thức tích lũy kinh nghiệm tạo thành bí quyết làm nghề. Trong số các tác phẩm của anh Toàn, các bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, những vị quận công... đều có những tiểu tiết khắc họa cá tính nhân vật. Dòng sản phẩm tượng Phật bằng đồng là một trong những thế mạnh của anh Toàn. Để đúc tượng Phật bằng đồng, người thợ cần có đôi tay khéo léo, trí tưởng tượng của khối óc và phải nắm chắc quy định khắt khe khi chế tác tượng như: kích thước, dạng thể, các động tác, trang phục và đặc tính của mỗi loại tượng. Các bức tượng Phật của anh Toàn gây ấn tượng với các đường nét thể hiện từ bi, nhân hậu và toát lên nét siêu phàm của cõi Phật.
Với đôi bàn tay tài hoa và lòng yêu nghề, những nghệ nhân làng nghề ở các làng La Xuyên, Tống Xá (Ý Yên) vẫn từng ngày sáng tạo những tác phẩm tượng đặc sắc với mong muốn góp phần gìn giữ, phát triển làng nghề ngày càng hưng thịnh, bền vững./.
Bài và ảnh: Viết Dư