Vụ Bản là vùng đất đậm đặc di tích lịch sử - văn hoá nên cứ vào thời điểm sau Tết Nguyên đán, ở khắp các làng quê trong huyện lại rộn ràng khai hội. Trong các lễ hội, bên cạnh phần lễ trang trọng, thì phần hội diễn ra sôi nổi các trò chơi dân gian thu hút đông đảo mọi người đủ các lứa tuổi tham gia. Nếu như những người cao tuổi bị cuốn hút vào các trò chơi như tổ tôm điếm, cờ người, cờ trình, thơ ca thì các bà, các chị lại tất bật trổ tài thổi cơm thi, nấu cỗ, làm bánh dày. Còn lớp thanh, thiếu niên lại bị hấp dẫn bởi các loại hình văn hoá, văn nghệ, thể thao dân gian: đánh đu, bắt vịt, chọi gà, múa lân sư rồng…
Múa Rồng trong Lễ hội Phủ Dầy. Ảnh: Chu Thế Vĩnh |
Không gian văn hoá ở mỗi lễ hội thường không giống nhau nhưng đều biểu đạt tâm linh, khát vọng hướng thiện, ý thức tìm về nguồn cội, tăng cường sự đoàn kết xóm làng. Lễ hội Phủ Dầy (xã Kim Thái) có lịch sử lâu đời gắn liền với tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Được tổ chức từ mùng 3 đến 8-3 âm lịch hằng năm, lễ hội gồm các hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tâm linh độc đáo như: nghi lễ hầu đồng, rước thỉnh kinh, hoa trượng hội, cờ người, hát chầu văn, hát chèo, hát xẩm, múa lân sư rồng… Các nét đẹp văn hoá diễn ra trong không gian linh thiêng với cảnh quan “sơn thủy hữu tình” đã tạo nên một bức tranh tổng thể đa sắc màu trong ngày hội. Hoa trượng hội là một hoạt động văn hóa đặc trưng tại lễ hội Phủ Dầy với sự tham gia của hàng trăm thanh niên địa phương, trang phục có 2 màu đỏ, vàng truyền thống. Gậy xếp chữ được chuẩn bị dài khoảng 4m, cuốn giấy nhiều màu, đầu gậy có “ngù” bằng lông gà. Chữ được xếp thay đổi theo từng năm, tùy thuộc vào kết quả của việc xin lễ âm dương tại Phủ Thông (xã Trung Thành). Các chữ thường xếp là “Mẫu nghi thiên hạ”, “Thiên hạ thái bình”, “Quốc thái dân an”, “Hòa cốc phong dương”, “Quang phục thánh thiện”… đều thể hiện ước mơ của cư dân nông nghiệp, ngợi ca công đức của Thánh Mẫu. Tại lễ hội Phủ Dầy, vào mùng 4-3 âm lịch, hội thi hát chầu văn được tổ chức tại Phủ Tiên Hương và Phủ Vân Cát thu hút hàng chục cung văn đủ mọi lứa tuổi tham gia. Không gian văn hóa tâm linh đã góp phần đưa vẻ đẹp của hát văn và nghi lễ hầu đồng có dịp lan tỏa tới du khách thập phương và đến gần hơn với cộng đồng. Lễ hội Thái bình xướng ca làng Quả Linh, xã Thành Lợi (Vụ Bản) được tổ chức 3 năm một lần (từ mùng 6 đến 11-3 âm lịch vào các năm Dần - Thân - Tỵ - Hợi) nhằm tưởng nhớ sự kiện vua Trần đánh thắng giặc Nguyên. Lễ hội diễn ra với các nghi lễ: rước kiệu, dâng hương, tế Thánh… Nét nổi bật trong lễ hội Thái bình xướng ca là gần 20 hình thức sinh hoạt văn hoá gồm các trò chơi sông nước: đua thuyền tải lương, chở thuyền đốt bóng, đi cầu kiều… và các môn nghệ thuật dân gian như múa rồng xóm Bến, múa sư tử xóm Chải, múa lân xóm Cùng, chơi đu xóm Cuối... Đặc sắc nhất trong lễ hội là hội thi hát trống quân. Truyền thống vật của làng Quả Linh từ lâu được biết đến trong lễ hội khi quy tụ hàng chục võ sĩ trong và ngoài huyện tham gia thi đấu giao hữu nhằm rèn luyện sức khoẻ, khuyến khích tinh thần thượng võ của dân tộc. Xuyên suốt những ngày diễn ra lễ hội là các đêm văn nghệ: giao lưu thơ, hát chèo, hát văn tại sân khấu nổi ở ao làng do CLB văn nghệ người cao tuổi và tốp văn nghệ thanh, thiếu niên địa phương biểu diễn. Ngoài ra, hội làng Gạo còn có nhiều trò vui như: chơi tam cúc điếm, múa kiếm, múa roi, vật võ, bắt vịt, thi dệt vải, đánh cờ đèn dưới nước… Tại Đền Vụ Nữ (xã Hợp Hưng), trong ngày kỵ Thuỷ sư Tả tướng Mai Thị Hồng (12-2 âm lịch) hằng năm, nhân dân tổ chức lễ hội 3 ngày 2 đêm. Ngoài tế, lễ, rước kiệu, nhân dân địa phương còn tổ chức nhiều trò chơi liên quan đến lúc sinh thời bà luyện quân đánh giặc như: thi vật, đấu võ gậy, múa cờ, thổi cơm thi, bơi thuyền... Lễ hội Đền - Chùa Vĩnh Lại (xã Vĩnh Hào) tổ chức dịp đầu xuân để tri ân các tổ mở đất, tụ dân. Ngày mùng 2 tháng Giêng có lệ làm cỗ mừng chức sắc, cao niên trong làng. Ngày này, dân làng chọn 12 người đủ 18 tuổi làm cỗ cúng ở đền gọi là nghi thức “mừng nhòng” - cầu cho làng “đa đinh giàu của”. Ngày rằm tháng Giêng làm lễ giỗ tổ. Lễ hội chính tổ chức từ mùng 10 đến ngày 12-2 âm lịch. Lễ hội có tế lễ và cầu kinh tại chùa, rước kiệu tại đền; các làng thi múa lân, múa sư tử, múa gậy, múa đao, đấu vật. Đặc biệt là cuộc thi thả diều sáo của các giáp trong làng. Diều được gắn các dải phướn dài gần 1m có ghi chữ “Vạn thế Vĩnh Lại - Thiên hạ thái bình” chao lượn trên trời, thầm mong ước điều tốt đẹp cho quê hương, đất nước. Lễ hội làng Xứng (xã Liên Bảo) mở vào ngày mùng 6 đến mùng 10 tháng Giêng của những năm nhà nông được mùa. Nét nổi bật của hội làng Xứng là mọi đồ thờ tế tự đều được làm bằng rơm. Hằng tháng trước khi vào hội, dân làng họp bàn tổ chức lễ hội. Từng dòng họ trong làng chuẩn bị đan, tết những linh vật như: long, ly, quy, phượng đến những người xay lúa, giã gạo, cây cảnh, cổng chào... bằng rơm. Tất cả được mang ra Đình Đụn - đình bằng rơm làm lễ tế cầu mưa, mùa màng bội thu, trời đất thuận hòa, tri ân các thánh thần thiên nhiên. Lễ hội đình làng Tân Cốc (xã Tân Thành) diễn ra nhiều hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa dân gian truyền thống như: “Lễ tống cựu, nghinh tân”, “Lễ thượng điền”, “Lễ hạ điền”, “Lễ thường tân” (cơm mới). Vào ngày 10-3 âm lịch, nhân dân trong xã mở hội làng với phần lễ trang nghiêm, nhằm tri ân công đức của Đức Thánh Linh Lang Đại vương và “Thập lục Gia tiên” đã có công khai lập và bảo vệ làng, xã; phần hội diễn ra các trò chơi tổ tôm điếm, múa gậy... Ngoài đấu vật, đấu gậy thì bộ môn cờ tướng, cờ trình, cờ người là môn thể thao dân dã có tính trí tuệ, dễ chơi được nhiều lễ hội ở các xã Tân Khánh, Quang Trung, Cộng Hoà, Kim Thái, Trung Thành… lựa chọn tổ chức thi đấu. Vào mùng 2 Tết, thôn Đống Lương (xã Tân Khánh) diễn ra hoạt động thi đấu cờ tướng đầu xuân tại đình làng thu hút hàng chục người cao tuổi, trung tuổi trong thôn tham gia. Lễ hội Đền Giáp Nhất (xã Quang Trung) hằng năm còn lưu giữ được các sinh hoạt văn hóa dân gian diễn ra trong các ngày vào mùng 6, mùng 7-7 âm lịch như đánh cờ người, chơi đu, thi nấu cỗ dâng Thánh...
Không gian văn hoá trong các lễ hội ở huyện Vụ Bản ngày nay không chỉ “bề thế” về quy mô mà còn đa dạng về phương thức tổ chức với các trò chơi dân gian, loại hình nghệ thuật, môn thể thao truyền thống có sự tham gia rộng khắp của cộng đồng. Tiềm ẩn bên trong những sinh hoạt dân gian ấy là nội dung lịch sử sống động và sâu sắc, phản ánh đời sống của người dân qua lao động, sản xuất với nhiều sắc thái tinh thần phong phú. Việc khôi phục, phát triển các trò chơi, môn thể thao dân gian trong lễ hội đã tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đáp ứng nhu cầu văn hoá tín ngưỡng của nhân dân, góp phần xây dựng nền văn hóa “Tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”./.
Khánh Dũng