Hải Châu xây dựng đời sống văn hoá cơ sở

08:04, 20/04/2018

Những năm qua, Đảng uỷ, UBND xã Hải Châu (Hải Hậu) luôn quan tâm đến công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở. Trong đó xã quan tâm đầu tư xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về văn hoá, đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động văn hoá, văn nghệ…

Một tiết mục biểu diễn của các cháu đội văn nghệ Trường Mầm non xã Hải Châu.
Một tiết mục biểu diễn của các cháu đội văn nghệ Trường Mầm non xã Hải Châu.

Xác định thiết chế văn hóa là “phương tiện” truyền tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới nhân dân, Đảng ủy, UBND xã đã phát huy vai trò lãnh đạo của chi bộ, trưởng xóm, các đoàn thể, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, các chức sắc tôn giáo, dòng họ trong công tác vận động nhân dân hiến đất, góp công sức, kinh phí xây dựng hệ thống NVH xóm. Năm 2014, cả 21 xóm đều đã hoàn thành việc xây dựng NVH từ nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ và do nhân dân đóng góp. Mỗi NVH xóm được xây dựng với kinh phí từ 200-300 triệu đồng. Để nâng cao hiệu quả hoạt động NVH xóm, Ban chủ nhiệm các NVH được thành lập có trách nhiệm quản lý, xây dựng quy chế, kế hoạch tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao nhằm thu hút người dân đến sinh hoạt. Các thiết chế văn hóa đi vào hoạt động đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Toàn xã có 1 đội văn nghệ, 1 đội chèo thôn Phú Văn Nam, 21 tổ văn nghệ ở các xóm và 3 đội văn nghệ trường học. Đội văn nghệ xã có trên 10 người, nòng cốt là các hội viên Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên xã có niềm yêu thích, đam mê văn hóa, văn nghệ. Các tiết mục biểu diễn văn nghệ tập trung vào các nội dung ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, truyền thống của tuổi trẻ Việt Nam… Đặc biệt, hầu hết các tiết mục ca múa, nhạc, kịch đều do các đội tự dàn dựng, tập luyện biểu diễn phục vụ các ngày lễ, tết, các sự kiện chính trị ở địa phương như:  Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), Ngày thành lập Đoàn Thanh niên (26-3)… Phú Văn Nam là một trong những làng chèo cổ với nhiều thế hệ diễn viên, nhạc công không chuyên nổi tiếng như: Trần Kim Chi, Phạm Thị Tuyết Mai, Nguyễn Văn Thịnh, Đinh Văn Tỉnh, Đinh Văn Dĩnh, Nguyễn Bách Thảo, Nguyễn Văn Tạc… Tiếp nối đam mê nghệ thuật truyền thống của thế hệ đi trước, hiện nay, đội chèo thôn Phú Văn Nam có 14 thành viên. Nhiều diễn viên, nhạc công xuất sắc của đội là hạt nhân phát triển phong trào văn nghệ quần chúng ở địa phương, trong đó phải kể đến các ông, bà: Đinh Thạch Biên, Vũ Hồng Dương, Nguyễn Văn Hùng, Phạm Văn Biên, Lê Hồng Quảng, Cao Thị Hiên, Phạm Thị Hạnh… Ngoài diễn các vở chèo cổ như: “Trương Viên”, “Lưu Bình - Dương Lễ”, “Tống Trân - Cúc Hoa”, “Quan Âm Thị Kính”, “Tấm Cám” , đội chèo Phú Văn Nam còn dàn dựng nhiều vở diễn mới về đề tài cách mạng như: “Hồn thiêng đất mẹ quê tôi”, “Ngày hội quê nhà”, “Tình xuân quê mẹ”. Không chỉ biểu diễn phục vụ nhân dân trong xã, đội chèo còn thường xuyên đi biểu diễn ở một số lễ hội tại các xã: Hải Ninh, Hải Phú, Hải Sơn, Hải Đường… 

Xã Hải Châu có 1 nhà thờ giáo xứ Tư Khẩn với tỷ lệ 14% người dân theo đạo Thiên chúa. Tại giáo xứ Tư Khẩn, đội kèn đồng và đội trống được thành lập, mỗi đội có từ 20-30 người. Tất cả trang phục, nhạc cụ biểu diễn đều được các thành viên tự nguyện đóng góp mua sắm lên tới trên hàng trăm triệu đồng. Đối với đội kèn đồng, ngoài biểu diễn các bản nhạc kèn phục vụ các nghi lễ nhà thờ, đội còn biểu diễn thành thạo những ca khúc cách mạng như: “Hành khúc ngày và đêm”, “Bài ca non sông”, “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”… Trong đội trống, từ khi thành lập năm 2012, mỗi thành viên đã tự nguyện đóng góp từ 2-5 triệu đồng để mua sắm nhạc cụ, trang phục. Ngoài phục vụ các nghi lễ trong nhà thờ, đội còn thường xuyên biểu diễn trong các ngày lễ, tết. Đội trống và đội kèn đồng giáo xứ Tư Khẩn cũng thường xuyên kết hợp, dàn dựng một số chương trình văn hoá, văn nghệ đặc sắc phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Nhận thức sâu sắc vai trò, nhiệm vụ của văn hoá trong thời kỳ đổi mới, xã Hải Châu đã đẩy mạnh, nâng cao chất lượng danh hiệu “Gia đình văn hoá”, “Xóm văn hoá”. Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” xã phối hợp chặt chẽ với Ban công tác Mặt trận, đoàn thể các xóm đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền thực hiện các nội dung của phong trào trên đài phát thanh, pa-nô, khẩu hiệu; lồng ghép trong sinh hoạt của các chi hội, đoàn thể, các CLB ở địa phương. Hằng năm, vào dịp Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân (18-11), cả 21 xóm trong xã tiến hành bình xét công khai, dân chủ và tổ chức trao giấy chứng nhận cho các gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá. Đến nay, toàn xã có 96,3% số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá”; cả 21 xóm được công nhận “Xóm văn hoá”. Tiêu biểu trong phong trào là các xóm: 1, 2, 4, 5, 6, 11 (thôn Phú Văn Nam); 2, 7, 9, 10 (thôn Phú Lễ). Hầu hết các xóm đều xây dựng và thực hiện nghiêm túc hương ước, quy ước xóm. Trong thực hiện các quy ước về xây dựng đời sống văn hoá, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên được phát huy, từ đó lôi cuốn và tạo được sự đồng thuận của nhân dân, nhất là việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, những hủ tục lạc hậu, rườm rà, gây lãng phí thời gian và tiền của được đẩy lùi.

Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở xã Hải Châu đã góp phần bồi đắp những giá trị văn hoá tinh thần cho nhân dân, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, tạo động lực để nhân dân tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức xây dựng NTM bền vững và ngày càng phát triển./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com