Xã Đại Thắng là một trong những điểm sáng của huyện Vụ Bản về phong trào văn nghệ. Hiện nay, xã có 22 tổ, đội văn nghệ quần chúng ở 17 thôn và các trường học; cả 17 thôn của xã đều có đội múa lân, sư tử, múa rồng. Hoạt động sôi nổi của phong trào văn nghệ ở Đại Thắng đã đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Chúng tôi về thôn Đông Linh đúng dịp đội văn nghệ thôn đang luyện tập. Chị Ngô Thị Lan đội trưởng đội văn nghệ thôn cho biết: Đội văn nghệ của thôn được thành lập năm 2016, với 10 thành viên, có khả năng biểu diễn các loại hình hát chèo, hát nhạc cách mạng và dàn dựng các tiểu phẩm. Để có các tiết mục đặc sắc, chị Lan đã sưu tầm các đĩa nhạc dạy làn điệu dân ca để các thành viên tập luyện. Trong quá trình tập luyện các thành viên còn sáng tạo thêm nhiều cách diễn mới. Các thành viên trong đội mỗi người một nghề khác nhau: người làm thợ may, người làm nông nghiệp, người buôn bán nên thời gian luyện tập của đội không cố định. Chỉ khi chuẩn bị cho chương trình biểu diễn, đội mới tập trung các thành viên luyện tập liên tục vào các buổi tối trong tuần. Trong các tiết mục, tiểu phẩm, đội văn nghệ Đông Linh đều lồng ghép, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, xây dựng NTM, KHHGĐ. Hiện nay, đội đang dàn dựng tiểu phẩm “Gia đình bác Huếnh”, nội dung xoay quanh chuyện một gia đình đã sinh 2 con gái nhưng người chồng nhất quyết bắt vợ đẻ thêm với hy vọng có con trai... Các tình huống trong tiểu phẩm mang yếu tố vừa bi, vừa hài, dở khóc, dở cười được các thành viên trong đội dàn dựng phục vụ tuyên truyền về dân số - KHHGĐ. Đội văn nghệ thôn Phong Vinh được thành lập năm 2016 với 15 thành viên là các hội viên chi hội Phụ nữ. Chị Vũ Thị Quý, chi hội trưởng chi Hội Phụ nữ thôn Phong Vinh, chủ nhiệm đội văn nghệ chia sẻ: Đội có thế mạnh hát các ca khúc cách mạng, vừa biểu diễn được các trích đoạn chèo cổ. Trong đội có 2 thành viên hát chèo chính gồm bà Vũ Thị Cải (60 tuổi) và bà Vũ Thị Dung (58 tuổi). Hiện nay, đội đang dàn dựng hoạt cảnh chèo “Lá đơn tình nguyện”, nội dung nói về tinh thần nhập ngũ của thanh niên. Đội văn nghệ thôn Điện Biên được thành lập sớm nhất ở Đại Thắng tuy chỉ có 8 người nhưng các tiết mục của đội luôn có tính sáng tạo và đặc sắc. Đội thường biểu diễn ở chùa Bái thôn Điện Biên vào dịp đón xuân mới với các làn điệu chèo cổ nhưng lời mới nội dung ca ngợi vẻ đẹp của quê hương đất nước và nghĩa tình của con người trong cuộc sông hôm nay... Đội văn nghệ thôn Tiên có 20 thành viên. Bà Nguyễn Thị Nhinh (71 tuổi) có 30 năm làm chi hội trưởng chi Hội Phụ nữ thôn đã đến từng gia đình có người yêu thích văn nghệ để mời họ tham gia. Từng là diễn viên của Đoàn chèo Lúa mới (tỉnh Hà Đông cũ), năm 1973 sau khi lập gia đình bà đã thành lập đội văn nghệ HTX Đại Đồng. Hiện nay, là chủ nhiệm đội văn nghệ thôn, với vốn kiến thức phong phú về hát chèo, hát văn, bà Nhinh đã sưu tầm thêm các làn điệu dân ca khác để phổ biến cho các thành viên. Với sự hướng dẫn của bà Nhinh, nhiều thành viên trong đội có niềm đam mê nghệ thuật đã tự tin hơn trong biểu diễn. Hiện nay, đội văn nghệ thôn Tiên thường xuyên nhận được lời mời biểu diễn ở trong và ngoài huyện. Dịp xuân năm nay, đội đã dàn dựng thêm một số tiết mục hát văn đặc sắc phục vụ mừng thọ người cao tuổi và khánh thành các nhà thờ họ.
Tiết mục hát chèo của hội viên Hội Phụ nữ xã Đại Thắng. |
Bên cạnh các đội văn nghệ thôn, 5 đội văn nghệ ở các trường THCS, tiểu học, mầm non trên địa bàn xã thường xuyên hoạt động sôi nổi. Các nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), Ngày thành lập Đoàn (26-3), Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), lễ khai giảng, lễ tổng kết năm học… Tại Trường THCS Đại Thắng, hoạt động văn nghệ được nhà trường thường xuyên diễn ra sôi nổi. Vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn. Hằng năm, nhà trường đều tổ chức thi văn nghệ giữa các khối lớp. Ngoài ra nhà trường tổ chức chương trình văn nghệ vui chơi lồng ghép trong các hoạt động giáo dục ngoài giờ, các buổi sinh hoạt ngoại khóa như: Thi cắm hoa, đố vui để học… Từ những buổi sinh hoạt văn nghệ, nhiều học sinh có giọng hát hay, múa đẹp được phát hiện, bồi dưỡng chọn vào đội văn nghệ của trường.
Là địa phương có nhiều lễ hội, hiện nay cả 17 thôn trong xã đều có đội múa lân, sư, rồng. Trong đó đội múa tứ linh ở thôn Thanh Ý phát triển mạnh nhất với gần 30 thành viên. Ông Nguyễn Hữu Cẩn (70 tuổi) đội trưởng đội múa tứ linh thôn Thanh Ý cho biết: Đội được thành lập đến nay đã hơn 25 năm. Điều đặc biệt là các linh vật như long, ly, quy, phượng đều được các thành viên trong đội sáng tạo. Con rồng của đội gồm 9 khúc, dài gần 30m, trong đó riêng phần đầu rồng có 2-3 người tham gia. Để làm nên con rồng này, các thành viên trong đội đã đi học hỏi kinh nghiệm của các nghệ nhân ở khắp nơi và các bậc cao tuổi trong thôn sao cho thể hiện được nét thần uy của con vật đứng đầu tứ linh trong tín ngưỡng dân gian. Các linh vật khác như kỳ lân, rùa và phượng dù chế tạo đơn giản hơn nhưng mang nét đẹp đặc sắc riêng. Mỗi năm đội tứ linh thôn Thanh Ý tổ chức biểu diễn trong các dịp: Lễ mừng thọ, khánh thành nhà thờ các dòng họ, hội làng và vinh dự được góp mặt trong các sự kiện lớn của huyện như Đại hội TDTT huyện, lễ hội Phủ Dầy hằng năm…
Thực tế cho thấy, phong trào văn nghệ ở xã Đại Thắng phát triển là do có sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của Đảng ủy, UBND xã. Các thiết chế văn hóa được xã quan tâm chỉ đạo, đầu tư xây dựng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đến nay, xã có 17/17 nhà văn hóa thôn đảm bảo các điều kiện để các đội văn nghệ hoạt động. Đặc biệt, mỗi nhà văn hóa thôn đều có quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể mỗi trưởng xóm là người trực tiếp quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Các chi hội như chi Hội Phụ nữ, chi Hội NCT, Đoàn Thanh niên, CCB... đều có các hạt nhân văn nghệ tích cực tham gia phong trào của địa phương. Phong trào văn nghệ ở Đại Thắng phát triển đã góp phần cổ vũ động viên nhân dân tích cực lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.
Bài và ảnh: Viết Dư