Đêm biểu diễn phục vụ nhân dân làng Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) dịp lễ hội đền Ngọc Tiên (14-15 tháng Giêng Mậu Tuất vừa qua) đã để lại ấn tượng không thể phai trong lòng các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Chèo Nam Định. Theo lịch của Ban tổ chức, 20h chương trình biểu diễn mới bắt đầu nhưng từ 19h, khán giả đã ngồi chật kín sân. Trong thời gian biểu diễn, các nghệ sĩ, diễn viên cảm nhận được sự mến mộ của khán giả với nghệ thuật chèo. Người dân như được đắm mình trong làn điệu dân ca đằm thắm, trữ tình trong tiết mục “Mời trầu”, trong không gian tâm linh với các giá đồng, hoặc thưởng thức nghệ thuật đậm đặc chất chèo qua các trích đoạn chèo cổ: “Hoàng Phi xử án tham quan” (trong vở “Nhiếp Chính Ỷ Lan”), “Cháy nhà ra mặt chuột” (trong vở “Nghêu sò ốc hến”)… Ông Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng Ban quản lý di tích lịch sử đền chùa làng Ngọc Tiên chia sẻ: Với người làng Ngọc Tiên, chèo vẫn là món ăn tinh thần được đặc biệt yêu thích. Mỗi khi các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Nam Định về làng biểu diễn, nhân dân đều háo hức chào đón.
Diễn viên Nhà hát Chèo Nam Định trong một chương trình biểu diễn đầu xuân. |
Năm 2017, các đoàn nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp của tỉnh đã dàn dựng nhiều chương trình nghệ thuật, vở diễn có chất lượng về nội dung và nghệ thuật phục vụ nhân dân, trong đó có 6 vở diễn, chương trình, tiết mục mới dàn dựng, chỉnh sửa nâng cao... Nhà hát Chèo Nam Định tham gia Cuộc thi Tài năng trẻ sân khấu tuồng, chèo chuyên nghiệp toàn quốc đoạt 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 1 Giải diễn viên trẻ triển vọng. Đoàn Cải lương Nam Định tham gia Liên hoan Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc 2017 giành 1 Huy chương Vàng. Đoàn Kịch nói Nam Định tham gia Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2017 giành 1 Giải Bạc. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh trong việc không ngừng nâng cao chất lượng nghệ thuật để cống hiến cho khán giả những vở diễn có nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật cao. NSƯT Diệu Hằng, Giám đốc Nhà hát Chèo Nam Định cho biết: Với mong muốn chinh phục khán giả bằng chất lượng nghệ thuật, Nhà hát Chèo Nam Định đã xây dựng các kịch mục phù hợp thị hiếu của từng nhóm khán giả. Bên cạnh các trích đoạn chèo cổ như: “Tống Trân - Cúc Hoa”, “Thị Mầu lên chùa”, “Súy Vân giả dại”, “Xã trưởng mẹ Đốp”..., Nhà hát đã sưu tầm, biên soạn, dàn dựng 18 giá đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt; trong đó năm 2017, Nhà hát Chèo Nam Định đã dựng được 4 giá đồng gồm: Chầu Mười, Chầu Đệ Nhị, Quan Đệ Tam, Cô Sáu. Bên cạnh đó, Nhà hát Chèo đã tuyển chọn được những diễn viên, nhạc công được đào tạo chuyên sâu, bao gồm cả hát, múa, diễn, từng bước trẻ hoá đội ngũ và mang đến cho sân khấu chèo sự tươi mới. Với sự năng động, Nhà hát Chèo Nam Định thường xuyên tổ chức diễn lưu động phục vụ các đối tượng khán giả ở các vùng quê, các lễ hội, các trường học. Đặc biệt, vào dịp đầu xuân mới, Nhà hát Chèo đã kín lịch biểu diễn. Từ mùng 8 Tết Mậu Tuất 2018, Nhà hát đã đi biểu diễn ở các địa phương trong và ngoài tỉnh như: xã Yên Lộc (Ý Yên), Đền Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng (Xuân Trường), Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy), Thành phố Thái Bình… Tại các điểm diễn, ngoài việc biểu diễn các trích đoạn chèo như “Cháy nhà ra mặt chuột”, “Thị Mầu lên chùa”, Nhà hát còn biểu diễn những giá đồng đặc sắc.
Với Đoàn Cải lương Nam Định, trước thực trạng thiếu vắng khán giả hiện nay, tập thể lãnh đạo, nghệ sĩ Đoàn luôn đoàn kết, động viên nhau vượt khó vươn lên. Ngoài việc tổ chức xây dựng vở diễn có chất lượng, phục vụ nhân dân các địa phương trong tỉnh, đoàn còn tổ chức các đợt lưu diễn dài ngày tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước với trên 100 đêm diễn. Để tiếp cận với nhiều đối tượng khán giả, Đoàn Cải lương Nam Định đã dàn dựng vở diễn có đề tài về lịch sử, nội dung ca ngợi các danh nhân, các vị anh hùng dân tộc, trong công cuộc chống giặc ngoại xâm như: Hai Bà Trưng, Lý Chiêu Hoàng, Trần Thủ Độ, Trần Hưng Đạo… Với chương trình kịch mục có giá trị giáo dục lịch sử truyền thống, Đoàn Cải lương Nam Định đã phối hợp với các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức biểu diễn cho học sinh để các em hiểu hơn về các nhân vật, các sự kiện lịch sử. Vở diễn “Tiếng trống Mê Linh” với một dàn nghệ sĩ trẻ xuân sắc và lối diễn xuất hiện đại, tiêu biểu như: Huyền Thương (vai Trưng Trắc), Việt Chi (vai Trưng Nhị), Công Thắng (vai Thi Sách), Gia Huy (vai tướng Tàu) đã biểu diễn ở hơn 20 trường THPT, THCS, tiểu học trong tỉnh. Thông qua vở diễn, đã giúp các em có thêm hiểu biết về lịch sử, về truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, tiếp thêm ngọn lửa yêu nước, ý thức được trách nhiệm của bản thân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Để chuẩn bị biểu diễn trong dịp đầu xuân mới, ngay từ cuối năm trước, Đoàn Cải lương Nam Định đã xây dựng kịch mục biểu diễn dày dặn kết hợp giữa các trích đoạn trong vở diễn cổ và hiện đại như: “Cổ tích một tình yêu”, “Tống Trân - Cúc Hoa”, “Trần Quốc Toản”, “Cung phi Điểm Bích” hay vở diễn hiện đại như: “Phương thuốc lạ kỳ”. Đặc biệt, Đoàn Cải Lương đang chuẩn bị công diễn vở “Người hùng xuống núi” tác giả NSND Doãn Hoàng Giang tại rạp Bình Minh. Vở diễn được phóng tác theo truyện cổ dân gian với nội dung ca ngợi hình tượng người phụ nữ Việt Nam có tấm lòng thủy chung son sắt, nhất mực yêu chồng thương con, sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ đất nước khi có quân thù xâm lược... Với dàn diễn viên trẻ, tài năng như Huyền Thương, Mạnh Tuyển, Kim Oanh, Huy Phong kết hợp với những nghệ sĩ tên tuổi sân khấu Cải lương tỉnh như NSƯT Thu Thuỷ, NSND Quang Chí hứa hẹn sẽ đem đến vở diễn mới nhiều cảm xúc và hấp dẫn khán giả.
Đoàn Kịch nói Nam Định cũng có nhiều nỗ lực trong việc dàn dựng nhiều vở diễn mới có giá trị về nội dung và tư tưởng nghệ thuật… Trong đó, tiêu biểu là những trích đoạn trong các vở diễn: “Khoảng trống”, “Thời con gái đã xa”, “Thành Hoàng làng”, “Chiều muộn”. Các trích đoạn đều có sự chọn lọc trong khai thác đề tài, bố cục hợp lý, các nhân vật chính đều do các diễn viên trẻ tài năng đảm nhận như: Phạm Hồng Thanh, Nguyễn Thị Thuỳ Linh, Đặng Thu Phương, Trần Đức Văn… đã lột tả được cái hay, cái đẹp trong tính cách từng nhân vật đã nhận được nhiều tình cảm của khán giả. Nhạy bén nắm bắt thị hiếu người xem, quan tâm đến khâu tiếp thị, quảng bá rộng rãi vở diễn mới và với định hướng nghệ thuật đúng đắn, phạm vi biểu diễn của đoàn đã được mở rộng tại nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Sơn La, Lai Châu...
Âm vang của mùa xuân cùng tiếng trống chèo, những lời ca vang vọng của nghệ thuật cải lương đang lan tỏa trong các điểm diễn ở các làng quê trong tỉnh đã góp phần bồi đắp tâm hồn, tình cảm, lòng nhân ái, tạo động lực cho mỗi người trong lao động sản xuất, học tập, công tác, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.
Bài và ảnh: Viết Dư