Hoạt động của một câu lạc bộ văn nghệ dân gian

08:03, 02/03/2018

CLB văn nghệ dân gian thuộc sự quản lý của Trung tâm văn hóa 3-2 tập hợp những thành viên có khả năng biểu diễn, sưu tầm và truyền dạy các làn điệu chèo cổ, hát văn, múa hầu đồng, hát quan họ… Hoạt động của CLB đã góp phần khơi dậy niềm đam mê âm nhạc dân gian đến với người dân.

Một tiết mục biểu diễn đầu xuân Mậu Tuất - 2018 của CLB văn nghệ dân gian.
Một tiết mục biểu diễn đầu xuân Mậu Tuất - 2018 của CLB văn nghệ dân gian.

Cẩn thận sắp xếp từng bộ trang phục chuẩn bị cho một buổi biểu diễn khai xuân, ông Trần Duy Hiến, Chủ nhiệm CLB văn nghệ dân gian cho biết: Trong tháng Giêng, CLB đã kín lịch biểu diễn. Để đảm bảo các chương trình biểu diễn thành công, ngay từ cuối năm ngoái các thành viên trong CLB đã tích cực tập luyện các tiết mục phù hợp với đối tượng, địa điểm biểu diễn. Qua trò chuyện với ông, chúng tôi được biết CLB văn nghệ dân gian tiền thân là đội văn nghệ khu dân cư số 7, phường Trần Tế Xương (TP Nam Định). Năm 2012, khi đang là Bí thư chi bộ khu dân cư số 7, ông Trần Duy Hiến đã vận động một số nghệ sĩ chuyên nghiệp đã nghỉ hưu và những người đam mê văn nghệ dân gian trên địa bàn phường thành lập đội văn nghệ. Sau một thời gian, đội văn nghệ khu dân cư số 7 phát triển thành CLB văn nghệ phường Trần Tế Xương. Năm 2017, CLB văn nghệ phường Trần Tế Xương được nâng cấp thành CLB văn nghệ dân gian dưới sự quản lý của Trung tâm Văn hóa 3-2 (TP Nam Định). Hằng năm, CLB biểu diễn từ 35-40 buổi phục vụ nhân dân các địa phương trong và ngoài tỉnh. Nhiều tiết mục của CLB đã tạo dựng được chỗ đứng trong lòng khán giả như: Hát văn “Chân quê”, “Mùa trăng Bác Hồ”; các trích đoạn chèo “Lý trưởng mẹ Đốp”, “Thị Màu lên chùa” trong vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính... Trong số 14 thành viên của CLB, có nhiều nghệ sĩ chuyên nghiệp đã nghỉ hưu tham gia như: NSƯT Tuyết Lành, NSƯT Thanh Thủy, các nghệ sĩ Thanh Quế, Hồng Lê, Kim Oanh... Với các nghệ sĩ từng gắn bó với sân khấu chuyên nghiệp, việc tham gia sinh hoạt tại CLB văn nghệ dân gian vừa có ý nghĩa tạo dựng sân chơi văn nghệ lành mạnh, vừa truyền dạy những kiến thức, kinh nghiệm của bản thân cho những người có cùng đam mê. NSƯT Thanh Thủy có 39 năm công tác tại Nhà hát Chèo Nam Định. Năm 2017, khi vừa nghỉ chế độ, NSƯT Thanh Thủy đã tham gia và được bầu làm Phó Chủ nhiệm CLB. Với kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực sân khấu chèo chuyên nghiệp, NSƯT Thanh Thủy đã tích cực hướng dẫn các thành viên khác trong CLB về kỹ năng biểu diễn, làm chủ sân khấu, tham gia xây dựng các tiết mục... Cùng với NSƯT Thanh Thủy, các nghệ sĩ Hồng Lê, Thanh Quế, Kim Oanh đều là những diễn viên gắn bó với sân khấu chèo chuyên nghiệp của tỉnh. Xuất thân ở làng chèo Nhân Nhuế, xã Mỹ Thuận (Mỹ Lộc), tình yêu chèo đã ngấm vào Thanh Quế từ thuở ấu thơ. Thành danh với các vai diễn kiểu mẫu như: Mẹ Đốp trong trích đoạn chèo “Lý trưởng mẹ Đốp”, Trần Quốc Toản trong vở chèo Trần Quốc Toản ra quân... Sau khi nghỉ chế độ, nghệ sĩ Thanh Quế tiếp tục tham gia CLB văn nghệ dân gian là Phó Chủ nhiệm CLB và có nhiều đóng góp trong bước phát triển của CLB. Nghệ sĩ Hồng Lê công tác tại Đoàn Chèo Nam Hà, Đoàn Chèo Hà Nam Ninh những năm 1966-1990, nổi danh với các vai: Cô gái làng Vân trong vở Trần Quốc Toản ra quân, Thị Phương trong vở Đôi Ngọc Lưu Ly... Năm 1968, nghệ sĩ Hồng Lê (vai cô gái làng Vân) cùng ba đồng nghiệp tại Đoàn nghệ thuật Chèo Nam Định gồm Kim Liên (vai Thế Tử), Thuý Ngân (vai Trần Quốc Toản), Thuý Nga (vai Hề đồng) trong vở chèo Trần Quốc Toản ra quân đã vinh dự được biểu diễn phục vụ Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. NSƯT Tuyết Lành từng theo học và tốt nghiệp Học viện Âm nhạc quốc gia. Với giọng hát lôi cuốn, giàu nội lực, trong quá trình công tác NSƯT Tuyết Lành đã giành 13 Huy chương Vàng tại các hội diễn đàn hát dân ca, ca múa nhạc chuyên nghiệp... của tỉnh, khu vực phía Bắc và toàn quốc. Nghỉ chế độ từ năm 1989 bà vẫn tích cực tham gia giảng dạy thanh nhạc tại Trường Trung cấp văn hóa nghệ thuật Nam Định từ năm 1997 đến năm 2008. Tham gia CLB văn nghệ dân gian, NSƯT Tuyết Lành là một trong những thành viên tiêu biểu về bồi dưỡng kỹ năng thanh nhạc cho các thành viên trong CLB và các học viên theo học. Hằng năm, bà dạy từ 20-30 học viên, trong đó có nhiều người cao tuổi học thanh nhạc để có thêm kỹ năng biểu diễn, tự tin tham gia các hoạt động văn nghệ quần chúng ở địa phương. Ngoài các nghệ sĩ đã thành danh trên con đường nghệ thuật chuyên nghiệp, CLB văn nghệ dân gian còn tập hợp những thành viên có niềm đam mê nghệ thuật, tiêu biểu như ông Văn Hiệp (71 tuổi) với khả năng đàn hát các làn điệu hát văn cổ, em Vương Anh (27 tuổi) với sở trường dàn dựng các tiết mục dân gian và múa các giá đồng... Ngoài hoạt động biểu diễn, hiện CLB văn nghệ dân gian tiếp tục sưu tầm các làn điệu dân ca cổ, dàn dựng các trích đoạn chèo cổ... Thời gian gần đây, CLB đã phối hợp với một số trường học trên địa bàn Thành phố Nam Định tổ chức biểu diễn các vở chèo cổ về đề tài lịch sử để bổ sung thêm các kiến thức lịch sử trong sách vở và truyền lửa đam mê nghệ thuật cho học sinh. 

NSƯT Kiều Dư, Giám đốc Trung tâm văn hóa 3-2 cho biết: Hoạt động của CLB văn nghệ dân gian đã góp phần làm phong phú các hoạt động văn nghệ trong tỉnh. Thông qua biểu diễn, CLB đã đóng góp tích cực trong việc sưu tầm, truyền bá giá trị văn nghệ dân gian, khơi dậy và phát huy truyền thống văn hóa, bản sắc của quê hương. Bên cạnh đó, CLB đã lồng ghép tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; những nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”…, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com