Giao Thanh gìn giữ không gian văn hoá làng quê

07:03, 23/03/2018

Xã Giao Thanh (Giao Thuỷ) hiện còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hoá gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của vùng đất và con người quê hương. Những năm gần đây, các bộ môn nghệ thuật, trò chơi dân gian cùng nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá tâm linh gắn với các lễ hội luôn được địa phương quan tâm khôi phục, tạo nền tảng cho việc gìn giữ không gian văn hoá truyền thống làng quê.

Là xã thuần nông được hình thành từ làng Thanh Hương xưa (nay là 2 xã Giao Thanh và Giao Hương), nên ở vùng đất này 2 tôn giáo là Phật giáo và Thiên Chúa giáo phát triển khá sớm. Xã có 1 ngôi chùa, 2 ngôi đền cùng hàng chục từ đường, nhà thờ họ. Năm 1855, để ghi ơn công đức của các bậc tiền bối có công khai hoang, lập làng Thanh Hương, nhân dân trong vùng đã xây dựng Đền Thanh Hương (Thanh Hương chính từ) thờ Thành Hoàng làng Đặng Trinh Cát. Hiện đền còn lưu giữ 2 đạo sắc phong thời Vua Duy Tân (1911) và thời Vua Khải Định năm thứ 9 bằng chữ Hán được bảo quản trong tráp sơn son thếp vàng. Năm Tự Đức 10 (1857) dân cư phát triển ngày càng đông đúc, đời sống tinh thần, vật chất được cải thiện, giao lưu văn hóa được mở rộng, nhân dân tổ chức rước chân nhang Thành Hoàng làng từ Đền Thanh Hương xây dựng Chùa Thanh Quang. Tại Chùa Thanh Quang hiện nay vẫn còn tấm bia đá ghi: “Khai thổ thập tứ hiệu, Tự Đức thập niên; Tứ nguyệt nhật Thành Thái tứ niên, Cửu nhất khai dân”. (Dịch là: “Năm Tự Đức thứ tư, 14 người khai đất; Tháng tư năm Thành Thái thứ tư, 91 người khai dân”). Cùng với nhiều di vật, cổ vật có giá trị, tại Đền Thanh Hương và Chùa Thanh Quang còn bảo tồn được 2 cây cổ thụ là cây gạo và cây muỗm được trồng từ thế kỷ XIX, tuổi đời gần 150 năm. Các cây cổ thụ cao trên 30m, thân to, tán rộng, tạo cho cảnh quan di tích thêm cổ kính, uy nghiêm. Hằng năm, mỗi khi địa phương tổ chức hội làng để tưởng nhớ, tri ân công đức của các vị Thành Hoàng làng thì hình ảnh cổ kính của hệ thống đền, chùa cùng các cây cổ thụ luôn là biểu tượng linh thiêng mang màu sắc văn hóa quê hương và tinh thần thượng võ của dân tộc. Không gian văn hoá làng quê ở xã Giao Thanh còn được thể hiện sâu sắc qua các lễ hội làng truyền thống vào dịp nông nhàn đầu xuân và cuối thu. Cả 3 ngôi đền, chùa trong xã không chỉ thờ Thành Hoàng làng mà còn thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn nên lễ hội chính diễn ra vào các ngày 17, 18, 19, 20 tháng 8 âm lịch (kỵ Thánh).  Phần lễ có các nghi thức rước trang trọng từ Đền Thanh Hương và Đền Thanh Nhân sang Chùa Thanh Quang tế lễ. Phần hội mang đậm bản sắc truyền thống địa phương thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân và du khách tham gia với các trò chơi dân gian như: chọi gà, cờ người ở Đền Thanh Hương; bắt vịt, leo cầu ngô ở Đền Thanh Nhân… Tại Chùa Thanh Quang vào các ngày lễ Yến Lão (mồng 4 Tết), Vu Lan (14-4 âm lịch), Phật Đản (15-7 âm lịch), nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra. Trong những ngày lễ hội, âm vang của làn điệu chèo, hát văn hòa quyện cùng những điệu múa truyền thống uyển chuyển, nhịp nhàng đã làm rộn ràng cả một vùng quê ven biển. 

Không gian cổ kính Chùa Thanh Quang, xã Giao Thanh.
Không gian cổ kính Chùa Thanh Quang, xã Giao Thanh.

Bên cạnh không gian lễ hội, nét đẹp văn hoá chợ quê từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức người dân nơi đây. Chợ Thanh Nhang là chợ cổ được hình thành từ rất sớm. Năm 1850, chợ là nơi giao lưu, buôn bán, trao đổi hàng hóa của người dân trong làng và các nơi khác. Chợ bày bán các mặt hàng tạp hóa, thuốc bắc do nhân dân sản xuất và mang ra tiêu thụ. Ngày nay, các phiên chợ thường nhật vẫn diễn ra tấp nập mang đặc trưng vùng miền từ các sản phẩm nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi đến các sản phẩm khai thác, đánh bắt thuỷ, hải sản. Điều đặc biệt là khu chợ Thanh Nhang hiện còn gìn giữ, bảo tồn một số cây cổ thụ của các bậc tiền nhân để lại cách đây hàng trăm năm, trong đó 2 cây bồ đề  trên 100 tuổi, cành lá xum xuê, quanh năm tươi tốt. Với giá trị lịch sử, các cây cổ thụ ở xã Giao Thanh được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam. 5 cây cổ thụ hiếm hoi còn sót lại của vùng ven biển được công nhận gồm: cây muỗm tại Chùa Thanh Quang, cây gạo tại Đền Thanh Hương, 2 cây bồ đề tại Chợ Thanh Nhang và cây đa tại Đền Thanh Long. Các di tích và các cây di sản ở Giao Thanh là những báu vật của tiền nhân để lại, minh chứng khởi điểm cho công cuộc khai hoang lấn biển của người dân vùng đất này từ xa xưa. Ở xã Giao Thanh, bộ môn nghệ thuật chèo, nghệ thuật hát văn truyền thống luôn được cấp uỷ, chính quyền và nhân dân quan tâm gìn giữ. Xã có 1 CLB chèo Hương Quê và 10 tốp, đội văn nghệ ở các xóm; trong đó hoạt động sôi nổi nhất phải kể đến Đội văn nghệ xóm Thanh An. Tiền thân của CLB chèo Hương Quê là Đội chèo sân đình được thành lập từ năm 1976. Trải qua 30 năm hoạt động với nhiều thế hệ nối tiếp, đến nay CLB chèo Hương Quê có 10 thành viên gồm các diễn viên, nhạc công là “hạt nhân” văn nghệ nòng cốt được nhiều người biết đến như: Bích Thục, Ngọc Thạch, Lệ Thanh, Minh Lý, Hồng Năm, Thành Nam, Văn Trường… Bằng tình yêu nghệ thuật, các thành viên CLB tự viết kịch bản, dàn dựng tập luyện biểu diễn phục vụ nhân dân địa phương trong các dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm lớn của Đảng, của đất nước, đặc biệt là các dịp lễ hội. Địa điểm biểu diễn của CLB chủ yếu là ở đình, đền, chùa, từ đường. Ngoài những tích chèo cổ như  “Quan Âm Thị Kính”, “Thị Màu lên chùa”, “Trương Viên”, “Tấm Cám”, “Gieo gió gặt bão”, “Quai đê lấn biển”…, CLB còn dàn dựng, biểu diễn những hoạt cảnh chèo như: “Vùng tôm”, “Đứa con trai”, “Hoa của mẹ”, “Chú chăn trâu và ông lão đi cày”, “Em đi làm kế hoạch”… CLB chèo Hương Quê cũng thường xuyên kết hợp với đội văn nghệ xóm Thanh An biểu diễn ở nhiều xã trong và ngoài huyện, mang đến cho khán giả nhiều chương trình nghệ thuật hát, múa dân gian, ca kịch đặc sắc, tiêu biểu như: Cô đôi Thượng ngàn (hát chầu văn), Lời ca dâng Bác (múa)… Vượt qua cổng làng, CLB chèo Hương Quê được nhiều địa phương mời đến biểu diễn tại các tỉnh: Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Bắc Ninh… 

Những giá trị văn hoá truyền thống được hình thành từ bao đời nay ở xã Giao Thanh đã và đang được cấp uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương gìn giữ, phát huy, trở thành nội lực trong công cuộc xây dựng nông  thôn mới./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com