Là vùng đất đậm đặc các di tích lịch sử văn hóa; tỉnh ta có nhiều lễ hội lớn được tổ chức vào dịp đầu xuân. Ngoài ý nghĩa gắn kết cộng đồng, lễ hội còn là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, giúp thế hệ trẻ nhớ về công lao của cha ông và nâng cao niềm tự hào về truyền thống của quê hương.
Lễ hội làng Vân Chàng, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực). |
Mỗi lễ hội ở các địa phương trong tỉnh mang một ý nghĩa, sắc thái riêng, nhưng đều có điểm chung là tưởng nhớ công lao của những người có công với quê hương đất nước, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Tùy vào đặc điểm di tích và nhân vật được thờ phụng mà quy mô lễ hội được tổ chức khác nhau. Lễ hội gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Nhiều năm qua, nghi lễ dâng hương tại các lễ hội đều có sự tham gia của học sinh các trường học. Tại Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền, thôn Dương A, xã Nam Thắng (Nam Trực) vào ngày diễn ra lễ hội truyền thống và các dịp khai giảng, tổng kết năm học, các trường học trên địa bàn đều tổ chức dâng hương tại đền, vinh danh những học sinh có thành tích học tập xuất sắc. Hằng năm, vào ngày mùng 10-8 âm lịch tại Đền Thượng Lao, Đền Xối Thượng, xã Nam Thanh (Nam Trực) diễn ra lễ hội truyền thống tưởng nhớ công lao đánh thắng quân Chiêm Thành của Bảng nhãn Lê Hiến Giản và Tiến sĩ Lê Hiến Tứ. Trước ngày diễn ra lễ hội, thầy và trò Trường THCS Nam Thanh thường tổ chức buổi học ngoại khóa “ngược dòng lịch sử” để giáo dục truyền thống cho học sinh. Tại huyện Nghĩa Hưng, Phòng GD và ĐT đã ký chương trình phối hợp với Phòng VH-TT về đảm nhận việc chăm sóc các di tích lịch sử - văn hóa và giáo dục truyền thống cho học sinh qua các lễ hội tại địa phương. Trường THCS Nghĩa Phú hằng tháng đều tổ chức cho học sinh tổng vệ sinh trong khuôn viên di tích lịch sử - văn hóa Đền Bình Hải. Đặc biệt vào dịp lễ hội nhà trường phân công giáo viên giới thiệu cho học sinh hiểu về giá trị lịch sử - văn hóa của di tích. Tại di tích lịch sử - văn hóa Đền, chùa Hưng Thịnh, hằng năm Trường THCS Hoàng Nam tổ chức cho học sinh tham quan khu di tích để các em hiểu thêm về thân thế, sự nghiệp của Tiến sĩ Phạm Nguyên Bảo và Phạm Đạo Phú; tổ chức dâng hương cùng địa phương nhân ngày mở hội; phân công cho từng khối lớp làm cỏ trong vườn, tưới nước, chăm sóc cây xanh, quét dọn vệ sinh trong khu nội tự đền, chùa… Ở huyện Xuân Trường, các trường tiểu học và THCS tổ chức cho học sinh dọn vệ sinh, trồng hoa, cây xanh tại các điểm di tích; tổ chức cho các em tìm hiểu ý nghĩa của lễ hội gắn với các di tích ở địa phương nhằm giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa và cách mạng của quê hương. Trường THCS Xuân Thủy xây dựng mô hình “Di tích lịch sử em chăm”, thường xuyên tổ chức cho học sinh chăm sóc khuôn viên di tích Đền Xuân Hy. Vào dịp chuẩn bị lễ hội, nhà trường mời đại diện Ban quản lý di tích nói chuyện về truyền thống cách mạng của quê hương cho học sinh. Ở huyện Giao Thủy, nhiều trường đã tổ chức thực hiện tốt công tác giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh qua các lễ hội, tiêu biểu như các trường THCS: Ngô Đồng, Giao Tiến; các trường tiểu học: Giao Phong, Giao Tiến A, Quất Lâm, Giao Thịnh A... Nhiều năm qua, trong lễ hội Đền Hoành Đông, đoàn học sinh trường Trường THCS Thị trấn Ngô Đồng đều tham gia lễ rước và dâng hương tưởng nhớ công lao các vị tiền nhân có công với quê hương, đất nước. Hằng năm, nhà trường tổ chức cho học sinh tìm hiểu di tích, thân thế sự nghiệp nhân vật được phụng thờ ở Đền Hoành Đông, sau đó các em viết thu hoạch về truyền thống lịch sử địa phương.
Cùng với phần lễ, phần hội ở các lễ hội trên địa bàn tỉnh được duy trì, phục dựng tái hiện các tích sử thông qua các các trò diễn dân gian, dân ca, dân vũ, các hoạt cảnh làm đồ lễ, “hiến xảo” trước tổ nghề… Lễ hội làng Quả Linh, xã Thành Lợi (Vụ Bản) được tổ chức 3 năm 1 lần, bắt đầu từ mùng 9 đến 11-3 âm lịch (vào các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi) đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Phần hội làng Quả Linh với nhiều môn nghệ thuật dân gian được trình diễn, nòng cốt là thanh, thiếu niên tham gia như múa rồng của xóm Bến, múa sư tử của xóm Chải, múa lân của xóm Cùng, chơi đu của xóm Cuối... Để mỗi phần biểu diễn được thành công, trước ngày hội các cụ cao niên thường tuyển chọn những trai đinh có sức khỏe, khéo tay để làm các công đoạn như chế tác rồng mây, làm đu... Nhờ vậy, qua nhiều năm, phương pháp chế tạo rồng mây, làm đu của làng Quả Linh vẫn được tiếp nối từ đời này sang đời khác. Ở xã Yên Đồng (Ý Yên) hát chầu văn đã trở thành nét văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng của người dân gắn với lễ hội tại các di tích lịch sử - văn hoá như: Phủ Quảng Cung, Phủ và chùa Đồi, từ đường họ Phạm... Hằng năm, vào dịp lễ hội, các trường tiểu học: Yên Đồng A, Yên Đồng B, THCS Yên Đồng và một số trường học các xã: Yên Nhân, Yên Tiến, Yên Khang, Yên Trị đã tổ chức cho học sinh tham quan di tích, tìm hiểu về Thánh Mẫu Liễu Hạnh, tín ngưỡng thờ Mẫu; lễ hội truyền thống với các trò chơi dân gian, nghệ thuật hát văn, sau đó các em viết bài thu hoạch. Ở lễ hội làng nghề Ninh Xá, xã Yên Ninh (Ý Yên) vào ngày mùng 6 và 7-3 âm lịch các năm Dần - Thân - Tỵ - Hợi có tục kéo lửa khai hội nhằm tưởng nhớ ông tổ nghề Ninh Hữu Hưng (939-1019) đã có công truyền dạy nghề cho dân làng. Những người được chọn tham gia kéo lửa là những trai tân khỏe mạnh. Cùng với nghi thức kéo lửa khai hội, vào mùng 5 tháng Giêng hằng năm, dân làng Ninh Xá lại tề tựu quanh sân Chùa Phúc Lê (cũng thuộc thôn Ninh Xá) để tổ chức lễ kéo lửa thổi cơm thi nhằm ôn lại tục kéo lửa và ngày đầu tiên tổ nghề đặt chân đến mảnh đất này. Trước sân chùa, người dân diễn lại tục kéo lửa nấu cơm của quân lính thời xưa bằng hình ảnh một nhóm 3 người vừa đi vừa kéo lửa thổi xôi để làm sống lại không khí quyết tâm đánh giặc của cha ông ta xưa. Qua các hoạt cảnh trong lễ hội, thế hệ trẻ của thôn Ninh Xá thêm trân quý, biết ơn các vị tổ nghề. Ở làng Vân Chàng, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) hằng năm, cứ đến ngày 15 tháng 11 (âm lịch), dân làng lại mở hội tưởng nhớ “Lục vị Thánh tổ” tại đình làng - những người đã có công dạy dân làng nghề rèn. Vào dịp lễ hội làng Vân Chàng có tục “hiến xảo” tấu với các vị tổ nghề những tiến bộ trong lao động, sản xuất. Khi tổ chức nghi lễ “hiến xảo” các gia đình thợ thủ công mang sản phẩm ra đình, đền thờ tổ nghề, đặt trước ban thờ dâng lên tổ nghề những sản phẩm có tính thẩm mỹ cao và kỹ thuật tinh xảo. Các gia đình có sản phẩm trong nghi lễ “hiến xảo” đều được nhận một phần quà động viên của ban tổ chức lễ hội, coi đó là lộc của Đức Thánh tổ. Ở nhiều lễ hội lớn khác như lễ hội Đền Trần, phường Lộc Vượng (TP Nam Định), lễ hội Đền Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc)... phần hội đều có sự tham gia của các em võ sinh biểu diễn bằng tất cả niềm tự hào, góp phần tái hiện giai đoạn rực rỡ cả về võ công văn trị của thời Trần.
Thực tế những năm qua, công tác tổ chức lễ hội ở các địa phương trong tỉnh đã đáp ứng nhu cầu của người dân về đời sống tâm linh, sinh hoạt văn hóa, thể thao truyền thống mang đậm tinh thần thượng võ của dân tộc. Trong lễ hội, ý nghĩa của phần “lễ” không chỉ mang tính chất tín ngưỡng thuần túy mà còn là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, gắn kết tình làng nghĩa xóm, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, ở một số lễ hội vẫn tồn tại những bất cập như bản chất của lễ hội là đa dạng, mang sắc thái riêng nhằm hút khách thập phương nhưng hiện nay một số lễ hội đang bị nhất thể hóa, nhiều lễ hội làng có kịch bản tương đồng nhau làm mất đi tính đa dạng khiến du khách cảm thấy nhàm chán. Hệ quả là vừa tác động tiêu cực tới chủ thể văn hóa, vừa khiến cho du khách, nhất là giới trẻ hiểu sai lệch về văn hóa dân tộc. Để lễ hội thực sự phát huy được vai trò là sản phẩm văn hóa phi vật thể, tái tạo được những giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống, đồng thời mang tính giáo dục cao, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành chức năng và ban tổ chức lễ hội các địa phương cần quan tâm tới công tác tổ chức, quản lý lễ hội theo Quyết định 17 của UBND tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Ban tổ chức lễ hội các địa phương cần xây dựng kịch bản lễ hội khoa học, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh và nét đẹp văn hóa truyền thống của mỗi địa phương, tạo sức hấp dẫn cho du khách tham dự lễ hội. Các nhà trường cần chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa qua các di tích, lễ hội cho học sinh. Việc tuyên truyền có thể thực hiện dưới nhiều hình thức như thông qua các bài diễn văn, bài phát biểu tại các lễ kỷ niệm, ngày truyền thống, bài nói chuyện của các cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử, các nghệ nhân của địa phương. Đẩy mạnh việc lồng ghép hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa vào các hoạt động sinh hoạt và hoạt động ngoại khóa như tổ chức cho học sinh tham quan các di tích, tham gia các trò chơi dân gian trong ngày hội truyền thống...
Giá trị giáo dục của lễ hội được thể hiện trong tính hướng về cội nguồn. Điều đó nhắc nhở mỗi người trong cộng đồng những bài học về đạo lý, truyền thống cha ông, về lịch sử làng, lịch sử dân tộc. Mỗi người đến với lễ hội là đến với lòng thành kính tổ tiên và các bậc tiền nhân, do vậy, lễ hội có giá trị lớn trong việc giáo dục đạo đức, truyền thống lịch sử của quê hương, đất nước./.
Bài và ảnh: Viết Dư