Trên địa bàn tỉnh hiện có 10 CLB, đội cà kheo ở các xã ven biển: Hải Triều, Hải Lý, Hải Đông, Hải Chính, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu); Giao Phong, Giao Yến, Bình Hoà, Thị trấn Quất Lâm (Giao Thuỷ); Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng). Những năm gần đây, nghệ thuật cà kheo luôn được cấp uỷ Đảng, chính quyền các địa phương quan tâm khôi phục, phát triển, tạo nền tảng cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa làng quê.
CLB cà kheo tổ dân phố Lâm Thọ biểu diễn trong Lễ hội Đền Văn Chì, Thị trấn Quất Lâm (Giao Thuỷ). |
Bắt nguồn từ cuộc sống lao động, sản xuất của ngư dân miền biển, nghệ thuật biểu diễn cà kheo ở Thị trấn Quất Lâm (Giao Thuỷ) có từ những năm 1964-1965. Tâm sự với chúng tôi về sự ra đời của cà kheo, ông Nguyễn Văn Khuê, Chủ nhiệm CLB cà kheo tổ dân phố Lâm Thọ cho biết: Trước đây, các phương tiện khai thác, đánh bắt thủy sản còn thô sơ, đơn giản nên việc tiếp cận ngư trường khó khăn. Để có thể tìm tới những vùng nước ngoài xa, ngư dân vùng chân sóng đã sáng tạo ra việc đi cà kheo để tăng chiều cao khi di chuyển, đưa ngư cụ tới các vùng nước xa hơn để thuận tiện cho việc đánh bắt thuỷ sản. Ngày nay, các phương tiện di chuyển, đánh bắt hiện đại hơn xưa, cà kheo tuy không còn được sử dụng để đánh bắt thuỷ sản nữa nhưng vẫn được ngư dân gìn giữ và trở thành loại hình nghệ thuật biểu diễn đặc sắc. Hoạt động từ năm 2006, đến năm 2016 UBND Thị trấn Quất Lâm có quyết định thành lập CLB cà kheo tổ dân phố Lâm Thọ. Đến nay, CLB có 15 người, độ tuổi từ 30-50 tuổi. Nhiều thành viên đã gắn bó với CLB từ khi mới hoạt động, tiêu biểu là các ông: Vũ Văn Bình, Nguyễn Văn Thoa, Cao Văn Tuyền, Nguyễn Văn Duy… Sau những giờ lao động vất vả, các thành viên trong CLB lại tụ họp trên bãi biển để cùng tập luyện, sáng tạo những trò mới, vừa rèn luyện sức khỏe và mang đến niềm vui cho mọi người. Hoạt động theo phương thức xã hội hoá cùng với sự tài trợ của các nhà hảo tâm tại địa phương như các ông: Nguỵ Văn Năm, Trần Quang Tám, Nguyễn Văn Quang, hoạt động của CLB ngày càng ổn định, hiệu quả. Trong các sự kiện văn hoá của địa phương, dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, Đại hội TDTT huyện, lễ hội tại các di tích Đền Văn Chì, Chùa Phúc Lâm, CLB cà kheo tổ dân phố Lâm Thọ thường xuyên góp mặt, tham gia biểu diễn với nhiều tiết mục độc đáo. Các thành viên trong CLB luôn tự “làm mới” các tiết mục biểu diễn của mình với những điệu múa quạt, múa gậy, múa thương, múa sư tử, múa võ, đánh trống…
Ở xã Hải Triều (Hải Hậu), nghệ thuật biểu diễn cà kheo có từ năm 1970 do những ngư dân địa phương tập luyện, biểu diễn trong các dịp hội hè, đình đám. Đến nay đội cà kheo của xã duy trì khoảng 20 thành viên với trên 10 tiết mục, trò diễn độc đáo, hấp dẫn như: đánh đu, đá bóng, kéo co, đấu vật, múa sư tử, đấu kiếm, chơi nhạc cụ… Ông Nguyễn Văn Tâm, Đội trưởng đội cà kheo cho biết: Cây kheo được lựa chọn kỹ càng từ những cây tre lâu năm, thẳng, đặc, chịu lực tốt, có đường kính 4-6cm, dài từ 2-3m. Tre được cắt khéo sao cho mỗi cây kheo đều có 3 mấu để tăng độ bền chắc. Tiếp đến là nẫy của kheo. Đây là bộ phận quan trọng được ghép vào thân cà kheo và cũng là nơi để buộc chân người sử dụng.
Thông thường, nẫy vừa một bàn chân, chắc chắn, có độ đàn hồi để người sử dụng cảm thấy thoái mái khi biểu diễn. Cà kheo lên bờ khó đi hơn ở dưới nước vì nền đất cứng, độ nguy hiểm lớn hơn. Nhiều người mất cả tháng trời, có người thậm chí còn không thể sử dụng được cà kheo vì quá cao, rất khó có thể giữ thăng bằng. Vì thế, để làm chủ đôi cà kheo là cả một nghệ thuật, cần sự khổ luyện, khéo léo và có sức khỏe. Hiện nay, tại xã Hải Triều, bên cạnh các phương tiện thuyền, bè thì vẫn còn một số ngư dân sử dụng công cụ cà kheo để đánh bắt tôm, cá. Đã thành lệ, trong Ngày hội văn hóa - thể thao huyện Hải Hậu được tổ chức hằng năm vào dịp kỷ niệm Quốc khánh (2-9), đội cà kheo xã Hải Triều cùng với đội cà kheo của xã Hải Lý thường xuyên tham gia biểu diễn với nhiều tiết mục đặc sắc. Không chỉ biểu diễn tại địa phương, đội cà kheo xã Hải Triều còn tham gia biểu diễn tại tuần lễ văn hoá ở các thành phố lớn của cả nước như: Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… Nghệ thuật biểu diễn cà kheo ở xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng) có từ cách đây gần 50 năm xuất phát từ làng Quần Vinh. Ông Nguyễn Văn Khắc, thành viên đội cà kheo xã Nghĩa Thắng cho biết: Nghệ thuật biểu diễn cà kheo ở địa phương do cụ Nguyễn Văn Luận (bố ông Khắc) khởi xướng thành lập. Năm 1961, khi xã Nghĩa Thắng mở hội làng, cụ Luận và các cụ cao niên vùng đất Quần Vinh đã vận động hơn 10 thanh niên đi trên những cây cà kheo cao 3m, tham gia đoàn diễu hành và được đông đảo nhân dân cổ vũ. Từ đó, nghệ thuật biểu diễn cà kheo trở thành nét đẹp văn hoá không thể thiếu trong các dịp lễ hội của cả vùng. Cách đây chừng 10 năm, cũng là khoảng thời gian mà đội cà kheo xã Nghĩa Thắng hoạt động sôi nổi và được nhiều người biết đến. Thời điểm đó, đội đã đi phục vụ, biểu diễn tại nhiều lễ hội lớn trong cả nước như: Liên hoan du lịch quốc tế Hà Nội năm 2001, Lễ hội dân ca, dân vũ Thành phố Hồ Chí Minh năm 2003, Liên hoan du lịch Tuần Châu, tỉnh Quảng Ninh năm 2004, Lễ khai mạc Sea Game 22, Liên hoan du lịch quốc tế Hà Nội năm 2005… Hiện nay, đội cà kheo xã Nghĩa Thắng có khoảng 20 người, độ tuổi từ 50-70 tuổi. Trong đội, ông Khắc cùng 3 người anh em là: Nguyễn Văn Ngữ, Nguyễn Văn Định, Nguyễn Văn Tuyên đều là những thành viên tâm huyết vẫn đang gìn giữ, truyền dạy loại hình nghệ thuật cà kheo cho các thanh, thiếu niên trong làng. Năm nào cũng vậy, mỗi khi địa phương diễn ra các sự kiện văn hoá, chính trị, các dịp lễ, Tết, các thành viên cao tuổi trong đội cà kheo lại xúng xính quần áo, trang phục, đạo cụ lên đường đi biểu diễn. Trên đôi chân dài, các nghệ sĩ biểu diễn các tích trò, các môn thể thao như: cầu lông, đánh đu, đá bóng, hát chèo, đấu kiếm, chơi xà đơn, xà kép... Được tận mắt chứng kiến những nghệ sĩ cao lênh khênh trên những đôi chân dài đi lại uyển chuyển, nhịp nhàng người xem mới cảm nhận hết được sự thú vị của loại hình nghệ thuật đậm chất dân gian này.
Thực tế cho thấy, các tiết mục biểu diễn của các đội, CLB cà kheo ngoài tái hiện lại cuộc sống lao động của ngư dân với những phương thức đánh bắt thuỷ sản như: cất te, đi xẻo, quăng chài thì các trò diễn như: múa sư tử, múa gậy, múa quạt hay hoá thân vào các nhân vật cổ tích đều liên quan đến các sự kiện lịch sử mang tín ngưỡng phồn thực, cầu cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Mỗi đội, CLB có nét độc đáo riêng nhưng đều mang đậm phong cách đặc trưng vùng miền, thể hiện nét tài hoa và tinh thần kiên cường của người dân vùng chân sóng. Từ một công cụ phục vụ lao động sản xuất, cà kheo đã trở thành một bộ môn nghệ thuật đặc sắc, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng