Trong cái nắng hanh hao của buổi chiều cuối năm, chúng tôi tìm về làng nghề sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến (Ý Yên) để tìm hiểu thêm về một tục lệ đã gắn bó lâu đời với người dân nơi đây. Đó chính là tục xin lửa đêm Giao thừa. Đây là một trong những lễ tục có từ xa xưa của người dân làng nghề sơn mài Cát Đằng. Dù trải qua bao biến thiên của lịch sử song người dân làng nghề vẫn giữ được phong tục cổ xưa để lại. Vào đêm 30 Tết, trong thời khắc chuyển giao của đất trời, cả làng Cát Đằng sáng bừng lên với những ngọn lửa được người dân xin về từ đình làng thờ vua, thờ ông tổ nghề về nhà mình.
Theo lời các cụ cao niên trong làng kể lại, tục xin lửa vào đêm Giao thừa có từ thời Vua Đinh Tiên Hoàng, khi Vua Đinh kéo quân từ Hoa Lư về tập trận tại thôn Cát Đằng. Người dân vì khâm phục Vua Đinh Tiên Hoàng nên đã tôn làm thánh và thờ tại đình của làng. Kể từ đó, cứ vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, người dân làng Cát Đằng lại tổ chức lễ xin lửa thánh để tưởng nhớ đến vị vua đáng kính cũng như mong muốn một năm mới đủ đầy, hạnh phúc. Ngoài ra, tục xin lửa đêm Giao thừa ở làng Cát Đằng còn để tưởng nhớ đến người đã có công mang nghề mới đến cho dân. Theo lịch sử, vùng đất xã Yên Tiến ngày nay được hình thành từ vùng rừng Kim Xuyên thời Ngô Vương vốn là khu đồng ngập nước quanh năm nên khó làm ăn sinh sống. Sau khi Ngô Quyền mất, Dương Tam Kha tiếm quyền, nội bộ nhà Ngô lục đục gây ra loạn 12 sứ quân. Sứ quân Phạm Bạch Hổ (tức Phạm Phòng Át) trấn giữ vùng Đằng Châu (Hưng Yên) đồng thời khai phá mở rộng thế lực ra cả vùng Kim Xuyên này. Trước khí thế của đại quân Đinh Bộ Lĩnh, Phạm Phòng Át đã lập nhiều chiến công, được phong là Thiên Vệ Tướng Quân. Trải qua các triều đại phong kiến từ Đinh - Lê đến Lý - Trần, vào thời Quang Thái thứ 5 đời Trần Thuận Tông (1388-1398), do loạn ly đói kém, dân cư bỏ đi, ruộng đồng hoang hóa, làng xóm tiêu điều. Lúc đó có người ở Đa Lộc Đồng Triều là Ngô Ân Ba và người ở Triều Luật Thượng Phúc là Phạm Đăng Lĩnh đã chiêu mộ được gần 100 người về cùng dân địa phương khai hoang, phục hóa, dần dần ổn định cuộc sống. Ngô Ân Ba có nghề làm sơn đã tìm cách truyền nghề cho dân làng Cát Đằng nên cuộc sống ngày càng được cải thiện và nghề thợ sơn đã trở thành một trong những nghề thủ công truyền thống nổi tiếng của Cát Đằng cho tới ngày nay. Tục xin lửa của người dân làng Cát Đằng cũng là dịp để tưởng nhớ tới ông tổ nghề của làng.
Đội tế nam quan làng Cát Đằng, xã Yên Tiến (Ý Yên) thực hiện các nghi thức xin lửa thánh đêm Giao thừa. |
Để chuẩn bị cho tục xin lửa đêm Giao thừa, ngay từ tháng 10, 11 âm lịch, người dân làng Cát Đằng đã họp bàn chọn người Tế chủ - người mở cửa đình để xin lửa thần, lửa thánh của ông tổ nghề sơn và Vua Đinh trong thời khắc Giao thừa. Người được dân làng chọn làm Tế chủ và dâng nhang tại đình phải là nam giới trên 60 tuổi, gia đình Tế chủ phải còn đầy đủ tất cả mọi người sống khỏe mạnh, hạnh phúc, không vi phạm pháp luật, con cái ngoan ngoãn, trong năm làm ăn phát đạt, không vướng việc tang chế để thay mặt dân làng ra mở cửa đình. Đến chiều 30 Tết, Tế chủ phải có mặt ở đình làng để học các nghi lễ từ các bô lão trong làng, cùng các đội tế nam quan, nữ quan và dân làng có mặt cùng làm tế lễ, kính cáo với thánh và ông tổ nghề để xin lửa vào thời khắc Giao thừa. Để chuẩn bị cho công việc xin lửa được chu tất, nhân dân trong làng đã chuẩn bị đầy đủ lễ vật gồm mâm xôi, thủ lợn, rượu, hoa quả bày biện chu đáo. Tại đình, đông đủ dân làng đã có mặt, mỗi người đều mang theo một cây đuốc. Cây đuốc được dùng để xin lửa thánh làm từ những khúc tre to, dài và chắc chắn. Ở đầu mỗi cây đuốc được buộc vải và tẩm dầu hỏa. Khi chuông đồng hồ điểm thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, vị Tế chủ trịnh trọng xin lửa từ trên bàn thờ Thánh đưa qua một khe ở bên mé tường, châm vào vạt dầu ở bên ngoài sân đình và bắt đầu cho lễ xin lửa. Tiếng chiêng, tiếng trống nổi lên cũng là lúc mọi người nhanh chóng lấy lửa thiêng đem về nhà. Trong thời khắc giao hòa giữa trời và đất, ánh lửa thiêng bùng lên sáng rực cả một góc trời, mọi người chĩa đầu cây đuốc vào để lấy lửa, sau đó giơ cao ngọn đuốc rồi tỏa về khắp các ngõ, xóm. Trên các nẻo đường, ai cũng thi nhau chạy thật nhanh để mong sao mình là người đầu tiên về nhà sớm nhất bởi người dân trong làng Cát Đằng quan niệm rằng, nếu là người về nhà đầu tiên thì cả năm đó, gia đình sẽ gặp nhiều may mắn và làm ăn phát đạt.
Tục xin lửa đêm Giao thừa mang ý nghĩa giáo dục, nhằm tưởng nhớ đến vị vua đáng kính và ông tổ nghề cũng như mong muốn bước sang một năm mới ấm no, hạnh phúc. Ông Ngô Văn Chiên, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Tiến cho biết, toàn xã hiện có khoảng 3.000/3.587 hộ tham gia làm sơn mài - tre, nứa chắp, mộc mỹ nghệ; có khoảng 30 doanh nghiệp sản xuất với quy mô tập trung từ 50-60 lao động trở lên. Gần 100 xưởng mộc mỹ nghệ tạo việc làm thường xuyên cho 800-1.000 lao động với mức thu nhập đạt từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều sản phẩm mỹ nghệ của xã đã được xuất sang các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, châu Âu… Tranh sơn mài làng Cát Đằng thường thể hiện các chủ đề dân gian như: tứ linh (long - ly - quy - phượng) hay tứ thời (tùng - cúc - trúc - mai) hoặc phong cảnh làng quê, các địa danh nổi tiếng cả nước... Nghề sơn mài Cát Đằng với truyền thống hàng trăm năm tuổi đã khẳng định được uy tín nhờ vào chất lượng sản phẩm đẹp đầy tinh tế dưới bàn tay tài hoa đầy sức sáng tạo của những người thợ lành nghề. Tranh sơn mài đã trở thành “máu thịt” làm nên thương hiệu cho người dân làng Cát Đằng nói riêng và xã Yên Tiến nói chung. Trên cơ sở của những nghệ nhân tài hoa, khả năng sáng tạo của những thợ làng nghề đã tiếp tục khẳng định danh tiếng làng nghề, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Tháng 5-2017, nghề sơn mài Cát Đằng được Bộ trưởng Bộ VH, TT và DL ban hành Quyết định số 1852/QĐ-BVHTTDL về việc công bố trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tục xin lửa đêm Giao thừa của người dân làng Cát Đằng là lễ tục lâu đời gắn với người dân làm nghề sơn mài của địa phương, tin tưởng vào một năm mới với nhiều niềm vui và may mắn đủ đầy. Đây cũng là nét đẹp văn hóa truyền thống thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, bày tỏ lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh