Những người đam mê ảo thuật

06:02, 23/02/2018

Ảo thuật là loại hình nghệ thuật trình diễn được các ảo thuật gia biến hóa bằng những kỹ xảo, đạo cụ đặc biệt, gây bất ngờ cho khán giả bởi tính huyền bí, lạ thường. Thời gian gần đây ảo thuật là môn nghệ thuật được giới trẻ trong tỉnh yêu thích và trở thành nghề khởi nghiệp hấp dẫn dành cho những người có niềm đam mê thực sự.

Về xã Liên Minh (Vụ Bản), chúng tôi có dịp trò chuyện với ảo thuật gia Nguyễn Tiến Tài (23 tuổi), hội viên Hiệp hội Những ảo thuật gia anh em quốc tế IBM (The International Brotherhood of Magicians). Với những người đam mê ảo thuật sân khấu trong tỉnh, nghệ danh Tiến Tài đã trở nên quen thuộc. Trong căn phòng nhỏ, ngoài các trang phục, đạo cụ còn có nhiều sách và đĩa DVD dạy ảo thuật chuyên nghiệp được anh sưu tầm. Sinh ra trong một gia đình thuần nông, khi đang học ở Trường THPT Lương Thế Vinh (Vụ Bản), trong một lần chứng kiến người bạn cùng lớp biểu diễn ảo thuật, Tài đã bị cuốn hút. Nhìn vẻ mặt say mê của Tài, người bạn cùng lớp đã dạy cho cậu những trò đơn giản như xòe bài, biến ra những bông hoa... Về nhà, khi học xong bài vở, Tài lại tìm hiểu về ảo thuật qua internet, sách báo. Dịp cuối tuần Tài đã lặn lội sang Thái Bình để tham gia CLB ảo thuật thành phố. Khi luyện tập ở nhà, để có thể biết được những tiết mục của mình chỗ nào hợp lý, chỗ nào không, Tài đã phải đứng trước gương diễn, rồi tự quay clip lại để sau đó rút kinh nghiệm những lỗi gặp phải. Với đặc thù ảo thuật chia làm 3 thể loại gồm: ảo thuật đường phố, ảo thuật bàn tiệc và ảo thuật sân khấu nên Tài muốn thử sức ở tất cả các thể loại. Theo Tài, mỗi thể loại đều có những yêu cầu riêng dành cho người biểu diễn, từ tác phong, cách nói chuyện, cách diễn trò phải phù hợp với lứa tuổi của khán giả. Với ảo thuật đường phố (Street magic) ảo thuật gia sẽ tập trung vào nhanh tay, nhanh mắt và thường biểu diễn với bộ bài, khán giả xem biểu diễn chủ yếu là các bạn trẻ. Ảo thuật bàn tiệc (Close-up) đòi hỏi phức tạp hơn khi cần sử đụng đến kỹ thuật kèm với giọng nói để tạo ra những màn ảo thuật hay. Ảo thuật sân khấu (Stage magic) thường có quy mô lớn và trang bị đầy đủ các loại đạo cụ cùng với việc đòi hỏi cao kỹ năng biểu diễn của ảo thuật gia. Năm 2013, Tiến Tài đã trở thành một trong những tên tuổi có tiếng trong giới ảo thuật đường phố. Chưa dừng lại ở đó, anh tiếp tục trau dồi kiến thức, dành dụm mua đạo cụ biểu diễn hướng tới ảo thuật sân khấu chuyên nghiệp. Khó khăn trên con đường đến với ảo thuật sân khấu, ngoài kinh phí còn là việc bố mẹ muốn anh học nghề dược. Chiều lòng bố mẹ, Tài theo học ngành dược sĩ Trường Trung cấp Y tế Nam Định. Với gương mặt sáng hợp với sân khấu, vóc dáng thư sinh, cộng thêm tài năng ảo thuật, Tiến Tài là một trong những học sinh nổi bật trong mỗi dịp trường tổ chức các hoạt động văn nghệ. Vừa học, vừa theo đuổi đam mê ảo thuật, Tiến Tài đã nhận được nhiều show diễn ảo thuật sân khấu ở Thành phố Nam Định. Với Tiến Tài, thách thức lớn nhất đối với một ảo thuật gia là phải chinh phục được khán giả và tạo được một phong cách diễn riêng. Hiện nay, anh nổi tiếng với các tiết mục ảo thuật sân khấu như biến hoa, biến khăn thành nhiều chiếc ô nhỏ, biến hóa những chú chim thành hoa hồng... Trong đó, tiết mục anh diễn gây ấn tượng và hứng thú cho người xem là màn ảo thuật biến mất người. Theo anh, ảo thuật đòi hỏi người biểu diễn phải nhanh nhẹn, linh hoạt, có khả năng dẫn dắt, đánh lạc hướng khán giả, để thực hiện những di chuyển bí ẩn, tạo nên tình huống bất ngờ. Quan trọng hơn, ảo thuật không chỉ đơn thuần là một trò chơi, mà còn rèn luyện cho những người đam mê tính kiên trì, tỉ mỉ.

Ở Thành phố Nam Định, ảo thuật gia trẻ Nam Sơn (21 tuổi) sớm nổi tiếng với loại hình ảo thuật sân khấu. Hiện nay Nam Sơn là hội viên Hiệp hội những ảo thuật gia anh em quốc tế IBM. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật (mẹ của Sơn là NSƯT Thanh Hằng, Trưởng đoàn Cải lương Nam Định) nên từ nhỏ Sơn đã bộc lộ khả năng làm chủ sân khấu. Năm 2011, trong một lần trực tiếp xem các nghệ sĩ ảo thuật biểu diễn, Sơn đã thấy sức hấp dẫn của bộ môn nghệ thuật này. Về nhà, Sơn bắt đầu nghiên cứu về cách thực hiện các màn ảo thuật qua sách, báo, internet... rồi mua các dụng cụ biểu diễn để tập. Ban đầu là các bài tập đơn giản với lá bài như Fan bài, đảo bài, múa bài... sau đó Sơn tăng dần độ khó và độ nhuyễn của những bài biểu diễn. Sơn cho biết: Nếu không kiên trì luyện tập, nhiều người sẽ bỏ cuộc giữa chừng bởi độ khó và sự đa dạng của các trò ảo thuật. Bản thân Sơn đã mất gần 1 năm để luyện tập thành thục các kỹ thuật cơ bản của ảo thuật và buổi biểu diễn đầu tiên của em là “sân khấu” gia đình với khán giả là những người thân. Chính sự động viên của bố mẹ đã giúp Sơn sự tự tin để tiếp tục theo đuổi đam mê. Năm 2012, Sơn thường xuyên “thử sức” mình trên đường phố, không đơn giản là muốn được nghe sự tán thưởng, cổ vũ, mà còn mong mỏi nhiều người biết đến ảo thuật. Năm 2013, Sơn gặp ảo thuật gia sân khấu Tiến Tài trong một sự kiện biểu diễn. Sau này, cả hai là bạn thân cùng luyện tập và kết hợp biểu diễn ở các sân khấu lớn. Nam Sơn có thế mạnh bởi học khoa Kịch, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nam Định nên khả năng làm chủ sân khấu, cách biểu đạt hình thể, diễn theo âm nhạc khi thể hiện các tiết mục ảo thuật sân khấu được đánh giá cao. Theo Sơn, nghề ảo thuật rất khắc nghiệt, không chỉ cần tài năng mà còn phải đáp ứng những yêu cầu “nhất dáng, nhì duyên, tam tài” mới có thể trụ được trên sân khấu. Để một buổi biểu diễn thành công, công tác chuẩn bị phải chu đáo từ trang phục, đạo cụ, người phụ diễn, đến âm thanh, loa đài, sân khấu... Do vậy, trước mỗi buổi biểu diễn, Sơn còn tính hướng gió để các bài diễn đạt hiệu quả cao nhất. Và để tạo sự hấp dẫn cho show diễn, ngoài những tiết mục định hình cho “thương hiệu”, Sơn đã tự tìm tòi sáng tạo để cho ra đời những tiết mục mới lạ, hấp dẫn. Những tiết mục ảo thuật sân khấu đòi hỏi kỹ năng điêu luyện của ảo thuật gia và cả sự nguy hiểm như “Đốt lửa ra người”, “Đâm dao biến mất người”... đã làm nên tên tuổi của Nam Sơn. Thường thì khán giả xem ảo thuật là học sinh, sinh viên nên mỗi lần biểu diễn các trò có tính chất nguy hiểm, Sơn luôn dặn dò mọi người không được thử ở nhà, nhất là các em nhỏ. Hiện nay, Nam Sơn đang dựng tiết mục ảo thuật “Thầy trò Đường Tăng” với đầy đủ trang phục, cách biến hóa, diễn xuất dựa vào các nhân vật trong bộ phim cùng tên. Với mong muốn phát triển môn ảo thuật, hằng năm vào các dịp hè, Nam Sơn đã nhận dạy ảo thuật cho từ 10-15 học sinh tại nhà. Nam Sơn tâm sự: “Bản thân ảo thuật là bí mật, dạy ảo thuật cho người khác thì coi như “bán” ngón nghề biểu diễn, nhưng nếu không quảng bá, ảo thuật sẽ bị mai một”.

Khởi nghiệp từ đam mê, những ảo thuật gia trẻ như Nam Sơn và Tiến Tài hứa hẹn sẽ tiếp tỏa sáng ở loại hình ảo thuật sân khấu góp phần đưa ảo thuật đến gần với công chúng./.

Viết Dư

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com