Xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) là vùng đất có nhiều di tích lịch sử - văn hóa; tiêu biểu như Nhà thờ Quần Liêu, Đền Tân Liêu, Đền Xuân, Đền - Chùa Lý Nhân… Về xã Nghĩa Sơn hôm nay, du khách không chỉ được chứng kiến cảnh đẹp của một vùng nông thôn mới trù phú, phát triển mà còn được cảm nhận những giá trị văn hóa tín ngưỡng thông qua các lễ hội tại các di tích lịch sử - văn hóa ở địa phương.
Với 78,1% người dân theo đạo Thiên chúa, trên địa bàn xã Nghĩa Sơn có 5 nhà thờ giáo xứ và 7 nhà thờ giáo họ đều là những ngôi thánh đường cổ có giá trị lịch sử và nghệ thuật kiến trúc độc đáo. Nhà thờ Quần Liêu là công trình tôn giáo được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá. Nhà thờ Quần Liêu được xây dựng từ năm 1880; tổng thể khu di tích được chia làm 2 khu vực: phía tây là nhà thờ rộng 936m2 bao gồm: 2 cổng vào, 2 gác chuông, 2 dãy nhà hội quán; phía đông là nhà xứ rộng 11.448m2 bao gồm các hạng mục: hồ nước, nhà hội quán và nhà bếp. Cổng chính vào di tích được xây theo kiểu chồng diêm, lợp ngói mũi hài giống hệ thống tam quan ở các đền, đình, chùa cổ. Hai bên cổng là 2 gác chuông cao 27m, xây dựng năm 1915. Nhà thờ chính mặt quay hướng nam, được xây dựng theo đồ án mặt bằng cây thánh giá với kích thước cao 13m, dài 57m, rộng 17m. Bên ngoài nhà thờ xây dựng theo lối kiến trúc giao hòa giữa Á và Âu. Bên trong công trình mang phong cách kiến trúc Á đông hiện đại; đặc biệt là lối kiến trúc thuần Việt từ những hoa văn chạm trổ tứ linh, tứ quý uốn lượn, sơn son thếp vàng lộng lẫy, mái lợp ngói ta... Tường được xây bằng gạch với hợp chất vôi, mật, muối. Trên mảng tường mặt ngoài có đắp hoạ tiết trang trí các hình kỉ hà, hoa lá… bằng chất liệu vôi trộn giấy bản, đường nét hài hoà, uyển chuyển. Mặt trước nhà thờ xây cuốn hình chữ U, nội thất chia làm 3 phần: toà cuối, toà thánh đường và gian thánh. Gỗ lim là vật liệu chủ yếu của gian thánh đường, trong đó có 36 cột trụ lớn, cao gần chục mét; đường kính từ 35-50cm cùng hệ thống ghế ngồi 192 chiếc chia thành 4 hàng… Cùng với gian thánh đường, các hạng mục của quần thể di tích như: toà chầu, nhà hội quán, khu mộ… vẫn giữ nguyên được giá trị di tích, thu hút đông đảo du khách thập phương về tham quan, chiêm bái.
Di tích lịch sử - văn hoá Nhà thờ Quần Liêu. |
Cách Nhà thờ Quần Liêu chừng hơn 1 cây số là di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh Đền Tân Liêu thờ Triệu Việt Vương và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, đến nay ngôi đền vẫn bảo tồn theo đúng phong cách kiến trúc cổ truyền của dân tộc. Hệ thống nghi môn gồm 3 cửa ra vào, hai bên cửa chính là 2 cột đồng trụ đắp hoạ tiết nghê chầu; hai cửa bên được xây chồng diêm 2 tầng 8 mái, lợp ngói nam. Đền xây hướng nam theo kiểu “tiền chữ Nhất, hậu chữ Đinh”, sân đền rộng chừng 300m2, giữa sân đền có đắp non bộ, hai bên là 2 hồ sen tạo cảnh quan cho di tích. Hệ thống tiền đường của đền được chia làm 5 gian, cửa bằng gỗ lim, trên các đầu xà có chạm khắc hoạ tiết lá lật. Giữa tiền đường là nhang án nối liền với trung đường và hậu cung. Trung đường và hậu cung đều có 3 gian, trong đó, trung đường và hậu cung có đặt bài vị của “Ngũ vị tiên hiền” - những người có công dựng làng, lập xã, bài vị của Đức Thánh Trần và bài vị Triệu Việt Vương.
Các di tích lịch sử - văn hoá ở xã Nghĩa Sơn là nơi diễn ra những lễ hội mang nhiều yếu tố văn hoá tín ngưỡng của cộng đồng. Lễ hội truyền thống tại Đền Tân Liêu được nhân dân địa phương tổ chức vào lúc nông nhàn “Xuân Thu nhị kỳ” trong các ngày mồng 6, 7 tháng Giêng và ngày 13, 14, 15-8 âm lịch. Lễ hội đầu năm nơi đây được gọi là lễ hội Minh Niên. Trong ngày hội dân làng tổ chức tế, lễ ở đền để cầu may nhân dịp đầu năm mới. Đây cũng là dịp để mọi người chúc Tết, hỏi thăm nhau, tặng nhau những món quà đầu Xuân. Trong lễ hội Minh Niên còn có lễ Yến lão mừng thọ các cụ già cao niên trong làng thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Lễ hội tháng 8 được tổ chức tưởng nhớ Đức Thánh Trần. Trong đó, ngày 13-8 là ngày lễ Mộc Dục - dân làng tập trung ở sân đền bao sái các đồ tế tự, kéo cờ hội, cỗ kiệu. Ngày 14-8, dân làng tổ chức lễ rước kiệu từ đền đi vòng quanh xã, sang các đền khác để thỉnh Thánh. Ngày 15-8, ngoài nghi thức lễ tạ, sân đền còn là địa điểm diễn ra nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, các trò chơi dân gian như: đánh cờ, tổ tôm điếm…
Giống như hoạt động tại các di tích đình, đền, chùa, lễ hội tại các nhà thờ Công giáo nhằm tưởng nhớ đến Đức chúa được cộng đồng giáo dân tổ chức trang trọng, làm tăng thêm sự đoàn kết, gắn bó thông qua các hoạt động xưng tội, rửa tội, con người được dạy bảo, khuyên răn những điều hay lễ phải “khuyến thiện trừ ác” trong cuộc sống. Hằng năm, tại di tích Nhà thờ Quần Liêu diễn ra 11 lễ trọng, tiêu biểu như: lễ Chúa giáng sinh (25-12), lễ Chúa hiển linh (tháng 3), lễ Thánh Guise (tháng 3), lễ Phục sinh (tháng 4), lễ Đức Mẹ lên trời (tháng 8), lễ Đức Mẹ vô nhiễm (tháng 12)... Các dịp lễ trọng là ngày hội lớn của giáo dân với những hình thức sinh hoạt phong phú. Ngoài những lễ nghi được tiến hành trang trọng theo quy định của giáo hội, giáo dân còn đưa vào lễ hội Công giáo các hình thức của lễ hội cổ truyền như: rước kiệu và một số trò chơi dân gian, loại hình nghệ thuật: leo cây mỡ, bịt mắt biểu diễn nhạc kèn, trống, cà rùng… Các kỳ lễ hội trong năm tại di tích là dịp để người dân xứ Quần Liêu thực hành tín ngưỡng, người dân được tham gia các hoạt động văn hoá, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, hướng con người đến “chân - thiện - mĩ”.
Để phát huy giá trị lịch sử - văn hoá các di tích, thời gian tới, xã Nghĩa Sơn tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa; tuyên truyền, giáo dục trong các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ các công trình văn hoá tín ngưỡng, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng