Trên địa bàn huyện Hải Hậu hiện có 38 ngôi chùa, trong đó 11 ngôi chùa được xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia và cấp tỉnh; tiêu biểu như Chùa Lương (xã Hải Anh), Chùa Phúc Hải (xã Hải Minh), Chùa Xã Hạ (xã Hải Bắc), Chùa Thanh Quang, Chùa Thiên Biên (xã Hải Thanh), Chùa Quy Hồn (Thị trấn Cồn)… Các ngôi chùa đều là những công trình Phật giáo có giá trị về nghệ thuật kiến trúc, thể hiện óc sáng tạo, bàn tay tài hoa của các nghệ nhân xưa.
Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia Chùa Xã Hạ, xã Hải Bắc. |
Các ngôi chùa ở Hải Hậu ngoài thờ Phật còn thờ các vị vua, anh hùng dân tộc có công đánh giặc giữ nước như: Trần Hưng Đạo, Triệu Việt Vương, Triệu Quang Phục, Phạm Ngũ Lão… hoặc phối thờ các vị cao tăng, thuỷ tổ có công khai hoang, lập ấp, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Chùa Phúc Hải (xã Hải Minh) là di tích lịch sử - văn hoá liên quan đến công cuộc khẩn hoang, lập làng xã của nhân dân địa phương và các vùng lân cận. Cùng với thờ Phật, chùa thờ hai vị Quốc sư thời Lý là “Nam thiên Thánh tổ” - Từ Đạo Hạnh và Không Lộ thiền sư. Công trình chùa chính bao gồm các toà: bái đường, tam bảo và thượng điện. Xung quanh chùa có gác chuông, nhà tổ, phủ thờ, nhà khách, nhà bếp tạo thành kết cấu “nội chữ Đinh, ngoại chữ Quốc”. Trong tổng thể công trình, tòa bái đường được thiết kế kiểu “thượng chồng rường, hạ kẻ bẩy” mang dấu ấn kiến trúc thời Hậu Lê (thế kỷ XVIII). Các hàng cột trụ, xà lòng, xà nách... có kết cấu tương ứng với hệ thống cột đỡ, đục chạm hoa lá, soi chỉ tạo đường nét mềm mại thanh thoát. Đặc biệt, trong tòa bái đường còn có bộ cửa võng bài trí tại gian giữa, chạm “lưỡng long chầu nguyệt”, dưới là hình ảnh phượng múa, ly chầu, hoa sen, rùa phun nước làm cho công trình càng thêm trang nghiêm lộng lẫy... Không chỉ đẹp về quy mô kiến trúc, Chùa Phúc Hải còn lưu giữ được nhiều cổ vật, cổ thư có giá trị. Đó là hệ thống tượng Phật khá phong phú được chạm khắc, sơn thếp lộng lẫy, tiêu biểu là các pho tượng Tam thế, Phật Bà, Thích Ca, Cửu Long... Các cỗ kiệu, long đình, đại tự, cửa võng, văn bia... cũng được chạm khắc công phu, nội dung phong phú ca ngợi cảnh đẹp chốn cửa thiền. Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia Chùa Xã Hạ (xã Hải Bắc) được xây dựng năm Minh Mệnh thứ 4 (1823) có tên chữ là “Anh Quang tự”. Đây là công trình Phật giáo có quy mô lớn, tuy đã sửa nhiều lần nhưng vẫn bảo lưu được đường nét, phong cách kiến trúc cổ truyền của dân tộc. Phía trước sân chùa có hệ thống tam quan 3 tầng với kiểu kiến trúc chồng diêm, mái cong, trang trí đề tài tứ linh, tứ quý và nhiều họa tiết truyền thống. Từ hệ thống tam quan vào tòa bái đường là một khoảng sân rộng, phía bên trái có tháp mộ xây bằng gạch Bát Tràng với những đường nét trang trí nghệ thuật độc đáo. Khu vực thờ chính của Chùa Anh Quang được thiết kế kiểu chữ Công, có tất cả 15 gian bao gồm bái đường, tam bảo và thượng điện. Ngoài ra ở phía sau còn có gác chuông, nhà tổ, tăng phòng và hai dãy nhà hành lang hai bên tạo thành kết cấu nội công, ngoại quốc hài hòa, kín đáo. Nổi bật hơn là tòa bái đường 5 gian ở phía trước. Công trình với kiểu kiến thiết chồng diêm, 2 tầng mái cong lợp ngói nam mang đậm phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê (thế kỷ XVIII). Các cấu kiện kiến trúc bên trong làm bằng gỗ lim, chạm khắc lá lật cách điệu, soi ống tơ, chỉ nổi nên mặc dù kích thước khá lớn nhưng vẫn mềm mại, thanh thoát. Tuy không đục chạm cầu kỳ, chi tiết nhưng tòa bái đường vẫn gây được cảm xúc cho mọi người khi đến thăm chùa. Di tích Chùa Lương (xã Hải Anh) (còn gọi là Chùa trăm gian) có tên chữ là “Phúc Lâm tự” được xây dựng vào đời Vua Lê Hồng Thuận (1509-1515). Chùa thờ bốn vị thuỷ tổ khai sáng: Vũ Chi, Trần Vu, Hoàng Gia, Phạm Cập. Căn cứ các văn bia niên hiệu: Chính Hòa, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Khánh, Cảnh Thịnh, chùa đã được tu sủa nhiều lần. Hiện nay, ngôi chùa có quy mô lớn, gồm 100 gian, mang đậm phong cách kiến trúc thế kỷ XVII-XVIII. Trước chùa là hồ nước xanh trong, rộng hàng mẫu như tấm gương in bóng tam quan, cùng các cây cổ thụ... Tổng thể kiến trúc Chùa Lương đặc biệt ở khu vực chính đã thể hiện kỹ thuật điêu luyện, khiếu thẩm mỹ tinh tế của các nghệ nhân dân gian xưa. Đó là việc tạo nên bộ khung của các hạng mục công trình vừa đảm bảo chắc chắn, bền vững qua nhiều thế kỷ mà vẫn nhẹ nhàng thanh thoát. Kỹ thuật lắp ráp, làm mộng vì, kèo ở trình độ cao đã làm cho các thành phần kiến trúc liên kết với nhau hợp lý, bố cục hài hoà. Bên cạnh đó, nghệ thuật điêu khắc ở di tích cũng rất đặc sắc thông qua việc tạo dáng các đầu đao, trụ, đấu, con rường hay cách gia công đường hoành, lá mái, soi chỉ các góc... Trên các cấu kiện bằng gỗ tòa tiền đường chủ yếu tập trung chạm khắc hình rồng với nhiều tư thế: rồng chầu mặt nguyệt, rồng cuốn thủy, rồng vuốt râu, rồng ngậm ngọc, rồng bay, rồng ngựa chim vui đùa, trúc hóa long... Tượng Phật trong chùa được đặt trên hệ thống cầu sàn, tạo dáng sinh động gần gũi với đời thường. Các pho tượng có kích thước lớn như: A di đà, Tứ vị Bồ Tát, bát vị Kim cương, Hộ pháp càng thể hiện đậm nét phong cách tài hoa nghệ thuật… Chùa Quy Hồn (Thị trấn Cồn) là công trình kiến trúc Phật giáo đẹp, được xây dựng trên khu đất rộng 6 mẫu. Ngoài thờ Phật, chùa còn phối thờ Tân Hưng hiệu Trạch Hải và Tú tài Nguyễn Vũ Cự - những người đã đóng góp công sức vào công cuộc khẩn hoang khu Cồn Cốc trước đây. Chùa gồm 4 tòa, trong đó 3 tòa phía trước nằm song song nhau theo chiều dọc 23 gian và một tòa ngang phía sau 3 gian. Khu vực chính thờ Phật nằm giữa, bái đường chồng diêm 2 tầng, hệ thống mái thượng, mái hạ lợp ngói nam. Khoảng cách giữa mái thượng và mái hạ được phân chia thành hai khoang, khoang giữa có 3 chữ Hán khá lớn “Quy Hồn tự”. Phía bắc chùa là 6 gian phủ Mẫu làm theo kiểu chữ “Đinh”. Sau ba tòa nằm song song theo chiều dọc là ba gian thờ thành hoàng và các tổ khai sáng. Ngoài các công trình thờ tự quy mô, đồ sộ, Chùa Cồn còn có khu vườn tháp mộ, là nơi yên nghỉ của các vị sư tổ đã từng trụ trì, tu hành tại chùa.
Những ngôi chùa cổ ở Hải Hậu không chỉ là những công trình văn hoá tâm linh có giá trị cao về nghệ thuật kiến trúc mà còn là nơi diễn ra các lễ hội truyền thống mà ở đó các hoạt động văn hoá tín ngưỡng, các trò chơi dân gian, loại hình nghệ thuật dân tộc luôn được gìn giữ, khôi phục và phát huy. Những giá trị văn hoá truyền thống đó là bằng chứng sinh động và là cơ sở để người dân hiểu sâu sắc hơn về cội nguồn, qua đó nâng cao ý thức coi trọng bản sắc văn hóa của địa phương, tạo sức mạnh nội lực cho nhân dân trong công cuộc lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng