Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, ở làng Gạo, xã Thành Lợi (Vụ Bản) khắp làng trên, xóm dưới đều sôi động trong tiếng trống, tiếng hô, tiếng cười vọng ra từ các điểm diễn ra trò chơi dân gian như tam cúc điếm, thi dệt vải, đua thuyền chở lương, bắt vịt, múa rồng mây, thi thả thơ, đánh cờ đèn dưới nước... Mỗi trò chơi đều mang những sắc thái khác nhau, vừa rèn luyện thể lực, sự nhanh nhẹn, khéo léo, vừa thể hiện tinh thần thượng võ và cũng là chất keo gắn kết cộng đồng.
Ở xóm Cuối, từ chiều mùng 1 đến hết ngày mùng 2 Tết, người dân tổ chức chơi đu. Cây đu được dựng bằng tre. Từ những ngày trước Tết, dân làng đã cử người đi tìm chọn những cây tre to đẹp để dựng cột đu. Cây đu được dựng giữa bãi đất rộng. Người được cử đi chặt tre phải am hiểu về chơi đu mới có thể chọn lựa được những cây tre đủ độ dẻo dai để khi mang về hơ trên lửa có đủ độ dẻo để khi đu không bị đứt. Ở làng Gạo chơi đu chủ yếu là đu đôi. Hai người lên đu quay mặt vào nhau, dùng tay vịn thân đu, dùng sức nhún từ đôi chân đẩy cho đu bay bổng, càng vượt cao càng hay. Chơi đu ngày xuân tại làng Gạo khiến cho cảnh vật, không khí mùa xuân thêm bay bổng, nhịp nhàng và hứng khởi. Chơi đu thu hút hàng trăm người dân quanh vùng tham gia. Cũng ở xóm Cuối có trò chơi đi cầu kiều, được tổ chức vào chiều mùng 1 và trong ngày mùng 2 Tết. Cầu được làm bằng một cây luồng hoặc một cây tre được bắc trên sông. Một đầu của cây nằm ghếch trên bờ đất, đầu kia buộc vào chiếc cột vững và phải buộc sao cho chiếc cầu luôn đung đưa… Người chơi phải giữ được thăng bằng để đi ra, đi vào trên cây luồng một vòng mà không bị ngã xuống nước thì sẽ thắng cuộc... Ở xóm Hát trong những ngày xuân thường tổ chức chơi cờ đám dành cho người trung tuổi, giữa sân kẻ 1 bàn cờ tướng rộng khoảng 10m2. Cờ đám có 2 người chơi chính, có trọng tài ngồi cầm trịch. Nét độc đáo của cờ đám là có 2 người chơi chính nhưng lại có nhiều người đứng xung quanh quan sát và có thể “phù” “mách nước” cho người chơi. Để chơi được cờ đám, đòi hỏi người chơi phải có tầm quan sát rộng. Quân của cờ đám là những chiếc cọc trên có buộc cờ, dưới cọc được gắn bệ để quân cờ có thể đứng được trên mặt đất. Chơi cờ đám thường được tổ chức vào chiều mùng 1 và ngày mùng 2 Tết. Trong những ngày đầu xuân, các cụ cao tuổi làng Gạo còn tổ chức chơi tổ tôm điếm (từ chiều mùng 1 đến hết ngày mùng 3 Tết). Trong một khoảng sân rộng tại miền Lê Lợi, khoảng 3-4 bàn chơi được dựng lên. Điểm đặc biệt của trò chơi tổ tôm điếm làng Gạo là “giải thưởng” cho người thắng cuộc chỉ là những hạt ngô, hạt lạc - những sản vật nông nghiệp với ý nghĩa ước vọng cầu mong mùa màng bội thu.
Trò chơi thi thuyền chở lương trong lễ hội mùa xuân ở làng Gạo. |
Vào những ngày đầu xuân mới, người dân làng Gạo kéo nhau đến sới vật được lập ra trên một bãi đất rộng. Giải vật thu hút rất đông các đô vật nhiều thế hệ, từ thiếu niên, thanh niên trai tráng đến những người lớn tuổi có sức khỏe tham gia. Trước khi vật, hai đối thủ cùng nhau lên đài, múa tay co chân, đi lại rình miếng lẫn nhau; sau đó xông vào vật. Lúc vật, khi đô vật biết mình bị đối phương “bắt bài” (lỡ miếng), liền nằm sát đất, mặc cho đối phương vằn bốc nhằm tránh bị nhấc khỏi mặt đất và chỉ nhổm dậy khi đối phương hở cơ rồi “ra” những miếng bốc để hạ gục… Năm nào cũng vậy, sới vật thu hút đông đảo đô vật khắp nơi tham dự và hàng trăm người dân tới cổ vũ.
Xóm Bến của làng Gạo nổi tiếng bởi vừa chế tạo, vừa biểu diễn được những con rồng vải, rồng mây độc đáo. Rồng mây nguyên liệu làm bằng cây mây mái, thân dẻo, bền, dễ uốn cong để tạo dáng rồng, dài khoảng 30-40m. Ngoài rồng mây, người dân xóm Bến còn làm rồng vải màu vàng có kích thước tương tự. Đội múa rồng xóm Bến phải gồm năm, bảy chục người mới có thể rước rồng ra biểu diễn ở lễ rước kiệu Thánh tại đền Tây của làng vào ngày mùng 6 Tết. Ngoài ra, làng Gạo còn có trò múa lân, sư gắn với múa cờ, múa kiếm của xóm Chợ, xóm Trại, xóm Trải; trò thi thả thơ, thi đọc mục lục; thi đánh cờ đèn dưới nước…
Các trò chơi dân gian trên được tổ chức từ chiều mùng 1 đến mùng 6 Tết ở làng Gạo. Ngoài ra, các trò chơi dân gian trên còn được “tái hiện” vào lễ hội Thái bình xướng ca tổ chức 3 năm 1 lần vào các năm: Dần, Thân, Tỵ, Hợi, bắt đầu từ mùng 9 đến 11 tháng 3 âm lịch. Trò chơi làm nên “nét riêng” của lễ hội Thái bình xướng ca của làng Gạo là trò “đua thuyền tải lương” được tổ chức ở dòng sông trước sân đám Hát thuộc xóm Hát. Tương truyền, xưa làng Gạo là một kho lương của nhà Trần. Trò chơi đua thuyền tải lương mô phỏng lại truyền thuyết đội quân của nhà Trần đi qua dòng sông H7 quanh làng Gạo được nhân dân địa phương hỗ trợ, tiếp tế lương thực. Người tham gia đua thuyền mặc sắc phục vua quan, trên thuyền là những bao thóc, gạo. Các thuyền tái hiện đoàn thuyền tải lương, đi đầu là thuyền rồng chỉ huy, các thuyền đua nhau, thuyền nào về đích nhanh nhất thì thuyền đó thắng cuộc. Trên bờ, người dân đến xem reo hò, cổ vũ khiến không khí ngày xuân vô cùng tưng bừng, náo nhiệt. Trò đua thuyền tải lương cùng với các nghi lễ trong lễ hội Thái bình xướng ca không chỉ nhằm tưởng nhớ sự kiện Vua Trần đánh thắng giặc Nguyên Mông mà còn là hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân địa phương.
Về làng Gạo mỗi dịp đầu xuân, ta lại được hòa mình trong khí thế rạo rực của những trò chơi dân gian kỳ thú. Không đơn thuần là hoạt động vui chơi giải trí, trò chơi dân gian làng Gạo còn ẩn chứa trong đó nét văn hóa độc đáo, giàu bản sắc, góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết cộng đồng, gắn kết tình làng nghĩa xóm. Với ý nghĩa đó, các trò chơi dân gian mùa xuân ở làng Gạo hiện vẫn được người dân trân trọng gìn giữ, góp phần tích cực bảo tồn, phát huy các giá trị tinh thần của người dân ở một vùng đất cổ./.
Bài và ảnh: Minh Thuận