Vụ Bản bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật dân gian

05:12, 16/12/2017

Vụ Bản là vùng đất cổ. Trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, các xã, thị trấn của huyện đã lưu giữ được nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như: hát chèo, hát văn, hát trống quân, múa tứ linh, kéo chữ…

Múa lân - sư trong lễ hội Thái bình xướng ca làng Quả Linh, xã Thành Lợi.
Múa lân - sư trong lễ hội Thái bình xướng ca làng Quả Linh, xã Thành Lợi.

Đặc trưng của các loại hình nghệ thuật dân gian ở Vụ Bản là đều gắn liền với văn hóa tâm linh và lễ hội. Hiện nay, huyện có hàng chục lễ hội; mỗi lễ hội là không gian văn hóa mà ở đó các loại hình nghệ thuật dân gian được trình diễn mang đậm tính cộng đồng làng xã. Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy với hơn 20 di tích thờ Mẫu là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian. Trong đó tiêu biểu nhất là các hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ gồm lễ hội và nghi lễ Chầu văn. Trong lễ hội diễn ra các nghi lễ trang trọng như: rước thỉnh kinh, rước đuốc, hoa trượng hội; các hoạt động văn hóa dân gian như: thi hát văn, cờ người... Nghệ thuật kéo chữ (Hoa trượng hội) gắn với ý nghĩa tâm linh cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an; có sự tham gia của hàng trăm thanh niên, trang phục đầu cuốn khăn đỏ, viền vàng, bụng thắt khăn đỏ, viền vàng, quần trắng, chân cuốn xà cạp đỏ. Gậy xếp chữ dài khoảng 4m, cuốn giấy nhiều màu, đầu gậy có “ngù” bằng lông gà. Các chữ thường xếp là “Mẫu nghi thiên hạ”, “Thiên hạ thái bình”, “Quốc thái dân an”… thể hiện mơ ước của cư dân nông nghiệp. Tại các đền, phủ trong Khu di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy, nghi lễ Chầu văn - hầu đồng không chỉ trong lễ hội mà diễn ra vào bất cứ ngày nào trong năm. Nhiều nhà khoa học, các đoàn khách du lịch trong và ngoài nước khi đến Phủ Dầy được “mục sở thị” những nét đẹp của các thanh đồng thực hành hầu Mẫu. Vừa qua, hội thảo quốc tế mở rộng ranh giới: tính dân tộc, tính vật chất, tính thiêng diễn ra tại Phủ Tiên Hương. Tham gia hội thảo có hơn 80 nhà khoa học ở 13 quốc gia. Các nhà khoa học đã được chiêm ngưỡng nghi thức hầu Mẫu do bà Trần Thị Kim Huệ thủ nhang Phủ Tiên Hương thực hành. Trong không gian “thiêng”, giữa khói hương mờ ảo, giọng hát văn, tiếng trống phách, đàn nguyệt, sáo nhị vang lên, lúc dìu dặt, khoan thai, khi dồn dập cùng với động tác lắc lư, nhún nhảy, tâm trạng biến hóa của thanh đồng… hướng tâm hồn con người về cõi tâm linh. Các điệu hát khi hào sảng với các chiến tích lẫy lừng của các Quan Lớn, Quan Hoàng, khi lại ríu rít, quấn quýt như tiếng chim rừng trong giá hàng Cô (Nhạc Phủ). Hằng năm, vào ngày mùng 4-3 âm lịch, hội thi hát chầu văn trong lễ hội Phủ Dầy được tổ chức tại Phủ Tiên Hương và Phủ Vân Cát. Ban tổ chức lễ hội đã xây dựng quy chế thi chặt chẽ, các cung văn dự thi phải hát các bài hát văn cổ, trang phục phù hợp… Ở xã Kim Thái - nơi diễn ra lễ hội Phủ Dầy, có hàng chục cung văn tham gia hát. Tính bền vững của nghệ thuật hát văn ở xã Kim Thái được tiếp nối từ đời này qua đời khác bởi tính chất “dòng họ hát văn”; tiêu biểu như phả hệ gồm các cung văn: Trần Văn Quý, Trần Văn Hỳ, Trần Văn Khắc, Trần Văn Sinh, Trần Văn Tiến, Trần Thị Thái… Nhiều nghệ nhân hát văn tiếp nối tiền nhân, tiêu biểu như nghệ nhân Trần Viết Trường tham gia dạy các lớp hát văn tại Phủ Tiên Hương và đã đào tạo được hơn 20 người hát văn trẻ.

Lễ hội làng Quả Linh, xã Thành Lợi được tổ chức 3 năm 1 lần, bắt đầu từ mùng 9 đến 11-3 âm lịch (vào các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi). Xuyên suốt những ngày diễn ra lễ hội là các tiết mục văn nghệ tại sân khấu nổi ở ao làng… Đặc sắc nhất trong lễ hội là thi hát trống quân. Tại cuộc thi, hai bên hát đối đáp nhau hoặc hát liên tục một bài ca theo nhịp trống giục trong sự hò reo cổ vũ của người dân; ai đối đáp không được hoặc không hát nối tiếp được phải nhường cho người khác vào thay. Ở các xã: Hợp Hưng, Cộng Hòa, Liên Minh, Liên Bảo… từ xưa đã có đội chèo chuyên phục vụ các dịp lễ hội ở địa phương. Từ các hội làng, ở các địa phương trên đều tái lập đội chèo với số lượng từ 15-20 thành viên hoạt động theo phương thức xã hội hóa. Nhiều đội chèo đã tái dựng được các làn điệu chèo cổ, hát xẩm, hát văn, hoạt cảnh, giá đồng; cải biên, sáng tác lời mới cho các làn điệu chèo, dàn dựng các hoạt cảnh chèo phản ánh cuộc sống lao động sản xuất, sinh hoạt của người dân địa phương.

Để phục vụ nhu cầu văn hóa trong các lễ hội, nhiều địa phương ở huyện Vụ Bản đã thành lập các đội múa rồng, múa tứ linh. Ở các xã Đại Thắng, Hợp Hưng, Kim Thái, Vĩnh Hào, Thành Lợi, Cộng Hòa có đội múa rồng hoạt động sôi nổi. Ở lễ hội truyền thống làng Vĩnh Lại, xã Vĩnh Hào (10-2 âm lịch) những tiết mục múa rồng của đội lân - sư - rồng Vĩnh Lại đã thu hút sự chú ý của đông đảo du khách. Nét đặc sắc của đội lân - sư - rồng làng Vĩnh Lại là người được lựa chọn cầm ngọc lộ dẫn đường phải biểu diễn thành thục môn võ gậy cổ truyền. Bởi vậy, dưới sự điều khiển của người cầm ngọc, đội có thể biến hóa nhiều kiểu múa. Hằng năm, đội lân - sư - rồng Vĩnh Lại còn biểu diễn tại các phủ: Tiên Hương, Vân Cát thuộc Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy… Ở xã Đại Thắng có 12/17 xóm thành lập đội múa tứ linh. Vào ngày 16-11 âm lịch hằng năm, làng Thi Liệu, xã Đại Thắng tổ chức hội làng với nhiều nét đẹp văn hoá truyền thống; trong đó đội múa tứ linh của làng với hàng chục người cùng đoàn rước đi trước kiệu thờ Thành hoàng làng đã để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong nhân dân. Tại xã Cộng Hòa, nghệ thuật múa lân - sư - rồng được các xóm duy trì và phát triển. Thành viên trong các đội có từ 20-40 người, bao gồm các thành phần như: thanh, thiếu niên, người cao tuổi... Trong mỗi đội, ngoài người múa chính còn nhiều vai hoạt náo như: thằng hề, thằng ngô, người múa sinh tiền, ông Địa. Các đội đã thể hiện được nhiều điệu múa kết hợp với những thế võ độc đáo như: Ngũ Phúc Lâm môn, Tứ Quý Hưng Long…

Hoạt động văn hóa dân gian ở huyện Vụ Bản đã thấm sâu vào đời sống của từng cá nhân, gia đình, dòng họ. Hiện nay, toàn huyện có hàng chục đội múa tứ linh, gần 20 đội đàn hát dân ca, đóng vai trò chính trong các hoạt động vui chơi ở các lễ hội làng, lễ hội vùng. Nghệ thuật dân gian ở Vụ Bản là sự kết tinh những giá trị văn hoá bản địa, tính cố kết cộng đồng. Hòa mình vào mỗi tiết mục biểu diễn, mỗi người như tiếp thêm năng lượng thể chất và tinh thần để trở về với cội nguồn dân tộc./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com