Tham gia Liên hoan Nhạc kèn toàn quốc năm 2017, cả 5 tiết mục của dàn nhạc kèn giáo xứ Trại Đáy, xã Hải Minh (Hải Hậu) đều đoạt giải gồm: 3 giải A với các tiết mục “Alleluic”, “Ngược dòng Hương Giang”, “Xuân chiến thắng”; 1 giải B tiết mục “Nhạc khúc sông quê”, 1 giải chỉ huy trưởng xuất sắc trao cho ông Nguyễn Xuân Khoát.
Một buổi luyện tập của hội kèn giáo xứ Trại Đáy, xã Hải Minh (Hải Hậu). |
Thành công tại Liên hoan Nhạc kèn toàn quốc năm 2017 của dàn nhạc giáo xứ Trại Đáy là minh chứng cụ thể về việc thực hiện tốt công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa. Từ hoạt động ở các nhà thờ, những “nghệ sĩ” nhạc kèn giáo xứ Trại Đáy đã tích cực tham gia các chương trình nghệ thuật quần chúng. Trò chuyện với chúng tôi, ông Vũ Văn Đạm, phụ trách hội kèn xứ Trại Đáy cho biết: Hội nhạc kèn xứ Trại Đáy được thành lập năm 1911 (tiền thân là giáo họ Trại Đáy). Hội hiện có 120 thành viên với đầy đủ các loại kèn đồng. Điểm đặc biệt của hội kèn xứ Trại Đáy là ở mỗi thời kỳ đều có các thầy dạy, mỗi thầy có thế mạnh riêng nên các thành viên lĩnh hội được nhiều dòng nhạc kèn. Ba người dạy nhạc kèn hiện nay của hội gồm các ông: Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Văn An, Nguyễn Văn Hưởng. Trong đó, ông Nguyễn Xuân Khoát chuyên sáng tác, dàn dựng và chỉ huy dàn nhạc, ông Nguyễn Văn Hưởng chuyên về kỹ thuật biểu diễn nhạc kèn. Ông Nguyễn Xuân Khoát đã có hơn 30 năm sinh hoạt trong dàn nhạc kèn xứ Trại Đáy cho biết: Với tuổi đời 100 năm, hội kèn không chỉ phục vụ nhà thờ mà còn góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân. Ngoài chơi các nhạc phẩm kinh điển về tôn giáo, dàn nhạc giáo xứ Trại Đáy hòa nhập vào văn hóa địa phương thông qua những bản nhạc mang đậm tính dân tộc. Tại Liên hoan Nhạc kèn toàn quốc năm 2017, “Nhạc khúc quê hương” do ông sáng tác đã tạo dấu ấn đặc biệt trong lòng ban giám khảo và các đoàn bạn. Ca khúc sử dụng trumpet làm kèn chính để tạo nốt cao độ nhấn vào giai điệu giục giã, saxophone, cor, trombone, tuba… thoát ra âm thanh hòa quyện, mang đến giai điệu khi nhẹ nhàng, lúc mạnh mẽ, thể hiện tinh thần ngợi ca. Những âm hưởng mộc mạc xuất phát từ cuộc sống ruộng đồng dân dã đang trên đà đổi mới. Tiết tấu bản nhạc vì vậy có khúc nhẹ nhàng, êm ả, có khúc nhanh mạnh, mang màu sắc hiện đại. Ông Nguyễn Văn Hưởng sinh ra trong một gia đình có truyền thống chơi nhạc kèn. Cả 6 anh em trai trong gia đình ông đều là thành viên của hội kèn xứ Trại Đáy. Ông Hưởng cho biết: Từ nhỏ, anh em trong gia đình đã được nghe tiếng kèn của cha là cụ Nguyễn Văn Thông - người dạy trong hội kèn Trại Đáy năm 1967. Sau nhiều năm mày mò nghiên cứu sửa các loại kèn, năm 1994, ông Hưởng chính thức bắt đầu công việc sửa và chuyên sản xuất các loại kèn như: helicon, tuba... Vừa sửa kèn, ông vừa biết sử dụng thành thục các loại kèn đồng. Tham gia sinh hoạt với hội kèn Trại Đáy từ lâu và là người dạy nhạc kèn của hội từ năm 2014, ông đóng góp nhiều tâm sức để phát triển dàn nhạc kèn.
Nhiều hạt giống âm nhạc đã phát triển qua sự truyền dạy tâm huyết của ông Hưởng. Niềm vui với ông Hưởng khi hiện nay con trai ông là anh Nguyễn Đức Trọng (24 tuổi) đang học tại khoa Nhạc Jazz Nhạc viện Hà Nội.
Trong hội kèn Trại Đáy, các thành viên trong gia đình cụ Nguyễn Văn Biên (anh trai cụ Nguyễn Văn Thông) đều biết sử dụng và chế tác kèn. Là gia đình nổi tiếng với xưởng sửa chữa, chế tác kèn đồng đầu tiên của xã, sau khi cụ Biên mất, cả 3 người con đều nối nghiệp cha làm kèn. Ông Nguyễn Văn Đông, con trai cả của cụ cho biết: Thời trước, kèn chỉ có số lượng ít, lại sử dụng liên tục, nhiều thành viên mới học kèn nên thiếu kỹ thuật và kinh nghiệm bảo quản, một vài chiếc kèn đồng bị hỏng hóc do va đập, mất linh kiện… Thấy cha sửa kèn, cả 3 anh em đều học hỏi và biết nghề. Sau một thời gian trong quân đội, năm 1980 ông Đông xuất ngũ trở về địa phương, tiếp tục sinh hoạt ở hội kèn Trại Đáy và tham gia vào xưởng sửa chữa, chế tác kèn của gia đình. Đến nay 5 người con trai của ông đều biết thổi và sửa được các loại kèn đồng. Ông Đông cũng “bật mí” về công đoạn làm một chiếc kèn đồng gia truyền theo phương pháp thủ công: Những chiếc loa kèn trumpet, clarion của gia đình ông sản xuất có đầy đủ viền loa, tròn đều và được khắc hoa văn trang trí cầu kỳ. Bên cạnh việc gò loa, quả pháo và bộ pháo là trung tâm của chiếc kèn nên ngoài yếu tố chính xác, tỉ mỉ còn yêu cầu người thợ phải có kiến thức nhất định và nhất là đôi tai “thẩm âm” tốt. Với nhiều công đoạn phức tạp nên mỗi cây kèn phải làm hàng tháng mới xong. Tiếp bước anh trai, năm 1977 Nguyễn Văn Cường nhập ngũ ở Sư đoàn 433, Quân khu III và trong đội văn nghệ đi biểu diễn phục vụ các đơn vị quân đội. Sau này trở về nối nghiệp cha làm nghề sửa kèn, ông Cường có biệt tài chỉ nghe qua tiếng kèn là biết hỏng ở bộ phận nào và nghĩ ngay ra cách chỉnh sửa cho tiếng kèn đúng âm sắc.
Để có hội kèn phát triển cả về số lượng và chất lượng như ngày nay, những thế hệ “nghệ sĩ” ở làng quê Hải Minh đã trải qua nhiều khó khăn, vất vả để duy trì, tiếp nối hội kèn. Với sự say mê nhạc kèn và những cây kèn đồng, những người “nghệ sĩ” tài hoa nơi đây đã và đang góp phần vào việc làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của người dân địa phương./.
Bài và ảnh: Viết Dư