Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa hơn 42 năm nhưng nhiều lá thư thời chiến là kỷ vật, di vật thiêng liêng của những chiến sĩ nơi tiền tuyến gửi về hậu phương đến nay vẫn được lưu giữ. Mỗi lá thư là một câu chuyện chất chứa tâm tình của người lính, là tài liệu lịch sử có tính chân thực cao trong việc giáo dục chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bồi đắp niềm tự hào về đất nước cho thế hệ trẻ hôm nay.
Lá thư gửi mẹ và các anh chị của chiến sĩ Đinh Duy Phan viết ngày 28-6-1967. |
Cựu chiến binh Vũ Đình Lưu nguyên là chiến sĩ Sư đoàn 312 Anh hùng. Hơn 10 năm trở lại đây, ông đã dành nhiều thời gian, công sức cho công việc sưu tầm kỷ vật chiến tranh với tâm nguyện tri ân các đồng đội và mong muốn nhắc nhớ lại trang sử hào hùng của dân tộc. Trong số hơn 1.400 kỷ vật chiến tranh mà ông sưu tầm, có những lá thư xúc động của đồng đội trong Sư đoàn 312 gửi về gia đình. Ông Lưu cho biết: “Thư thời chiến được sưu tầm là nguồn tư liệu quý minh họa cụ thể về cuộc sống, chiến đấu đầy gian khổ ác liệt và hào hùng của “Bộ đội Cụ Hồ”. Những lá thư thời chiến của những “Bộ đội Cụ Hồ” đều có một điểm chung là toát lên tinh thần lạc quan chiến thắng quân thù, tình yêu thương với gia đình, quê hương. Trong thời chiến có vô vàn đường thư, trong đó có những lá thư được mở ngoặc “Thư ra Bắc” hoặc “Thư vào Nam” thay cho tem. Có những lá thư được quân bưu chuyển đi hoặc chuyền tay nhờ đồng đội chuyển trong ngày phép. Những lá thư khẩn trương như nhịp hành quân. Họ viết thư vào bất cứ thứ gì, có thể xé vội sổ tay, tờ giấy học trò cất giữ trong ba lô, thậm chí cả vỏ bao thuốc lá... Ở hậu phương khi nhận được thư của người thân nơi tiền tuyến, cả gia đình quây quần nghe. Một số bức thư thời chiến tiêu biểu trong bộ sưu tập của ông Vũ Đình Lưu như: Bức thư của các chiến sĩ: Trần Lâm, Đinh Duy Phan, Trần Bình, Nguyễn Viết Phong... Chiến sĩ Trần Lâm nhập ngũ năm 1964, tham gia chiến trường Tây Nam Bộ. Lá thư viết ngày 14-5-1971 gửi người em tên Hòa của chiến sĩ Trần Lâm thấm đẫm tình cảm, những lời dặn dò, khích lệ tinh thần phấn đấu của em: “... Anh luôn dõi theo bước đi của em và rất tin tưởng ở sự phấn đấu của em. Anh tự hào có thêm một người em đã và đang đi theo con đường anh đang đi theo Đảng, theo cách mạng. Xuân là đảng viên từ năm 1962, anh là đảng viên từ năm 1949, hiện nay là đại úy, tham mưu trưởng E148.F316 anh vẫn chiến đấu. Từ ngày anh sang đến nay riêng đơn vị anh đã đánh nhiều trận diệt được 1.380 tên địch, thu nhiều vũ khí... Em Hòa thân mến của anh, hãy giữ vững ý chí quyết tâm phấn đấu tự rèn luyện và tự giác tiếp thu sự giúp đỡ sự nhiệt tình của cán bộ, của đồng đội, của tập thể để thành một con người mới, con người xã hội chủ nghĩa. Hãy nắm chắc cán cờ theo Đảng, theo cách mạng, kiên định lập trường tiến lên phía trước, đuổi kịp anh và vượt anh...”. Chiến sĩ Đinh Duy Phan nhập ngũ năm 1963, tham gia chiến trường miền Nam. Ông đã có những bức thư gửi về gia đình trong đó có những dòng phản ánh tình hình chiến sự, như bức thư gửi mẹ và các anh chị viết ngày 28-6-1967: “Mẹ và các anh chị kính mến!... Con vẫn khỏe và đánh giặc Mỹ vẫn hăng. Ngoài chiến trường Mỹ chết nhiều lắm, chết như ngả rạ khi chạm trán với bộ đội ta. Con thấy đánh Mỹ lần này còn dễ hơn đánh Pháp trước đây, chỉ có một điều thằng Mỹ này phe phái của nó nhiều hơn thằng Pháp nên có gây cho ta một số khó khăn...”.
Vừa qua, do điều kiện về sức khỏe và cơ sở vật chất lưu giữ các hiện vật bị xuống cấp, ông Vũ Đình Lưu đã quyết định hiến tặng tất cả các hiện vật, trong đó các bức thư thời chiến cho Bảo tàng tỉnh lưu giữ. Ở Bảo tàng tỉnh hiện có hàng chục lá thư thời chiến được lưu giữ; trong đó nhiều bức thư có nội dung giống như những dòng lưu bút của người chiến sĩ trước lúc hy sinh. Tiêu biểu như thư của các liệt sĩ: Phạm Văn Lãng, Phạm Xuân Vui, Văn Kiên, Trần Đức Hán... Lá thư của chiến sĩ Phạm Văn Lãng viết ngày 15-8-1966 gửi cho em trai Phạm Ngọc Tỉnh, ngoài những lời hỏi thăm, động viên và thông báo về tình hình bản thân còn dẫn chứng câu chuyện cụ thể để khích lệ em trai vững ý chí chiến đấu. Trong thư có đoạn viết: “... Nhân dân miền Nam bất khuất lắm. Đối với quân đội ta thì thương yêu vô cùng, nhưng với bọn giặc ngụy và Mỹ thì nhân dân căm ghét và anh dũng đấu tranh với chúng. Trong một lần đi công tác, anh đã được chứng kiến một cuộc càn lớn của cả bọn ngụy và Mỹ gồm 2 tiểu đoàn có 15 xe M113 và M118. Khi chúng tràn vào làng thì toàn thể nhân dân từ ông bà già, trẻ con, phụ nữ xông ra ngăn cản không cho địch càn vào làng và lúa. Bọn Mỹ cho xe chạy xốc tới thì lập tức 2 ông già và một chị phụ nữ lăn ra nằm chặn ngay đầu xe. Bọn chúng đành phải đi càn hướng khác. Trong lúc đó bọn anh đứng ở trong làng tay chống nạng 2 hông mà cười và cảm phục tinh thần của đồng bào. Đấy, sơ bộ kể qua câu chuyện mắt thấy tai nghe để em biết và học tập tinh thần bất khuất của đồng bào miền Nam...”. Liệt sĩ Phạm Xuân Vui ở thôn Liêm Thôn, xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) tham gia thanh niên xung phong xây dựng đường Hồ Chí Minh ở Nghệ An từ năm 1965. Từ chiến trường đầy khói lửa, ông đã gửi 2 lá thư tới người chú ruột ở quê nhà là ông Phạm Xuân Các. Những lời tâm tình, chia sẻ của người lính nơi tiền tuyến với cảm xúc bịn rịn, nhớ thương gia đình, ngập tràn niềm tin vào thắng lợi của cách mạng. Lá thư là kỷ vật thiêng liêng, chân thực một thời máu lửa được ông Các giữ gìn cẩn thận và hiến tặng Bảo tàng tỉnh năm 2011. Trong bức thư viết ngày 14-11-1965, chiến sĩ Phạm Xuân Vui gửi về cho chú có đoạn: “... Ba cháu đã mất nhưng còn bà, còn mẹ, còn Đảng ta đã nuôi dưỡng nên cháu đã lớn được như ngày nay. Muốn đền đáp được công lao đó, cháu đã tự nghĩ hiện nay nước nhà đang bị bọn Mỹ xâm lược, trong lúc này Đảng kêu gọi những thanh niên như chú cháu ta gia nhập quân ngũ để đánh đuổi bọn Mỹ, thống nhất Bắc Nam…”. Để gìn giữ và phát huy giá trị các bức thư thời chiến, nhiều năm nay Bảo tàng tỉnh đã làm tốt công tác nghiên cứu sưu tầm, bảo quản phát huy giá trị nhóm hiện vật giấy. Các bức thư thời chiến sau khi được Bảo tàng tỉnh tiếp nhận đều được tư liệu hóa và bảo quản theo các quy trình nghiêm ngặt. Với các bức thư có dấu hiệu mục, rách, cán bộ Bảo tàng có chuyên môn nghiệp vụ sẽ tiến hành các khâu xử lý ẩm mốc, bồi dán, bọc giấy chuyên dùng để bảo vệ.
Những lá thư thời chiến được viết bằng tình cảm cá nhân cất lên từ chính trái tim dung dị của người chiến sĩ. Chính vì lẽ đó, những lá thư đã trở thành kỷ vật, di vật chân thật nhất về con người và bối cảnh một thời hào hùng. Đọc những lá thư thời chiến như được tái hiện lại một thế hệ thanh niên hào hoa ra trận, mang trong mình tình yêu Tổ quốc, yêu quê hương, yêu gia đình mãnh liệt, lòng tin tuyệt đối vào Đảng, Bác Hồ, ý chí chiến đấu cao, sẵn sàng hy sinh, dâng hiến tuổi thanh xuân cho đất nước./.
Bài và ảnh: Viết Dư