Cộng Hoà - Vùng đất cổ

06:12, 01/12/2017

Xã Cộng Hoà (Vụ Bản) là vùng đất cổ. Người dân nơi đây vẫn còn lưu giữ được không gian văn hóa truyền thống với những cây đa, gốc gạo cổ thụ, giếng làng và hệ thống di tích lịch sử - văn hoá phong phú, những lễ hội làng, phong tục tập quán mang đậm sắc thái dân gian.

Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh Phủ Thông Khê, thờ Thái Phi Phùng Thị Ngọc Đài.
Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh Phủ Thông Khê, thờ Thái Phi Phùng Thị Ngọc Đài.

Trên địa bàn xã có gần 20 công trình kiến trúc cổ bao gồm: đình, đền, chùa, phủ, miếu; trong đó có 2 di tích được UBND tỉnh xếp hạng là: Đình Bối La và Phủ Thông Khê. Phủ Thông Khê là di tích thờ Thái phi Phùng Thị Ngọc Đài. Căn cứ các nguồn tư liệu Hán Nôm lưu giữ tại di tích như: câu đối, đại tự và nội dung các sách “Đạo Mẫu”, “Thiên Bản lục kỳ”, Phùng Thị Ngọc Đài là người phụ nữ có tài sắc. Bà được phong làm Thái phi khi tái giá với người chồng thứ 3 là Bình Quận Công Trịnh Tráng - danh tướng thời Vua Lê, Chúa Trịnh. Thái phi Phùng Thị Ngọc Đài có công với quê hương trong việc khuyến khích dân làng mở mang ngành nghề thủ công truyền thống như: rèn, dệt vải, thếp vàng. Bà cho mở chợ Dần (xã Trung Thành), khơi ngòi nối sông Sắt vào tận đầu làng, xây dựng các công trình kiến trúc tâm linh như: Chùa Thông Khê, Chùa Đông Mỹ, Chùa Già Lâm (xã Vĩnh Hào). Sau khi Thái phi qua đời ở tuổi 93, để tri ân công đức của bà, nhân dân địa phương đã cho xây dựng phủ thờ tự. Lễ hội làng Thông Khê được tổ chức 2 kỳ trong năm vào ngày 14 tháng Giêng và mùng 10-3 âm lịch. Lễ hội tháng Giêng được tổ chức kỷ niệm ngày mất của Thái phi. Trong ngày này, dân làng được tham gia vào các nghi thức tế lễ: cáo yết, dâng hương, dâng lễ vật, lễ tạ… Lễ hội tháng 3 được dân làng tổ chức trùng với lễ hội Phủ Dầy (xã Kim Thái) kỷ niệm ngày Thái phi lễ tạ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Trong ngày diễn ra lễ hội, dân làng Thông Khê tổ chức nghi thức dâng hương tại cung cấm, phụng nghinh bát hương ra sân phủ, rước kiệu bát cống Thái phi Phùng Thị Ngọc Đài về quần thể di tích Phủ Dầy tế tạ công đức Thánh Mẫu. Tham gia vào đoàn rước gồm nhiều thành phần, từ đội cờ thần, bát biểu, phường bát âm, đội phụng nghinh, các đội tế nam quan, nữ quan, đội múa lân sư rồng và các lão ông, lão bà, chức sắc địa phương cùng đông đảo nhân dân. Hai bên đường rước dân làng bày biện lễ vật bái vọng. Dịp lễ hội tháng 3 còn diễn ra trò chơi dân gian Hoa trượng hội (hội kéo chữ). Các chữ thường có nội dung: “Phong đăng hoà cốc”, “Thiên hạ thái bình”, “Quốc thái dân an”, “Mẫu nghi thiên hạ”… Cùng với lễ hội làng Thông Khê, hằng năm cứ vào dịp “Xuân Thu nhị kỳ”, lễ hội ở các làng Bối La, Bối Xuyên Thượng, Bùi Trung, Ngọc Sài, Vậy… cũng diễn ra sôi nổi. Trong những ngày này, nhân dân phát quang bụi rậm, dọn dẹp ngõ xóm phong quang sạch đẹp. Mỗi gia đình tuỳ theo điều kiện kinh tế mà chuẩn bị sản vật tối thiểu như xôi, gà, lợn, bánh dầy để dâng tế. Trong ngày hội, các đình, đền, chùa, nhà thờ họ được sửa sang tươm tất; ngoài các nghi thức tế, lễ, rước cổ truyền thì các trò chơi dân gian: đấu vật, đấu võ, cờ tướng, thổi cơm thi thu hút đông đảo người dân địa phương và nhân dân các xã lân cận như: Trung Thành, Hiển Khánh, Hợp Hưng, Kim Thái, Minh Tân về dự.

Xã Cộng Hoà hiện còn lưu giữ được nhiều ngành nghề thủ công truyền thống. Từ thế kỷ XVIII các nghề: đan lát, mây tre, thêu, mộc, nề… đã phát triển. Trong đó, nghề thợ nề đã quy tụ được nhiều thợ giỏi chuyên đắp họa tiết long, ly, quy, phượng ở các công trình đình chùa, miếu mạo; nghề sơn mài với nhiều nghệ nhân tham gia các công trình kiến trúc tại cố đô Huế. Một số làng cạnh đê Ba Sát có nghề trồng dâu nuôi tằm. Kinh tế phát triển, các sản phẩm thủ công được mang bày bán, trao đổi, từ đó hình thành được các khu chợ vùng quê như: chợ Miễu (làng Bối Xuyên), chợ Cầu Ngang (làng Thiện Vịnh)... Các nghề truyền thống của địa phương không chỉ cải thiện đời sống kinh tế của nhân dân mà còn gắn kết “tình làng, nghĩa xóm”. Tại các làng: Bối Xuyên Hạ, Bối Xuyên Thượng, Bối La, Ngọc Thành, Tháp, Thông Khê, Phúc Lương…, người dân luôn tuân theo các quy định về giữ gìn thuần phong mỹ tục thông qua việc thực hiện hương ước; những giá trị luân thường đạo lý, phẩm hạnh con người theo quan niệm đạo đức truyền thống trong gia đình và xã hội được đề cao. Trong phong tục tập quán có nhiều nét đẹp như: Gia đình nào có việc hiếu, việc hỷ, người dân sẵn sàng giúp đỡ chia sẻ ủng hộ nhau vật chất lẫn tinh thần, thực hiện quy ước nếp sống văn hoá mới trên nền tàng kế thừa, tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hoá truyền thống. Trong lối sống, nếp nghĩ của người dân nơi đây luôn tôn trọng tình làng nghĩa xóm, sống hòa đồng với xã hội, luôn chăm lo vun vén cho thế hệ sau những điều tốt đẹp, coi trọng người có đạo đức, nhân cách, tri thức. Hiện nay trên địa bàn xã Cộng Hoà có trên 10 dòng họ lớn. Các gia đình, dòng họ luôn thực hiện nếp sống văn hoá, bài trừ các tệ nạn xã hội. Dòng họ Phùng, thôn Thông Khê đến nay vẫn giữ nguyên được nghi thức cúng giỗ của người xưa truyền lại, nhất là nghi thức tế lễ. Vào dịp giỗ tổ hằng năm, con cháu nội ngoại từ khắp nơi hội tụ về từ đường để tưởng nhớ và tri ân công đức ông bà, tổ tiên, truyền cho nhau nghe về lịch sử dòng tộc. Dòng họ Triệu, thôn Bùi Trung là một trong những dòng họ tiêu biểu làm tốt công tác khuyến học - khuyến tài...

Những nét đẹp văn hoá truyền thống ở Cộng Hoà được người dân bảo tồn và phát huy đã tạo động lực để phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào cuộc sống, phát huy sức mạnh nội lực để người dân nơi đây đẩy lùi những thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội, hướng con người tới lối sống tốt đẹp, văn minh, tạo ra bước phát triển bền vững về kinh tế - xã hội./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com