Huyện Hải Hậu hiện còn lưu giữ nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo mang đậm giá trị văn hóa miền quê vùng biển, trong đó có nghệ thuật trống hội. Nhiều hội trống trong huyện như: Thị trấn Yên Định và các xã: Hải Phương, Hải Trung, Hải Xuân... thường xuyên luyện tập, biểu diễn nhân các ngày lễ, tết và các sự kiện chính trị ở địa phương.
Về tổ dân phố số 6, Thị trấn Yên Định, trong không khí lao động hăng say của các hộ dân làng nghề sản xuất bánh kẹo, tiếng trống của các thành viên hội trống giáo họ Đông Cường luyện tập vang lên rộn rã. Với 98% đồng bào ở tổ dân phố số 6 theo đạo Thiên chúa, thu nhập bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng/người/năm, do nền tảng kinh tế vững chắc nên người dân có điều kiện chăm lo đời sống tinh thần... Từ những năm 1936, hội trống cà rùng của giáo họ được thành lập. Thời điểm đó còn nhiều khó khăn, nên các thành viên trong hội phải tập gõ nhịp bằng thúng, mủng. Trong quá trình học, nhiều thành viên trong hội đã sáng tạo thêm những điệu múa trống làm nên đặc trưng của hội trống Đông Cường. Những tay trống làm nên tên tuổi của hội trống giáo họ Đông Cường là các cụ: Nguyễn Văn Nhợi, Nguyễn Văn Thạch, Vũ Hữu Y... Hiện nay, hội trống Đông Cường có 55 thành viên, độ tuổi từ 20 đến 50 tuổi. Với 1 trống cái có đường kính mặt 2,2m, 2 chiêng đồng đường kính hơn 1m và gần 40 quả trống con, trong các buổi biểu diễn, hội trống Đông Cường chú trọng vào kỹ thuật múa với các động tác chân nhún nhảy, tay múa dùi, nhịp dứt khoát, thể hiện sự hùng tráng của dàn trống. Đặc biệt, người phụ trách đường roi (mở đường) của hội do 2 thành viên kỳ cựu là các ông: Nguyễn Văn Sinh (54 tuổi), Nguyễn Văn Khoa (48 tuổi) đều có khả năng biểu diễn quyền cước đảm nhận. Là một trong 7 giáo họ của giáo xứ Quần Phương, giáo họ Đông Cường được coi là “anh cả” về lịch sử thành lập và chất lượng của hội trống. Hội trống giáo họ Đông Cường từng biểu diễn dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Hằng năm, ngoài phục vụ tại nhà thờ, hội còn phục vụ các sự kiện văn hóa ở địa phương.
Hội trống nữ xứ Xuân Chính, xã Hải Xuân biểu diễn trong Ngày hội Văn hóa - Thể thao huyện Hải Hậu năm 2017. |
Xã Hải Phương có gần 50% đồng bào theo đạo Thiên chúa, có 4 hội trống của giáo xứ Giáp Nam và 3 giáo họ An Cường, Tam Tùng, Đất Vượt. Hội trống giáo họ Đất Vượt có lịch sử thành lập hơn 50 năm. Hiện nay hội có 55 người tham gia. Các thành viên kỳ cựu của hội như ông Đặng Văn Tĩnh (76 tuổi) phụ trách đánh trống, ông Lê Văn Cửu (80 tuổi) múa roi hiện vẫn tham gia biểu diễn. Chiếc trống, hội đã đặt ra yêu cầu cho nghệ nhân làm trống theo tiêu chí “rền vang, âm no, to, bền”. Bộ da trâu làm trống cái của hội trống Đất Vượt là da trâu đực vừa độ, được người thợ trống đi mua vào ngày trời nắng, bởi khi đem da về phải phơi ngay. Dưới ánh nắng gay gắt, da trâu được hong khô tự nhiên, đảm bảo khi căng làm mặt trống sẽ bền dẻo và cho âm thanh ấm, vang xa. Người được chọn vào hội trống Đất Vượt phải có khả năng thẩm âm và sức khỏe để hoàn thành 5 bài đánh cơ bản, mỗi bài khoảng 35 phút. Đặc biệt, người cầm dùi đánh trống cái phải có cơ bắp, sức bền tốt mới cầm được chiếc dùi dài 80cm, đường kính 10cm để đánh trống. Thời gian qua, hội trống Đất Vượt đã nhận được sự ủng hộ về vật chất và tinh thần của nhân dân địa phương. Năm 2016, giáo dân trong giáo họ Đất Vượt đã xây dựng ngôi nhà trị giá trên 100 triệu đồng là nơi bảo quản trống và là nơi luyện tập thường xuyên cho các thành viên trong hội.
Ở xã Hải Xuân có hội trống nữ với số lượng 60 thành viên. Hội trống nữ Hải Xuân ngoài phục vụ các nghi lễ ở nhà thờ xứ Xuân Chính còn biểu diễn trong các sự kiện chính trị của địa phương. Chứng kiến một buổi luyện tập của hội trống nữ xứ Xuân Chính mới thấy hết niềm đam mê nghệ thuật của các thành viên. Trên sân khấu, những thành viên trong hội là những nghệ sĩ vừa đánh trống hay, vừa múa giỏi. Về với đời thường họ lại tiếp tục công việc chính của những thợ may, người làm nghề nông. Trong trống hội nữ, tiếng trống được hòa quyện cùng những điệu múa uyển chuyển, nhịp nhàng của người biểu diễn. Các bài múa trống là sự kết hợp của tổng thể từ trang phục đẹp, động tác đồng đều, khéo léo, âm thanh sôi động. Bởi vậy, việc đầu tư cho trang phục và nhạc cụ biểu diễn rất quan trọng. Do làm tốt công tác xã hội hóa, đến nay hội trống nữ xứ Xuân Chính có nguồn quỹ ổn định để bổ sung trang phục, đạo cụ biểu diễn. Hiện nay, hội biểu diễn được nhiều bài trống, tiêu biểu như các bài: “Trống hội quê hương”, “Trống rước”, “Trống dạo”... mỗi bài trống có thời lượng từ 4-8 phút. Từ khi thành lập đến nay, hội trống nữ xứ Xuân Chính đã tham dự nhiều sự kiện văn hóa, tiêu biểu như biểu diễn trong Ngày hội Văn hóa - Thể thao huyện vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9.
Đội trống chùa Phúc Sơn, xã Hải Trung được thành lập năm 2011 do Thượng tọa Thích Thanh Huỳnh sáng lập. Số lượng thanh niên ở địa phương đa số đi làm ăn xa nên 18 thành viên tham gia đội trống chủ yếu là người cao tuổi. Hiện nay đội có 3 trống cái, 10 trống con. Trống hội chùa Phúc Sơn dùng trong nhiều nghi thức ở lễ hội, gồm các bài như: trống rước, trống đón, trống bái, trống tái nghiêm...; mỗi bài có một cách đánh và mang ý nghĩa khác nhau nên đòi hỏi người đánh trống phải có niềm đam mê học hỏi. Đặc biệt, các bài trống của đội có sự phối hợp giữa trống to, trống con và chiêng... được đánh trong dịp tế lễ. Bài trống gồm có 3 hồi, trong hồi có nhịp, trong nhịp có biến tấu… tạo thành bản nhạc rộn ràng, tạo cảm giác hứng khởi người nghe. Nhờ khả năng biểu diễn các bài trống, đội trống hội chùa Phúc Sơn đã được mời đi biểu diễn ở các tỉnh: Thái Bình, Hà Nam. Hằng năm, đội biểu diễn phục vụ nhân dân vào dịp lễ hội chùa Phúc Sơn (10-3 âm), Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) và Ngày hội Văn hóa - Thể thao huyện dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9.
Trong âm vang trống hội, mỗi người dân Hải Hậu như được tiếp thêm sức mạnh để tạo động lực trong lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc./.
Bài và ảnh: Viết Dư