Nam Trực bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hoá

03:11, 18/11/2017

Trên địa bàn huyện Nam Trực hiện có 61 di tích lịch sử - văn hoá được Nhà nước xếp hạng; trong đó có 13 di tích cấp quốc gia và 48 di tích cấp tỉnh. Những năm qua, công tác quản lý, huy động các nguồn lực bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm chỉ đạo, góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân và phát huy giá trị giáo dục lịch sử văn hóa cho thế hệ trẻ.

Múa rối nước tại thuỷ đình làng Rạch, xã Hồng Quang.
Múa rối nước tại thuỷ đình làng Rạch, xã Hồng Quang.

Các di tích lịch sử, văn hoá ở Nam Trực mang đậm yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, có ý nghĩa tôn vinh, thể hiện sự tri ân công đức của các bậc tiền nhân, các vị vua, tướng, danh nhân văn hoá đã có công trong sự nghiệp khai hoang, mở đất, đấu tranh chống thiên tai và giặc ngoại xâm, mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Xã Hồng Quang là vùng đất cổ, nơi lưu đậm dấu ấn văn minh của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Trên địa bàn xã có hệ thống di sản văn hoá khá đậm đặc với 28 di tích và hàng chục giếng nước, cây đa cổ thụ. Di tích lịch sử - văn hoá Đền, chùa, miếu thôn Rạch là một trong 6 di tích được UBND tỉnh xếp hạng năm 2016 là nơi thờ thành hoàng làng và 2 danh tướng triều Mạc và vương triều Lý là: Đương Cảnh Thành hoàng Đinh ứng chi thần (Tứ Dương hầu Phạm Tử Nghi) và Đông Hải đại vương (Đoàn Thượng). Ngoài ra, di tích còn phối thờ các vị thần: Cao Sơn Đại vương, Tây Phương Sơn Kế chi thần, Đương Cảnh Thần Hoàng Lê Nguyên chi thần và Đạo Nguyên chi thần. Công trình Đình, chùa, miếu thôn Rạch được xây dựng với quy mô bề thế, bảo lưu được phong cách kiến trúc, chạm khắc cổ truyền thống. Tại di tích hiện còn lưu giữ được một số những cổ vật có giá trị như: hệ thống sắc phong, ngai, bài vị, kiệu long đình, khánh đá và nhiều di vật có giá trị khác các thời Vua Tự Đức, Duy Tân, Khải Định. Bên cạnh những giá trị lịch sử, văn hoá, nơi đây còn bảo tồn được nhiều sinh hoạt văn hoá dân gian truyền thống. Đặc biệt nơi đây cũng chính là quê hương của nghệ thuật múa rối nước dân gian cổ truyền đặc sắc phục vụ đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân. Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh chùa Vân Đồn (xã Nghĩa An) là ngôi chùa mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Tiền Lý. Ngôi chùa có tên gọi Từ Quang tự ngoài chức năng thờ Phật thì nơi đây còn mang yếu tố của một Đạo quán. Tam bảo chùa không thờ 3 vị Tam thế mà thờ 3 vị Tam thanh - Những người đứng đầu Đạo giáo bao gồm: Nguyên thuỷ Thiên tôn - Ngọc hoàng Thượng đế (hiệu Ngọc Thanh) đại diện cho vũ trụ; Thái thượng Lão quân, tức Lão Tử (hiệu Thái Thanh) đại diện cho thuyết âm; Linh bảo Đạo quân (hiệu Thượng Thanh) đại diện cho thuyết dương. Ngoài ra, chùa thờ Mẫu Liễu Hạnh và Thần nữ Lê Thị Ngọc Tảo công chúa (người có công xây dựng chùa). Chùa Vân Đồn là ngôi chùa có quy mô lớn trên 3.800m2, mặt quay về hướng Nam với các hạng mục công trình như: Tam quan, Thượng điện, nhà bia, nhà tổ. Mặc dù được trùng tu tôn tạo nhiều lần nhưng di tích vẫn còn bảo lưu nguyên vẹn nghệ thuật kiến trúc thế kỷ XVII. Xã Bình Minh là vùng đất cổ được hình thành trên một phần đất cũ thuộc các tổng: Cổ Nông, Duyên Hưng và Bái Dương huyện Nam Chân (nay là huyện Nam Trực). Trên địa bàn xã có 1 di tích cấp quốc gia là Cầu Ngói, Phủ Bà và 2 di tích cấp tỉnh là Chùa Cổ Nông, Đền Nho Lâm. Di tích Cầu Ngói, Phủ Bà gắn liền với lịch sử của bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân - cung phi của chúa Trịnh, con một vị quan dưới triều Lê Trung Hưng đã có nhiều đóng góp cho quê hương như: công đức tiền làm cầu Thượng Gia, mua ruộng cấp cho dân nghèo trong làng, khuyên dân làm việc đức, trừ việc hại. Sau khi bà mất, dân làng Thượng Nông đã lập phủ thờ để tri ân công đức.

Các di tích lịch sử văn hoá ở Nam Trực có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân. Lễ hội tại các di tích hiện còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian đặc sắc như: múa rồng, múa sư tử, leo cầu kiều, diễn tích trò ở lễ hội đền An Lá (xã Nghĩa An); múa rối đầu gỗ, đánh cờ, tổ tôm điếm, đánh đu trong lễ hội đền Am, chùa Đại Bi, kéo chữ đền Đồng Côi (Thị trấn Nam Giang); thi hát chèo, chầu văn, ca trù, biểu diễn kèn đồng, múa rồng, múa rối nước tại ngày kỵ Thánh trong lễ hội truyền thống thường niên tổ chức vào ngày 16 tháng Giêng tại di tích đền, chùa, miếu thôn Rạch và ngày 17, 18, 19 tháng 8 âm lịch tại đình Xám (đình Hát) (xã Hồng Quang) cầu cho mưa thuận gió hoà, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, nhân dân no ấm, đất nước thái bình… Đình Vân Chàng (Thị trấn Nam Giang) được UBND tỉnh xếp hạng năm 2016. Lễ hội tại di tích còn bảo lưu được nhiều nét đặc trưng nghề rèn truyền thống. Vào dịp lễ hội, nhiều làng nghề thực hiện nghi lễ “hiến xảo” tấu với các vị tổ nghề những tiến bộ trong lao động, sản xuất. Khi tổ chức nghi lễ “hiến xảo” các gia đình thợ thủ công mang sản phẩm ra đình, đền thờ tổ nghề, đặt trước ban thờ dâng lên tổ nghề những sản phẩm có tính thẩm mỹ cao và kỹ thuật tinh xảo. Các gia đình có sản phẩm trong nghi lễ “hiến xảo” đều được nhận một phần quà động viên của ban tổ chức lễ hội, coi đó là lộc của đức Thánh tổ. Ở xã Bình Minh, hằng năm vào tháng 3 âm lịch, nhân dân thôn Thượng Nông tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công lao bà chúa Nguyễn Thị Ngọc Xuân tại di tích Phủ Bà. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày (20, 21 và 22 âm lịch). Tại lễ hội, ngoài phần lễ còn diễn ra các trò chơi dân gian, dân vũ độc đáo như: bơi chải trên sông Ngọc, hát chèo, đấu vật, chọi gà, tổ tôm điếm. Tại di tích đình Tứ Giáp (xã Nam Cường), từ mùng 5 đến mùng 7-3 âm lịch diễn ra lễ hội kỷ niệm ngày Đô đốc Huấn Quận Công về chiêu dân lập lại làng xã. Ngày khai mạc lễ hội có tục rước kiệu và tế lễ. Ngày chính hội mùng 6-3, nhân dân và du khách thập phương dâng hương hoa, lễ vật lên vị phúc thần cầu cho làng xóm yên vui và diễn ra các trò chơi dân gian bắt vịt, thổi cơm thi ở sân đình. Tại di tích lịch sử - văn hoá đền Gin (xã Nam Dương), diễn ra từ ngày 8 đến ngày 10 tháng Chạp có các lễ: rước nước, xin nước nhà thánh, lễ rước bát nhang nhà quan, lễ cáo...; đặc biệt là nghi lễ rước cá trắm và tục thi cỗ trong lễ hội. Lễ hội đền Đá (xã Tân Thịnh) được tổ chức vào ngày 3-3 âm lịch hằng năm với nhiều cuộc thi như: làm oản, làm bánh để tế thánh, thi làm cỗ, chọn cau lễ... và nhiều trò vui như múa gậy, múa rồng, trò kéo cõi (kéo dây), đấu vật, đấu roi...

Thực hiện công tác quản lý, bảo tồn di tích tỉnh, từ nguồn kinh phí thuộc chương trình quốc gia về bảo tồn di tích và nguồn kinh phí của tỉnh, nhiều di tích trong huyện đã được trùng tu, tôn tạo khang trang đúng quy định, đảm bảo chất lượng và giữ được nguyên vẹn kiến trúc di tích gốc. Ở xã Nam Cường, năm 2011, động Thanh Am (thuộc quần thể di tích đền, chùa, phủ động thôn Thanh Khê) được sửa lại hậu cung với tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 150 triệu đồng. Năm 2013, đền Thanh Khê được trùng tu hậu cung, thay cửa gỗ 3 gian tiền đường với kinh phí 250 triệu đồng, trong đó nhân dân địa phương và du khách thập phương đóng góp 200 triệu đồng. Tại đền Thượng Lao và đền Xối Thượng (xã Nam Thanh) mỗi năm nhân dân và khách thập phương đóng góp hàng trăm triệu đồng để trùng tu, tôn tạo. Năm 2013 đền Thượng Lao đã được tôn tạo lại khu tiền đường, lợp mới lại toàn bộ mái, xây trát lại bờ nóc với kinh phí gần 200 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá. Thực hiện công tác xã hội hoá, năm 2014, Ban quản lý di tích tiếp tục vận động nhân dân địa phương và con em xa quê trùng tu, tôn tạo các hạng mục như: mở rộng khuôn viên, nâng cấp mặt sân, xây lại tường bao với kinh phí trên 60 triệu đồng. Tháng 1-2014, Sở VH, TT và DL phối hợp với huyện Nam Trực tiến hành khởi công dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa đền Gin (xã Nam Dương) từ năm 2013 đến năm 2016 với tổng kinh phí 28 tỷ 187 triệu đồng. Ngoài di tích đền Gin, năm 2013, Sở VH, TT và DL phối hợp với Cục Di sản Văn hoá lập dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Đại Bi với các hạng mục: Tam quan, Tam bảo, Nhà mẫu, Nhà tổ; hành lang tả hữu, lợp ngói và lát nền…

Để nâng cao hiệu quả công tác xã hội hoá bảo tồn di tích, thời gian tới huyện Nam Trực tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của toàn dân đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa. Tăng cường công tác xã hội hóa để nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí cùng với sự đầu tư của Nhà nước để tu bổ, bảo tồn các di tích theo đúng kiến trúc truyền thống./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com