Yên Tiến gìn giữ không gian văn hoá truyền thống

06:10, 27/10/2017

Trong quá trình hình thành và phát triển, xã Yên Tiến (Ý Yên) đã mang trong mình vẻ trang nghiêm, cổ kính với những tên đất, tên làng như: Cát Đằng, Thượng Đồng, Văn Tiên, Trung Thứ, Trung Thôn, Đông Thịnh… Mỗi địa danh cổ đều mang một bản sắc văn hoá gắn với các làng nghề thủ công truyền thống, các di tích lịch sử - văn hoá, phong tục tập quán làng xã, tín ngưỡng dân gian độc đáo, đa dạng.

Cổng làng Thượng Đồng, xã Yên Tiến.
Cổng làng Thượng Đồng, xã Yên Tiến.

Hiện trên địa bàn xã còn gìn giữ và bảo tồn được hệ thống di tích dày đặc với 8 đình, 7 chùa, 7 phủ, 5 miếu, 3 nhà thờ người có công và 56 từ đường dòng họ. Các di tích đều gắn với nhiều giá trị văn hoá tín ngưỡng thờ cúng đa dạng như: thờ nhân thần, thờ Mẫu, thờ thành hoàng làng và các vị tổ nghề, tổ họ tộc ở địa phương. Tiêu biểu như: Chùa Thượng Đồng (Phúc Lâm Tự) được hình thành trên 300 năm là ngôi cổ nhất ở địa phương; Đình Đằng Chương thờ Tướng quân Đinh Điền - danh tướng triều Đinh; Đình Trung Thôn, Đình Đồng Văn thờ Trung Mẫn Đại Vương Đinh Đức Nghi - công thần triều Đinh; Đình Văn Tiên thờ Quách Đình Bảo - đại thần thời Hậu Lê; Đền Đông Hưng thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn; Đình Thượng Đồng thờ Vua Đinh Tiên Hoàng; Đình Cát Đằng thờ 2 vị tổ nghề sơn mài Ngô Đức Dũng và Ngô Ân Ba; Phủ Văn Tiên, Phủ Thượng Đồng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh… Trong hệ thống các di tích trên địa bàn xã, có 2 di tích lịch - sử văn hoá được Bộ VH, TT và DL xếp hạng cấp quốc gia là: Đình Cát Đằng và Đình Thượng Đồng. Ngoài ra, xã còn có 2 di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh là: Đình, Chùa, Phủ Văn Tiên và Đình Trung Thôn... Các ngôi đình, chùa, miếu, phủ ở Yên Tiến đều được xây dựng từ lâu và là những công trình kiến trúc đặc sắc mang phong cách nghệ thuật Á Đông với mái đình cong vút, uốn lượn được chạm trổ tinh tế thể hiện hoa tay của các nghệ nhân xưa… Đình Thượng Đồng là di tích mang đậm nét kiến trúc thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, năm 1992 đình được xây dựng thành một quần thể di tích quy mô lớn. Trước cửa đình là đài tưởng niệm được dựng để kỷ niệm lần Bác Hồ về thăm địa phương (năm 1958); giữa ao đình có cây cầu vào lầu dâng hương Bác, trước lầu là đài sen bằng đá hoa cương và cây đa cổ thụ do Tổng Bí thư Lê Duẩn trồng mùa xuân năm 1970. Ở làng Cát Đằng, nghề sơn mài được khởi nghiệp từ thời Trần đến thời Lê - Nguyễn mới thực sự phát triển. Đặc biệt, dưới thời Lê - Trịnh có ông Đinh Quốc Thành được Vua Lê Thần Tông ban tặng chức Đan Thanh Công Tượng đội trưởng; triều Nguyễn có ông Ngô Văn Đổng được phong hàm Cửu Phẩm văn gia; ông Đinh Tư Lâm được Vua Minh Trị (Nhật Bản) ban làm Quản giám xưởng sơn xứ Điền Châu… Giá trị văn hóa của nghề sơn mài Cát Đằng biểu hiện ở sự gắn bó giữa các lễ hội tôn sùng thánh tổ làng nghề và các lễ tiết trong năm. Một năm làng diễn ra 4 lễ hội: ngày 15 tháng giêng (Tết Nguyên tiêu), ngày mồng 1-3 âm lịch, ngày 16-8 âm lịch và ngày 16-10 âm lịch (ngày kị thánh tổ). Mỗi khi đến ngày lễ hội, làng có nghi thức tế tổ nghề và các nghi lễ như: rước nước thỉnh kinh, thả đèn trời, múa lân - sư - rồng. Với việc bảo tồn được di sản văn hoá quê hương, ngày 8-5-2017, nghề sơn mài Cát Đằng đã được Bộ VH, TT và DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngoài lễ hội lớn tại làng Cát Đằng, hằng năm, các làng: Văn Tiên, Đằng Chương, Trung Thôn, Đồng Văn cũng mở hội với nhiều trò chơi dân gian truyền thống thu hút đông đảo nhân dân từ khắp nơi về dự hội. Tiêu biểu như: làng Văn Tiên tổ chức hội xuân có chọi gà, nấu cỗ, làm bánh, làm oản; làng Đằng Chương mở hội vật ngày mồng 6 tết với hàng chục đô vật từ nhiều xã về dự; làng Trung Thôn và làng Đồng Văn có nghi thức rước kiệu Thành hoàng làng từ làng này sang làng kia vào ngày mồng 5 tháng chạp để tỏ lòng thành kính, đoàn kết trên đất “phong hầu”; làng Thượng Đồng mở hội Vua Đinh vào ngày 16-10 âm lịch có diễn tích cờ lau tập trận; làng Đằng Chương bảo tồn được loại hình văn hoá dân gian hát múa nơi cửa đình (ca trù) phục vụ các dịp hội hè, đình đám… Đặc biệt, nét đẹp văn hoá làng được thể hiện trong dịp tế, lễ thần, thánh đêm giao thừa và tục Yến lão đầu xuân hằng năm cho các cụ cao niên tròn tuổi 60, 70, 80, 90, 100 tại các đình làng…

Bên cạnh việc gìn giữ nhiều giá trị văn hoá tín ngưỡng, từ lâu đời, các làng ở Yên Tiến đã xây dựng và duy trì được nhiều phong tục, tập quán nhằm ổn định nề nếp gia phong tộc họ và cộng đồng làng xã từ chuyện cưới hỏi, ma chay đến đối nhân xử thế, văn hoá gia đình, ứng xử xã hội thông qua hệ thống hương ước cổ… Ở làng Thượng Đồng xưa có tục hát ống giữa thanh niên nam nữ vào những lúc nông nhàn, đêm trăng rằm. Những câu hát là những bài ca dao, tục ngữ được soạn lời mới ứng tác nói về tình yêu đôi lứa, tình nghĩa quê hương. Làng Văn Tiên (xưa là làng Văn Cú) còn lưu truyền được câu thành ngữ “gà Văn Cú, phú Thượng Đồng” nói về thú nuôi gà ở làng Văn Cú và thú làm thơ làng Thượng Đồng nổi tiếng khắp vùng… Vốn văn học dân gian gồm ca dao, tục ngữ, huyền thoại, cổ tích trong các làng ở Yên Tiến khá phong phú, đặc sắc với huyền thoại “Bách thế danh sư” (Trăm đời làm thầy thiên hạ), “Độc thư viên” (Tiếng học trong vườn nhà)… Tất cả các huyền thoại đều nói về “Làng khoa bảng” Thượng Đồng, nơi có nhiều thầy đồ dạy học và sự ra đời của “thần đồng” Lã Xuân Oai. Ông là người từng giữ chức Tuần phủ Cao - Lạng (quan phủ 2 tỉnh Cao Bằng - Lạng Sơn), tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp.

Giá trị văn hoá truyền thống ở Yên Tiến luôn giữ vị trí quan trọng trong đời sống người dân, luôn được cấp uỷ Đảng, chính quyền cùng nhân dân trong xã quan tâm bảo tồn và phát huy, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com