Những năm qua, phong trào văn nghệ xã Xuân Hồng (Xuân Trường) phát triển mạnh với nhiều tốp, đội, CLB văn nghệ quần chúng được thành lập. Tiêu biểu như: CLB hát văn, hội trống cà rùng, hội Già Lam (chơi nhạc cụ dân tộc) làng Hành Thiện; CLB thơ NCT làng Tiên Dũng, Hành Thiện; đội kèn đồng xứ, họ đạo: Lục Thuỷ, Ngọc Tiên, Phú Yên; đội văn nghệ Trường Mầm non Xuân Hồng… Các tốp, đội, CLB văn nghệ hoạt động sôi nổi, hiệu quả đã góp phần khơi dậy tiềm năng sáng tạo phát huy vai trò của văn nghệ quần chúng trong công tác xây dựng đời sống văn hoá ở địa phương.
Một tiết mục biểu diễn của đội văn nghệ Trường Mầm non Xuân Hồng. |
Ở xã Xuân Hồng, nghệ thuật hát văn đã trở thành nét đẹp văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng. CLB hát văn Hành Thiện được thành lập năm 2011, có từ 10-15 thành viên, hoạt động trên cơ sở tự nguyện. Ông Nguyễn Trường Lý, Chủ nhiệm CLB cho biết: Hầu hết các bài hát văn được các thành viên trong CLB soạn lời mới có giai điệu vui tươi, trong sáng, mang âm hưởng trữ tình, sâu lắng, có nội dung ca ngợi quê hương, đất nước. Tiêu biểu là các bài hát văn lời cổ như: “Hội làng”; các giá chầu “Quan đệ tam”, “Cô bé thượng ngàn”, “Văn công đồng”, “Tam toà Thánh Mẫu”, “Chầu đệ nhị”, “Chúa Thác bờ…; và một số bài hát văn lời mới như: “Bài ca đất nước dâng Người”, “Nợ quê”, “Bức tranh quê xưa”, “Đảng là đỉnh sáng quang vinh”, “Nam Định quê tôi”… Ngoài việc biểu diễn phục vụ nhân dân địa phương nhân dịp lễ hội Chùa Keo Hành Thiện (từ mùng 10 đến 15-9 âm lịch), CLB hát văn Hành Thiện còn diễn xướng cùng với các giá hầu đồng tại các đền, phủ, miếu linh thiêng ở các huyện: Hải Hậu, Giao Thuỷ, Trực Ninh, Nam Trực, Vụ Bản... Cùng với hát văn, nghệ thuật hát chèo ở Xuân Hồng từ lâu cũng được người dân gìn giữ và phát triển ở các làng: Tiên Dũng, Phú Thuỷ, Hồng Thiện, Lục Thuỷ, Phú Yên. Hằng năm, âm vang của nghệ thuật hát chèo truyền thống vẫn vang lên trong các ngày diễn ra lễ hội tại các di tích lịch sử - văn hoá như: Đền Ngọc Tiên, Đền - Chùa Xuân Thiện, Đình Lục Thuỷ, Đình Hạ Thiện… Những buổi diễn của các đội, CLB văn nghệ với các vở chèo, hoạt cảnh chèo phản ánh những vấn đề hiện thực trong đời sống, tập trung vào các đề tài: Thương binh, liệt sĩ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phong trào xây dựng nếp sống văn hoá, công tác dân số - KHHGĐ… Ở mỗi CLB, các thành viên đều tự quyên góp kinh phí mua sắm trang phục, nhạc cụ, đạo cụ và tự viết kịch bản dàn dựng biểu diễn phục vụ nhân dân địa phương vào các ngày kỷ niệm lớn của Đảng, của đất nước như: Quốc khánh (2-9), Chiến thắng 30-4, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18-11)… Để duy trì và phát triển, trong hoạt động, các đội, CLB văn nghệ còn lồng ghép vào nội dung sinh hoạt của các CLB như: CLB không sinh con thứ 3; CLB gia đình hạnh phúc; CLB tiền hôn nhân...
Là địa phương có gần 30% đồng bào theo đạo Thiên chúa với 2 giáo xứ, 2 giáo họ, trên địa bàn xã hiện có 3 đội nhạc kèn và 1 hội trống thuộc các giáo xứ, họ đạo: Lục Thuỷ, Ngọc Tiên, Phú Yên, Đồng Nê; mỗi đội có từ 10-20 người. Trong đó, đội kèn giáo xứ Lục Thuỷ có khả năng phô diễn các kỹ thuật biểu diễn khó, độc đáo. Đến nay, đội đã biểu diễn thành thạo nhiều ca khúc cách mạng và tổ chức nhiều chương trình hợp xướng ca nhạc phục vụ nghi lễ nhà thờ. Phong trào sáng tác thơ ca ở xã phát triển mạnh. CLB thơ Tiên Dũng (gồm các xóm 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22) thường xuyên sinh hoạt định kỳ mỗi tháng 1 lần vào ngày mồng 7 đầu tháng. Ông Nguyễn Trọng San, Chủ nhiệm CLB tâm sự: Thành lập năm 1998, đến nay, CLB đã có gần 150 hội viên là nông dân, cán bộ, công chức, viên chức, cựu chiến binh, giáo viên nghỉ hưu; trong đó trên 70% là đảng viên, độ tuổi từ 60 đến 90 tuổi. Nội dung các buổi sinh hoạt gồm: Giao lưu ngâm thơ và sáng tác, trình diễn các tác phẩm mới và ca hát. Trong gần 20 năm hoạt động, các hội viên CLB thơ Tiên Dũng đã sáng tác hàng nghìn bài thơ thuộc các thể loại: đường luật, tứ tuyệt, lục bát. Đến nay, CLB đã ra mắt được 3 tập thơ: “Tân Xuân hội Yến”, “Cung chúc tân Xuân”, “Tình thân ái”, mỗi tập có trên 300 bài thơ của các hội viên. Ngoài các tổ, đội, CLB văn nghệ ở các xóm, trên địa bàn xã còn có nhiều đội văn nghệ của các trường học. Tiêu biểu là đội văn nghệ giáo viên trường mầm non xã thường xuyên đại diện cho xã tham dự các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng do huyện tổ chức. Vừa qua tại hội diễn nghệ thuật quần chúng huyện năm 2017, đội văn nghệ xã Xuân Hồng với nòng cốt là các giáo viên trường mầm non xã đã giành giải khuyến khích.
Phong trào văn nghệ ở Xuân Hồng đã tác động tích cực đến công tác xây dựng đời sống văn hoá. Đến nay, toàn xã có 28/37 xóm đạt danh hiệu “Làng văn hoá”, tỷ lệ gia đình văn hoá hằng năm luôn đạt từ 75-85%. Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các tốp, đội, CLB văn hoá, văn nghệ phát triển, góp phần bài trừ các tệ nạn xã hội, xóa bỏ dần hủ tục, giữ gìn và phát triển nét đẹp văn hóa, động viên nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng