Là người đam mê lịch sử, năm 1962, ông Trần Xuân Mậu, ở xóm 11, xã Hải Trung (Hải Hậu) đã đảm nhận công việc ghi chép, bảo quản, trưng bày các hiện vật ở nhà truyền thống xã. Năm 1977, ông là một trong những hội viên đầu tiên được kết nạp vào Hội VHNT Hà Nam Ninh (nay là Hội VHNT Nam Định).
Ông Trần Xuân Mậu bên tủ sách gia đình. |
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Mậu cho biết: Thời điểm đó, ngoài công tác sưu tầm, bảo quản, trưng bày hiện vật ở nhà truyền thống xã, ông kiêm cả việc làm hướng dẫn viên cho các đoàn tham quan hiểu về lịch sử - văn hóa và con người Hải Hậu. Trong một lần tiếp đoàn khách nghiên cứu văn hóa của Thụy Điển đến thăm nhà truyền thống xã, sau khi nghe giới thiệu các vị khách đều tỏ ra bất ngờ bởi vốn kiến thức sâu rộng của ông. Sự kiện ấy đã giúp ông có thêm động lực tìm hiểu kỹ hơn về lịch sử mảnh đất cha ông để giới thiệu với các đoàn khách về tham quan. Ông lặn lội khắp các làng quê trong huyện để ghi chép tài liệu phát hiện được từ người dân địa phương, từ bia đá, câu đối, truyền thuyết, văn bản… Đêm về, trong căn phòng nhỏ, ông lại thao thức, cặm cụi so sánh, đối chiếu, tìm hiểu, sắp xếp các tư liệu tìm được. Cứ thế, những cuốn sách có giá trị về lịch sử, về văn hóa của địa phương ra đời. Năm 1985, ông hoàn thành cuốn phả “Họ Trần Thủy Đại xã Hải Trung” trong đó làm rõ nhiều sự kiện lịch sử về nhân vật Thủy tổ Trần Vu và mảnh đất Quần Anh (tiền thân của huyện Hải Hậu). Năm 1992, với vốn kiến thức lịch sử, ông được mời tham gia biên soạn “Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Hải Trung”. Năm 1997, sau nhiều năm sưu tầm, biên soạn ông đã hoàn thành cuốn phả “Họ Trần Hải Hậu” và năm 2000 xuất bản cuốn “Họ Trần nguồn gốc và truyền thống” do NXB Thanh Hóa ấn hành. Trong các công trình nghiên cứu, sưu tầm của ông, các nội dung được chia thành từng chương, mục rõ ràng và khoa học, có chú giải kèm theo. Nhiều cuốn sách do ông biên soạn được các tổ chức khoa học đánh giá là những công trình công phu, dày dặn và có giá trị lịch sử. Sự lao động miệt mài của ông trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa - lịch sử được ghi nhận bằng các giải thưởng tiêu biểu như: Tặng thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (2001) cho cuốn “Họ Trần nguồn gốc và truyền thống” và năm 2003 cho cuốn “Quần Anh dấu xưa mở đất I”; Giải thưởng Văn học Lương Thế Vinh (2006-2010) cho cuốn “Phật hoàng Trần Nhân Tông”...
Với hiểu biết sâu sắc về lịch sử mở đất Hải Hậu nên những công trình nghiên cứu của huyện như: Lịch sử Đảng bộ và nhân dân huyện Hải Hậu, Địa chí Hải Hậu…, ông đều có những đóng góp nhất định. Trong cuốn Địa chí Hải Hậu, ông cùng một cộng sự được giao nhiệm vụ biên tập phần địa lý. Trong cuốn lịch sử Đảng bộ và nhân dân huyện Hải Hậu xuất bản năm 2008, ông được giao biên soạn chương đầu tiên của cuốn sách. Hiện nay, các cuốn sách của ông như “Quần Anh dấu xưa mở đất các tập I, II, III” đã được đưa vào Thư viện tỉnh và nhiều thư viện trường học của huyện Hải Hậu. Còn trong căn nhà nhỏ của ông Trần Xuân Mậu ở xóm 11 từ lâu đã trở thành “điểm đến” quen thuộc của các nhà nghiên cứu lịch sử, các giáo viên, học sinh và người dân quanh vùng. Năm 2004, cố PGS Tiến sĩ Nguyễn Hải Kế, Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và PGS Tiến sĩ Lương Hồng Quang (nay là Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia) dẫn sinh viên về nhà ông mượn tư liệu về “Hương ước của giáp” để làm luận văn. Không chỉ là “pho sử sống” của Hải Hậu, ông còn sưu tầm nhiều cuốn sách có giá trị lịch sử - văn hóa đặt ở tủ sách gia đình để cho mượn miễn phí. Người yêu sách đến với tủ sách của ông không chỉ được cho mượn mà còn được lắng nghe những câu chuyện về lịch sử hình thành, nét văn hóa đặc trưng của người dân Hải Hậu. Những ai đến với ông Mậu đều được hướng dẫn cách đọc một cách chi tiết như: trang sách cách mắt khoảng 30cm, nhìn vào trọng tâm để bao quát, đọc bằng mắt và óc chứ không đọc bằng miệng, lướt nhanh để sao chép toàn bộ trang sách và thâu tóm được nội dung của sự kiện…
Dù tuổi đã cao, nhưng ông Trần Xuân Mậu vẫn đam mê nghiên cứu lịch sử bởi với ông, kiến thức lịch sử là vô hạn, còn nhiều văn tự cổ quý hiếm ông chưa có duyên tiếp cận. Ông luôn tâm niệm, đời người không ai tránh được vòng sinh - tử nên còn thời gian ông vẫn tranh thủ sưu tầm, dịch tài liệu để biên soạn tiếp những cuốn sách về lịch sử quê hương./.
Bài và ảnh: Viết Dư