Tăng cường quản lý, bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa

04:10, 21/10/2017

Trên địa bàn tỉnh hiện có 349 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt gồm Chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường) và Đền Trần - Chùa Phổ Minh (TP Nam Định), 80 di tích cấp quốc gia, 267 di tích cấp tỉnh. Những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa ở tỉnh ta đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành VH, TT và DL quan tâm chỉ đạo. Từ nguồn kinh phí đầu tư chống xuống cấp di tích thông qua chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và nguồn kinh phí xã hội hóa, nhiều di tích đã được trùng tu, tôn tạo đúng quy định, bảo tồn theo Luật Di sản văn hóa.

Múa rồng trong lễ hội Đền Trần (TP Nam Định) năm 2017.
Múa rồng trong lễ hội Đền Trần (TP Nam Định) năm 2017.

Hằng năm, cùng với việc khảo sát, nghiên cứu các di tích để lập hồ sơ trình UBND tỉnh quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh; đề nghị Bộ VH, TT và DL xếp hạng di tích cấp quốc gia, Sở VH, TT và DL đã chỉ đạo Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh đẩy mạnh các hoạt động chống xuống cấp, bảo tồn, tôn tạo các di tích được Nhà nước xếp hạng. Tiêu biểu như di tích Đền Chùa Kiên Lao, xã Xuân Kiên (Xuân Trường) thờ Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo được khởi công trùng tu, tôn tạo đầu năm 2016 với tổng kinh phí 18,33 tỷ đồng. Từ năm 2014 đến nay, Sở VH, TT và DL phối hợp với UBND huyện Nam Trực khởi công dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa Đền Gin, xã Nam Dương với tổng kinh phí 28 tỷ 187 triệu đồng, gồm các hạng mục: nghi môn ngoại, tòa tiền đường các đền chính, giải vũ nội, ngoại, bình phong, cửa, giếng, ao, vườn… Cùng với nguồn kinh phí của Nhà nước, việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa tu bổ chống xuống cấp di tích đã góp phần bảo tồn, tôn tạo các di tích. Năm 2013, UBND tỉnh có Quyết định số 1742/QĐ-UBND phê duyệt giai đoạn 2 dự án “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử - văn hoá thời Trần” tu bổ 5 di tích quan trọng gồm: Đền Thiên Trường, Đền Cố Trạch, Chùa Phổ Minh, Đền Bảo Lộc, Đình - miếu Cao Đài bằng nguồn kinh phí xã hội hóa và các nguồn khác. Hiện nay, Đền Thiên Trường, phường Lộc Vượng (TP Nam Định) được trùng tu nhà giải vũ đông, tây với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng từ nguồn công đức của nhân dân địa phương và khách thập phương. Đình - miếu Cao Đài, xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) được trùng tu các hạng mục: tiền tế, trung đường, hậu cung với tổng kinh phí dự toán trên 4 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Nhiều địa phương trong tỉnh có di tích lịch sử - văn hóa đã có nhiều cách làm sáng tạo trong huy động các nguồn lực bảo tồn, tôn tạo như các huyện: Hải Hậu, Giao Thủy, Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc... Huyện Hải Hậu hiện có 37 di tích được xếp hạng, trong đó có 9 di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Ngoài nguồn kinh phí chống xuống cấp di tích từ chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, các địa phương có di tích trong huyện đã tích cực vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chung tay góp công, góp của để tu bổ, tôn tạo các di tích trên cơ sở giữ nguyên kiến trúc gốc. Tại xã Hải Phương, Đền Bảo Ninh thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn được xây dựng, tôn tạo lại một số hạng mục quan trọng đang xuống cấp như: xây mới sân khuôn viên, thay mới toàn bộ gạch trong đền, sơn tượng, xây tường bao… với kinh phí gần 1 tỷ đồng. Chùa Phúc Sơn, xã Hải Trung được phục dựng lại hệ thống chùa chính, gác chuông với tổng kinh phí khoảng 3,6 tỷ đồng do nhân dân và khách thập phương tiến cúng. Chùa Thanh Quang, xã Hải Thanh xây dựng nhà khách, trùng tu nhà tổ, thay các vì kèo đã xuống cấp với kinh phí hơn 1 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Đền An Phú, xã Hải Phong xây dựng lại hệ thống bờ rào, các mảng chạm khắc rồng phượng với kinh phí hàng trăm triệu đồng do nhân dân trong và ngoài địa phương công đức. Đền Hướng Thiện, xã Hải Long được tôn tạo khuôn viên với kinh phí hàng trăm triệu đồng, tạo cảnh quan di tích khang trang, sạch đẹp. Huyện Giao Thủy có 31 di tích được xếp hạng, trong đó có 3 di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Các địa phương có di tích được xếp hạng đều thành lập Ban quản lý di tích, thường xuyên cử cán bộ chuyên môn tham dự các lớp tập huấn Luật Di sản văn hóa, công tác tổ chức và quản lý lễ hội. Huyện chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ, trùng tu, tôn tạo di tích bị xuống cấp. Đình làng Thanh Khiết, xã Giao Yến thờ Đức thánh Triệu Việt Vương và các vị tổ có công lập làng, có kiến trúc nghệ thuật thời Hậu Lê... Sau khi đánh giá mức độ xuống cấp của di tích, được sự cho phép của ngành VH, TT và DL, xã Giao Yến đã tiến hành trùng tu công trình với kinh phí gần 3 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Đình Vuông xã Giao Phong sau khi huy động nguồn kinh phí xã hội hóa và làm các thủ tục cần thiết theo Luật Di sản đã được hạ giải và xây lại nguyên mẫu đảm bảo lưu giữ nét đẹp văn hóa của công trình lịch sử được xây dựng từ thời Nguyễn với tổng giá trị khoảng 4 tỷ đồng, trong đó nhân dân tiến cúng hơn 1,6 tỷ đồng, con em xa quê ủng hộ hơn 2 tỷ đồng. Nhiều địa phương trong huyện đã làm tốt công tác bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa, tiêu biểu như: Thị trấn Ngô Đồng trùng tu Đền Hoành Đông thờ Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng và hai vị Cao Sơn Đại Vương, Đại Hải Đại Vương với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng. Ở xã Giao Thịnh, Đền - Chùa Tồn Thành được trùng tu, tôn tạo với kinh phí ước tính trên 3,5 tỷ đồng. Ở xã Giao An, từ năm 2012 đến nay di tích lịch sử - văn hóa Đình Chùa Hoành Lộ được trùng tu với kinh phí hàng tỷ đồng.

Công tác quản lý, bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa ở tỉnh ta thời gian qua đã có những kết quả tích cực. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng ở một số di tích khi tiến hành tu bổ, tôn tạo đã có sự sai lệch so với kiến trúc gốc. Khi huy động nguồn lực để tôn tạo, một số di tích đã được cơi nới to đẹp hơn, đưa các yếu tố mới vào di tích như thay gạch, bê tông cho các cấu kiện gỗ; dùng sơn công nghiệp thay cho sơn ta trong trang trí kiến trúc... làm mất “phần hồn” của các di tích, phá vỡ nguyên mẫu kiến trúc di tích. Không ít di tích khi phục chế, tu bổ mới dừng lại ở kiến trúc mà không chú ý đến bảo vệ hệ thống văn tự Hán - Nôm, từ đó, dẫn đến việc các câu đối, văn bia, đạo sắc phong bị hư hỏng, thất lạc. Nhiều di tích sau khi được trùng tu tôn tạo không phát huy giá trị mà luôn “cửa đóng then cài” thậm chí bị một số người dân gần khu vực di tích sử dụng như phơi rơm, chứa thóc... làm mất vẻ uy nghiêm... Nguyên nhân do công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng ở một số địa phương chưa được đẩy mạnh. Việc thực hiện phân cấp quản lý di tích ở một số địa phương còn lúng túng, có nơi “phó mặc” cho thủ nhang, thủ từ quản lý...

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn di tích tỉnh, ngày 7-7-2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 19/2017/QĐ-UBND ngày 7-7-2017 về việc Ban hành quy định phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh. Đối tượng áp dụng quy định này là các di tích đã xếp hạng và di tích trong danh mục kiểm kê được UBND tỉnh phê duyệt. Phạm vi điều chỉnh gồm các nội dung về phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa; trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan tới hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, Sở VH, TT và DL là cơ quan chuyên môn tham mưu UBND tỉnh quản lý Nhà nước các di tích trên địa bàn tỉnh. UBND cấp huyện thực hiện việc quản lý Nhà nước các di tích trên địa bàn và quản lý trực tiếp di tích quốc gia đặc biệt, quần thể di tích. Trong trường hợp cần thiết UBND cấp huyện quản lý đối với di tích quốc gia bằng việc quyết định thành lập Ban quản lý. UBND cấp xã trực tiếp quản lý di tích trên địa bàn, bao gồm: Di tích xếp hạng quốc gia; di tích xếp hạng cấp tỉnh; di tích trong danh mục kiểm kê được UBND tỉnh phê duyệt. Với các di tích thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân, UBND cấp xã giao tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm trực tiếp bảo vệ và phát huy giá trị theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, quy định cũng nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Việc phân cấp quản lý nhằm nâng cao nhận thức và phát huy giá trị di tích trong việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương; xác định rõ trách nhiệm của UBND các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trước những tác động xấu của môi trường tự nhiên và con người, bảo đảm giữ gìn các yếu tố gốc và giá trị của di tích./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com