Với bề dày vốn sống, kinh nghiệm, hiểu biết và những tinh hoa văn hóa tích lũy trong đời sống người cao tuổi (NCT) là nguồn lực, nhân tố quan trọng để phát triển phong trào văn nghệ quần chúng và lưu giữ cho con cháu những giá trị văn hóa truyền thống.
Hội Già Lam Hành Thiện biểu diễn tại lễ hội Chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường). |
Ông Phan Văn Ứng, Phó trưởng Ban chuyên trách đại diện Hội NCT tỉnh cho biết: Toàn tỉnh hiện có 1.695 CLB NCT thu hút gần 65.600 NCT tham gia sinh hoạt ở đa dạng các loại hình như TDTT, thơ - ca… Để phát huy vai trò của NCT, những năm qua, Ban đại diện Hội NCT tỉnh và các huyện, thành phố đã tích cực chỉ đạo các Hội NCT cơ sở thực hiện tốt việc quan tâm, chăm lo mọi mặt, nhất là đời sống tinh thần của NCT. Nhiều CLB, tổ, đội văn nghệ của NCT thường xuyên giao lưu, biểu diễn, tạo sân chơi bổ ích cho NCT. Đến nay, phong trào văn nghệ NCT đã phát triển mạnh ở Thành phố Nam Định và các huyện: Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, Mỹ Lộc... Thành phố Nam Định hiện có 19 CLB văn nghệ NCT ở các phường, xã. Trong đó các phường Trần Tế Xương, Hạ Long, Lộc Hạ, Lộc Vượng có CLB văn nghệ NCT hoạt động mạnh. CLB tiếng hát NCT phường Trần Tế Xương được thành lập năm 2016 do bà Nguyễn Thị Minh Thin làm chủ nhiệm. Đến xem CLB tập luyện mới thấy hết sự say mê nghệ thuật của các thành viên. Để hát đúng lời, đúng nhịp, bà Thin đã sưu tầm những đĩa hát văn, dân ca quan họ sau đó nghe đi nghe lại rồi chép lời bài hát, phân đoạn để các thành viên trong CLB cùng học. Đến nay, nhiều thành viên trong CLB đã thể hiện thành công các bài hát văn, dân ca quan họ... nhân các ngày lễ tết. Ở phường Lộc Hạ, phong trào văn nghệ NCT cũng phát triển mạnh. Bà Bùi Thị Bích Nghiễn, hội viên NCT phường Lộc Hạ là người gây dựng phong trào văn nghệ của miền Đông Mạc. Năm 2015, đội văn nghệ miền Đông Mạc được thành lập gồm 9 thành viên, trong đó có 2 nhạc công và 7 diễn viên. Các thành viên trong đội tự hòa âm, phối khí, sáng tác và kiêm cả đạo diễn các tiết mục văn nghệ. Bà Bùi Thị Bích Nghiễn, chủ nhiệm đội văn nghệ cho biết: Ngoài những buổi biểu diễn phục vụ bà con các tổ dân phố, các thành viên trong đội dành thời gian để truyền thụ kiến thức, tiếp lửa nghệ thuật chèo cho thế hệ trẻ. Ở phường Lộc Vượng đội văn nghệ do bà Trần Thị Bích Hồng, tổ dân phố 23 phụ trách hoạt động đa dạng ở các loại hình ca múa như hát chèo, chầu văn, nhạc cách mạng. Đội có 10 thành viên được thành lập từ năm 2005. Được nghe những làn điệu chèo “mộc” nhưng uyển chuyển, chân tình và tha thiết của các thành viên cao tuổi trong đội, chúng tôi cảm nhận được đội thực sự là nhịp cầu nối niềm đam mê âm nhạc truyền thống. Ngoài việc biểu diễn thành thục các làn điệu chèo, các bài hát văn, đội còn sáng tác, dàn dựng những hoạt cảnh chèo tuyên truyền về công tác dân số - KHHGĐ, xây dựng nếp sống văn minh đô thị... Hiện nay, đội thường biểu diễn vào dịp lễ hội Đền Trần, mừng thọ NCT tổ dân phố. Ở Hải Hậu, Ban đại diện Hội NCT huyện đã định hướng Hội NCT cơ sở thành lập các CLB kết hợp loại hình dưỡng sinh và văn nghệ, đến nay huyện có 235 CLB NCT thôn, xóm, tổ dân phố. CLB thơ - ca NCT xã Hải Thanh hiện có trên 50 hội viên, thường xuyên duy trì sinh hoạt vào dịp cuối tuần và tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ hằng tháng. Các tác phẩm thơ của các hội viên trong CLB tuy giản dị, mộc mạc nhưng luôn sâu lắng tình người, tình đời, nội dung ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, tình cảm thiêng liêng với biển, đảo của Tổ quốc… Với những hội viên là CCB, ký ức về một thời chiến đấu kiên cường bảo vệ Tổ quốc được gửi gắm vào những vần thơ đầy xúc cảm. Từ khi hoạt động, CLB trở thành sân chơi bổ ích đối với những người yêu thơ. Mặt khác, các thành viên CLB thơ ca là những hạt nhân quan trọng trong sáng tác các tiểu phẩm, hoạt cảnh sân khấu... cho các tiết mục văn nghệ “tự biên, tự diễn” của các đội văn nghệ ở địa phương.
Huyện Xuân Trường đã phát huy vai trò của NCT trong các hoạt động văn hóa - văn nghệ ở cơ sở. Ở xã Xuân Tân, ngoài nghệ thuật chèo truyền thống còn có đội trống hội do các hội viên Hội NCT xã thành lập. Hiện nay, CLB trống hội NCT Xuân Tân có 23 thành viên với 1 trống sấm, 3 trống đại và 8 trống vừa. Nhờ khả năng biểu diễn các bài trống, CLB trống hội NCT Xuân Tân được mời đi biểu diễn tại chương trình khai xuân, dịp mừng thọ đầu xuân, lễ hội mùa xuân ở các tỉnh: Thái Bình, Hà Nam. Ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng hội Già Lam Hành Thiện gồm những nhạc công cao niên chơi nhạc cụ dân tộc vẫn duy trì hoạt động đều đặn. Hội có từ những năm 1940, chủ yếu hoạt động phục vụ các khóa lễ của chùa làng với các bài nhạc tế, lễ truyền thống. Các loại nhạc cụ của các thành viên trong hội đều được mua bằng kinh phí đóng góp của các hội viên, với trị giá hàng chục triệu đồng. Mỗi khi chuẩn bị cho một buổi tế, lễ, hoặc các hoạt động văn hóa, tại sân Chùa Keo Hành Thiện, 14 hội viên của hội Già Lam Hành Thiện lại cùng nhau cất lên tiếng trống, tiếng sáo, tiếng đàn rộn rã. Hình ảnh những cụ già tóc bạc dạy các cháu nhỏ, thanh, thiếu niên học đàn, học hát các điệu chầu văn, chèo đã trở nên quen thuộc, góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân địa phương.
Ở huyện Mỹ Lộc, nhiều loại hình nghệ thuật như hát chèo, hát văn được gìn giữ bởi những NCT nặng lòng với nghệ thuật truyền thống. Cụ Đặng Mạnh Yêu (83 tuổi), ở xóm 2, xã Mỹ Hưng đã có hơn 60 năm gắn bó với nghệ thuật hát chèo, hiện là chủ nhiệm CLB chèo làng Thượng. Những tiết mục của CLB biểu diễn do cụ Yêu đạo diễn như: “Nhớ ơn Đảng, Bác Hồ” (hát sử nữ) và các bài hát chèo: “Tình quê hương”, “Thành phố tên vàng”, “Đất nước tươi đẹp”, “Ơn Đảng”... đã tiếp thêm niềm tự hào dân tộc, niềm tin tưởng với Đảng, Bác Hồ kính yêu trong các tầng lớp nhân dân cùng chung tay xây dựng thôn, xóm giàu đẹp. Ông Trần Đắc Hồng (80 tuổi), chủ nhiệm CLB thơ huyện Mỹ Lộc là người dành nhiều tâm huyết với phong trào văn nghệ địa phương. Để gây dựng phong trào thơ - ca của huyện, ông đã đến từng xã, thị trấn động viên những người yêu thơ thành lập các tổ, đội, CLB. Đến nay, nhiều CLB thơ - ca được thành lập ở Thị trấn Mỹ Lộc và các xã: Mỹ Thắng, Mỹ Hà, Mỹ Thành, Mỹ Tân... Ông Hồng đang xây dựng kế hoạch để CLB thơ - ca Mỹ Lộc phối hợp với một số trường học trên địa bàn huyện tổ chức dạy các làn điệu chèo, chầu văn cho học sinh và tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ truyền thống.
Thực tế cho thấy, các địa phương có phong trào văn hóa, văn nghệ mạnh đều phát huy vai trò của NCT trong tham gia biểu diễn, truyền dạy kỹ năng cho thế hệ trẻ. Để phong trào văn nghệ NCT tiếp tục phát triển, các cấp Hội NCT cần quan tâm chỉ đạo, kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chủ nhiệm CLB các cấp. Với sự quan tâm của các cấp hội, các địa phương, NCT sẽ là nhân tố quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy những giá trị nghệ thuật truyền thống./.
Bài và ảnh: Viết Dư