Những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Giao Long (Giao Thuỷ) đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, vận động nhân dân đóng góp xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá. Đến nay, 19/22 xóm trong xã đã xây dựng được NVH đạt chuẩn NTM, tạo điều kiện cho phong trào văn nghệ phát triển. Nhiều tốp, đội, CLB văn nghệ được thành lập, hoạt động hiệu quả; tiêu biểu như: CLB chèo, CLB thơ ca…
Bơi chải truyền thống tại Đại hội thể dục thể thao xã Giao Long năm 2017. |
Là địa phương ven biển, khó khăn trong quá trình xây dựng NTM ở Giao Long là nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa để hoàn thiện tiêu chí số 6 (cơ sở vật chất văn hóa). Với phương châm “Lấy thôn, xóm làm gốc, người dân là chủ thể xây dựng NTM”, xã Giao Long đã huy động các nguồn lực từ nhân dân để xây dựng các thiết chế văn hóa nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Trong tổng số 19 NVH, có 10 NVH xây dựng trong năm 2017, các NVH còn lại được xây dựng từ năm 2012-2015. Trong quá trình xây dựng NVH, diện tích đất xây dựng được xã chuyển đổi từ đất đồng ruộng sang quy hoạch đất khu dân cư để thuận tiện cho việc đi lại, sinh hoạt của người dân. Mỗi NVH có diện tích từ 500-700m2, kinh phí xây dựng khoảng 500 triệu đồng/NVH, chủ yếu do nhân dân đóng góp. Các NVH đều có sân thể thao: cầu lông, bóng chuyền, bóng đá mi ni, tủ sách pháp luật… Bên cạnh nguồn đóng góp của nhân dân, xã có cơ chế khuyến khích hỗ trợ với mức 30 triệu đồng/NVH xây mới, 20-25 triệu đồng/NVH nâng cấp, sửa chữa. Hệ thống thiết chế văn hoá được xây dựng đồng bộ đã tạo tiền đề để phong trào văn nghệ phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Các đội, CLB văn nghệ ở xã hoạt động theo phương thức tự nguyện, tự trang trải kinh phí. Hằng năm, vào các ngày lễ, tết, xã đều tổ chức giao lưu văn nghệ giữa các xóm, tạo khí thế sôi nổi, phấn khởi trong nhân dân. Ở xã Giao Long, hát chèo đã trở thành nét văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng của người dân nơi đây, nhất là những dịp giỗ tổ tại các từ đường dòng họ: Trần, Mai, Vũ, Hoàng, Phạm, Nguyễn… Được thành lập từ năm 1997, đến nay CLB chèo xã Giao Long có 24 thành viên chủ yếu là hội viên của Hội Phụ nữ, Hội NCT và đoàn viên thanh niên xã. Bà Trần Thị Hằng, Chủ nhiệm CLB chèo xã Giao Long cho biết: Các thành viên trong CLB đều là những người đam mê hát chèo và là những hạt nhân tiêu biểu trong phong trào văn nghệ của xã như: Hoàng Thị Mai, Trần Thị Thoa, Trần Thị Xuyến, Trịnh Thị Hải, Nguyễn Thị Lan... Từ khi thành lập, CLB đã xây dựng quy chế, nguồn quỹ hoạt động từ sự đóng góp của các thành viên và thu nhập từ những buổi biểu diễn để mua sắm trang phục và các trang thiết bị cần thiết để hoạt động phục vụ nhân dân. Với thế mạnh có nhiều thành viên biết hát dân ca, CLB đã dàn dựng được các chương trình biểu diễn nghệ thuật đa dạng phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Một số làn điệu chèo truyền thống như: Luyện năm cung, Sa lệch chênh, Tò vò, Đào liễu, Nhện giăng mùng… được CLB soạn lời mới có giai điệu âm nhạc vui tươi, trong sáng, mang hơi thở và nhịp sống đương đại. Ngoài ra, CLB biểu diễn được nhiều tiết mục ca múa nhạc với các ca khúc cách mạng phục vụ yêu cầu tuyên truyền theo chủ đề: thương binh - liệt sĩ, dân số - KHHGĐ, xây dựng NTM, xây dựng nếp sống văn hoá, gia đình văn hoá… và dàn dựng một số giá đồng sân khấu. Ngoài CLB chèo, cả 22 xóm trong xã đều thành lập được đội văn nghệ quần chúng hoạt động hiệu quả. Đặc biệt, phong trào hát chèo đang phát triển mạnh, dưới hình thức hoạt động tại các NVH xóm hoặc các hộ gia đình. Tiêu biểu như các xóm: 16, 19, 20, 21, 22... Những tiết mục biểu diễn của các đội văn nghệ quần chúng vào các dịp hội hè, đình đám làm rộn ràng cả một vùng quê ven biển, xua tan mệt mỏi của người dân sau những giờ lao động vất vả. Không chỉ phong phú về các bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước, hạnh phúc gia đình, các đội văn nghệ còn có nhiều ca khúc do các thành viên tự sáng tác phê phán thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan… Mặc dù sinh hoạt theo hình thức tự nguyện, phương thức xã hội hóa, song các đội văn nghệ quần chúng vẫn nhận được sự ủng hộ tích cực của chính quyền địa phương.
Từng chủ trương xã hội hoá các hoạt động văn hoá, văn nghệ, TDTT, xã Giao Long đã thu hút nhiều “Mạnh Thường Quân” tham gia ủng hộ kinh phí. Bình quân số tiền vận động từ công tác xã hội hóa lên đến hàng trăm triệu đồng/năm, tạo động lực để các tổ, đội, CLB văn nghệ hoạt động ngày càng hiệu quả. Để phong trào văn nghệ phát triển mạnh, ngày càng có chiều sâu, cấp uỷ Đảng, chính quyền xã Giao Long tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao, trọng tâm là đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực của các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn nghệ, đồng thời khai thác, phát huy hiệu quả hoạt động của các NVH xóm, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và tham gia sáng tạo văn hóa của nhân dân./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng