Về ba pho tượng "Công chúa và nàng hầu" tại Bảo tàng tỉnh

06:07, 28/07/2017

Bảo tàng tỉnh là nơi lưu trữ và bảo quản nhiều di vật, cổ vật có giá trị gắn với các di tích lịch sử - văn hoá thời nhà Lê, Nguyễn, Trần, Lý đa dạng nhiều loại hình như: sắc phong, văn bia, câu đối, đại tự, bát hương, nhang án, bài vị, tượng thờ, khám thờ, chuông cổ… Trong đó, ba pho tượng “Công chúa và nàng hầu” niên đại thời Nguyễn được Bảo tàng tỉnh sưu tầm tại chùa Phổ Minh là những hiện vật có giá trị văn hoá, nghệ thuật cao và là nguồn tư liệu quan trọng để nghiên cứu về tín ngưỡng dân gian, lịch sử của dân tộc.

Ba pho tượng “Công chúa và nàng hầu” thời Nguyễn (thế kỷ XIX) được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.
Ba pho tượng “Công chúa và nàng hầu” thời Nguyễn (thế kỷ XIX) được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.

Tượng chân dung phụ nữ được coi là một loại tượng tôn giáo gắn liền với giá trị văn hoá tín ngưỡng thờ Mẫu như: Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thoải, Mẫu Thượng ngàn, Vương Mẫu, Quốc Mẫu và tín ngưỡng thờ Hậu như: Nữ hoàng, Hoàng hậu, Vương phi, Công chúa, Bà chúa. Cả 2 loại hình văn hoá tín ngưỡng này đều thể hiện đạo lý tôn kính “Uống nước nhớ nguồn” của nhân dân đối với các bậc tiên tổ, các vị thần của trời đất, thiên nhiên, cây cối; tưởng nhớ công lao của các vị nữ anh hùng dân tộc đã có công xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc… Ngày nay, thờ tượng chân dung phụ nữ là một văn hoá tín ngưỡng bản địa gắn với hệ thống di tích lịch sử - văn hoá đặc thù ở mỗi địa phương và có sức lan toả trong xã hội đương đại. Trong cụm di tích đền Trần - chùa Phổ Minh (phường Lộc Vượng, TP Nam Ðịnh), chùa Phổ Minh là công trình kiến trúc bề thế xây dựng dưới thời Lý, được triều Trần mở rộng vào năm 1262. Tại chùa còn bảo lưu được nhiều hiện vật có giá trị thời Trần như: Hệ thống chân tảng đá hoa sen, tượng rồng đá, sóc đá, bình phong, tháp Phổ Minh và hệ thống các pho tượng cổ như: các tượng thờ Phật theo phái Ðại thừa, tượng Tam tổ Trúc lâm, tượng Tam toà Thánh Mẫu, tượng Ngũ vị Tôn ông, tượng Bà chúa Mạc và các sư tổ trụ trì. Ðặc biệt, ba pho tượng “Công chúa và nàng hầu” được Bảo tàng tỉnh sưu tầm tại chùa Phổ Minh trong khoảng thời gian từ năm 1974-1977 là ba trong số ít những pho tượng lâu đời từ thời nhà Nguyễn còn sót lại tại di tích. Các pho tượng đều là những di sản có giá trị cao về mặt lịch sử, văn hoá và nghệ thuật. Cả ba pho tượng đều được làm bằng gỗ mít mang đậm phong cách nghệ thuật chạm khắc thế kỷ XIX. Pho tượng công chúa được sơn son thếp vàng có chiều cao 96cm, tạc người phụ nữ ngồi với tư thế thiền định trên bệ vuông, hai tay để trên đùi trong tư thế kết ấn. Tượng công chúa có khuôn mặt hình trái xoan, lông mày lá liễu, cổ cao 3 ngấn, tóc điểm hoa cúc, trên đầu đội vương miện đuợc trang trí rồng, mây, hoa, lá. Thân tượng mặc ba lớp áo, lớp ngoài cùng được gọi là “vân kiên” với áo sa kép cổ vát màu nâu sậm được các nghệ nhân xưa chạm trổ tỉ mỉ, chau chuốt với các hoạ tiết nổi: rồng bay, vân mây uốn lượn mềm mại. Tiếp đến là lớp áo màu hồng đậm và trong cùng là áo yếm hồng nhạt. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử cũng như căn cứ vào thần thái, trang phục, vương miện với những hoạ tiết rồng, mây thì có thể thấy đây là tượng người phụ nữ có thân phận cao quý, thuộc dòng dõi trong cung đình triều Nguyễn hoặc tầng lớp quý tộc trong xã hội đương thời. Ðồng thời, đây cũng là nguời phụ nữ có tầm ảnh hưởng lớn đến chùa Phổ Minh và có nhiều công lao to lớn đối với quê hương Tức Mặc xưa nên được nhân dân tạc tượng và tôn thờ tại di tích. Pho tượng nàng hầu lớn (hầu rượu) cao 92cm có đôi mắt nhỏ hơn so với pho tượng công chúa nhưng cùng chung đặc điểm là khuôn mặt thanh thoát, tóc búi cao, đầu đội mũ trang trí hoa, lá, mây, hai tay nâng bình rượu. Trang phục tượng khá cầu kỳ với hai dải khăn mỏng từ mũ rủ dài xuống dưới sang hai bên theo phong cách Ðạo giáo thần tiên. Áo dài nhiều nếp gấp, cổ tay bo tròn, thân áo điểm nhiều hoa văn hổ phù xen lẫn mây tản… Khác với hai pho tượng trước, pho tượng nàng hầu bé (hầu bếp) có dáng vẻ khoẻ khoắn, vai vuông, mặt béo, tai to, tay đỡ cơi trầu. Tượng mặc áo dài chùng kiểu dáng giống áo tứ thân, vạt áo tạo hình cánh sen sơn ba màu hồng, đỏ, đen xen kẽ nhau, chân đi hài mũi nhọn đơn giản. Giống như trang phục, bệ đỡ của pho tượng được các nghệ nhân xưa chạm trổ khá thô sơ, đơn giản đã phần nào đặc tả rõ nét sự phân cấp xã hội cũng như vị thế của người hầu bếp so với người hầu rượu dưới thời phong kiến.

Ba pho tượng “Công chúa và nàng hầu” đang được Bảo tàng tỉnh trưng bày tuy chưa nhận định được cụ thể về thân thế, sự nghiệp và công lao đóng góp cho quê hương, đất nước của từng nhân vật nhưng đều là những tác phẩm điêu khắc có giá trị thẩm mĩ và nghệ thuật, thể hiện rõ sự tài hoa của các bậc tiền nhân. Với cách bố cục hài hoà, cân đối, đề tài trang trí phong phú đa dạng, đường nét hoa văn cầu kỳ, tỉ mỉ, chau chuốt không chỉ giúp người xem hiểu được về nền nghệ thuật đương thời nói chung, nghề tạc tượng trên chất liệu gỗ nói riêng đã phát triển mà còn là cơ sở để nhận biết những nét văn hoá đặc trưng về trang phục của tầng lớp quý tộc, vương triều dưới thời Nguyễn, cách đây hơn 200 năm.

Những nét kiến trúc và nghệ thuật chạm khắc của ba pho tượng “Công chúa và nàng hầu” phản ánh phong phú đời sống tinh thần truyền thống của nhân dân. Ðể phát huy giá trị ba pho tượng “Công chúa và nàng hầu” nói riêng, các pho tượng cổ khác nói chung, nhiều năm nay, Bảo tàng tỉnh đã làm tốt trách nhiệm của mình trong việc lưu giữ, bảo quản và trưng bày. Các di sản bằng gỗ sau khi được Bảo tàng tỉnh tiếp nhận đều được đội ngũ cán bộ phụ trách có chuyên môn vệ sinh, xử lý, chống ẩm mốc, mối mọt theo các quy trình nghiêm ngặt và thực hiện chế độ bảo quản thường xuyên. Cụm ba pho tượng “Công chúa và nàng hầu” là một trong những biểu tượng văn hóa của di sản tạo hình cổ truyền, thể hiện nghệ thuật điêu khắc tài hoa, năng lực sáng tạo liên tục của thế hệ cha ông đi trước, góp phần phát huy giá trị văn hoá tâm linh trong đời sống cộng đồng hôm nay và mai sau./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com