Xã Nghĩa An (Nam Trực) là vùng đất có bề dày lịch sử - văn hoá. Qua các thần tích, sắc phong, văn bia, đại tự ở các đình, đền, chùa, phủ, vùng đất này được hình thành từ cuối thế kỷ thứ IV - đầu thế kỷ thứ V. Trải qua bề dày thời gian xã Nghĩa An vẫn gìn giữ, phát huy được nhiều nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng dân gian, phong tục tập quán trong các lễ hội truyền thống.
Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia Đền An Lá, xã Nghĩa An. |
Trên địa bàn xã có hệ thống quần thể di tích lịch sử - văn hóa phong phú với gần 20 di tích được phân bổ rộng rãi tại các làng cổ như: An Lá, Trại Bái, Đại An, Vân Đồn, Bái Thượng, Bái Trung, Bái Hạ… Trong đó có 1 di tích cấp quốc gia là Đền An Lá và 4 di tích cấp tỉnh là Đền Tây, Đền - Chùa Bái Hạ, Đình - Chùa - Phủ Đại An, Chùa Vân Đồn. Các di tích lịch sử - văn hoá nơi đây đều là những công trình kiến trúc cổ gắn với các triều đại Đinh - Lê, Lý - Trần. Hằng năm, tại địa phương diễn ra nhiều lễ hội; tiêu biểu như: Lễ hội Đền Bái Hạ thờ Triệu Quang Phục tổ chức 3 năm 1 lần vào ngày 15-3 âm lịch; lễ hội Đền An Lá thờ Thượng tướng quân Nguyễn Tấn triều Đinh diễn ra từ ngày mồng 9 đến 11-3 âm lịch; lễ hội Đình - Chùa - Phủ Đại An thờ Triệu Việt Vương diễn ra từ ngày 13 đến ngày 15-8 âm lịch, lễ hội Chùa Vân Đồn tổ chức vào ngày 10-2 và 12-7 âm lịch, lễ hội Đền Tây thờ Thuỷ hải Đại vương thời Hùng Vương tổ chức vào ngày 10-3 âm lịch… Đã thành lệ, tại Đền An Lá, cứ đến mồng 9-3 âm lịch hằng năm, chính quyền và nhân dân xã Nghĩa An lại tưng bừng mở hội để tưởng nhớ và tri ân công đức đối với Thượng tướng quân Nguyễn Tấn. Lễ hội diễn ra với nhiều nghi thức truyền thống như: tế thần, rước kiệu… Trong lễ hội còn có các trò chơi dân gian như: múa rồng, múa sư tử, cờ người, cờ tướng… Giải cờ tướng hội Đền An Lá đã trở thành truyền thống, thu hút nhiều kỳ thủ từ các xã lân cận về tham dự. Nhân dân trong xã cùng du khách thập phương quây quần tụ họp dưới mái đình cổ kính cùng hưởng thụ những sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc. Ngoài đình An Lá, tại thôn An Lá còn có di tích Chùa Chùa Nhuệ được xây dựng từ thời nhà Đinh. Ngoài thờ Phật, chùa còn thờ Thánh Mẫu Đệ Tam Xích Lân Long nữ Động Đình Thoải phủ. Hiện nay, chùa còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị; tiêu biểu là lễ rước nước thỉnh kinh nhân dịp lễ hội truyền thống diễn ra từ ngày mồng 1 đến mồng 3-3 âm lịch hằng năm. Nghi thức rước nước được nhân dân thôn An Lá tổ chức trong không khí trang nghiêm với sự tham gia của hàng nghìn người khắp nơi về tụ hội. Phần lễ gồm: lễ dâng hương, lễ rước nước, tế nam quan, nữ quan... Phần hội có nhiều trò chơi như: chọi gà, cờ tướng, đấu vật... Lễ rước nước thỉnh kinh vào sáng mồng 1 là nghi thức đặc biệt quan trọng không thể thiếu trong lễ hội chùa Nhuệ. Để lễ rước nước được cử hành trọng thể, nhân dân thôn An Lá phân công người phát quang đường thôn, ngõ xóm, đường đê, bãi sông; phân công các xóm chuẩn bị việc chọn người khênh chóe đựng nước, người khiêng kiệu, múa rồng, đánh trống... Đoàn rước phụng nghinh bát nhang thờ Thánh Mẫu Đệ Tam xuất phát từ chùa Nhuệ theo trục đường S2 lên đê, đi ngược về phía thượng nguồn, tới bãi sông Đào. Khi đoàn rước tới bến sông thì chóe đựng nước được khênh bởi một đôi nam nữ thanh niên từ 16-18 tuổi. Đi đầu là sư trụ trì và 2 cụ già làng xuống thuyền đi ra sông lấy nước. Lúc này, sư trụ trì đặt một vòng tròn được kết bằng lá vạn tuế xuống mặt sông, dùng cây Thiền trượng viết vào trong vòng tròn chữ: “Thanh tịnh thủy cửu trùng hà bá hải quan’’ và múc 3 gáo nước đổ vào chóe. Sau đó chóe nước được đưa lên bờ trong tiếng trống, tiếng nhạc rộn rã. Về đến chùa, chóe nước được đặt ở vị trí trang trọng nơi thờ Thánh Mẫu Đệ Tam, sau đó Ban tổ chức lễ hội làm lễ dâng hương và tổ chức tế lễ. Đến chiều ngày mồng 3-3 âm lịch, sau lễ tạ, chóe nước được nhân dân trong thôn rước ra thửa ruộng ngay trước cửa chùa, một phần nước được đổ xuống ruộng cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, một phần được chia cho dân làng và du khách thập phương để ước vọng may mắn cho cả năm. Các lễ hội ở thôn An Lá được lưu truyền qua hàng thế kỷ là những lễ hội truyền thống dựa trên cơ sở nền kinh tế văn minh lúa nước với nghi thức thiêng liêng riêng biệt đã trở thành một nghi lễ mở đầu cho nhiều lễ hội trong xã. Về thôn Đại An chúng tôi được nghe các cụ cao niên kể lại thì làng Đại An xưa là dải đất nhỏ. Trước kia nơi đây luôn bị thiên tai, lụt lội nên dân làng phải sang đền Độc Bộ, xã Yên Nhân (Ý Yên) rước chân nhang Đức thánh Triệu Việt Vương về thờ làm thành hoàng làng với mong ước được thần che chở, phù hộ. Tín ngưỡng thờ Đức thánh Triệu Việt Vương được duy trì cho đến tận ngày nay tại di tích lịch sử - văn hoá đình, chùa, phủ Đại An. Hiện nay tại di tích còn giữ được 1 bài vị và 4 đạo sắc phong thời vua Tự Đức 1 và Khải Định 9. Ngoài ra, tại chùa còn bảo tồn được Tháp Cửu phẩm và một số pho tượng thế kỷ XVII-XVIII như: Tượng Thích ca thuyết pháp, Tượng Quan âm, Tượng Hộ pháp. Hằng năm tại di tích lễ hội chính được tổ chức vào tháng 8 diễn ra trong 3 ngày từ ngày 13 đến ngày 15 tưởng nhớ ngày mất của Triệu Việt Vương. Trước khi vào hội, dân làng đã chọn ra Ban tổ chức lễ hội với thành viên là những người cao tuổi, cao niên và chức sắc trong thôn. Lễ hội được tổ chức trọng thể với các nghi thức cổ truyền như: tế, dâng hương, rước kiệu. Nghi thức rước kiệu Thành hoàng Triệu Việt Vương quanh làng bao gồm nhiều thành phần: đi đầu là hội đánh gậy và đội cờ thần; tiếp đến là đội phụng nghinh, rước kiệu bát cống, bát biểu; cuối cùng là phường bát âm với nhiều nhạc cụ dân tộc cổ truyền và các lão ông, lão bà cùng đông đảo nhân dân. Ở hai bên đường, các gia đình, dòng họ bày nhang án, đặt lễ xôi, thịt, hoa quả trước cửa bái vọng thánh. Trong những ngày lễ hội còn diễn ra nhiều nét sinh hoạt văn hoá đặc sắc như: hát chèo, leo cầu ngô, đánh cờ tướng, bơi chải, múa sư tử, chọi gà, leo đu, thi làm bánh giày, mổ lợn để làm vật tế thần… Khác với lễ hội tại đình, chùa, phủ Đại An, lễ hội tại chùa Vân Đồn diễn ra trong 2 dịp trong năm là ngày 10-2 và ngày 12-7 âm lịch. Chùa Vân Đồn là ngôi chùa có nhiều điểm khác biệt so với những ngôi chùa khác vì ngoài chức năng thờ Phật thì nơi đây còn mang yếu tố của một Đạo quán. Tam bảo chùa không thờ 3 vị Tam thế mà thờ 3 vị Tam thanh - những người đứng đầu Đạo giáo bao gồm: Nguyên thuỷ thiên tôn - Ngọc hoàng Thượng đế (hiệu Ngọc Thanh) đại diện cho vũ trụ; Thái thượng lão quân, tức Lão từ (hiệu Thái Thanh) đại diện cho thuyết âm; Linh bảo đạo quân (hiệu Thượng Thanh) đại diện cho thuyết dương. Ngoài ra chùa còn phối thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh và Thần nữ Lê Thị Ngọc Tảo công chúa. Hằng năm, trong kỳ lễ hội chính ngày 10-2 âm lịch (ngày sinh của công chúa Ngọc Tảo), dân làng tổ chức nghi thức dâng hương, tế lễ vào buổi sáng, rước kiệu vào buổi chiều. Trong lễ rước kiệu, đội múa lân đi trước, kiệu đi sau được rước bởi 16 thiếu nữ đồng trinh đi vòng quanh thôn sau đó ra sông lấy nước làm lễ rước nước Mộc dục rồi rước về chùa. Bên cạnh nghi thức truyền thống, chùa Vân Đồn còn tổ chức các trò chơi dân gian như: múa sư tử, đấu vật, múa gậy, múa roi, đánh cờ người…
Phát huy nét đẹp văn hoá trong các lễ hội làng truyền thống của quê hương, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Nghĩa An đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Những loại hình nghệ thuật truyền thống ở xã Nghĩa An được khôi phục và phát huy không chỉ đơn thuần mang yếu tố tín ngưỡng tâm linh mà còn là một nét đẹp văn hóa tinh thần, thể hiện khát khao của người dân về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng