Nam Trực là quê hương của 3 vị Trạng nguyên, 1 Hoàng giáp, 15 Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 1 Phó bảng, 86 Cử nhân và Tú tài. Trong số 61 di tích của huyện được xếp hạng, có hơn 30 di tích thờ các danh nhân văn hóa của quê hương, tiêu biểu như: Đình Xuân Lôi (xã Nam Hùng), Đình Đá (xã Tân Thịnh), Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền (xã Nam Thắng), Đền Giao Cù (xã Đồng Sơn), Đền Thượng Lao, Đền Xối Thượng (xã Nam Thanh)...
Tại Đền Giao Cù, xã Đồng Sơn, trong không gian tĩnh lặng, ông Vũ Văn Cảnh (73 tuổi) thủ nhang của đền say sưa giải thích ý nghĩa từng chữ trên bức đại tự và các câu đối ca ngợi công lao của Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi cho các em học sinh Trường Tiểu học Nam Đồng. Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi tên thật là Vũ Ngọc Tuân sinh ngày 8-8-1836 tại làng Giao Cù tổng Sa Lung, huyện Nam Trực (nay là xã Giao Cù, huyện Nam Trực). Thuở nhỏ Vũ Hữu Lợi đã nổi tiếng là người thông minh, ham học. Khoa thi năm Ất Hợi (1875) ông đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ, sau đó được bổ chức Quang lộc tự Thiếu khanh rồi thăng Tả lý Bộ Binh. Năm 1881 ông được bổ làm Thượng biện tỉnh Nam Định. Ngày 27-3-1883 giặc Pháp đánh thành Nam Định lần thứ hai, Thượng biện Vũ Hữu Lợi thống lĩnh một đội quân đóng ở phía nam bến Đò Quan, trực tiếp cản và tiêu hao sức chiến đấu của địch. Sau này những người dám đứng lên chiến đấu bảo vệ thành Nam Định đã lần lượt bị Vua Tự Đức xét tội. Chán cảnh bất công của triều đình, Vũ Hữu Lợi bỏ quan về quê lập trường dạy học. Năm 1885, hưởng ứng Chiếu Cần Vương của Vua Hàm Nghi, tại quê nhà, Vũ Hữu Lợi chiêu mộ được gần 2.000 nghĩa binh, chủ động tổ chức đánh địch nhiều trận. Sau khi bị giặc giết hại, tưởng nhớ công lao Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi, người dân quê hương đã lập đền thờ ông. Đền xây theo kiểu chữ “đinh”. Từ phía ngoài nhìn vào trên nóc nhà tiền tế là hình ảnh “lưỡng long chầu nguyệt”. Hai bên hồi nhà tiền tế là hai cột đồng trụ xây ngay trước tường hồi. Hệ thống vì kèo ở trước nhà tiền tế là một biến dạng của kiểu vì suốt giá chiêng trốn cột. Toàn bộ hệ thống vì, kèo, cột, xà ngang, xà dọc đều được sơn son làm cho ngôi đền thêm rực rỡ. Với giá trị lịch sử - văn hóa, đền Giao Cù được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1990.
Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền, xã Nam Thắng, còn lưu giữ bài vị, nhiều sắc phong, câu đối, đại tự ca ngợi Trạng nguyên Nguyễn Hiền và đặc biệt là cuốn ngọc phả chép các sự tích về ông. Nguyễn Hiền sinh năm Ất Mùi (1235) trong một gia đình nghèo, từ nhỏ đã nổi tiếng là thần đồng, một trang sách chỉ đọc một lần là thuộc. Năm Đinh Mùi (1247), Nguyễn Hiền vừa tròn 12 tuổi đã đỗ đầu khoa thi Tam khôi, được tặng 4 chữ vàng “Khai quốc Trạng nguyên”. Những năm làm quan trong triều, Nguyễn Hiền có nhiều kế sách hay phò vua, giúp nước, đối phó với quân phương Bắc, đánh giặc cỏ ở Mường La. Ông chiêu mộ dân đi khai hoang phục hoá, đắp đê sông Hồng, đào kênh mương dẫn nước, tạo mùa màng thắng lợi, nhân dân no ấm. Về quân sự, ông cho mở mang các xưởng rèn vũ khí, các võ đường rèn luyện quân sĩ, sẵn sàng chiến đấu chống quân xâm lược. Ngày 14-8 năm Ất Mão (1255), Nguyễn Hiền qua đời, nhân dân nơi đây tỏ lòng tôn kính đã xây đền thờ ông, tôn làm thành hoàng làng. Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền có kiến trúc kiểu “tiền chữ nhất, hậu chữ đinh”. Phía trước đền là hồ sen, xung quanh có nhiều cây cổ thụ xoè tán lá rộng che bóng mát. Toà tiền đường được tu sửa vào cuối thời Nguyễn, gồm 5 gian, 2 chái với 6 bộ vì làm theo kiểu “thượng chồng rường, hạ kẻ bẩy”. Toà đệ nhị 3 gian có hệ thống cửa gỗ lim chân quay chắc chắn. Cửa ở gian giữa có 6 cánh chạm bộ tranh tứ quý “tùng, cúc, trúc, mai”, chính giữa là hình "lưỡng long chầu nguyệt". Cung cấm có 2 gian, được làm giao mái với toà đệ nhị. Tại chính cung có đặt ngai và bài vị thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền.
|
Giới thiệu về thân thế, sự nghiệp của Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi tại Đền Giao Cù, xã Đồng Sơn. |
Đình Xuân Lôi, xã Nam Hùng là nơi thờ Trạng nguyên Vũ Tuấn Chiêu. Ông sinh năm 1425 tại làng Xuân Lôi tổng Cổ Gia, xứ Sơn Nam (nay là thôn Xuân Lôi, xã Nam Hùng, huyện Nam Trực). Vũ Tuấn Chiêu đỗ Trạng nguyên khoa Ất Mùi, đời Vua Lê Thánh Tông niên hiệu Hồng Đức thứ 6 (1475). Ông là một tấm gương tiêu biểu về lòng kiên trì trong học tập, làm quan tới chức Lại bộ Tả Thị lang, là người thanh liêm, cương trực. Đình Xuân Lôi được xây dựng và phát triển đã thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, các triều đại phong kiến đã ban tặng nhiều sắc phong cho Quan Trạng Vũ Tuấn Chiêu - một tấm gương sáng nêu cao triết lý lưu truyền hậu thế: “Nước chảy đá mòn thì việc học hành cũng thế”.
Đền Thượng Lao, đền Xối Thượng, xã Nam Thanh thờ Bảng nhãn Lê Hiến Giản và Tiến sĩ Lê Hiến Tứ được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 2001. Theo tư liệu, Bảng nhãn Lê Hiến Giản (Lê Hiến Phủ) và Tiến sĩ Lê Hiến Tứ là anh em sinh đôi (sinh ngày 10-2 năm Tân Tỵ - 1341) tại trang Thượng Lao, huyện Tây Chân nay thuộc xã Nam Thanh (Nam Trực). Năm 1374, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông về Cung Trùng Hoa, Phủ Thiên Trường mở khoa thi Đình, Lê Hiến Giản đỗ Bảng nhãn, Lê Hiến Tứ đỗ Tiến sĩ. Lê Hiến Giản làm quan đến chức Thị lang Đại học sĩ Tri Thẩm Hình viện trông coi việc pháp luật của triều đình. Lê Hiến Tứ làm quan Hạ Đại phu và được vua điều đi trấn thủ Cao Bằng, có công dẹp giặc tại vùng Quảng Nguyên (nay là tỉnh Quảng Ninh) được thăng chức Trung lang tướng quân và Trấn nam tướng quân. Trong thời gian trấn thủ ở Phủ Thiên Trường, Lê Hiến Giản đã có công chuyển cư, lấn biển, khai phá đất hoang ở vùng Giao Thủy, Xuân Trường ngày nay. Sau khi 2 ông mất, cứ 3 hoặc 6 năm, triều đình lại tổ chức lễ hội gia ban quốc tế để tế lễ vào ngày mất của 2 ông. Lễ hội có rước bài vị của 2 ông đi quanh làng về đền Thượng Lao hợp tế.
Những năm qua, huyện Nam Trực đã thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích nói chung và các di tích thờ danh nhân văn hóa của quê hương nói riêng. Trong các lễ hội, ngoài phần lễ, phần hội có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao với các trò chơi dân gian đặc sắc như: làm oản, làm bánh tế thánh, thi làm cỗ, chọn cau lễ và những trò vui: múa gậy, kéo dây, đấu roi trong lễ hội Đền Đá, xã Tân Thịnh; thi dệt vải, chọi gà, thi đấu chọi gà, kéo co, leo cầu phao, bịt mắt đánh trống, cờ tướng, bóng chuyền trong lễ hội Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền, xã Nam Thắng. Bên cạnh đó, các trường học trên địa bàn huyện đã phối hợp với tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội CCB địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống hiếu học cho học sinh. Trong các tiết học, giáo viên lồng ghép kiến thức để học sinh hứng thú, trân trọng giữ gìn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hoá của địa phương. Vào các ngày lễ lớn của đất nước, các nhà trường đều tổ chức hoạt động về nguồn, tham quan di tích lịch sử...
Việc khai thác, phát huy giá trị các di tích thờ danh nhân ở Nam Trực đã góp phần khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa, hiếu học của quê hương. Hiện nay, Nam Trực là một trong những huyện tiêu biểu về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở của tỉnh./.
Bài và ảnh:
Viết Dư