Xã Giao Yến (Giao Thủy) là một trong những đơn vị mạnh của huyện về phong trào văn nghệ quần chúng. Hiện trên địa bàn xã có hàng chục CLB, tổ, đội văn nghệ sinh hoạt đa dạng các loại hình như: thơ - ca, trống, múa lân, cà kheo, hát văn...
Xã Giao Yến có 3 làng: Thanh Khiết, Đan Phượng, Liên Trì với 15 xóm. Ở cả 3 làng đều thành lập tổ văn hóa có chức năng điều hành các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở các xóm. CLB thơ - ca làng Thanh Khiết có trên 40 hội viên là những người yêu thơ và yêu ca hát. Hằng tháng, CLB tổ chức sinh hoạt một lần tại NVH xã. CLB có tổ thơ và tổ văn nghệ; tổ thơ do ông Nguyễn Viết Vũ (72 tuổi) phụ trách, tổ văn nghệ do bà Phạm Thị Tâm (62 tuổi) làm chủ nhiệm. Đến nay CLB đã xuất bản được 3 tập thơ mang tên “Hương quê”. Qua các buổi sinh hoạt, các hội viên của CLB giới thiệu thơ mới sáng tác, những bài thơ, câu thơ hay mới sưu tầm; tổ chức ngâm thơ và hát chầu văn. Nghệ thuật đánh trống ở xã Giao Yến đã có bề dày truyền thống. Riêng làng Thanh Khiết có 2 đội trống gồm: Đội trống hội nữ và đội trống nam. Đầu năm 2017, với sự tài trợ của Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Tình, đội trống hội nữ làng Thanh Khiết được thành lập gồm hơn 10 thành viên. Bà Phạm Thị Tâm, đội trưởng đội trống nữ cho biết: Tại các sự kiện lớn của xã, các dịp lễ rước Mẫu, ngày lễ Phật đản ở các di tích địa phương đều có sự tham gia của đội trống nữ làng Thanh Khiết. Còn đội trống nam làng Thanh Khiết với hơn 10 thành viên, thường biểu diễn thực hiện nghi lễ đình làng gồm các bài: Trống tiến rượu, trống tế, trống rước… Những buổi biểu diễn của đội trống nam làng Thanh Khiết không chỉ có âm sắc hay mà còn có cả vũ đạo hấp dẫn thu hút người xem. Nghệ thuật múa lân làng Thanh Khiết đến nay đã duy trì hơn 100 năm. Ban đầu đội có 8 thành viên tham gia, là những người có kinh nghiệm và hiểu biết về múa lân. Thời kỳ đầu hoạt động của đội còn nhiều khó khăn, trang phục, đạo cụ không đủ. Được sự giúp đỡ của các tổ chức và các thành viên trong đội đóng góp kinh phí, duy trì sinh hoạt, nhiều người trong làng đã tự nguyện tham gia đội. Đến nay, đội có hơn 20 thành viên thường xuyên tập luyện tại đình làng. Các cụ cao niên có kinh nghiệm không quản tuổi cao sức yếu, nhiệt tình truyền dạy tinh hoa kỹ thuật “nghề” cho thế hệ trẻ. Ông Trần Khắc Mộc, 70 tuổi đội trưởng đội lân làng Thanh Khiết cho biết: Để chuẩn bị tiết mục múa lân ngày hội, đội múa lân phải luyện tập hàng tháng. Trong khi biểu diễn, các động tác múa phải thể hiện đầy đủ những cung bậc tình cảm phức hợp “hỉ, nộ, ái, ố” phối hợp với những động tác múa đúng nhịp điệu hợp với tiếng trống, thanh la, não bạt… Tùy từng dịp biểu diễn mà đội sẽ chọn tích múa lân cho phù hợp. Chẳng hạn, trong tích “Độc chiếm ngao đầu” (1 con lân biểu diễn) thể hiện tài tả xung, hữu đột, uy dũng của một vị anh hùng; tích song hỉ (2 con lân cùng biểu diễn), thể hiện niềm hân hoan, khoan khoái, đất - trời, âm - dương tương hợp... Nếu như ở các CLB múa lân chuyên nghiệp, các diễn viên chỉ đóng chuyên một vai, thì ở đội múa lân làng Thanh Khiết, mỗi thành viên trong đội đều có thể thủ diễn nhiều vai. Trong lễ hội của làng vào dịp tháng Giêng hằng năm, đội múa lân lại biểu diễn phục vụ nhân dân. Ngoài những buổi biểu diễn phục vụ lễ hội, múa lân ở Thanh Khiết còn có mặt trong các sự kiện sinh hoạt chính trị, văn hoá quan trọng như: Tết Trung thu, ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, mừng thọ... hay vào ngày Tết cổ truyền với ước mong “Kỳ Lân hiển hiện, thiên hạ thái bình”.
|
Một buổi luyện tập của CLB Thái cực trường sinh xã Giao Yến. |
Ở làng Đan Phượng có nhiều đội văn nghệ và nghệ thuật dân gian, tiêu biểu nhất là hoạt động của đội cà kheo. Ông Nguyễn Văn Hải (50 tuổi), thành viên tích cực của đội cho biết: Nghệ thuật biểu diễn cà kheo bắt nguồn từ cuộc sống lao động, sản xuất của ngư dân ven biển. Trước kia, vùng đất Giao Yến là những vũng lầy, người dân đã nghĩ cách dùng cà kheo nối dài đôi chân ra biển, ra đầm để cất te, quăng chài. Trải qua nhiều thế hệ gìn giữ và phát triển, đến nay đội cà kheo làng Đan Phượng đã sáng tạo được nhiều bài biểu diễn độc đáo, hấp dẫn như: múa kiếm, đánh gậy, kéo co, đấu vật… Các “diễn viên” biểu diễn trên những cây kheo cao gần 5m, được lựa chọn kỹ từ những cây tre thẳng, đều, dẻo dai, chịu lực tốt. Đội cà kheo làng Đan Phượng thường xuyên biểu diễn vào các dịp lễ hội ở di tích Đình chùa Đan Phượng như ngày hóa của Đức thánh Triệu Việt Vương (13-8 âm lịch), ngày lễ Vu Lan (15-7 âm lịch), Ngày Phật Đản (14-4 âm lịch). Ngoài ra xã Giao Yến còn có các CLB hát ca khúc cách mạng, CLB văn nghệ phụ nữ, CLB Thái cực trường sinh và các tổ văn nghệ các xóm, các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn. CLB Thái cực trường sinh Giao Yến được thành lập năm 2014 với 27 thành viên. Ngoài luyện tập vào các buổi sáng hằng ngày, vào dịp cuối tháng CLB tổ chức giao lưu hội viên với nhiều hình thức sinh hoạt phong phú như: văn nghệ, nói chuyện về sức khỏe.
Đồng chí Trần Khắc Căn, Chủ tịch UBND xã Giao Yến cho biết: Những năm qua hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở của xã được đầu tư đồng bộ đã góp phần đưa phong trào văn nghệ quần chúng ở xã phát triển mạnh. Đến nay khu Trung tâm VH-TT xã được quy hoạch diện tích đất 6.900m
2; trong đó diện tích đất nhà văn hóa xã 1.128m
2, hội trường trên 400 chỗ ngồi. Cả 15 xóm của xã đều có nhà văn hóa, sân thể thao. Kinh phí duy trì các hoạt động ở nhà văn hóa xóm chủ yếu do nhân dân tự nguyện đóng góp. Để động viên, khích lệ phong trào, hằng năm xã đều tổ chức các hoạt động văn nghệ quần chúng nhân dịp kỷ niệm Chiến thắng 30-4 và Quốc tế Lao động 1-5, Quốc khánh 2-9, Tết Nguyên đán...
Là điểm sáng trong phong trào văn nghệ quần chúng ở huyện Giao Thủy, các CLB, tổ, đội văn nghệ ở Giao Yến đã phát huy hiệu quả hoạt động; góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, động viên nhân dân hăng say lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.
Bài và ảnh:
Viết Dư