Chiếc cầu ao

07:06, 02/06/2017
Quê ngoại tôi ngày trước, hầu như gia đình nào cũng có khoảnh ao trước nhà, vừa để thả cá, vừa làm nguồn nước sinh hoạt, tưới tắm cho cây cối trong vườn quanh năm tươi tốt. Bên chiếc cầu ao nho nhỏ, từ sớm đến tối chẳng mấy khi vắng bóng người.
Ảnh minh hoạ/ Internet
Ảnh minh hoạ/ Internet
Ao nhà ông bà ngoại tôi có đường cống thông với con sông chảy qua làng, nước ra vào thường xuyên nên lúc nào cũng trong xanh, mát rượi, mấy nhà gần đó thường sang rửa rau, vo gạo, giặt giũ nhờ. Ban đầu, chiếc cầu ao chỉ đơn giản là mấy đoạn tre ghép thành tấm ván, đặt trên sáu gốc tre già cắm xuống bùn, mỗi khi ngồi lên nó chông chênh như đu võng. Về sau, khi có điều kiện, ông tôi xây bậc lên xuống bằng gạch, đổ bốn cột trụ bằng xi măng, lại đặt mua tận vùng núi Ninh Bình tảng đá xanh to như mặt bàn đặt lên, nhờ vậy, cả mấy đứa trẻ cùng ngồi lên một lúc, cầu ao vẫn vững chắc. Ông tôi còn dùng những cây tre, đan thành cái vòm phía trên cầu ao, mùa xuân trồng đậu ván, mùa hè trồng mấy gốc mướp cho leo kín giàn nên giữa trưa hè cũng chẳng lo bị nắng. Từ khi có chiếc cầu ao vững chãi, nhiều sinh hoạt hằng ngày trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn. Các bà, các chị hàng xóm sang giặt giũ nhờ, hai người ngồi chung bậc cầu ao vẫn thoải mái, không phải chờ đợi nhau như trước. Bà tôi đi vớt bèo cho lợn, chỉ việc ngồi trên cầu ao, cầm cái sào tre kéo đám bèo vào sát bờ mà lấy. Bố mẹ tôi đi cấy đi gặt về, tha hồ khỏa nước rửa mặt mũi, chân tay. Ông tôi đi đặt đó ngoài sông, nhiều hôm cá ăn không hết cũng thả vào chiếc lưới nhỏ, quây ngay cạnh cầu ao, khi nào làm món gì mới ra bắt về chế biến. Sướng nhất là bọn trẻ con những lần rủ nhau đi tập bơi. Mỗi đứa vác theo một cây chuối hoặc chiếc chậu thau to, ra đến cầu ao là thi nhau nhảy tùm xuống, đạp chân loạn xạ. Bơi chán lại kéo nhau lên cầu ao, ngồi thả chân đung đưa trong dòng nước mát, ngắm mấy con ong đang rù rì tìm mật trên những chùm hoa mướp vàng tươi.
 
Bây giờ ở quê tôi, nước máy đã đến tận mỗi gia đình. Chiếc cầu ao nhà ông bà ngoại bằng đá xanh một thuở tấp nập người lên xuống, rộn rã tiếng nói cười giờ trở nên vắng vẻ. Mỗi lần về quê, bước chân trần trên mặt cầu ao mát lạnh, lại nhớ những ngày cùng đám bạn ngồi bệt nơi bậc đá câu cua, câu ếch. Nhớ cả dáng mẹ tảo tần đội chiếc nón đã sờn vành, ngồi rửa lá dong, đãi đỗ trong những ngày cuối tháng chạp mưa rét căm căm, chuẩn bị gói bánh chưng cho cả nhà ăn Tết./.
 
Lam Hồng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com