Nghĩa Hưng gìn giữ văn hóa làng trong quá trình đô thị hóa

04:05, 05/05/2017

Trong quá trình đô thị hóa nông thôn, huyện Nghĩa Hưng đã chỉ đạo các xã, thị trấn gìn giữ những giá trị tốt đẹp của văn hóa làng qua các biểu trưng truyền thống như cây đa, giếng nước, mái đình, chợ quê, những phong tục, lễ hội, những làn điệu dân ca, dân vũ, các nghề thủ công truyền thống…

Huyện Nghĩa Hưng hiện có 31 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, tiêu biểu như: Đền Chùa Hưng Thịnh (xã Hoàng Nam), Đền thờ Phạm Văn Nghị (xã Nghĩa Lâm), Đền thờ Doãn Khuê (xã Nghĩa Thành), Đền Bình Hải (xã Nghĩa Phú), Đền - Chùa Đông Ba Thượng (xã Nghĩa Minh)... Các di tích dù trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo nhưng vẫn giữ được kiến trúc gốc cùng không gian văn hóa tâm linh truyền thống. Để phát huy giá trị các di tích trên địa bàn huyện, hằng năm, vào những ngày lễ lớn của dân tộc, hay vào dịp khai giảng, tổng kết năm học, các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện đều tổ chức dâng hương, giáo dục truyền thống tại các di tích; thường xuyên tổ chức các hoạt động học tập ngoại khóa tìm hiểu về di tích, thân thế, sự nghiệp của các nhân vật được thờ phụng. Ở xã Hoàng Nam, hằng năm trường THCS xã tổ chức cho học sinh tham quan khu di tích Đền - Chùa Hưng Thịnh để các em nắm rõ về thân thế sự nghiệp của Tiến sĩ Phạm Nguyên Bảo và Phạm Đạo Phú; phân công cho từng khối lớp nhặt cỏ trong vườn, tưới nước, chăm sóc cây xanh, quét dọn vệ sinh trong khu nội tự đền, chùa… Ở di tích từ đường họ Phạm và Đền thờ Phạm Văn Nghị, xã Nghĩa Lâm, trong những ngày diễn ra lễ hội, nhân dân địa phương cùng các con cháu dòng họ đều thành kính làm lễ dâng hương, sau đó tuyên dương những cá nhân có thành tích học tập xuất sắc ngay tại di tích. Về xã Nghĩa Thịnh, nhiều người ấn tượng với vẻ đẹp kiến trúc của các di tích lịch sử - văn hóa và không gian làng quê với những cây cổ thụ tỏa bóng xuống giếng làng và những ngôi đình làng cổ kính. Toàn xã hiện có 18 ngôi đình, đền, chùa, trong đó có 2 di tích được công nhận di tích cấp quốc gia là Đình Hưng Lộc, thôn Hưng Lộc; Đền - Chùa Hạ Kỳ, thôn Hạ Kỳ và 3 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Với niềm tự hào về lịch sử truyền thống của quê hương, nhân dân trong xã đã tự nguyện đóng góp nhiều ngày công lao động để giữ gìn cảnh quan, vệ sinh môi trường trong khuôn viên các di tích. Trong quá trình thực hiện trùng tu, tôn tạo các di tích bị xuống cấp, xã luôn đảm bảo theo đúng kiến trúc truyền thống. Năm 2002, nhân dân địa phương đã đóng góp 500 triệu đồng để trùng tu, tôn tạo di tích Đền, Chùa Hạ Kỳ - nơi thờ tướng Đinh Lôi. Tại Đền Hạ Kỳ, hằng năm trong lễ hội kỷ niệm ngày mất của tướng quân Đinh Lôi vào tháng ba âm lịch có các nghi thức thiêng liêng và tổ chức các trò vui mang nhiều ý nghĩa như: thi nấu cơm, thi làm bánh dày... Những nghi thức như rước cối xay, rước thổ công, rước bà chúa lúa, lễ xin lửa, lễ xin gạo góp phần bảo lưu những giá trị truyền thống của làng quê, đồng thời tạo không khí trang nghiêm, gửi gắm ước nguyện của nhân dân về một năm bội thu, được mùa.

Bơi chải trong Ngày hội Văn hóa - thể thao huyện Nghĩa Hưng năm 2016. Ảnh: Viết Dư
Bơi chải trong Ngày hội Văn hóa - thể thao huyện Nghĩa Hưng năm 2016.
Ảnh: Viết Dư

Trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng còn gìn giữ được chợ quê truyền thống, tiêu biểu như: Chợ Đào Khê (xã Nghĩa Châu), chợ Xuân (Thị trấn Liễu Đề), chợ Tất niên (Thị trấn Quỹ Nhất)… Xã Nghĩa Châu nổi tiếng với chợ Đào Khê, do đa số các hộ dân ở địa phương làm nghề nón nên chợ còn có tên gọi “chợ nón”. Chị Phạm Thị Mận, một tiểu thương trong chợ cho biết: Trước đây chợ chỉ bán nón thành phẩm và các nguyên liệu gốc để làm nón. Hiện nay, chợ bán cả nguyên liệu như nan nón đã uốn thành vòng tròn, lá cọ được cắt tỉa, phơi khô và bán nón thành phẩm... “Chợ nón” là một trong những nét đặc trưng văn hóa của xã Nghĩa Châu nên những năm gần đây, số lượng khách tham quan tăng cao và đều mua nón làm quà lưu niệm. Với người dân ở Thị trấn Quỹ Nhất, trong dịp cuối tháng Chạp các gia đình lại cùng nhau đi phiên chợ quê truyền thống. Những năm gần đây, Quỹ Nhất đã nâng phiên chợ truyền thống cuối năm thành “Hội chợ Tất niên Quỹ Nhất” thu hút hàng nghìn bạn hàng gần xa cùng du khách về chợ mua sắm. Phiên chợ vừa mang đặc trưng tính chất vùng miền với hàng hóa là sản phẩm vườn nhà như rổ cà chua, táo ngọt, gánh rau, bó hành, mớ hẹ..., vừa có các sản phẩm của các địa phương khác như măng nứa, măng tre, mật ong, khoai ráy, rong riềng từ các tỉnh miền núi phía Bắc...

Trong xu thế “bê tông hóa nhà ở” hiện nay ở nhiều vùng nông thôn song nhiều hộ dân ở Nghĩa Hưng vẫn lưu giữ những ngôi nhà mái bổi - nét đặc trưng của cư dân vùng biển. Ở các xã Nghĩa Bình, Nghĩa Tân, Nghĩa Thắng, Nghĩa Phúc hình ảnh các nhà mái bổi xen kẽ các ngôi nhà mái bằng, nhà cao tầng đã tạo sự cân bằng trong kiến trúc làng quê. Riêng xã Nghĩa Thắng hiện có khoảng 100 ngôi nhà mái bổi. Theo các bậc cao niên ở địa phương, các ngôi nhà mái bổi có sức chống chịu mưa nắng và gió bão tốt. Trung bình mỗi nhà mái bổi có niên hạn sử dụng từ 50-60 năm. Nhà mái bổi có tuổi thọ cao bởi mái nhà được lợp bổi dày, trong đó phần nóc dày tới 1m, mỗi mái dày trên 50cm, khối lượng bổi nặng tới 15-20 tấn. Hệ thống các đòn tay, dui, mè bằng luồng đều được lựa chọn kỹ lưỡng, dây buộc đều bằng mây. Thời gian gần đây nhiều gia đình trong xã Nghĩa Thắng và các xã lân cận đã dựng lại nhà mái bổi, kinh phí nguyên liệu bổi cho mỗi ngôi nhà 5 gian lên tới gần 100 triệu đồng.

Trong quá trình gìn giữ bản sắc văn hóa làng, các địa phương trong huyện đã duy trì và phát triển được nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như: chèo, cải lương, cà kheo, múa rối, múa tứ linh, trống trắc… Các CLB văn nghệ tiêu biểu của huyện hoạt động sôi nổi và có nhiều buổi diễn phục vụ nhân dân như: CLB đàn hát dân ca người cao tuổi xã Nghĩa Hùng, CLB dân ca Nghĩa Phú, CLB chèo Rạng Đông, Đội văn nghệ Hải Lạng, xã Nghĩa Thịnh... Các môn nghệ thuật dân gian như: múa rồng ở xã Hoàng Nam, cà kheo xã Nghĩa Thắng, múa hạc xã Nghĩa Hải, múa rối nước xã Nghĩa Trung tiếp tục được các địa phương duy trì và phát triển. Phường rối nước Nghĩa Trung nhiều lần đại diện cho tỉnh dự thi Liên hoan Múa rối nước toàn quốc, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ... Đội cà kheo xã Nghĩa Thắng nhiều lần được mời biểu diễn tại nhiều lễ hội lớn trong cả nước, biểu diễn vào các dịp lễ, tết ở địa phương... Đội múa rồng xã Hoàng Nam tích cực tham gia biểu diễn trong các ngày kỷ niệm của Đảng, của đất nước, mừng thọ các cụ cao tuổi. Hằng năm vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, các xã, thị trấn trong huyện đều tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thi đấu thể thao, từ đó chọn ra các tiết mục xuất sắc, các VĐV tài năng tham gia thi đấu tại Ngày hội VH-TT truyền thống của huyện. Trong ngày này, các hoạt động biểu diễn múa rồng, cà kheo, trống cà rùng và các môn thể thao thi đấu như: bơi chải, cầu lông, bóng đá, bơi lội, kéo co... được tổ chức đã thu hút hàng nghìn người đến xem, cổ vũ.

Việc giữ gìn nét đẹp “Văn hóa làng” trong quá trình đô thị hóa nông thôn ở Nghĩa Hưng đã góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc phát huy nội lực của các tầng lớp nhân dân trong phát triển kinh tế, tăng cường tình làng nghĩa xóm, cùng nhau xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh./.

Viết Dư

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com