Cùng với tập trung phát triển kinh tế những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Nam Phong (TP Nam Định) đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, huy động sức mạnh nội lực của nhân dân tham gia xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh.
|
NVH xóm Nam Hùng 1, thôn Ngô Xá thường xuyên diễn ra các hoạt động biểu diễn văn nghệ phục vụ nhân dân. |
Đến nay, toàn xã có 14/20 xóm đạt danh hiệu “Làng văn hóa”; 1.739/2.432 hộ được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá”, đạt tỷ lệ 72%. Để đạt được kết quả đó, hằng năm, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” xã đã kiện toàn Ban vận động xây dựng nếp sống văn hoá các xóm, xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; thường xuyên tổ chức giao ban về tình hình thực hiện công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở; hằng năm tổ chức tổng kết phong trào xây dựng “Làng văn hoá”, “Gia đình văn hoá” để kịp thời động viên, khen thưởng những đơn vị, cá nhân, tập thể tiêu biểu có nhiều thành tích xuất sắc. Nhờ triển khai thực hiện các biện pháp đồng bộ, phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” đã có sức lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Trong số các gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá” năm 2016, xã có 271 gia đình văn hoá tiêu biểu 5 năm liền, trong đó gia đình ông Đoàn Xuân Thanh xóm Trung Thành là gia đình văn hoá tiêu biểu xuất sắc được UBND thành phố biểu dương, khen thưởng. Phong trào xây dựng “Làng văn hoá” được nhân dân đồng tình hưởng ứng, gắn với các phong trào: “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo”, “CCB giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo”. Nhân dân trong xã đã đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tập trung phát triển các ngành nghề dịch vụ, cơ khí, may mặc… Các làng nghề truyền thống như: trồng quất thôn Vạn Diệp, Ngô Xá, trồng hoa thôn Phù Long phát triển mạnh. Nhiều gia đình thu lãi từ 200-400 triệu đồng/năm từ trồng hoa, quất. Tiêu biểu như gia đình các ông: Phạm Huy Bé, Phạm Huy Tuân, Trần Văn Hợp, Trần Văn Nam, Đoàn Xuân Thiện… Cùng với việc thực hiện xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hóa, việc thực hiện các quy ước nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội của xã có nhiều chuyển biến tích cực. Các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn xã thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Là xã có nhiều di tích với 3 đình, 4 chùa, 3 đền và nhiều miếu thờ thành hoàng làng, hằng năm, xã đều tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa của di tích của địa phương, từ đó công tác xã hội hóa bảo tồn di tích được tăng cường. Các ngày lễ như: lễ Phật đản, lễ Vu lan, lễ Thành đạo, lễ hội Hoa đăng tại Chùa Trùng Khánh, Chùa Kỳ Đài, Chùa Vị Lương cùng các lễ hội truyền thống tại Đình Vạn Diệp (15-3 âm lịch), Đền Tam Phủ (24-6 âm lịch), Đền Năm Cây (25-7 âm lịch)… được tiến hành nghiêm túc, đảm bảo các nghi lễ trang trọng, an toàn, tiết kiệm, góp phần bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống cộng đồng. Để nâng cao chất lượng công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, từ năm 2012, xã đã huy động các nguồn lực xã hội nhằm xây dựng, sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hoá, thể thao. Đến nay, 14/20 xóm trong xã đã xây dựng được NVH. Với hệ thống thiết chế NVH được đầu tư xây dựng đồng bộ và có nhiều hạt nhân văn nghệ, thể thao tiềm năng nên các phong trào văn hoá, văn nghệ, TDTT luôn duy trì hoạt động ổn định. Xã có 5 đội bóng thôn, 1 CLB cờ tướng, 1 CLB dưỡng sinh Thức vũ kinh, 1 CLB đàn hát dân ca thôn Vị Lương, 1 CLB ca khúc cách mạng và 20 tốp văn nghệ ở các xóm… Ở thôn Vị Lương, hát dân ca từ lâu đã trở thành “món ăn” tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây trong mỗi dịp lễ, tết. Từ nhu cầu phục vụ đông đảo bà con nhân dân, năm 2010, CLB đàn hát dân ca thôn Vị Lương được thành lập với nhiều thành viên đam mê bộ môn nghệ thuật chèo truyền thống. Hiện nay, CLB có 10 thành viên ở đủ mọi lứa tuổi, trong đó có 5 nhạc công và 5 diễn viên, là những người nông dân chân chất, bình dị quanh năm vất vả với công việc đồng áng. Chứng kiến một buổi luyện tập, biểu diễn của CLB đàn hát dân ca thôn Vị Lương mới thấy hết niềm đam mê nghệ thuật của các thành viên. Ông Hoàng Tiền, nhạc trưởng CLB đàn hát dân ca thôn Vị Lương cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn về kinh phí hoạt động, nhưng với tình yêu, niềm đam mê nghệ thuật, các thành viên trong CLB đã tự mua sắm được đầy đủ trang phục, đạo cụ biểu diễn và một số nhạc cụ dân tộc như: đàn tranh, đàn bầu, đàn nhị, sáo trúc. Các nhạc cụ được các nhạc công biểu diễn thuần thục. Năm nào cũng vậy, tại lễ hội Đình, Chùa Vị Lương đều có chương trình biểu diễn hát chèo của CLB đàn hát dân ca Vị Lương. Ngoài ra CLB còn phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong và ngoài xã. Đội ca khúc cách mạng của Đoàn Thanh niên xã có 15 thành viên đã dàn dựng nhiều tiết mục phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương với hàng trăm ca khúc cách mạng có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, ca ngợi quê hương đất nước… Thôn Ngô Xá có 3 xóm: Nam Hùng 1, Nam Hùng 2 và Nam Phong đều đã thành lập được 3 tốp văn nghệ quần chúng với nòng cốt là hội viên Hội Phụ nữ, CCB, NCT; mỗi tốp có từ 7-10 người duy trì hoạt động ổn định từ nguồn kinh phí xã hội hoá. Riêng xóm Nam Hùng 1 sau khi xây dựng NVH vào đầu năm 2015 đã thường xuyên tổ chức các chương trình giao lưu văn nghệ vào Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18-11), Ngày Gia đình Việt Nam (28-6). Ngoài các CLB, tốp, đội văn nghệ ở các thôn, xóm, tại 3 trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn xã đều có các đội văn nghệ hoạt động đa dạng các thể loại như: ca nhạc, múa dân gian, múa đương đại, kịch. Trong các giờ chào cờ, sinh hoạt, các nhà trường tổ chức đan xen các tiết mục văn nghệ với các hoạt động chuyên môn. Trường mầm non xã với đội ngũ giáo viên trẻ, năng động và giàu tình yêu văn nghệ là những hạt nhân thường xuyên tham gia các chương trình văn nghệ địa phương. Các trường tiểu học, THCS của xã cũng thường xuyên tổ chức các hội thi, hội diễn nghệ thuật học đường đa dạng ở nhiều chủ đề như: bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, chủ quyền biển, đảo Tổ quốc… Bên cạnh đó, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ cho tập thể giáo viên và học sinh nhân dịp Tết Trung thu, lễ khai giảng, lễ tổng kết năm học, Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), Ngày thành lập Đoàn (26-3), Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11)…
Phát huy những thành tích đã đạt được trong công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, thời gian tới xã Nam Phong tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hoá; tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, hoàn thiện các thiết chế văn hóa cơ sở, góp phần bồi đắp những giá trị văn hoá tinh thần phong phú cho nhân dân./.
Bài và ảnh:
Khánh Dũng